Thứ 2, 19-10-2020 (Lc 12,13-21)
Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi." Người đáp: "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?" Và Người nói với họ: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu."
Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: 'Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!' Rồi ông ta tự bảo: 'Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!' Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: 'Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?' Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó."
SUY NIỆM
Tại sao Đức Giê-su lại từ chối phân chia gia tài cho hai người anh em kia? Người đã nhìn thấy trọng tâm vấn đề không phải là họ mong muốn sự phân minh, công bằng, nhưng ở nơi họ chất chứa lòng tham và ước muốn sở hữu của cải.
Đức Giê-su dẫn điều Người muốn nói bằng dụ ngôn về một phú ông ngốc ngếch (Lc 12,16-21). Tại sao Đức Giê-su lại nói người đàn ông giàu có này là đồ ngốc? Đức Giê-su không quở trách ông về sự chăm chỉ và tài giỏi khi làm ra rất nhiều của cải, nhưng Người quở trách ông vì chủ nghĩa cá nhân và sự ích kỷ. Dụ ngôn này có nét tương đồng với dụ ngôn về một người giàu có kia từ chối giúp đỡ anh La-za-rô, một người ăn xin trước cổng nhà ông (Lc 16,19-31). Kẻ giàu có ngu ngốc đã đánh mất đi khả năng quan tâm đến người khác. Cuộc đời ông đã chìm ngập trong của cải và ông chỉ biết giữ cho riêng mình. Kết quả là ông đã không giữ được linh hồn cho khỏi hư mất khi ông nằm xuống.
Đức Giê-su muốn dạy ta điều gì trong việc sở hữu của cải? "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ." (Mt 5,3) Vấn đề không phải ở việc giàu có, mà là cách chúng ta sử dụng sự giàu có đó. Nhiều người coi trọng giá trị mọi thứ trên đời và gắn liền với vật chất. Họ không chia sẻ, không giúp đỡ. Họ giữ cho riêng mình và quên rằng ngày mai họ có thể không còn trên thế gian nữa. Xin cho chúng ta biết sử dụng sự giàu có cách khôn ngoan, luôn nhớ rằng mọi thứ chúng ta có ở đời này đều là vay mượn và chúng ta sẽ không còn gì khi rời bỏ cuộc sống trần gian này. Sự giàu có đích thực chính là sống và làm những điều thiện hảo.
Qua dụ ngôn này, Đức Giê-su muốn chúng ta tự chất vấn trái tim mình: Đâu là kho tàng của chúng ta? Kho tàng có một sự nối kết đặc biệt đến trái tim, nơi ngự trị của những ước muốn và khao khát, của ý chí và sự tập trung. Thứ mà chúng ta để tâm đến nhiều nhất chính là kho tàng lớn nhất trong lòng mình. Bạn để tâm đến điều gì nhiều nhất trong tất cả mọi sự?
“Lạy Chúa Giê-su, xin giải phóng trái tim con khỏi những chiếm hữu và thèm muốn những gì thuộc về người khác. Xin cho con chỉ ao ước một mình Ngài là kho tàng đích thực của lòng con chứ không phải một điều gì khác. Xin giúp con biết cách sử dụng của cải Ngài ban một cách quảng đại để làm vinh quang Ngài và mang lại thiện hảo cho anh em con.”
-----//----//------