LỜI NGỎ
Ơn gọi tu trì là một sáng kiến của Thiên Chúa, ơn gọi ấy nằm trong bối cảnh rộng hơn, đó là ơn gọi kitô hữu được bắt nguồn từ Bí tích Thánh Tẩy. Đó là lời mời gọi bước theo Đức Kitô, nên một với Ngài và tham gia công việc phục vụ đặc biệt trong Giáo hội. Ơn gọi này là một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa và cũng là một lời mời gọi đến với tình yêu. Lời mời gọi ấy xuất phát từ Thiên Chúa nhưng cũng đòi hỏi một sự tự do đáp trả. Trong cõi thẳm sâu của con người, ơn gọi này mang hình thức của một cuộc đối thoại, đó là một cuộc đối thoại giữa Đức Kitô và con người mà Ngài đích thân kêu gọi họ. Đức Kitô gọi đích danh người ấy và nói: “Hãy đến, hãy theo Ta”[1].
Tiếng gọi mầu nhiệm này ngày một rõ ràng hơn trong trong cuộc sống, trong các biến cố, trong thinh lặng và cầu nguyện. Từng bước họ cảm thấy bị thu hút và bị quyến rũ bởi vẻ đẹp thần linh của Chúa Kitô và niềm hạnh phúc được thuộc trọn về Người. Họ chấp nhận lời mời gọi ấy một cách sẵn sàng hơn, và theo thời gian, tận trong cõi thẳm sâu họ cảm thấy được thúc bách muốn được dấn thân cách triệt để, dứt khoát và trọn vẹn hơn cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Họ cảm nghiệm được rằng có một động lực bên trong vô hình nhưng mãnh liệt thôi thúc họ tiến bước, cho dù phía trước còn nhiều gian nan.
Trải dài trong hành trình huấn luyện, dần dần họ nghiệm ra cách rõ nét hơn rằng: họ đang từng bước hình thành trong mình một nhân cách mới, một căn tính mới là chính Đức Kitô và những tâm tình của Người, bởi Người là Đường, là sự Thật và là sự Sống; là Mẫu Mực và là Mô Phạm của họ. Vì chỉ mình Người mới có thể truyền đạt và “gieo trồng” những tâm tình của Người, đồng thời có thể tác động trên trái tim để họ say mến Thiên Chúa, tác động trên trí tuệ để họ có thể chiêm ngắm Thiên Chúa và tác động trên ý chí để họ biết khát khao như Thiên Chúa khao khát. Như thế, họ cần phải thường xuyên làm mới lại tương quan với Thiên Chúa và không ngừng canh tân và hoán cải. Họ cũng phải tương quan với Chúa Giêsu như vị Giám sư thực sự của mình trong sự thân tình, mật thiết và sống động, nghĩa là họ phải sẵn sàng để cho mình được uốn nắn, được biến đổi để sống hoà hợp với tinh thần của Chúa.
Sau cùng, họ còn phải cảm thấy ơn gọi của họ chính là một cuộc gặp gỡ và đối thoại liên lỉ với Chúa Giêsu, được tình yêu vô điều kiện của Người chinh phục và biến đổi. Tình yêu ấy phải trở thành trung tâm, là tiêu chuẩn và nguồn sức mạnh duy nhất chi phối toàn bộ cuộc sống của họ, làm cho họ sống hăng say và trở nên quả cảm, biết biến các khó khăn thành cơ hội mới để loan báo Tin Mừng, làm cho nhiều người có thể nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu hơn.
Nt. Maria Nguyễn Thay
Trưởng Ban Đào Tạo