Những ngày cuối tháng chín, trời Sài Gòn mưa tầm mưa tã. Những cơn mưa rào bất chợt ập tới khiến cho dòng người càng thêm vội vã. Tôi-một khấn sinh mới tinh, sau ánh huy hoàng của ngày hồng ân tuyên khấn, tôi được bề trên sai đến với mảnh đất Sài Gòn. Vốn là người sống tình cảm, nên trong tôi còn đó những lưu luyến không muốn rời xa. Nhưng tôi ý thức đã đến lúc tôi phải đứng dậy vượt qua chính tôi và tôi phải làm được.
Keng! Keng! Keng! 17 giờ 10 phút, như thường lệ chúng tôi được mời gọi đến với Chúa sau một ngày bận rộn với công việc và học tập. Giống như nhiều ngày khác, chiều hôm nay trời cũng đổ mưa rào. Tiếng mưa rơi rào rào, đổ đầy trên mái tôn nghe lạnh ứa cả da thịt. Cây sake kia vốn hiên ngang giữa đất trời mà đôi khi cũng phải rùng mình khép lại, đôi lúc là sợ hãi vội nhả ra những trái sake to tròn và đẹp mắt, bụp một cái, bắt tung toét. Tôi vội nở nụ cười nhìn theo lòng đầy sự tò mò bởi lẽ tôi chưa được trông thấy trái sake bao giờ. Trông nó giống hệt trái mãng cầu nhưng lại không phải mãng cầu. Thế mới thấy Thiên Chúa thật diệu kỳ. Mặc cho trời vẫn tiếp tục mưa xối xả, đúng 5 giờ 15 phút, Cha chủ tế bắt đầu giờ kinh chiều: “Lạy Chúa Trời! Xin tới giúp con”. Cộng đoàn đáp lại: “Muôn lạy Chúa xin mau phù trợ”. Bỗng chốc toàn nhà nguyện tối đen như mực, mất điện. Các chị của tôi nhanh tay thắp lên những ngọn nến phá tan bầu khí mịt mờ. Giây phút ấy làm tôi rất nhớ. Tôi thích lắm hình ảnh của những ánh nến lung linh, nó nhắc tôi đến một miền kí ức xa nhớ.
Cái ngày ấy, quê tôi cũng thường xuyên bị mất điện. Có những mùa hè mất điện ròng rã cả tháng trời. Mấy đứa trẻ mới lớn chúng tôi thường tận dụng những ngày ra viếng mộ tháng 11 để cóp nhặt sáp nến từ những cây nến thắp trên những bia mộ mang về. Tôi theo ông nội lấy những ống nứa làm khuôn mà đổ thành những cây nến mới. Dầu chúng nhanh tiêu hao hơn nhưng cũng đủ để thắp lên ánh sáng phá tan màn đêm tăm tối.
Năm đó, tôi 15 tuổi, một cái tuổi mà tôi thấy mình khá ẩm ương, tâm lý tôi rơi vào bất ổn sau một loạt các biến cố lớn nhỏ trong gia đình, đặc biệt về vấn đề học tập. Tôi vốn là một học sinh của lớp A1, một lớp đứng đầu toàn trường về mọi mặt. Nhưng vào kỳ thi chuyển lớp đầu năm lớp 11, tôi đã gặp thất bại mà tôi coi đó là một cú sốc vô cùng nặng nề. Điểm của tôi không đủ để được ở lớp A1, tôi bị chuyển sang A2. Tôi không thể chịu đựng được sự thật đó cùng chịu áp lực so sánh từ gia đình. Tôi muốn được trở về A1 và may mắn lại mỉm cười với tôi. A1 thiếu chỉ tiêu và sau một màn gặp gỡ giáo viên, tôi được ưu ái trở về A1, nhưng chớ trêu thay tôi lại bị rơi vào tình trạng tụt lùi học lực do bản thân quá mặc cảm. Tôi bắt đầu thu mình lại, cảm tưởng nhắm mắt lại xung quanh tôi toàn là những lời chỉ trích. Tôi không dám đối diện và cố tạo cho mình một thành lũy ẩn náu an toàn tựa như một cái bình thủy tinh, bản thân và đối phương có thể nhìn thấy nhau nhưng không thể chạm vào nhau. Bởi thế, những buổi tối mất điện đối với tôi lại là cơ hội để lẩn trốn. Tôi không nghĩ có người hiểu được tôi và cũng không cho ai cơ hội được chạm tới tôi. Nhưng đã có một người, dám liều phá vỡ cái bình thủy tinh ấy để chạm tới tôi. Đó là anh họ tôi. Anh hơn tôi 3 tuổi, anh có tính cách vui tươi, cười to, khi thì cương nghị lúc lại đơn sơ như một đứa trẻ. Đôi khi, tôi thấy anh thật khó hiểu. Dầu lớn lên bên nhau nhưng tôi vẫn thấy anh thật xa lạ. Ngày ấy, khi thấy tâm trạng tôi bất ổn, vốn là một con người tinh tế, anh đã tìm cách để tiếp cận tôi. Hóa ra, dù không thể hiện gì nhưng anh vẫn âm thầm dõi theo tôi. Nhiều khi vẻ bên ngoài khùng khùng nhưng thực sự anh rất sâu sắc. Anh quan sát, quan tâm bảo vệ tôi từng chút. Chỉ cần tôi gọi, tôi cần, anh sẽ có mặt dù có bận rộn tới đâu đi nữa. Tôi đau ở đâu, tôi nghĩ gì, tôi muốn gì anh đều thấu, chẳng có gì mà tôi có thể giấu được anh. Khi ấy tôi hay khóc nhè, có khi thì trách mắng anh, khi lại nhõng nhẹo, anh tôi chịu đựng tất cả và kiên nhẫn với tôi hết mức. Tôi đã coi anh là anh trai của mình từ khi ấy. Kể từ ngày anh bước vào cuộc đời tôi, ánh mặt trời bị dập tắt bấy lâu nay lại được hồi sinh, tâm lý tôi dần được cải thiện, những trống vắng, tủi hờn dần được lấp đầy.
Tôi còn nhớ một buổi chiều nọ, sau khi tan học anh em tôi chở nhau về trên chiếc xe đạp điện quen thuộc, bỗng anh bảo tôi: “Đi với anh tới một nơi nhé!” Thế là anh chở tôi ra bờ sông hóng gió, rồi anh đưa tôi đến đứng trước một bức tường chỉ cao hơn chiều cao của tôi một chút. Anh nhìn tôi và bảo: tập nhảy nhé! Vốn rất sợ độ cao nhưng vâng lời anh, tôi cũng cố leo lên và tập nhảy. Tôi sợ hãi, run rẩy ngồi trên bức tường, nhắm mắt lại lấy đà hết lần này đến lần khác mà tay vẫn bám chặt. Biết tôi rất sợ, anh không ngừng động viên: “Không sao đâu em, em làm được mà, anh đây rồi”. Tường thấp lắm, nhảy đi em. Tôi nhìn anh và dồn hết lực xuống đôi chân, cuối cùng tôi cũng làm được. A! Chân phải tôi tiếp đất và sau đó ngồi bệt trên nền đất. Theo lời anh, tôi cố nhảy lần thứ hai, lần này đôi chân như cứng lại, sự sợ hãi lộ rõ trên khuôn mặt tôi. Anh trấn tĩnh: “Anh ở đây rồi, em còn sợ gì nữa, cái gì đang làm em sợ thế, em nén nó xuống chân và dẫm nát cho anh đi”. Sau một hồi vật lộn thì tôi cũng nhảy được. Lần thứ ba, tôi lại như vậy, mà còn tệ hơn hai lần trước nữa. Khi bắt đầu, anh nói: “tôi phải nhảy như thế liên tục mười lần và thậm chí là nhiều hơn cho tới bao giờ không còn sợ nữa.” Nhưng khi nhìn thấy tôi như thế, anh chẳng nói lời nào nữa mà quay đầu đi thẳng về phía chiếc xe đang dựng ở gốc cây bàng nhật đằng kia. Tôi lẽo đẽo chạy theo anh mà cũng chẳng dám nói gì. Bầu không khí lúc đó thật ngột ngạt, khiến tôi thấy thật khó thở. Tôi chỉ dám khẽ gọi: “Anh ơi!” Rồi lúc sau, tôi mạnh dạn gợi chuyện nhưng anh cũng chẳng buồn phản ứng lại. Tôi buồn và anh cũng buồn. Những ngày sau, anh em tôi lại trở về như ngày nào nhưng không ai chủ động nhắc lại câu chuyện chiều hôm đó cho dù trong lòng cả hai đều rất ưu tư.
Thời gian trôi qua thật nhanh, anh đã tốt nghiệp 12 và thi đỗ vào khoa tâm lý của trường đại học sư phạm Hà Nội. Ngày anh rời quê xuống thành phố học, nhà bác tôi làm mấy mâm cỗ gọi là ăn mừng, tôi cũng có mặt ở đó. Lúc chuẩn bị ra xe, anh gọi tôi lại và đặt vào tay tôi một bức thư với nội dung: “Em à! Bây giờ anh sẽ nói với em về một chuyện mà anh chưa nói với em. Cái buổi chiều hôm đó, anh bắt em trèo tường và nhảy xuống. Hôm đó khi trở về anh đã rất “bực”. Vì bức tường rất thấp mà lại khiến em rất sợ. Khi em nhảy xuống, anh “đau”, thực sự rất đau vì thấy em dùng toàn sức lực để vượt qua nỗi sợ đó, dùng hết hết sức chạm tới đất sẽ làm em đau hơn bình thường. Mọi điều đã xảy ra với em từ nhỏ đã tạo cho em một sức chịu đựng rất lớn nhưng khi buộc phải đối diện lại nó sẽ khiến em rất sợ hãi. Anh nhìn thấy rõ sự sợ hãi đó và nhìn thấy cả nghị lực của em lộ rõ trên khuân mặt...” Xúc động, tôi bật khóc, thực ra lúc đó, tôi cũng phần nào đoán được ý của anh. Có vẻ anh hơi nghiêm khắc với tôi nhưng hơn ai hết tôi hiểu anh thương tôi thật lòng. Từ ngày rời quê xuống thành phố học, anh em tôi rất ít khi liên lạc với nhau. Anh thì bận rộn việc học rồi đi làm thêm còn tôi thì ngày ấy không dùng điên thoại. Mỗi lần anh về quê, anh em tôi lại tranh thủ ngồi chia sẻ với nhau. Tôi kể cho anh nghe mọi thứ về cuộc sống của tôi, giữ lời hứa chẳng giấu anh điều gì. Còn anh, anh chẳng kể hết mọi thứ về anh mà anh chỉ nói điều gì anh thấy cần và tốt cho tôi thôi.
Tôi tốt nghiệp 12 và quyết định không học đại học mà đi nhập tu luôn. Anh biết tin dù rất muốn tôi đi học nhưng anh tôn trọng quyết định của tôi. Cứ như thế, tôi vào nhà Dòng còn anh sau khi tốt nghiệp đại học, cũng quyết định đi tu. Anh chọn tu dòng vì anh thích sự đơn giản và chân tu toát ra từ người tu sĩ khấn giữ ba lời khuyên Tin Mừng. Và thế rồi ngày ấy cũng đến, sau sáu năm tìm hiểu, vượt qua đầy sóng gió thử thách, tôi được tuyên khấn lần đầu trong Hội Dòng. Lòng tôi tràn ngập niềm hân hoan nhưng bên cạnh đó cũng có vô vàn nỗi lo lắng, bởi cuộc đời tôi sau ngày tuyên khấn sẽ bước sang một trang mới, tôi sẽ chính thức trở thành một nữ tu của Hội Dòng và là Hiền thê của Chúa. Tôi ý thức sự bất xứng của mình và chỉ biết bám chặt vào lòng thương xót của Chúa mà thôi.
Sau tám ngày linh thao, cuối cùng ngày hồng phúc trong đời tôi đã đến. Giờ nguyện ngắm và kinh phụng vụ cuối cùng tại nhà nguyện Tập viện khiến tôi xúc động. Tôi buồn không nỡ rời xa. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má hốc hác, tôi vội vàng che đi vì chẳng muốn ai nhìn thấy. Tập viện thực sự là nhà của tôi, là nơi dạy tôi biết yêu và được yêu. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được những ngày tháng ngọt ngào ở nơi đây, sẽ chẳng bao giờ quên nhà nguyện nhỏ thân thương nơi ươm mầm tình yêu của tôi cùng những nơi tôi đã đến, những con người tôi đã gặp. Cứ nghĩ đến đó là tim tôi thắt lại nhưng tôi biết và ý thức đã đến lúc rồi. Chúa luôn có kế hoạch trước cho cuộc đời của mỗi người và tôi tin kế hoạch của Người luôn hoàn hảo. Tám giờ sáng, thánh lễ được diễn ra một cách trang nghiêm và sốt sắng tại nhà nguyện của hội dòng. Sau thánh lễ, tôi cùng gia đình ghi lại những tấm hình lưu dấu kỷ niệm và thật bất ngờ có ai đó đang tiến về phía tôi, tay ôm một bó hoa nhỏ, là anh họ tôi. “A! Anh đây rồi!” tôi mừng rớt nước mắt. Tôi cứ nghĩ anh sẽ không thể tới dự lễ được, tôi còn lo anh không biết tin tôi tuyên khấn. Vẫn thói quen cũ, anh cười tươi đặt vào tay tôi bó hoa cùng với một mẩu giấy với dòng chữ: “nhất định em phải hạnh phúc đấy! Hạnh phúc là cái tên của em”. Anh không nói chúc mừng tôi mà chỉ nhắc lại cho tôi nhớ về ý nghĩ cái tên của tôi và đó cũng là mong ước cả đời của anh. Cũng chẳng mang đến cho tôi món quà đặc biệt nào vì anh hiểu rõ sự hiện diện của anh là món quà lớn nhất mà tôi mong muốn rồi. Tôi tự hứa với lòng, với anh và với Chúa là tôi nhất định sẽ hạnh phúc.
Chẳng thể diễn tả gì hơn, giờ nghĩ về anh, tôi chỉ biết thầm tạ ơn Chúa vì Chúa đã quá yêu thương tôi, ban cho tôi một người anh tuyệt vời, đã giúp tôi khám phá ra con người của mình, cùng ghi khắc trong tim những kỷ niệm vui buồn với một niềm mến yêu tha thiết. Cảm ơn anh thật nhiều!
HẠ