MÙA CHAY – MÙA THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Giữa tiết trời se se lạnh, dư âm của ngày tết cổ truyền dân tộc vẫn còn đó trong trái tim bao người, thì tâm hồn người kitô hữu như khựng lại trước một mùa Phụng vụ mới. Người kitô hữu được mời gọi sống tâm tình mùa Chay trong tâm tình sám hối, trở về để được canh tân. Mỗi khi mùa Chay đến, đều gợi nhớ cho con người về sự chóng qua của kiếp người, sự mỏng giòn yếu đuối của phận người dương thế và cùng đích cuộc đời là Thiên Đàng vĩnh cửu trong Thiên Chúa.
Mùa Chay giúp con người ta nhận ra giá trị của tình yêu thương, nhận ra những “gợn sóng” trong lòng mình để tìm về bên Chúa, để tựa nương vào Chúa là nguồn hạnh phúc và bình an.
Giáo hội dành mùa Chay để mời gọi con cái mình suy niệm và cùng bước đi với Chúa trong hành trình khổ nạn và được sống lại với Chúa trong biến cố Phục Sinh. Để sống tâm tình mùa Chay cách tròn đầy, Chúa Giêsu đã mời gọi con người thực thi bác ái, chuyên cần cầu nguyện và ăn chay hãm mình. Việc giữ luật không hệ tại ở số lượng nhưng là ở tinh thần và mục đích của hành động, bởi Đấng hiện diện nơi kín đáo đã thấu suốt tất cả.
1. Thực thi bác ái.
Làm phúc bố thí là một việc đạo đức cần thiết và cần có trong việc chuẩn bị tâm hồn cho Chúa và đền bù tội lỗi, và đó cũng là công việc cụ thể của tinh thần mùa Chay. Việc làm phúc không hệ tại ở việc làm nhiều hay ít nhưng là cách làm và thái độ thực hành.
Làm phúc bố thí là một việc đạo đức cần có trong việc chuẩn bị tâm hồn cho Chúa và để đền tội. Và đặc biệt đó là một công việc cụ thể của tinh thần Mùa Chay. Tuy nhiên, việc làm phúc nhiều hay ít không quan trọng, mà quan trọng ở cách làm phúc.
“ Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha anh em trên trời ban thưởng”. (Mt 6:1)
Chúa Giê-su đã rất nhiều lần lên án thái độ của các kinh sư Pharisêu. Thái độ đó được Chúa ví như những ngôi mộ tô vôi hay những thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Họ trọng hình thức, ưa sự kính nể, ngạo nghễ vênh vang bởi sự công chính thánh thiện của mình. Họ khệ nệ trịnh trọng giơ cao tay để thả tiền vào thùng bên cạnh bà góa nghèo khiêm nhường thả vào đó ba đồng tiền kẽm. Họ làm cốt để cho thiên hạ thấy và tôn vinh.
Đó là thái độ của các kinh sư pharisêu, và thái độ sống ấy hôm nay vẫn còn đâu đó trong tâm hồn của mỗi người chúng ta.Với bản tính tự nhiên, con người ta thường thích thể hiện, thích đánh bóng tên tuổi bằng các hình thức từ thiện để được quay phim chụp ảnh, đăng bài… để thiết lập tầm ảnh hưởng nơi các tương quan ngoài xã hội. Vậy phải chăng lời mời gọi “đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” là một nghịch lý, một sự ngược đời đến lạ thường?
Vâng! Chúa Giê-su yêu thích sự khiêm nhường, Ngài muốn con người làm việc trong sự âm thầm phục vụ, bởi Ngài thấu suốt tất cả lòng trí chúng ta. Ngài yêu thích những tâm hồn khiêm tốn và biết sống yêu thương phục vụ người khác.
Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, nhưng lại đón nhận những tâm hồn khiêm tốn biết tựa nép bên Chúa và cậy trông nơi Ngài. Ngài sẽ trả lại cho chúng ta tất cả những gì chúng ta đã âm thầm gieo vãi và khiếm tốn trao ban.
2. Cầu nguyện với tâm tình yêu mến.
Cầu nguyện là linh hồn, là hơi thở của mọi kitô hữu, nếu thiếu đời sống cầu nguyện thì tâm hồn người kitô hữu trở nên cằn cỗi, thiếu nhựa sống. Đời sống của người kitô hữu phải được hâm nóng bằng cầu nguyện và Lời Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng muốn nhấn mạnh tới thái độ cần tránh khi cầu nguyện đó là sự kiêu căng và phô trương: “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả, chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy.”(Mt 6,5)
Chúa không lên án việc cầu nguyện nơi cộng đồng nhưng Chúa muốn mỗi người kitô hữu ý thức trong đời sống cầu nguyện và cầu nguyện cách khiêm nhường. Ngài cũng đã dùng hình ảnh của hai mẫu người cầu nguyện đó là: người thu thuế và người biệt phái (x.Lc18, 9-14). Người biệt phái thì vênh vang, vỗ ngực tự hào về những thành quả đầy thánh thiện và sự công chính đáng ngưỡng mộ của mình mà chê bai, so sánh với người khác. Còn người thu thuế thì quỳ gối, đấm ngực nhìn nhận những bất toàn nơi mình và xin Chúa thương xót, thứ tha. Vì thế, Chúa muốn mỗi người kitô hữu hãy nhìn lại đời sống đức tin của mình. Chúa muốn mỗi người hãy “vào phòng và đóng cửa lại” nghĩa là bước vào nội tâm của mình, gác lại những lo toan, bận bịu, gác lại những lo lắng về cuộc sống, đóng cửa lại với những đam mê, của những thú vui, của hưởng thụ, của chủ nghĩa cá nhân… để vào phòng là đi sâu vào cõi lòng mình, để ở đó với Cha, để dâng lên Cha lời cầu nguyện chân thành nhất.
3. Ăn chay cách kín đáo.
Trước khi bước vào sứ vụ công khai, sau khi được chịu phép rửa bên dòng sông Giođan, Chúa Giêsu đã vào hoang địa để ăn chay, cầu nguyện và chịu ma quỷ cám dỗ (x.Mt 4,1-11). Nơi đó Ngài cũng mời gọi các kitô hữu sống tinh thần của mùa Chay bằng những việc làm cụ thể.
Nói đến Mùa Chay người ta thường nghĩ đến việc chay trong ăn uống, bởi ăn uống là một nhu cầu sống còn của con người, nó bảo đảm cho con người có sức khỏe và duy trì sự sống. Thế nhưng, điều Chúa muốn nói đến ở đây không chỉ hệ tại ở việc ăn chay trong ăn uống mà chay cả trong lời nói, trong hành động, trong cái nhìn và hơn cả là chay trong tâm hồn. Những việc làm đơn giản như im lặng trước một lời chỉ trích, chọn phần khó hơn trong công việc hay đơn thuần là ăn một miếng thức ăn mình không thích. Tất cả những điều đó sẽ đem lại giá trị to lớn cho những tâm hồn yêu mến Thiên Chúa.
Chúa đã dạy các môn đệ phải làm gì khi ăn chay, Ngài muốn nhấn mạnh với các ông về việc giữ trong tâm tình yêu mến và ý thức được giá trị cao quý của nó. Còn ngày nay, Chúa cũng dạy mỗi ngườichúng ta qua Lời của Ngài, qua Giáo huấn của Giáo Hội, nhưng có lẽ nó chỉ như cơn gió thoảng qua. Giáo Hội mời gọi người kitô hữu biết bớt đi những chi tiêu nho nhỏ để chia sẻ cho những người nghèo khổ. Người ta sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để ăn một bữa thịnh soạn nhưng lại không thể bỏ ra một đồng để cho những người bất hạnh, kém may mắn. Thực hành việc ăn chay là một việc làm tỏ lòng sám hối và cũng là việc làm cần thiết của mọi kitô hữu khi sống trong Giáo Hội.
Mùa Chay được mở đầu bằng việc xức tro, hình ảnh đó nhắc nhở mỗi người về sự yếu đuối mỏng giòn của mình. Thân xác này của chúng ta mai sau cũng trở thành những nắm tro bụi vô nghĩa, nhưng trong niềm tin vào Đức Kitô, chúng ta xác tín sự sống đời sau trong vương quốc của Ngài. Mỗi khi Mùa Chay đến, ước mong mọi kitô hữu hãy ý thức sự mau qua của đời người, để sống tâm tình biết ơn Đấng Tạo Hóa. Đồng thời, tích cực thực thi Lời Chúa dạy là: ăn chay, cầu nguyện và thực thi bác ái. Tất cả những việc làm đó là đóa hoa thiêng đẹp nhất, thơm nhất dâng lên cho Chúa trong mùa Chay thánh này.
Lạy Chúa, một lần nữa Chúa cho chúng con được sống tâm tình của mùa Chay, được cùng với Chúa trong hành trình Khổ nạn và Phục sinh. Xin cho mỗi người kitô hữu chúng con luôn cảm nhận được những hy sinh và đau khổ của Chúa, để rồi chúng con cũng nhận ra được tình yêu thương mà Chúa đã dành tặng cho nhân loại, và cách riêng cho mỗi người chúng con. Xin cho mỗi chúng con biết tận dụng khoảng thời gian quý báu này để đi vào trong Mầu nhiệm Thập Giá – Mầu nhiệm Tình Yêu. Amen