1. Trời về đông, gió từ đâu lùa về mang theo cái lạnh. Bầu không khí của mùa Phụng vụ mới - Mùa Vọng làm tôi thấy xao xuyến, mùa để lại trong tôi bao kỷ niệm của những ngày đầu chập chững tìm hiểu về đạo Công Giáo. Nhưng bầu không khí của Mùa Vọng và gam màu tím đặc trưng của mùa phụng vụ ấy cũng làm tôi nhớ đến em, nhớ đến một nữ tu đầy nhiệt huyết, tận tâm và hăng say dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin mừng, để rồi qua bao thăng trầm của sứ vụ thì giờ đây em đã an nghỉ bình an trong lòng đất mẹ. Em là mùa của Hy vọng, là màu tím của một tình yêu chung thủy trong Đấng Tình Quân mà em đã chọn cho đời mình, em là đóa hoa Phi Yến tím ươm thơm nơi bàn thờ Chúa và là ánh sao lạ đã dẫn tôi vào đức tin Công giáo.
Trước khi gặp em, tôi là một người ngoại giáo, tôi đã chẳng để ý đến một tôn giáo nào bởi tôi luôn mải miết chạy tìm những thứ mà cả thế giới muốn chiếm hữu đó là: tiền, tài và danh vọng. Thế nhưng, tôi đã ngã xuống nơi những thứ mà tôi cho rằng nó có thể bảo đảm cho cuộc sống của tôi và thấy cuộc đời thật tẻ nhạt. Tôi lê đôi chân dọc con phố nhỏ, những suy nghĩ về cuộc đời cuộn lên trong tôi như dòng thác lũ. Tôi sinh ra để làm gì và sống cho những giá trị nào? Giá trị của cuộc sống này là gì mà người ta cứ vội vã chạy tìm để rồi lại đánh mất? Tôi muốn buông bỏ tất cả, buông cho nhẹ lòng. Tôi bước những bước đi mà chẳng biết mình đang đi đâu, đang nghĩ rất nhiều mà không biết mình nghĩ gì. Bỗng nhiên, trong sự ồn ào của góc phố sầm uất ấy tôi nghe thấy một tiếng hát du dương ở đâu vọng về,
“vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Tôi đã chẳng hiểu được những lời ấy nhưng sao nó khơi lên trong tôi một cảm xúc thật lạ. Tôi vội băng qua con lộ rồi ghé vào khuôn viên của một ngôi thánh đường, càng đến gần tôi càng thấy bị cuốn hút vào giai điệu và lời hát ấy. Ngó qua ô cửa sổ tôi thấy một cô gái trong bộ trang phục kỳ lạ vừa đàn vừa hát cùng ca đoàn. Tôi khẽ mở cửa và bước vào phía bên trong rồi chọn một chỗ ngồi phía cuối thánh đường, nhắm mắt lại lắng nghe giọng hát du dương đầy ấm áp của cô gái trẻ. Thánh đường đối với tôi vừa lạ vừa quen, quen bởi cấu trúc đặc trưng nơi mỗi thánh đường với những cây tháp cao vút, nhưng lạ vì tôi chưa một lần đặt chân vào những thánh đường đó, bởi trong tôi chưa bao giờ có thiện cảm với tôn giáo này, nhưng sao hôm nay tôi thấy sự bình yên đến lạ. Kết thúc giờ học hát, tôi thấy người ta nghiêm trang đọc một câu kinh rồi đồng thanh:
- Chúng con cảm ơn Dì!
- Con cảm ơn cộng đoàn, con chúc mọi người một đêm an lành ạ! Nói rồi em nở nụ cười thật tươi. Mọi người ra về. Tôi cũng đứng dậy bước vội ra bên ngoài nhà thờ rồi cố lán lại tìm gặp em. Thấy em, tôi nhanh nhẹn mở lời:
- Chào em!
- Vâng ạ, em chào anh! Em chào rồi vẫn bước tiếp trên sân tiến về phía dãy nhà cao tít.
Nghe lời chào của em mà sao tôi thấy em lạnh lùng vô cùng, khác với em mà ban nãy tôi thấy trong ngôi thánh đường kia và có lẽ vì tôi là một người khách lạ. Tôi gọi với một câu nữa.
- Em ơi………! Em quay lại nhìn tôi và đáp.
- Sao vậy anh, anh có việc gì hay muốn tìm ai ạ?
- À không, anh không….anh không tìm ai. Thấy sự bối rối của tôi em liền trấn an tôi bằng nụ một nụ cười và tiếp lời.
- Vậy anh về đi, nhà xứ chuẩn bị khóa cửa đấy!
- Nhưng……..nhưng anh muốn được hỏi em chút được không?
- Giờ muộn rồi, nếu có thắc mắc gì thì xin mời anh ghé Tu viện của chúng em vào Chủ nhật nhé! Cộng đoàn em luôn luôn tiếp đón. Em vừa nói vừa lấy bút ghi địa chỉ của Tu viện em ở rồi đưa cho tôi. Tôi chớp lấy cơ hội và hỏi dồn dập:
- Em tên gì vậy?
- Em tên Hoàng Phi Yến!
- Oh, là tên một loại hoa, đúng không? Tôi hỏi, em cười rồi gật gật đầu.
- Còn anh tên Hùng. Tôi tự giới thiệu mà chẳng bận tâm đến thái độ của em.
- Em làm gì ở đây?
- Em là nữ tu, hiện tại em đang sống và phục vụ tại đây !
- Nữ tu là gì vậy em? Tôi hỏi. Em tròn xoe đôi mắt nhìn tôi, vừa cười vừa nói:
- Thôi, muộn rồi, anh về đi. Hẹn anh sáng Chủ nhật nhé, có gì thì lúc đó anh thắc mắc sau, giờ em phải về cộng đoàn rồi. Chào anh! Em cười.
Nói rồi em nhanh chóng quay bước để lại tôi một mình giữa khuôn viên thánh đường trong bao thắc mắc. Chờ em đi khuất vào trong cánh cổng Tu viện, tôi cũng quay bước. Hình ảnh của em, giọng nói và nụ cười của em cứ in mãi trong trí tôi, tôi mong đến Chủ nhật thật nhanh để có cơ hội được gặp, nói chuyện và được em giải đáp những thắc mắc nơi tôi. Hoàng Phi Yến, cái tên thật lạ và đẹp, nó gợi lên cả cá tính của em trong bao nét hồn nhiên và vô tư của một “Ma sour” trẻ.
2. Sáng Chủ nhật ấy, tôi thu xếp mọi công việc để đến gặp em. Bước vào bên trong cảnh cửa của Tu viện nơi em sống, tôi thấy một khoảng lặng thật mênh mông, nhưng những khoảng lặng đó đã chẳng làm tôi sợ hãi. Tôi đang ngơ ngác nhìn khung cảnh tĩnh mịch nơi đây thì thấy em bước ra trong bộ tu phục với một nụ cười thật tươi và đầy duyên dáng.
- Em chào anh! Anh đúng hẹn đấy nhỉ. Em cười.
- Đúng chứ! Sao anh có thể để mất cơ hội được!
- Cơ hội??? Cơ hội gì vậy ạ? Em lại tròn xoe mắt rồi ngạc nhiên hỏi tôi. Tôi cười và ngập ngừng.
- Thì…..cơ hội được….được hiểu biết thêm về tôn giáo em theo và hiểu thêm về nghề của em nữa! Em gật đầu rồi cười khoái trí.
- Vậy thì. Được!!!………..Mời anh ngồi!
Cả buổi sáng em giải đáp cho những thắc mắc của tôi về đạo của em và về bậc sống mà em đã chọn lựa. Càng trò chuyện với em tôi càng thấy sự liều lĩnh nơi em khi chọn và sống đời dâng hiến, nhưng đó cũng là điều làm tôi cảm phục nơi những tâm hồn chỉ biết hiến dâng và phục vụ. Em đã sống những lý tưởng đời mình bằng một tình yêu phi thường và xác tín niềm tin vào Thiên Chúa. Có lẽ, em không thành công, không có những bảo đảm về cuộc sống như tôi, nhưng em hơn tôi rất nhiều, em hơn tôi ở lý tưởng sống cũng như mục đích em nhắm tới và em hơn tôi trong niềm tin vào Thượng Đế.
- Anh anh có muốn cùng giới trẻ của giáo xứ tham gia diễn nguyện Giáng Sinh không? Đây là dịp tốt nhất để anh tìm hiểu những biến cố trong lịch sử cứu độ đấy, Em nói.
- Nhưng diễn nguyện Giáng sinh là gì vậy em?
Nghe câu hỏi của tôi, em lại tận tình cắt nghĩa cho tôi về ý nghĩa của Mùa Vọng và biến cố Giáng Sinh, một biến cố đánh dấu việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ nơi chính Con Một của Người qua mầu nhiệm Nhập Thể. Những điều em nói, đâu đó tôi cũng đã từng được nghe mấy người bạn Công Giáo nói chuyện, nhưng lúc đó tôi cũng đâu bận tâm để ý những điều đó, giờ đây, khi được nghe em giải thích tôi mới thấy thấm hơn niềm tin mà các bạn của tôi và em đã sống. Trong suốt những ngày mùa Vọng, tôi lui tới nhà xứ để cùng với em và giới trẻ tập hoạt cảnh Giáng sinh. Tôi như đứa trẻ chạy theo cô giáo để được giải thích hàng vạn câu hỏi vì sao, còn em lại hết sức kiên nhẫn trước sự hiểu biết đầy non nớt của tôi. Em đã giúp tôi từng bước tiếp cận với những mầu nhiệm trong đạo Công Giáo và xóa đi nơi tôi những thành kiến, những suy nghĩ tiêu cực về một tôn giáo mà tôi đã từng rất dị ứng khi nghe ai đó nhắc đến.
Giáng sinh năm ấy, em mời tôi đến mừng lễ với cộng đoàn. Em tặng tôi một tượng Chúa Hài Đồng nhỏ nằm trong chiếc hang đá bé xíu được điểm bằng những cánh Phi Yến tím trông thật ngỗ nghĩnh và một cuốn Tin Mừng, em bảo: đó là “quà Giáng Sinh” đầu tiên, kỉ niệm ngày tôi bắt đầu tìm hiểu đạo Công Giáo và nhắc nhớ tôi sống tâm tình tạ ơn Đấng Tạo Hóa cho dù là Kitô hữu hay không.
Sau dịp lễ Giáng sinh, em trở thành Giáo lý viên của tôi, ngoài những giờ dạy giáo lý, em còn hướng dẫn tôi dâng những lời nguyện tắt mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống và việc dâng những lời tạ ơn Thượng Đế trước những ân ban của Người. Sự ân cần của em làm trái tim tôi rung động, tôi không biết mình tìm hiểu Tôn giáo ấy bằng một lòng mến thực sự hay là bởi em? Tôi nghĩ.
- Anh Hùng! Anh nghĩ gì vậy? Em hỏi. Tôi giật mình.
- Không, anh có nghĩ gì đâu.…Tôi cười để giấu đi những suy nghĩ đó.
- Sau một thời gian học đạo, anh thấy thế nào? Đạo Công giáo có còn phức tạp như anh nghĩ không?
- Uhm…. Đúng là không như anh nghĩ em ạ. Anh thấy thích đạo mà em theo, nhưng anh cũng thích cả Sơ Phi Yến nữa được không?. Em nghiêm giọng.
- Này, này, thích đạo đạo thì được, còn vế sau thì không được nhé, nghiêm cấm, bởi kia mới là đối tượng của lòng em nha! Em vừa nói vừa chỉ lên tượng Thánh Giá gỗ treo trên tường. Câu trả lời của em đẩy tôi ra khỏi những suy nghĩ viển vông kia và giúp tôi nhận ra giá trị của lý tưởng sống mà em đã chọn. Em đâu phải của riêng ai nhưng thuộc trọn về Thiên Chúa, em như đóa hoa vươn lên giữa lòng Giáo Hội trong thao thức trở nên những thợ gặt nơi cánh đồng truyền giáo bát ngát của Chúa.
Hơn sáu tháng trong vai trò của một giáo sư, em giúp tôi đã giúp tôi thẩm thấu được những giá trị của niềm tin Kitô giáo và nhận thức rõ hơn về những ân huệ nhưng không Thiên Chúa ban cho mỗi người. Đã đến lúc tôi phải quyết định theo hay không theo, bước tiếp vào trong niềm tin Kitô giáo hay dừng lại ở cái biết đầy giới hạn của mình. Bao công sức em ân cần chỉ cho tôi về những mầu nhiệm trong đạo và cả những giờ giáo lý đến khàn cả tiếng có khi nào trở về con số 0? Liệu em có buồn và thất vọng khi tôi trả lời “không” theo đạo em theo không bởi tôi biết nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc hiện tại của tôi? Tôi thầm nghĩ.
- Yến này, anh muốn hỏi em một câu được không?
- Nay anh khách sáo thế? Anh hỏi đi, nếu em có thể trả lời.
- Nếu …..nếu anh …..không theo đạo Công giáo, em có buồn không? Tôi ngập ngừng.
- Tại sao phải buồn? Một câu trả lời đầy lạnh lùng được cất lên khiến tôi ngỡ ngàng. Em lặng đi vài phút rồi nói tiếp.
- Thành công của nhà truyền giáo không hệ tại ở việc kéo được thật nhiều người theo đạo, nhưng hệ tại ở việc giúp người ta nhận ra khuôn mặt của Đấng Tạo Hóa trong chính đời sống của họ. Hơn nữa, em chỉ đóng vai trò là người gieo giống thôi, Chúa sẽ cho mọc lên và đơm bông kết trái là hoạt động của Thánh Thần. Anh không muốn thì em có ép cũng đâu ích chi, và chắc chắn Thiên Chúa cũng không muốn ép buộc ai điều gì. Vậy anh đừng lo em buồn. Nghe em nói, tôi thấy một chút nghẹn ngào.
- Nhưng, tại sao anh lại hỏi vậy? Anh vẫn băn khoăn điều gì đúng không? Em hỏi. Tôi lúng túng trả lời.
- Anh……anh muốn theo, nhưng………nhưng…anh sợ…!
- Anh sợ tôn giáo làm cản trở bước tiến của anh trong con đường sự nghiệp đúng không? Câu hỏi của em như xoáy sâu vào trong suy nghĩ của tôi, tôi chỉ biết thinh lặng bởi em đã nói đúng.
Một khoảng lặng mênh mông chiếm trọn lấy bầu không khí ấy. Lúc đó tôi thấy ánh mắt em buồn thật sự, em nhìn vào một khoảng không xa xăm, thinh lặng hồi lâu rồi nói tiếp.
- Anh hãy nghĩ đến những ân ban của Tạo Hóa, nếu không có những ân ban nhưng không ấy, liệu anh có được như ngày hôm nay? Nói rồi, em đứng lên lặng lẽ bước đi để lại tôi một mình trong những chất vấn ấy.
Sau lần cuối cùng gặp em, tôi cùng một số đồng nghiệp bay sang Mỹ vừa để học thêm vừa để giải quyết một vài công việc của công ty, trước khi đi tôi email cho em với lời nhắn: “Anh phải sang Mỹ một thời gian vì công việc. Hẹn gặp lại em vào một ngày gần nhất. Anh cần thêm thời gian để suy nghĩ trước quyết định của mình.”. Hai ngày sau, tôi nhận được email từ em với dòng chữ: “Chúc anh bình an!”. Có lẽ, em đã giận tôi, giận vì sự hèn nhát và thiếu quyết đoán của tôi, tôi nghĩ thế. Cũng từ đó trở đi mọi liên lạc của tôi với em đều bị em cắt đứt.
3. Thời gian làm việc tại Mỹ đã chẳng giúp tôi khấm khá hơn, bao áp lực của công việc dồn lên đôi vai tôi khiến tôi cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Tôi nghĩ đến những khoảng lặng đầy bình yên trong cái lần đầu tiên tôi đặt chân vào thánh đường của đạo Công Giáo, nhớ đến những bí quyết em chỉ cho tôi để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Tất cả những kỉ niệm cuộn lên trong tôi như thác lũ, tôi tìm mọi cách để liên lạc lại với em mà không được rồi đành chờ ngày về để được gặp em. Tôi tìm đến những nhà thờ công giáo vào cuối tuần để tham dự thánh lễ, rồi gặp gỡ và trao đổi với mấy linh mục Việt Nam đang định cư tại đó để xin được tiếp tục học đạo. Lễ Phục sinh 2020, tôi chính thức trở thành một tân tòng của Giáo Hội Công giáo, tôi được trở nên người con của Chúa giữa lòng Giáo Hội. Tôi muốn báo tin vui ấy cho em, bởi những hạt giống em gieo vãi giờ đã âm thầm mọc lên, có lẽ em sẽ rất vui khi biết tôi đã lựa chọn và tìm được niềm lẽ sống cho đời mình. Và có lẽ em sẽ vui hơn nữa khi biết rằng bố mẹ và các anh chị của tôi cũng quyết định sẽ tìm hiểu đạo Công giáo và sẽ vào đạo khi tôi trở lại Việt Nam trong những tháng tới.
Ngày trở về, tôi hân hoan tìm đến Tu viện trước đây em đã sống để tìm em. Nhưng….đó cũng là ngày mà tôi thấy đau đớn, xót xa nhất khi biết rằng em đã rời xa tôi, rời xa trần gian để nghỉ yên trong đất Mẹ sau hai năm trời chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Đã quá muộn. Tôi lặng người đi khi trước mắt tôi là ngôi mộ của em, ngôi mộ vẫn còn mới, ngôi mộ của một “ma sour” hiền lành, dễ thương và tận tâm. Di ảnh của em được đặt ngay ngắn phía trên với biết bao đóa phi yến trắng tím đan xen, vẫn khuôn mặt ấy, vẫn nụ cười ấy và cả nét hồn nhiên đơn sơ toát lên bên trong tâm hồn của một nữ tu trẻ. Tôi không thể tin được những gì đang diễn ra trước mắt tôi, đó là lý do mà em không liên lạc với tôi sao? Tôi thấy nghẹn ngào, trái tim tôi như bị thắt lại trong nỗi đau, những mạch máu trong tôi như ngừng chảy, tôi thấy mình có lỗi với em. Bỗng một Sour tiến lại và đưa cho tôi chiếc phong thư với lời nhắn “Phi Yến nhờ tôi đưa cho anh”. Tôi mở lá thư em để lại cho tôi, em viết:
“Anh! Có lẽ khi anh đọc được dòng chữ này thì em và anh đã ở hai thế giới khác nhau rồi, nhưng với đức tin Công giáo, chúng ta luôn hiệp thông với nhau trong Thiên Chúa. Cầu chúc anh tìm được sự bình an trong tâm hồn. Nhớ rằng, dù sống ở đâu hay trong bất cứ môi trường nào, anh hãy sống hết mình nhé. Hãy sống theo đúng phẩm giá và những giá trị mà Thượng Đế đã ban cho anh và làm cho những giá trị đó triển nở. Hằng ngày em vẫn luôn cầu nguyện cho anh và hy vọng rằng ngày gặp lại anh sẽ là một Kitô hữu, nhưng không biết em có đủ sức khỏe để chờ đến ngày đó? hjhj.” Đọc đến đó cổ họng tôi nghẹn cứng, nước mắt chảy ra như chưa bao giờ được chảy, hình ảnh của em, giọng nói và cả giọng hát của em cuộn lên trong tôi mồn một.
Tôi làm dấu Thánh giá, rồi đặt lên trên mộ em những cành hoa phi yến, loài hoa mang tên em. Ngước mắt lên trời, tôi dâng một lời nguyện, thầm cầu mong em được hưởng nhan thánh Chúa, và em sẽ mãi là ánh sao lạ dõi theo tôi, ánh sao lạ trên bầu trời vắng sao, và là ánh sao dẫn lối cho muôn người tìm về với Thiên Chúa.
(Bài đã đăng trong Tập san Mục đồng số 24)