1. Khấn chưa đầy tháng, tôi đã đi giúp xứ. Lính mới tò te, tôi đi cùng một chị lớp trên. Xứ chúng tôi giúp là một thành phố miền sơn cước, đẹp và thơ mộng. Chị lớp trên lo về giáo lý, hát lễ. Còn tôi phụ trách mảng diễn nguyện, hoan ca. Hết múa hát với các bà sồn sồn, lại nhảy nhót với các em thiếu nhi, học sinh, sinh viên. Mệt nhưng vui. Thấy mọi người háo hức đón Noel, tôi cũng thấy ấm lòng. Hạnh phúc là được cho đi mà. Thứ năm, tôi đến chỗ hẹn với các em sinh viên. Trường đại học nằm sâu trong ngõ. Ngó ngược, ngó xuôi không thấy ai, tôi bấm máy.
- Alô
- Dạ, dì đợi em một lát nhé. Em ra ngay ạ.
An tâm ngồi đợi, tôi ngó ngơ xung quanh. Hàng quán nhiều vô kể. Sinh viên đi lại đều đều, nói cười rôm rả, miệng lép nhép ăn quà vặt, vừa đi vừa trêu chọc nhau rồi cùng cười hả hê. Mấy cậu thanh niên đang xúm xít cạnh hai cô nàng xinh xinh… Tôi bật cười, mơ màng nhớ lại chuỗi ngày sinh viên của mình. Có lẽ ngày xưa mình cũng buồn cười như thế. Tuổi trẻ mà, thích xanh xanh đỏ đỏ, thích tỏ vẻ ta đây. Ôi một thời in đậm dấu ấn còn đâu!
- Bộp – cái đập vai bất ngờ khiến tôi giật mình quay lại.
- Sao bà lại ở đây? – một cái mặt quen quen cất tiếng hỏi tôi.
- Ơ… - tôi tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Đúng là trái đất tròn. Không bao giờ tôi nghĩ sẽ gặp bà ở chốn núi rừng này. Mà bà làm gì ở đây? – Hắn hồn nhiên hỏi.
- À, đi chơi – tôi đáp.
- Đi chơi? – Hắn hỏi lại.
- Ừ - Tôi gật đầu.
- Bà rảnh rang thế? Mà tôi nghe nói bà bị nhốt trong bốn bức tường 24/24 giờ cơ mà?
- Ai bảo ông thế?
- Không phải bà đi tu à?
- Ừ, thì tôi đi tu.
- Có nhiều chuyện để nói rồi đây, vào quán uống nước đi! – Hắn đề nghị.
- Không được. Tôi đang đợi người khác – Tôi từ chối.
- Ai vậy?
- Mấy em kia kìa – Tôi vừa nói vừa chỉ hai em sinh viên đang tiến về phía mình.
- Gặp lâu không? – Hắn hỏi.
- Cả buổi chiều – Tôi đáp.
- Cho tôi số điện thoại của bà – Hắn đề nghị.
- Tôi không có.
- Vậy chiều tôi sẽ quay lại đây đón bà. Bye bye!
- Bye!
Hắn ào đi nhanh như khi hắn đến. Mải tập cho các em sinh viên, tôi quên bẵng cậu bạn thời trung học vừa gặp lại. Xong việc, tôi xách xe ra về. Trời xâm xẩm tối. Tôi vội vã tăng ga vọt đi. Bỗng chuông điện thoại reo. Tôi dừng lại nghe máy.
- Alô, bà lừa tôi đấy à? – Đầu bên kia bốp ngay.
- Xin lỗi, ai đó ạ? - Tôi hỏi.
- Tôi đây…
- À … tôi quên mất, xin lỗi nhé. Nhưng sao ông biết số điện thoại này?
- Dễ ợt, hỏi sinh viên... Đứng đó đợi tôi nghe chưa – Hắn nói như ra lệnh.
Tôi dừng xe bên đường đợi. Hắn nhanh chóng xuất hiện.
- Bà nhiều tội lắm đấy – Hắn rào đầu.
- Xin lỗi rồi mà – Tôi chống chế.
- Kiếm quán nào ngồi trò chuyện đi – Hắn đề nghị.
- Không được! – Tôi từ chối.
- Sao vậy?
- Muộn rồi, tôi phải về cho kịp giờ đọc kinh.
- Nghỉ một ngày không đươc à? – Hắn hỏi.
- Không! – Tôi khẳng định.
- Vậy đợi tôi một lát.
Hắn tạt xe lên vỉa hè, phóng đi. Một lát sau, hắn chạy bộ ra, ngồi lên xe tôi cầm lái.
- Ông làm gì vậy? – Tôi hỏi.
- Đưa bà về nhân tiện trò chuyện luôn – Hắn giải thích.
- Không cần đâu, tôi tự về được rồi.
Hắn không đáp, nhấn ga lao về phía trước.
- Sao bà đi tu? – Hắn hỏi.
- Thì thích – Tôi đáp.
- Khó hiểu, người ta có chồng có con hạnh phúc, mình lủi thủi một đời – Hắn nói vẻ mai mỉa.
- Tôi đâu có lủi thủi. Đời tu vui và hạnh phúc lắm đấy – Tôi khẳng định.
- Hão huyền, tự lừa dối mình – Hắn tiếp tục mỉa mai.
- Với tư tưởng ấy, có nói gì ông cũng không hiểu. Tốt nhất là im lặng.
- Bà bịt miệng tôi sớm thế? – Hắn tiu nghỉu.
- Thì ông muốn vậy mà – Tôi bụp lại.
Câu chuyện của tôi với hắn cứ đều đều, ngang ngang như thế suốt quãng đường năm, sáu cây số. Toàn chuyện phiếm. Hết lý luận này nọ rồi quay sang chuyện làm ăn, chuyện lấy vợ, lấy chồng, chuyện bạn bè thời cấp hai, cấp ba. Chả chuyện nào ra chuyện nào nhưng tôi cũng thấy vui vui. Không ngờ tôi có thể gặp được một người bạn ở chốn xa lắc xa lơ thế này. Nhờ đó mà quãng đường như ngắn lại. Nhiều năm không gặp, hắn chẳng khác xưa là mấy. Vẫn kiểu nói chành chọe, khiêu khích, vẫn kiểu lý luận trên trời dưới đất ấy, và vẫn vô tư, nhiệt tình như xưa. Thật hiếm thấy.
- Ghé vào điểm xe buýt kia đi – Tôi vỗ vai hắn.
- Để làm gì? – Hắn ghé vào, dừng lại.
- Đuổi ông xuống. – Tôi thản nhiên đáp.
- Sao thế? Tôi đắc tội gì vậy? – Hắn hỏi
- Không tội gì, chỉ là sắp đến gia đình tôi ở thôi – Tôi đáp nhẹ.
- Thì để tôi chở về tận nơi – Hắn đề nghị.
- Không được – Tôi đáp nhanh.
- Lý do? – Hắn thắc mắc.
- Tôi không thích người ta nhìn thấy tôi đi cùng một thằng con trai.
- Sợ dư luận à? – Hắn hỏi.
- Không sợ nhưng nên tránh – Tôi phân bua.
- Bà trở nên dè dặt từ bao giờ vậy? Không nghênh chiến như xưa nữa à? – Hắn tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Thời đó qua rồi. Xuống đi! – Tôi đáp gọn.
- Bà thay đổi nhiều quá – Hắn ỉu xìu.
- Ừ, cũng đến lúc phải thay đổi chứ - Tôi khẽ đáp lại.
- Lý do nào làm bà thay đổi lạ thường như vậy? – Hắn hỏi.
- Cuộc sống…thời gian… tuổi tác… - Tôi nói vẻ suy tư.
- Chà chà… khó tin quá – Hắn tặc lưỡi.
- Xe buýt đến rồi. Ông lên xe đi – Tôi giục hắn.
- Không! Tôi đi chuyến sau. Nói chuyện thêm một lúc đã - Hắn đáp.
- Nói mãi chưa hết chuyện à? Muộn rồi, tôi phải về -Tôi ái ngại đáp.
- Về cũng được. Bà cho tôi địa chỉ nơi bà ở, tôi sẽ đến chơi sau – Hắn lên tiếng.
- Không được! – Tôi đáp nhanh.
- Lý do?
- Không tiện, vì tôi đi tu mà – Tôi giải thích.
- Sợ hiểu lầm à? – Hắn nheo mắt.
- Ừ, “tránh voi chả xấu mặt nào” mà… - Tôi đáp lửng.
- Vậy đi tu là không được có bạn à? – Hắn hỏi vặn.
- Không phải là không được có bạn, nhưng bạn phải đúng nơi, tùy lúc – Tôi phân trần.
- Khó hiểu quá – Hắn nhún vai.
- Thì từ từ rồi ông sẽ hiểu. Xe đến rồi, ông lên xe đi – Tôi lại giục hắn.
- Để chuyến sau – Hắn xua tay.
- Ông không đi thì tôi đi trước – Tôi nói rồi ngồi lên xe.
- Ê, vô tình vậy sao? – Hắn trợn tròn mắt
- Biết làm sao được. Thời gian không chờ ai mà. Tôi cũng là bất đắc dĩ thôi… Thông cảm nhé.
Tôi nói rồi nhấn ga hòa vào dòng người qua lại, mặc cho hắn đứng đó một mình. Kể ra cũng hơi vô tình nhưng biết làm sao được. Hắn không hiểu cho tôi thì tôi phải tự hiểu cho mình chứ. Tôi đi làm mục vụ chứ có phải đi chơi đâu. Nếu cứ dây cà ra dây muống như thế thì đến lúc nào mới hết chuyện. Làm người cần phải phân biệt cái nào chính, cái nào phụ. Biến phụ thành chính là hỏng bét. Trời tối rồi, phải về gấp cho kịp giờ kinh. Tôi nhấn ga cho xe chạy nhanh hơn, lòng miên man suy nghĩ: không biết nếu ở hoàn cảnh này, Chúa có hành động giống như tôi không? Thằng bạn tôi có thấy buồn hay giận tôi vì đã bỏ mặc hắn ở đó không? Tôi làm vậy có quá đáng với hắn không, nhất là hắn lại không cùng tôn giáo với tôi? Tôi ngước mắt thầm thì lời cầu nguyện: “lạy Chúa, xin Chúa an bài và lo liệu mọi sự cho con. Con không thể đứng đó thêm nữa, vì hắn không muốn dứt chuyện. Xin Chúa soi sáng để hắn đừng hiểu lầm hay có ác cảm với đạo của Chúa. Con phó thác tất cả trong tay Chúa”. Tôi thấy lòng nhẹ nhàng hơn, nhích tay ga tiến thẳng về nhà.
2. Sau một buổi tập tành mệt nhoài với các em sinh viên, tôi lại xách xe ra về. Đề máy – im lặng! Vặn lại chìa khóa – xe vẫn đứng im. Sự cố thật rồi. Trời nhá nhem tối. Mưa phùn lất phất bay. Nhìn xe mà lo lắng, tôi vội bấm điện thoại báo tin cho mọi người biết tình hình. Cô họ tôi bảo đứng đó đợi, cô sẽ xuống. Sốt ruột, tôi đành dẫn bộ tìm quán sửa.
- Dì để em dắt cho ạ - một em sinh viên lên tiếng.
- Ừ, giúp dì với. Nó hơi nặng, chắc dì cũng không dắt được lâu.
Hai chị em đi mãi đến tận quốc lộ mới thấy hàng sửa xe. Mưa mỗi lúc một dày hơn. Trời lạnh. Gió vi vu. Chú sửa xe tháo tháo, chọc chọc một lúc là ổn. Tôi gọi điện báo xe đã sửa được để cô tôi khỏi xuống nữa, nhưng gọi mãi không ai bắt máy.Tôi đưa em sinh viên về phòng trọ rồi ra con lộ đứng đợi. Nhìn làn mưa bay bay, lòng chợt thấy bâng khuâng lạ.
- Hello! Tôi cứ tưởng mình chậm chân chứ… may quá! – Hắn đột nhiên xuất hiện.
- Tôi có hẹn với ông à? – Tôi mỉa mai.
- Không, là tôi tự hẹn mình đến đây gặp bà - Hắn toét miệng chống chế.
- Sao ông biết tôi ở đây?
- Hỏi thừa. Muốn biết sẽ có cách biết thôi. Mà sao bà cứ bắt bẻ tôi thế? – Hắn cự nự.
- Tự hỏi lại mình đi! – Tôi hất hàm.
- Bà đang đợi ai đấy? Hay là đợi tôi? – Hắn nheo mắt.
- Đúng là mơ giữa ban ngày – Tôi đáp gọn thỏn.
- Sao bà cứ thẳng thắn với tôi quá vậy? Thử giả vờ cho tôi vui một chút xem nào? - Hắn cằn nhằn.
- Ông xem phim “Hãy đợi đấy” chưa? – Tôi mỉa mai.
Chúng tôi vào quán nước. Sau khi nghe tôi kể sự tình, hắn chẳng cảm thông còn toét miệng cười. Tệ! Hắn say sưa kể cho tôi nghe về thành phố núi yên bình này. Hình như hắn có cảm tình đặc biệt về mảnh đất nơi đây. Hắn khoe cảnh đẹp, những nét văn hóa đặc trưng của người Thái bản xứ. Hắn bảo ăn gà bản là ngon nhất, nếm “thắng cố” là thú vị nhất, tắm nước nóng ở bản là sướng nhất và dạo phố núi dưới làn mưa bay là tuyệt vời nhất. Hắn nói hắn thích cái êm đềm, bình yên nơi phố núi này nhưng hắn không muốn cắm dùi ở đây. Xa quê hương quá. Lần đầu tiên, tôi thấy hắn không đơn thuần chỉ là một kẻ lãng tử, phiêu du nhưng cũng là người có chút tâm hồn sâu lắng. Thật kinh ngạc. Thì ra hắn cũng thay đổi nhiều. Có lẽ cuộc sống nay đây mai đó đã mặc cho hắn chút tình chăng? Tôi chuẩn bị có cái nhìn khác về hắn rồi đây. “ Bài thánh ca đó còn nhớ không em..” Chuông điện thoại của hắn ngân lên.
- Alô – Hắn nghe máy- dạ dạ, vâng vâng….
- Ông lấy bài hát này làm nhạc chuông à? Hơi ngạc nhiên đấy – Tôi hỏi.
- Sao mà ngạc nhiên? – Hắn hỏi lại.
- Ông thích bài hát đạo hay thích người có đạo đấy?
- Thích đạo, thích bài hát đạo và cả người theo đạo nữa – Hắn liệt kê.
- À, chắc đang “iu” người có đạo, đúng không? – Tôi nheo mắt hỏi.
- Ừ, nhưng có lẽ không thành – Hắn nói giọng buồn buồn.
- Sao vậy? Trục trặc tôn giáo à?
- Không.
- Thì tiến tới đi – tôi khích lệ.
- Khó lắm, sợ tiến không nổi.
- Sao thế? Nói đi. Tôi cố vấn cho – Tôi sốt sáng.
- Thì không biết người ta có thích mình không?
- Đơn phương à?
- Có lẽ vậy.
- Trời! Làm thằng con trai kiểu gì vậy? “Thích cứ tỏ, yêu cứ ngỏ. Nhất cự ly, nhì cường độ, ắt đối tượng phải đổ”, ông quên rồi à? – Tôi nhắc nhở hắn.
- Không quên nhưng không thể áp dụng – Hắn nói vẻ tiu nghỉu.
- Vì sao?
- Ở xa quá, không có cách liên lạc.
- Thì xin số điện thoại.
- Người ta không dùng.
- Thì email.
- Cũng không sử dụng.
- Người gì lạ quá?
- Đi tu – Hắn đáp.
- Oh, đúng là bótay.com. Khuyên ông chuyển hướng gấp và quên ngay bóng hồng đó đi. Vì ông đang chui vào ngõ cụt đấy - Tôi thành thật cho hắn lời khuyên - Đi tu rồi thì còn hi vọng gì nữa, ôm ấp chi cho mệt. Mà người ta tu rồi thì ông làm ơn để người ta tu cho trọn kiếp, đừng quấy rầy người ta. Lợi bất cập hại, khổ cả hai.
- Tôi từng nghe chuyện một bà sơ lấy chồng – Hắn như muốn níu kéo ý định.
- Bậy, làm gì có chuyện bà sơ lấy chồng. Là sơ thì không thể lấy chồng. Trừ phi người ta không còn tu, không còn là sơ nữa, mới được phép lấy chồng – Tôi giải thích.
- Ừ, thì người ta bỏ áo sơ về lấy chồng – Hắn chống chế.
- Có thể có, nhưng rất hãn hữu. Con số ấy vô cùng nhỏ.
- Biết đâu tôi gặp người nằm trong con số nhỏ ấy – Hắn chưa chịu buông.
- Ông đang mơ đấy à? Tỉnh đi. Đời đầy con gái đẹp, giỏi giang, đảm đang, tha hồ chọn lựa. Ông đừng thò tay vào cõi thanh tịnh ấy làm chi… Chỉ tổ gây giông tố và làm khổ nhau thôi. Đề nghị ông dừng khẩn cấp cái ý định đó đi – Tôi sốt sáng khuyên lơn.
- Nghiêm trọng thế à? – Hắn hỏi lại.
- Chứ sao? – Tôi xác nhận.
“Bài thánh ca đó còn nhớ không em...” – Điện thoại của hắn lại reo.
- Alô – hắn nghe – vâng, em ra ngay đây.
- Ông có việc thì cứ đi đi – Tôi lên tiếng.
- Tối nay, tôi về Hà Nội rồi đi Hà Nam luôn.
- Bao giờ lại lên? – Tôi hỏi.
- Không biết. Có thể không lên nữa
- Về xuôi luôn à?
- Có thể.
- Mấy giờ xe chạy?
- 7h00
- 6h30 rồi, đi đi kẻo muộn.
- Tôi đi nhé.
- Ừ, tạm biệt. Chúc ông lên đường bình an.
- Cám ơn bà. Tôi rất vui vì được gặp lại bà.
- Tôi cũng vậy. Tạm biệt nhé. Chúc Giáng sinh vui vẻ.
- Ừ, chúc Giáng sinh vui vẻ. Bye nhé.
Hắn lên xe vẻ lưu luyến. Tôi vẫy tay chào. Hắn vù xe phóng đi. Tôi đứng bên đường ngóng tìm người nhà. Trời mỗi lúc một tối. Mưa như dày thêm. Đèn xe nhập nhòe lao trên phố. Bóng đèn cao áp hắt thứ ánh sáng mờ yếu xuống đường. Người qua xe lại nhiều quá mà tôi chưa tìm thấy ai. Trời tối quá rồi. Mưa mỗi lúc thêm dày. Cái lạnh theo hạt mưa ngấm vào da thịt tôi tê tái. Tôi sốt ruột, căng mắt kiếm tìm mà vẫn chẳng thấy người nào xuất hiện. Gọi điện mãi cũng không ai nghe máy. Tôi chắp tay, ngước mắt khẩn cầu. Và Chúa đã thương tôi. Cô chú tôi đã đến. Tôi lên xe về nhà. Lòng miên man nghĩ về những chuyện mới xảy ra. Mưa dày quá làm người tôi ướt nhẹt. Tôi cởi áo khoác, vứt vào chậu. Một mẩu giấy cuộn tròn văng ra. Nhặt lên xem là cái gì, tôi bỗng đứng khựng. Giấy hắn viết gửi cho tôi. Bên trong có mấy tờ pôlime xanh ngắt và dòng tin nhắn: “mua cái gì âm ấm một chút làm quà Giáng sinh dùm tôi nhé. Bà mặc phong phanh như thế dễ cảm lắm. Cái lạnh nơi phố núi này không tha ai đâu. Nhớ mặc đủ ấm khi ra đường nhá, ma xơ. Ký tên: Tôi của bà “Bài Thánh ca buồn”.
Một cái gì như mơn man, dìu dịu, ngòn ngọt đến trong lòng tôi. Dòng tin ấy cứ chạy đi chạy lại trong đầu tôi… Vậy là có người tặng quà cho tôi, món quà Giáng Sinh đầu tiên trong màu áo nữ tu. Đó không chỉ là món quà hắn tặng tôi mà chính là món quà Chúa ưu ái dành cho tôi qua hắn. Tôi tạ ơn Chúa và cám ơn hắn đã mang cho tôi chút hơi ấm giữa cái giá lạnh của mùa Đông. Chúa đã tặng quà cho tôi, còn tôi có quà gì dành cho Chúa? Tôi bỗng giật mình nhận ra sự vô tình của mình. Suốt gần một tháng qua, tôi mải mê công việc và chỉ biết cầu xin Chúa giúp sức cho tôi, chứ tôi chưa để tâm chuẩn bị quà tặng cho Chúa. Trên đường đến nhà nguyện, tôi thả hồn miên man với niềm trăn trở ấy. Dọc hai bên đường, ánh đèn màu lung linh tạo nên một khung cảnh vô cùng đẹp mắt và nên thơ. Cuộc sống thật kỳ diệu và Chúa đúng là người rất lãng mạn khi tạo nên cuộc sống với bao cảnh đẹp thơ mộng như thế này. Tôi nhìn ngắm những thứ đang lung linh, lấp lánh trên phố mà cảm nếm như chính Chúa đã dành riêng những thứ ấy cho tôi. Chỉ với một quãng đường ngắn ngủi thôi nhưng tôi đã cảm nếm được rất nhiều cung bậc cảm xúc với Chúa. Có lúc như là day dứt vì sự vô tâm của mình, có lúc như đang lang thang với Chúa trong tình yêu dịu ngọt, có lúc như muốn ồ lên vui sướng, có lúc lại muốn chùng xuống vì thấy mình bất xứng quá. Nhưng sau tất cả vẫn là niềm tín thác nơi lòng bao dung của Chúa. Chúa sẽ chẳng trách một đứa vốn rất vô tư, vô tâm như tôi đâu. Chúa dựng nên tôi nên Ngài hiểu tôi lắm. Chúa dùng món quà nhỏ này để nhắc khéo tôi đấy mà. Nhiều lúc Chúa cũng tỏ ra ý nhị như thế với người Chúa yêu. Tôi hiểu lắm chứ. Mà hình như Chúa cũng hơi ghen khi biết tôi vui vì gặp lại người bạn cũ với một chút bâng khuâng? Liệu cảm nhận này của tôi có đúng không? Hay tôi đang lấy dạ tiểu nhân mà đo lòng quân tử? Tôi chẳng biết nữa. Tôi bỗng thấy nhớ nhà, thấy nhớ và yêu cộng đoàn, yêu nhà dòng tôi quá đỗi. Không biết giờ này mọi người đang làm gì? Chuẩn bị Noel đến đâu rồi? Còn các chị đi mục vụ ở những nơi khác nữa. Không biết tình hình các chị ra sao? Các chị có vất vả lắm không? Có ai chợt bâng khuâng điều gì đó giống như tôi lúc này không? Ước gì giờ này tôi được ở trong nhà dòng của tôi, để nhìn ngắm, để cảm nghiệm cái ấm cúng, cái thân thương của mùa Giáng sinh đầu tiên sau ngày khấn. Tôi chợt muốn hét lên thật to: “Mọi người ơi, em yêu mọi người nhiều lắm!” Tôi gửi tất cả những tâm tình ấy cho Giêsu như món quà Giáng sinh đầu tiên của đời nữ tu tôi dành cho Ngài. Nhanh quá. Tính đến hôm nay là tôi đã khấn được một tháng mười ba ngày rồi đấy. Gió vẫn thổi, mưa vẫn rơi, cái lạnh vẫn lượn lờ quanh phố nhưng lòng tôi thấy ấm áp lạ kỳ. Tạ ơn Chúa vì tất cả những gì Ngài dành cho tôi.
Nhớ mãi Giáng sinh 2010.