- Ý chí: chiến đấu không sợ thương vong
- Thực tế: không biết sẽ tử trận lúc nào
Đọc status ấy trên tường facebook của một linh mục trẻ, kèm theo hình ảnh một chiếc xe máy đơn độc và những con đường ngoằn ngoèo, bé tý, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm...lòng tôi bỗng thấy xót xa xen lẫn cảm phục. Có lẽ, chỉ những ai đã từng đi qua những con đường đầy thách thức và nguy hiểm đó để đến những bản làng heo hút nơi vùng núi cao như vậy mới hiểu được dòng tâm trạng ấy của người linh mục trẻ và cũng mới hiểu được cái cảm giác xót xa xen lẫn cảm phục trong lòng tôi lúc này. Quả thật rất cảm phục và cũng rất xót xa.
Tôi cảm phục tinh thần và ý chí “sẵn sàng chiến đấu, không sợ thương vong” nơi người linh mục ấy và nó cũng phải là tinh thần, là ý chí của tất cả những người môn đệ của Chúa trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho muôn dân, nhất là cho các đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng ngoại biên. Khi sống gắn bó với những giáo xứ, giáo họ, giáo điểm vùng cao, người môn đệ của Chúa cũng đồng thời phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những thử thách, những “thương vong” không chỉ trên những lộ trình xa xôi, với những con đường ngoằn ngoèo khó đi, ẩn chứa nhiều nguy hiểm, nhưng còn phải đối diện với những thử thách, những “thương vong” trong khó khăn về ý thức hệ, văn hoá, phong tục tập quán… vốn có tác động rất lớn tới đời sống đức tin. Tôi đã từng đi qua những con đường nhỏ, nhiều dốc cao dựng đứng, với những khúc cua “rùng mình”, một bên là vách núi, một bên là vực sâu…chỉ cần một chút sơ sẩy thôi là có thể gặp nạn rồi... Nói trên mặt chữ thì cũng khó để hình dung và hiểu được cái cảm giác sợ hãi khi đi những con đường quá nguy hiểm như vậy. Vì thế, có lẽ chỉ những ai đã từng một lần trải nghiệm những “cung đường” đó thì mới phần nào hiểu được những thử thách mà người môn đệ Chúa nơi đây phải đối diện mỗi ngày. Thử hình dung xem, một mình một xe ròng rã đi mục vụ hàng ngày, hàng tuần trên những “cung đường rùng mình” ấy, từ bản này sang bản khác, tổng cộng hành trình lên đến vài trăm km… thật không hề dễ dàng chút nào, đó là chưa kể đến những ngày nắng chói chang 37 - 38 độ C hay những ngày trời mưa gió rét đặc trưng của Tây Bắc, chẳng ai muốn ra khỏi cửa...rồi có những ngày chạy sô dâng Thánh lễ chẳng có giờ nghỉ ngơi, cũng có nơi không có chỗ mà tắm rửa nên có khi phải 2-3 ngày mới được tắm một lần cũng là chuyện thường tình… Khó khăn là thế nhưng vì công việc mục vụ, vì tiếng gọi của đoàn chiên, các linh mục, các nữ tu vẫn sẵn sàng cất bước ra đi, vẫn cố gắng đến với những bản làng ấy…. Trong hoàn cảnh nhiều thách đố, đường xá đi lại khó khăn, hiểm trở như thế mà không có một ý chí mạnh mẽ, một tinh thần sẵn sàng “không sợ thương vong”, một độ “liều và lì” thật cao … thì người môn đệ Chúa không thể vượt qua chính mình, vượt qua những nỗi sợ để dấn thân và hiến thân chu toàn sứ vụ mà Chúa và Giáo Hội trao phó.
Cảm phục tinh thần và ý chí “sẵn sàng chiến đấu, không sợ thương vong” của các linh mục, các nữ tu trong sứ mạng vùng cao bao nhiêu, thì tôi cũng thấy thương và xót xa bấy nhiêu, khi biết họ phải đối diện với cái thực tế “chưa biết sẽ tử trận lúc nào" một cách rõ ràng. Nghe có vẻ nghiệt ngã và phũ phàng, nhưng đó là sự thật vì với những cung đường “cheo leo, hiểm trở” ấy, chỉ cần một chút sơ sẩy thôi là có thể gặp tai nạn, có thể bị rơi xuống vực mất mạng rồi…Có lần đi trên những con đường kiểu ấy, ngồi phía sau xe máy, tôi thấy sợ, chẳng dám nhìn đường đi, cũng không dám ngó ngang ngó dọc hay ngắm cảnh núi rừng gì nữa. Nhớ một lần, tôi đi đến một bản kia, nhìn con đường ngoằn ngoèo, bé tý trước mặt, với những khúc cua tay áo cheo leo đến rùng mình, tôi thì thầm với Chúa: “Lạy Chúa, xin đừng để xe của con rẽ vào khúc cua ấy nhé”, tôi vừa thầm thĩ xong, chưa kịp định hình, thì cậu bé tài xế người H’mong rẽ vèo một cái, vào đúng khúc cua ấy. Tôi nhắm mắt, xiết chặt đôi tay, tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, không dám tin những gì đang diễn ra. Mặt tôi tái mét, sợ không thốt nên lời… Sợ quá! Tôi thực sự sợ. Tôi nhắm mắt, phó thác mọi sự trong tay Chúa. Chỉ khi đặt chân xuống mặt đất, tôi mới dám tin là mình còn sống. Vậy đó, các linh mục, các nữ tu của Chúa vẫn thường xuyên đi trên những con đường như thế. Họ phải luyện cho mình có được một độ “liều và lì” thật cao thì mới vượt qua và trụ vững nổi. Hãy thử dừng lại vài phút và hình dung xem…nếu chính bạn là người đi trên những con đường ấy, bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Có thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh không? Có thấy mỗi lần lên đường là một lần mạo hiểm không? Có thấy hành trình phục vụ ấy là cả một sự đánh đổi lớn lao không? Và có thấy cảm phục sự dấn thân không mệt mỏi của những tâm hồn tận hiến cho Chúa và cho anh em mình nơi những vùng khó khăn ấy không?
Chưa hết, hành trình đi lại khó khăn, nguy hiểm ấy cũng mới chỉ là một khía cạnh của cái thực tế “chưa biết sẽ tử trận lúc nào", bởi các linh mục, các nữ tu không chỉ phải đối mặt với khó khăn về địa hình hiểm trở, về phương tiện đi lại nhưng còn phải đối diện với nhiều thách đố khác của một vùng ngoại biên theo đúng nghĩa về nhiều mặt: kinh tế, chính trị, văn hoá… Tất cả những thách đố đó đều có thể làm họ “tử trận” bất cứ lúc nào. Nếu họ không có đủ “dũng cảm”, không có đủ lòng trung thành và sự tín thác nơi Chúa thì nguy cơ “tử trận” là rất cao. Vì thế, khi gắn bó và mục vụ tại những vùng cao, những vùng ngoại biên này đòi hỏi các linh mục, các tu sĩ phải rất tỉnh táo, khôn ngoan, và đặc biệt phải sống tín thác nhiều hơn, biết buông mình cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn để không bị “tử trận”, không bị gục ngã giữa chừng.
Dù nhiều khó khăn là thế, dù nguy hiểm luôn rình rập và nguy cơ có thể “tử trận” luôn bám theo mỗi ngày, nhưng các linh mục, các nữ tu vẫn luôn vững bước và hăng say trên hành trình mục vụ ấy. Vì phần rỗi các linh hồn và vì lợi ích thiêng liêng cho đoàn chiên Chúa, người môn đệ không hề nản lòng, mỏi gối, chồn chân nhưng sẵn sàng lên đường đến với muôn dân, bất chấp mọi khó khăn thử thách với một ý chí kiên cường “sẵn sàng chiến đấu, không sợ thương vong”. Vì đâu mà họ làm được điều đó? Thưa là vì tình yêu. Vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách họ. Vì yêu, người môn đệ Chúa sẵn sàng hy sinh tất cả, vượt qua tất cả để đem Chúa đến với muôn người và đem muôn người về cùng Chúa. Vì tình yêu, người muôn đệ Chúa không từ chối những gian nan có thể gặp trên hành trình rao truyền Tin Mừng. Vì tình yêu, người môn đệ Chúa chẳng từ khước những vất vả, khó khăn nhưng luôn nỗ lực đến với muôn dân, sưởi ấm muôn tâm hồn, làm cho tình yêu Chúa được lan toả và Danh Chúa được tôn vinh.
Cần biết bao những lời cầu nguyện và sự đồng hành của tất cả mọi người để tiếp thêm sức mạnh và động lực cho các linh mục, các nữ tu luôn vững bước nơi những miền sơn cước này.
Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ người môn đệ Chúa luôn được bình an, hăng say, nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo mênh mông của Giáo hội nói chung và Giáo phận Hưng Hoá nói riêng. Xin cho tất cả những ai đang dấn thân phục vụ dân Chúa nơi vùng ngoại biên biết giữ cho trái tim luôn ấm nóng, cho đôi chân luôn vững vàng và ý chí luôn kiên cường trong mọi hoàn cảnh để trở nên chứng nhân sống động về tình yêu Chúa giữa núi rừng Tây Bắc xa xôi này, bất chấp mọi khó khăn thử thách vì “tình yêu chẳng từ chối gian nan”.
Bờ Xa