Đệ tử thỉnh cầu một lời minh triết. Minh sư đáp: “Con hãy ngồi trong tịnh xá của con và tịnh xá của con sẽ dạy con sự minh triết.” “Nhưng con không có tịnh xá. Con không phải là một đan sĩ.” “Dĩ nhiên con có một tịnh xá. Hãy nhìn vào bên trong.” Trò chuyện thiêng liêng: Ai cũng biết con người được cấu thành bởi thể xác và tâm hồn, tuy hai nhưng là một và có liên hệ mật thiết với nhau. Thể xác khỏe mạnh giúp tinh thần sảng khoái và ngược lại. Hoặc nói như thánh Têrêsa Avila: “Hãy làm điều gì tốt cho xác bạn, để hồn bạn được vui vẻ ở trong xác.” Do đó trong thời gian chống dịch, làm sao để mình và người thân không mắc phải virus là ưu tiên hàng đầu. Bảo vệ chính mình, người thân và cộng đồng là điều cần thiết mà ai ai cũng được mời gọi chung tay. Tuy nhiên, ở bài này chúng ta bàn đến lãnh vực tâm hồn, đời sống tinh thần: làm sao để có được một tâm hồn khỏe mạnh? Đã từ lâu người ta bàn đến khía cạnh tâm hồn của con người. Thú vị là từ tâm hồn bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ đại: (ψυχή-psykhḗ), có nghĩa là “hơi thở”. Trong đó bao gồm các khả năng tinh thần hay tâm hồn (spiritus) của một sinh vật: lý trí, tính cách, cảm giác, ý thức, trí nhớ, nhận thức, suy nghĩ, v.v. Ở đây chúng ta tạm không liên hệ đến linh hồn theo cách hiểu của Công giáo. Chúng ta phân biệt tâm hồn là gắn liền với thân thể sống lúc này. Sau khi chết, dĩ nhiên những đặc tính của tâm hồn vừa nêu trên cũng chấm dứt. Ngược lại, linh hồn (pneuma) thì bất tử. Câu chuyện trên đây của cha Anthony de Mello có thể dẫn ta vào trường học của tâm hồn: “Hãy nhìn vào bên trong.” Khi ước mong bước vào môi trường này, bạn và tôi sẽ có nhiều cách thế để làm cho tâm hồn mình thêm phong phú:
- Về phần lý trí, nhận thức và suy tư: Trong đại dịch, thật tốt để tìm đọc những cuốn sách hay, xem những thước phim bổ ích và bàn luận những chủ đề mà mình quan tâm. Chúng ta cũng có thể học hỏi thêm những kiến thức bổ ích cho công việc mà mình đã, đang và sẽ theo đuổi. Lúc này là thời gian để trau dồi cho bộ não được hoạt động một cách hệ thống và nhanh nhạy hơn. Đừng để đầu óc, tâm hồn ra u mê.
- Về phần tâm tư tình cảm: Khi ở nhà thật tốt để cùng nhau nấu ăn, vui đùa và hài hước để làm cho cuộc sống bớt phần căng thẳng. Lắng nghe những rung động của tâm hồn mình và người khác. Nơi đó, bạn sẽ cảm nhận được một sự nhẹ nhàng, lâng lâng đến khó tả! Hoặc có thể nghe bản nhạc mình yêu thích, ngắm một bông hoa đang khoe sắc giữa bối cảnh xã hội bị phong tỏa. Hoặc nhìn bình minh để cùng bước vào một ngày mới với nhiều năng lượng. Một đêm sáng trăng nào đó, hãy ngắm sao trời, vũ trụ để đưa tâm hồn mình hòa với thiên nhiên vạn vật. Còn nhiều điều khác nữa mà bạn có thể tự sáng kiến cho tâm hồn mình được thức ăn bổ ích.
- Về đời sống thiêng liêng: Khi nhìn vào bên trong là lúc bạn có cơ hội cầu nguyện. Gặp gỡ Thiên Chúa để được nghỉ ngơi và tâm hồn bạn được bồi dưỡng. Cầu nguyện là gặp Thiên Chúa trong thinh lặng, nơi “tịnh xá lòng bạn”. May mắn cho những ai có niềm tin tôn giáo lúc này. Họ có thể để lòng mình lắng đọng bên vị Thượng Đế mà họ đang tôn thờ. Là người Công giáo, chúng ta có Thiên Chúa, có Đức Giêsu giàu lòng thương xót và quyền năng để giúp mỗi người được sống bình an, hạnh phúc. Hạnh phúc thiên đàng có thể được Thiên Chúa ban cho chúng ta ngay trong đời sống tâm hồn mình. Theo ngôn ngữ nhà đạo, chúng ta gọi đó là những an ủi thiêng liêng, cảm nhận Thiên Chúa đang yêu thương mình vô ngần. Kinh nghiệm thiêng liêng này sẽ tưới vào tâm hồn bạn nguồn sống dồi dào. Không ai nhận thay cho bạn được; nếu muốn có kinh nghiệm này, chính bạn và tôi phải thực hành. Với ba khía cạnh trên đây, hy vọng bạn cùng gia đình biết bồi đắp cho nhau để cuộc sống thêm tình người, tình bạn và tình yêu gia đình. Một tâm hồn đẹp luôn hấp dẫn người khác và tạo nên bình an cho chính mình. Chú ý là bước đầu sẽ gặp vài hoặc nhiều khó khăn để chăm sóc cho tâm hồn. Nhưng vì đây là thời cơ tốt để ta tập luyện với chính mình và cùng với nhau, hy vọng ai cũng được hoa thơm trái ngọt. Điều quan trọng đó là bắt đầu một cách quyết tâm, trước là từ phía mình. Hãy xem ngôi nhà của bạn là một “tịnh xá, một thánh đường thu nhỏ”. Nơi đó Thiên Chúa mời gọi mỗi người tự do sáng tạo, cùng nhau bồi đắp tình thương và sự sống. Hoặc nói như Đức Giáo Hoàng nhắn với người trẻ: “Sự phát triển tâm linh của các con được thể hiện trên hết trong tình bác ái huynh đệ, đại lượng và từ tâm. Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy (1 Tx 3,2). Cầu mong các con sẽ sống mỗi ngày một nhiều hơn “sự xuất thần” này của việc ra khỏi chính mình để tìm kiếm điều tốt đẹp cho những người khác, thậm chí đến mức hy sinh mạng sống mình.”[1] Tôi tin rằng sau thời gian cầu nguyện và lắng đọng tâm hồn, bạn cũng biết làm cho ngôi nhà của mình dễ thương hơn, vui vẻ và hạnh phúc hơn. Lạy Chúa Giêsu, lúc này nhiều người chúng con đang lo lắng về dịch bệnh. Nhất là những gia đình có người bị nhiễm hoặc đã qua đời vì virus, sầu buồn càng tăng gấp bội. Dẫu sao lúc này và ở đây, xin Chúa cùng với con đi vào tâm hồn con. Nơi đó Chúa muốn con làm gì? Vâng con đang lắng nghe đây! Chỉ xin Chúa ban lòng mến và ân sủng, để chúng con cùng giúp nhau qua những ngày gian khó. Amen. (Bài viết được tác giả gửi đến Ban Biên Tập tại địa chỉ email: bbt.whd@gmail.com)