Thứ bảy, 23/11/2024

“Chúa Ơi, Đừng Bắt Dì Tao Đi Nhé!”

Cập nhật lúc 09:48 18/05/2022

 
- Dì ơi, mày bỏ chúng tao về xuôi à? – Giọng một thiếu phụ Hmong vang lên.
- Đừng bỏ chúng tao dì nhé! – Một người phụ nữ Hmong khác cũng lên tiếng.
- Dì không muốn ở với chúng tao nữa à?
- Chúng tao thích dì lắm, dì đừng đi nhé!
Những câu nói đơn sơ ấy của bà con dân tộc Hmong như những mũi tên ghim vào lòng chị, khiến chị nghẹn ngào. Những ánh mắt níu kéo tha thiết ấy, những khuôn mặt mộc mạc khắc khổ ấy của bà con Hmong làm cho chị thổn thức. Kể từ khi nhận được thông báo chị sẽ chuyển về một cộng đoàn vùng xuôi, lòng chị buồn biết mấy. Chị bỗng thấy lưu luyến, không muốn rời xa bản làng Hmong hẻo lánh này. Lòng chị mơ màng nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu tiên đặt chân đến bản. Tất cả vẫn còn y nguyên trong tâm trí của chị, giống như vừa mới ngày hôm qua vậy. Rồi mọi thứ cứ từ từ ùa về trong chị, nhẹ nhàng tựa làn mưa bay nhưng cũng ướt đẫm cả tâm tư.


 ​* * *
 
Ngày đầu tiên nhóm của chị đến với bản, có đủ cả nắng và mưa. Lúc rời nhà xứ, trời vẫn còn nắng đẹp. Quang cảnh trên đường đi xuất hiện trước mắt thật sáng rõ, thật lung linh. Dưới ánh nắng, vẻ đẹp của núi rừng như bừng lên rực rỡ. Những ruộng lúa bậc thang uốn mình ôm lấy núi, tạo nên những bức tranh đẹp đến mê lòng. Những đám mây bồng bềnh, bồng bềnh bao quanh ngọn núi cao càng làm cho phong cảnh thêm hữu tình. Những thung lũng xanh mát, có dòng suối róc rách chảy qua như muốn níu chân người lữ khách. Vẻ đẹp của Tây Bắc thật khó có ngòi bút nào có thể lột tả hết được. Từng chút, từng chút vẻ đẹp ấy cứ nhẹ nhàng len lỏi và có thể lạc vào tâm hồn của bất cứ ai khi đặt chân đến đây. Tây Bắc đẹp thế đấy nhưng đôi lúc lại giống như một cô gái đỏng đảnh thay đổi đến bất ngờ, vừa nắng đó mà đã mưa ngay. Nhóm của chị đi được nửa đường thì trời ập mưa tới. Cơn mưa rừng ào ào kéo đến, nhanh và mạnh như muốn cuốn theo tất cả. Nhóm của chị buộc phải dừng xe vì đường trơn trượt, không thể đi tiếp. Những con đường một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm, không cho phép người ta liều lĩnh để tiếp tục hành trình. Do đó, cả nhóm của chị phải đứng bên đường chờ mưa tạnh. Mưa ào ào như hắt nước vào người chị, khiến chị run lên bần bật.
- Nả gầu sư lấy cái này mà che đầu – cậu bé người Hmong chìa mảnh nilon về phía chị. “Nả gầu sư” là cách gọi các nữ tu bằng tiếng Hmong.
- Cám ơn em – chị cầm vội mảnh nilon che lên đầu – Em tên là gì?
- A Tủa.
- Cám ơn A Tủa nhiều nhé.
- Đây là lần đầu nả gầu sư đến bản Hmông à?
- Đúng rồi, đây là lần đầu tiên.
- Nả gầu sư có sợ không?
- Sợ gì?
- Sợ ở với bản Hmong vì người Hmong nghèo lắm.
- Không sợ đâu. Nghèo cũng ở được.
- Chỉ sợ người Hmong nghèo quá sẽ làm nả gầu sư sợ mà bỏ đi.
Câu nói của cậu bé A Tủa đi cùng khiến chị giật mình, nhận ra sự lắng lo của bà con Hmong nơi đây. Họ mong có các nữ tu đến ở với họ và giúp họ trong đời sống đức tin; nhưng họ cũng sợ các nữ tu không chịu được cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của họ mà bỏ đi. Chị không biết vì sao họ lại có nỗi sợ ấy, nhưng chị cũng hiểu được một chút tâm tư của họ. Sống giữa núi rừng bao la, với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, người Hmong cũng rất đơn sơ và hồn nhiên. Suy nghĩ của họ thật đơn giản, nhưng cũng nặng trĩu tâm sự.
- Hết mưa rồi, nhưng đường trơn lắm, không đi bằng xe được đâu – A Tủa lên tiếng.
- Vậy bây giờ phải làm sao? – Chị hỏi lại trong lo lắng.
- Phải tìm chỗ gửi xe và đi bộ lên bản thôi.
- Gửi xe ở đâu bây giờ?
- Ở đằng kia kìa – A Tủa vừa nói, vừa chỉ tay về phía trước.
- Dốc cao như vậy, đường lại trơn thế này thì làm sao đẩy xe tới đó được?
- Cứ đẩy thôi.
- !!!
Thế là cả nhóm ì ạch túm vào đẩy từng chiếc xe lên dốc. Người Hmong thân thiện và dễ mến. Dù chỉ là khách qua đường nhưng họ cũng vui vẻ nhận lời cho gửi hai chiếc xe máy hẹn tới khi nào trời nắng mới lấy về, rồi chủ nhà còn cho thêm mỗi người một chiếc gậy để đi đường. Cả nhóm vác ba lô, đi bộ lên bản. Hành trình lên bản ngày mưa thật quá gian nan. Dù mỗi người đã có một chiếc gậy để chống, giúp di chuyển dễ dàng hơn nhưng chị vẫn “vồ ếch” liên tục. Đất núi “mến người” nên cứ bám chặt vào chân như níu giữ, không muốn ai rời đi. Vì thế, việc di chuyển của chị gặp nhiều khó khăn. Chị chẳng còn cảm nhận được cái lạnh của mưa nữa, thay vào đó là cái nóng tăng dần cùng những giọt mồ hôi cứ túa ra theo từng bước đi. Người lấm lem bùn đất. Chân đã mỏi cứng, rã rời mà vẫn chưa lên tới bản.
- Còn bao nhiêu cây số nữa mới tới bản? – Chị sốt ruột hỏi.
- Gần 5 cây số thôi – cậu bé A Tủa trả lời.
- Vậy phải hơn một tiếng nữa mới tơi nơi?
- Không tới được đâu, phải mất 3 tiếng nữa.
- Ôi, gần 5 cây số mà mất những 3 tiếng đồng hồ ư?
- Đường trơn lắm, nhiều dốc lắm, không đi nhanh được đâu.
- !!!
Nghe câu trả lời của A Tủa, chị thấy hơi hoang mang, không biết mình có đủ sức để lên tới bản hay không. Người chị em đi cùng cũng có chung tâm trạng với chị. Vì không quen đi bộ đường núi, lại gặp đúng ngày trời mưa trơn trượt như thế này, nên hai chị em phải vừa đi vừa nghỉ để đủ sức tiếp tục hành trình. Trời đã quá trưa, bụng đói cồn cào mà đi mãi vẫn chưa thấy bản làng nào xuất hiện. Lòng chị có một chút lo sợ và hoang mang. Chị ngước mắt lên trời, thì thầm dâng lời cầu nguyện, xin Chúa giúp sức cho mình và cho mọi người. Nhờ ơn Chúa, cuối cùng, nhóm của chị cũng đã lên tới bản. Chân muốn quỵ xuống, toàn thân rã rời, hai chị em ngồi thở lấy sức. Một nhóm phụ nữ từ đâu chạy ào tới, quây lấy hai chị em, người thì mang giúp ba lô, người thì cầm tay kéo đi, người thì đẩy lưng để giúp hai chị em đi hết con dốc lên nhà nguyện. Trong khoảnh khắc ấy, cái mệt mỏi gần như biến mất, thay vào đó là sự xúc động đến nghẹn lời. Mới lần đầu gặp mặt mà chị cảm thấy họ như đã thân quen từ lâu lắm rồi. Dù chưa nói câu nào, nhưng nụ cười và sự thân thiện của họ đã làm tan biến hết những mệt nhọc và cơn đói đang cồn cào nơi hai chị em. Ôi, thật diệu kỳ! Những con người xa lạ bỗng thành gần gũi, sự khác biệt về ngôn ngữ cũng nhường chỗ cho những cảm nhận của con tim. Tất cả đều nhờ hồng ân Chúa. Chính Chúa đã kết nối con người với nhau. Và cũng chính Chúa đã “se duyên” cho chị và bản làng Hmong này. Để rồi từ cái ngày đầu tiên có đủ nắng mưa ấy, chị đã gắn bó đời mình với bản làng, với bà con Hmong nơi miền sơn cước xinh đẹp này. Chị đã quen với cuộc sống thiếu thốn của người Hmong, mùa hè thì nóng chỉ biết hóng gió trời, mùa đông thì lạnh như cắt da, cắt thịt, ngồi co ro bên bếp lửa giữa nhà. Chị cũng dần quen với cảnh đi trên những con đường sương mù giăng kín lối, đứng cách một mét mà không nhìn rõ mặt nhau. Chị cũng không còn sợ mỗi khi chạy xe trên những đường mòn rộng khoảng 70 - 90cm, chỉ cần sơ sẩy một chút là xe có thể trượt bánh, rơi xuống vực sâu hun hút kia. Chị cũng không hề chùn chân trước những con dốc dựng đứng, với những khúc cua “tay áo” đầy nguy hiểm vẫn luôn thách thức sự can đảm của con người. Chị đồng cảm với cuộc sống nghèo nàn, thiếu thốn của bà con Hmong, với những bữa cơm chỉ có muối trắng và măng ớt. Chị vẫn nhớ như in cái lần đầu tiên ăn món măng ớt đặc sản của họ. Chỉ cần một khúc măng nhỏ như đốt ngón tay thôi cũng đủ để ăn hết hai, ba bát cơm đầy, vì nó quá cay và quá mặn. Lúc đó, chị đã khóc. Chị khóc không phải vì không ăn được món măng ớt quá cay và mặn ấy, nhưng chị khóc vì cảm thương cho cuộc sống thiếu thốn của họ. Chị đã nấc lên nghẹn ngào khi biết đó chính là món họ ăn hàng ngày, cũng là món ăn dự trữ cho cả một năm. Vì cần dự trữ lâu nên họ phải cho thật nhiều muối để măng không bị hư thối và họ cần cho nhiều ớt đủ cay để khi ăn, cơ thể có cảm giác nóng ấm mà chống lại cái giá rét của mùa đông. Chao ôi, cũng một kiếp người. Ở những thành phố hay ở những vùng quê giàu có, một bữa ăn của người ta có thịt, có cá, có sơn hào hải vị nhiều khi trị giá đến cả vài triệu đồng; còn ở đây, ở vùng núi xa xôi này, bữa ăn chỉ có cơm hoặc ngô với muối trắng và măng ớt mà thôi. Cuộc sống thiếu thốn, khó khăn là thế nhưng họ vẫn luôn vui tươi, hồn nhiên, sống đơn sơ, hiền lành, dễ thương dễ mến.
- Chào con, bố mẹ có nhà không? – Chị hỏi một em bé Hmong đang chơi bên sườn núi.
- Không, đi nương rồi - Cô bé Hmong trả lời.
- Vậy à? Các con đang chơi gì đấy?
- Hihi – Mấy đứa bé chỉ bụm miệng cười, không trả lời.
- Các con đã ăn cơm chưa?
- Chưa ăn.
- Vậy có đói không?
- Đói lắm.
- Bố mẹ có để sẵn cơm ở nhà cho ăn không?
- Không biết.
- Vậy à? Nào lại đây, dì cho bánh ăn cho đỡ đói – Chị đưa một chiếc bánh cho cô bé.
- Không đủ, còn mấy đứa nữa cơ.
- Mấy em nữa đâu?
Cô bé vừa nói, vừa chỉ tay về phía sau của ngôi nhà. Chị đi theo về hướng tay cô bé đang chỉ. Xuất hiện trước mắt chị là ba đứa bé chừng hai, ba, bốn tuổi, không một mảnh vải che thân, mũi dãi chảy đến tận cằm, đang ngồi bốc đất chơi với nhau. Cơ thể chúng tím tái vì lạnh. Chị thấy sống mũi cay cay, hai dòng nước mắt bỗng trào ra. Ôi, Chúa ơi, trời lạnh như thế này mà chúng không mặc gì sao? Chị tiến gần đến bọn trẻ, bế chúng lên, tìm quần áo mặc cho chúng. Lòng chị thấy nghẹn ngào, xót xa. Chao ôi, những phận đời… ! Chị chẳng biết làm gì khác trong hoàn cảnh này, chỉ biết rơi nước mắt xót thương. Chị ngước mắt lên trời, thì thầm lời cầu nguyện, xin Chúa thương an bài cho cuộc đời của chúng.
- Bà ơi, cho cháu hỏi nhà nào là nhà của Lồ A Lộ? - Chị lên tiếng hỏi một người phụ nữ Hmong đang ngồi dệt vải trước cửa ngôi nhà bên vệ đường.
- Chi pâu lù súa à (không biết tiếng kinh đâu) – Người phụ nữ trả lời bằng tiếng Hmong.
- !!! 
Thế là chịu. Ở đây, phần đông phụ nữ không biết tiếng phổ thông, nên chỉ có thể giao tiếp với họ bằng tiếng Hmong. Hai chị em học tiếng Hmong để có thể giao tiếp hàng ngày và tập hát lễ cho họ. Từ khi biết được cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn của họ, chị đã ấp ủ nhiều dự tính. Chị thao thức giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chị khát khao làm được điều gì đó cho những bản làng Hmong nơi núi rừng heo hút này. Chị lên kế hoạch cho một khởi đầu mới. Cùng sự giúp đỡ của nhà dòng, chị được kết nối với các ân nhân. Nhờ đó, bản làng đã có những khởi sắc. Chị thấy hạnh phúc khi nhìn bọn trẻ nô đùa hồn nhiên bên sườn núi hay những lúc chúng hồ hởi, phấn khởi mỗi khi được nhận quà. Quà có thể là chiếc áo, chiếc mũ, cái quần, đôi tất, cuốn tập viết hay những chiếc kẹo ngọt thôi, nhưng đã đem đến cho chúng những niềm vui, những nụ cười hạnh phúc đến không ngờ. Những khuôn mặt lem luốc với đôi chân trần và ánh mắt thơ ngây của chúng đã lạc vào trái tim chị từ lúc nào, chẳng biết nữa. Chị thấy ấm áp mỗi khi chúng quây quần bên chị để học bài, học múa, học hát và vui chơi. Chị thấy xúc động khi mỗi buổi tối được nghe người Hmong đọc kinh hay hát lễ bằng tiếng bản địa. Chị thấy vui mỗi khi khoác lên người bộ trang phục của người Hmong trong những dịp đặc biệt. Người nữ tu của Chúa không ngại hòa mình vào văn hóa của họ để họ thấy gần gũi, thân thương hơn. Chị thấy ấm lòng khi họ đã biết gọi chị là “dì”, thay vì gọi là “nả gầu sư” (Người giáo dân ở Giáo phận Hưng Hóa gọi các nữ tu là “dì”). Biết bao khó khăn do khác biệt về ngôn ngữ, về văn hóa, về đời sống vật chất, về địa hình đi lại hiểm trở, nhưng chị không hề nản lòng. Tình yêu chị dành cho người Hmong chưa bao giờ thay đổi. Chính những khó khăn phải đối diện mỗi ngày làm chị trở nên kiên cường hơn và tình yêu ấy càng mãnh liệt hơn. Tất cả đều nhờ ơn Chúa. Nhờ ơn Chúa, chị và người chị em đi cùng đã vượt qua được những khó khăn, thử thách để dấn thân phục vụ đồng bào Hmong và đem Tin Mừng của Chúa đến với họ.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chị đã thực sự gắn bó với người Hmong, hiểu họ và muốn bảo tồn văn hóa của họ, muốn họ được phát triển và thăng tiến trong đời sống đức tin cũng như trong cuộc sống thường ngày. Những dự tính còn nhiều, những kế hoạch đã lên và những công việc đang thực hiện…thì Bề trên nhà dòng gửi thông báo chị sẽ chuyển về một cộng đoàn vùng xuôi. Nhận được tin, lòng chị như thắt lại. Chị chưa sẵn sàng để rời khỏi nơi đây, chị cũng chưa từng nghĩ sẽ phải rời đi vào thời điểm này, nhưng Bề trên đã thông báo, chị cũng không thể không đi. Lời khấn Vâng phục không cho phép chị được đắn đo, do dự. Lời khấn ấy đòi hỏi ở chị một tiếng xin vâng dứt khoát. Chị thì thầm lời cầu nguyện với Chúa, xin Chúa cho chị ơn can đảm và mau mắn để luôn sẵn sàng ra đi theo như sắp xếp của nhà dòng. Nhưng chẳng hiểu sao, càng cầu nguyện, chị lại càng khát mong được ở lại với bà con nơi này. Chị mong được tiếp tục gắn bó và chia sẻ với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của họ. Chị mong được tiếp tục lên nương lấy sắn hay đi trồng ngô trên những sườn núi cao với họ. Chị mong được tiếp tục ăn món măng ớt cay mặn với họ. Chị mong, mong nhiều lắm… Lòng ngổn ngang tâm sự, chị lang thang trên con đường mòn uốn quanh sườn núi, ngắm nhìn cảnh vật cho vơi đi nỗi niềm. Phía xa xa, những đám mây trắng cuồn cuộn ôm chặt lấy núi. Rồi một cơn gió chợt đến thổi vào những đám mây đó. Mây cứ lưu luyến mãi như không muốn rời xa núi nhưng cuối cùng, mây cũng phải từ từ bay đi khỏi ngọn núi đó. Chị chợt nhìn thấy hình ảnh của mình nơi những đám mây ấy. Dù có lưu luyến đến thế nào, mây cũng không thể ở mãi bên núi vì sứ mệnh của mây là phải bay đi, phải di chuyển không ngừng để tạo nên những vẻ đẹp kỳ vĩ cho bầu trời rộng lớn. Dù yêu quý đến mức nào thì núi cũng chẳng thể níu chân mây, bởi mây không thuộc về núi mà mây thuộc về bầu trời bao la rộng lớn kia. Những khoảnh khắc mây ở bên cạnh núi thật đẹp biết bao nhưng vẻ đẹp ấy có giới hạn, vẻ đẹp ấy chẳng thể tồn tại mãi với thời gian. Vì mây thuộc về bầu trời nên mây phải học cách rời xa núi, mây phải học cách ra đi theo tiếng gọi của bầu trời kia và nhường chỗ cho những đám mây khác đến dệt cảnh đẹp cùng núi. Hình ảnh ấy khiến chị thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Chị quay về, chuẩn bị cho ngày rời đi để tiếp tục lên đường với một hành trình mới.
- Dì ơi, đừng bỏ chúng tao nhé – Một giọng nói lại vang lên.
- Không, dì không bỏ bà con đâu. Dì đi nhưng dì sẽ luôn nhớ cầu nguyện cho bà con mà – Chị trả lời để an ủi họ.
- Không, tao muốn dì ở lại với chúng tao cơ – Một người khác lên tiếng.
- Dì biết bà con muốn dì ở lại, nhưng dì phải đi vì Chúa muốn dì đi.
- Không, Chúa không muốn dì đi đâu. Tao sẽ cầu nguyện để Chúa không bắt dì đi – Một người nữa lên tiếng
- Nào, bây giờ, tất cả vào nhà thờ cầu nguyện đi – Thêm một người đề nghị.
Thế là họ cùng kéo nhau vào nhà nguyện. Chị cũng lặng lẽ theo sau họ, hiệp ý với lời cầu nguyện của họ. Nếu điều đó đẹp lòng Chúa thì xin Chúa hãy an bài. Lòng chị lại có chút xuyến xao. Họ cầu nguyện một lúc bằng tiếng Hmong, rồi lại kéo nhau ra khoảng sân phía trước.
- Dì ơi, tao vừa cầu nguyện rồi đấy, mày về bảo nhà dòng cho mày ở lại đây nhé – Một vị trung niên lên tiếng.
- Vậy ông cầu nguyện thế nào? – Chị lên tiếng hỏi lại.
- Tao bảo: “Chúa ơi, đừng bắt dì tao đi nhé”.
Chị im lặng, không biết nói gì. Trên suốt chuyến xe trở về nhà dòng, lòng chị ngổn ngang những nghĩ suy. Hình ảnh bà con Hmong quỳ gối cầu nguyện, xin Chúa cho chị ở lại bản cứ xuất hiện trong đầu chị, đánh động cõi lòng chị. Chị lại đắn đo. Cuối cùng, chị đưa ra một quyết định liều lĩnh. Chị sẽ trình bày ước nguyện của mình với Bề trên. Nếu đẹp lòng Chúa thì Bề trên sẽ thay đổi ý kiến và cho chị ở lại với người Hmong. Chị sẽ thử và phó thác tất cả trong tay Chúa. Và kết quả đúng như chị mong đợi. Bề trên đã đồng ý cho chị trở lại bản làng. Chị dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, rồi hồ hởi lập tức quay lại bản để kịp đón xuân với bà con. Vừa nhìn thấy bóng chị từ xa, bà con Hmong đã ào tới, thể hiện niềm vui sướng.
- Chúa nó tốt thật đấy vì đã nhận lời cầu nguyện của người Hmong – Một người lên tiếng.
- Ừ, Chúa nó thương người Hmong mình lắm – Một người khác đáp lại.
Họ nói chuyện, rồi gọi nhau í ới để báo tin vui. Mọi người ào đến với chị, nhanh và bất ngờ như cơn mưa rừng hôm nào. Chị bỗng bật khóc trong niềm xúc động lạ thường. Họ mang đến cho chị những cành đào tươi thắm với nụ cười rạng rỡ trên môi. Mùa xuân đã đến giữa đất trời Tây Bắc. Mùa xuân đến nơi tâm hồn bà con Hmong và mùa xuân cũng đã đến trong lòng chị. Đó không chỉ là mùa xuân của cảnh sắc đất trời, mà còn là mùa xuân của ơn thánh, mùa xuân của hi vọng và tin yêu, mùa xuân trong Đấng Toàn Năng nhân hậu. Chị lại thì thầm dâng lời tạ ơn Chúa. Tạ ơn Chúa đã cho chị được ở lại đây, được tiếp tục công việc và kế hoạch còn dang dở nơi những bản Hmong và chiêm ngắm những kỳ công Chúa đã làm nơi núi rừng Tây Bắc thân yêu này.
Tigôn Doãn
(Bài cũng được đăng trong tập san Mục Đồng số 22)
Thông tin khác:
Cây Viết Chì (01/05/2021)
Chuyện Của Em (21/12/2020)
Mối Tình Đầu (07/09/2020)
Tiếng Thét (02/01/2021)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log