Thứ Bảy Tuần Thánh là sự kết hợp giữa nỗi đau về cái chết của Chúa Giêsu và niềm vui về sự phục sinh của Ngài. Không có nghi thức phụng vụ nào được cử hành trong ngày này. Trong chiêm niệm với niềm mong đợi thầm lặng, cộng đoàn Kitô hữu mang tâm trạng của các tông đồ khi thiếu vắng Thầy của mình.
Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh đã được một số người định nghĩa là "ngày dài nhất", một thời điểm suy tư có thể trải rộng trong cuộc đời của mỗi người. Không có phụng vụ hay cử hành Thánh Thể, các Kitô hữu chờ đợi trong im lặng và hồi tưởng lại sự thất thần của các tông đồ sau cái chết của Chúa Giêsu.
Mong đợi thầm lặng
Mặc dù Canh thức Phục sinh chỉ bắt đầu vào tối thứ Bảy, nhưng thứ Bảy Tuần Thánh đã là một phần của phụng vụ Phục sinh. Đôi khi nó được gọi là sự "khủng hoảng" của Lời vì các sách Phúc âm không nói gì về thời điểm này. Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng lúc này giống như khi thi hài của Chúa Giêsu vẫn còn trong mộ, trong khi các tông đồ, trong ngày nghỉ ấy của người Do Thái, đang hoang mang không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Cuộc cải cách phụng vụ của Đức Giáo hoàng Piô XII, một cách nào đó, đã "phục hồi" Thứ Bảy Tuần Thánh như là ngày của sự im lặng và mong đợi, trong đó mọi Kitô hữu, ngay cả ngày nay, đều suy niệm về cái chết của Chúa Giêsu để nghĩ về bản thân mình mà chuẩn bị cho cái chết không thể tránh khỏi của mình.
Vào ngày này, đức tin bị thử thách vì Đấng Kitô đã chết và chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta chỉ có thể sống với niềm hy vọng rằng sự trống rỗng này sẽ được lấp đầy.
Cõi Chết
Ngay cả khi mọi thứ dường như im lặng, Chúa Kitô vẫn đang làm việc. Quả vậy, theo truyền thống cổ xưa, vào ngày này, Chúa Giêsu đã đi vào cõi chết để cứu con người và đưa con người theo Ngài lên thiên đàng, nơi Ngài đi trước chúng ta để, ở nơi đó, Ngài mở rộng vòng tay chờ đợi chúng ta.
Đi vào cõi chết, Chúa Giêsu đến gặp Ađam - tượng trưng cho toàn thể nhân loại, đánh thức ông ra khỏi giấc ngủ của cõi chết và công bố ơn cứu độ cho mọi người. Chúa Giêsu tạo ra chiếc cầu nối giữa nấm mộ và Vương quốc của Thiên Chúa. Ngài mang vũ khí thập giá bất khả chiến bại đi vào cõi chết để chiến thắng sự chết.
Giờ của Mẹ Maria
Trong khoảng hơn ba mươi năm theo truyền thống Byzantine, thứ Bảy Tuần Thánh đã từng được cử hành như là Giờ của Mẹ. Trọng tâm của thứ Bảy Tuần Thánh là hình bóng của Đức Maria. Ở nơi Mẹ, chúng ta thấy cả nỗi đau mất mát Người Con yêu dấu duy nhất, cùng với niềm hy vọng về sự phục sinh của Con mình.
Vì lý do này, Đức Maria đã được gán cho các danh hiệu: Mẹ Sầu Bi, Mẹ Đau Buồn - là những chủ đề chính cho trường phái nghệ thuật Maria trong Giáo hội Công giáo.
Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta thấy Mẹ ở dưới chân Thánh Giá, bên xác Con Mẹ - Đấng trước khi trút hơi thở cuối cùng, đã giao Mẹ cho Gioan. Mẹ Maria, được kêu gọi chu toàn sứ mệnh làm Mẹ, không thể ở lại mà không có các con của Mẹ. Nỗi đau và đức tin - từ đó sinh ra toàn thể Giáo hội, cũng là nỗi đau và đức tin cùng với Mẹ dưới chân Thập giá, được chiếu sáng bởi niềm hy vọng. Kể từ Năm Đức Mẹ 1987, Giờ của Đức Mẹ đã được cử hành vào Thứ Bảy Tuần Thánh hằng năm tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Rôma.