Sự thinh lặng của cha là điều kiện để lắng nghe tiếng Chúa, và cũng là bước lùi để tiếng Đức Giêsu vang lên. Có lẽ hai giá trị cao quý này đã quá đủ để con tự hào và nhất tâm học hỏi sự thinh lặng của cha. Dầu vậy, sự thinh lặng của cha còn chất chứa một ý nghĩa khác mang tính chung cuộc: Thinh lặng để hòa vào cõi thinh lặng vô biên của Thiên Chúa.
Chẳng ai biết gì về ngày cha ra đi. Tin Mừng cũng chỉ nhắc đến cha khi tên cha có chút liên hệ nào đó với Đức Giêsu. Và tất cả chỉ có thế. Cái chết của cha là một điều tất yếu, và dường như sự im lìm của nó cũng được tiếp nối một cách tất yếu từ cuộc đời thinh lặng của cha. Vốn dĩ đã luôn thinh lặng, nay cha bước vào một cõi thinh lặng thâm uyên bất diệt. Cha trở về cùng Thiên Chúa, Đấng Thinh Lặng. Trên cõi vĩnh hằng, cha tiếp tục thinh lặng vì cha “bắt chước sự thinh lặng của Chúa”, sự im lặng của cha đồng vọng với sự im lặng của Ngài.[1] Cha đang tham dự vào sự sống viên mãn của Thiên Chúa, của tình yêu vô biên Ngài; vì thế tình yêu và cuộc sống của cha không còn đóng khung trong những ranh giới chật hẹp là cuộc đời và tình yêu của chúng con đây. Như thế, sự thinh lặng vĩnh hằng của cha mời gọi loài người vượt qua những ồn ào dương thế, vượt qua kiếp “sống dở chết dở – prolixitas mortis” để nhờ ơn Chúa, cùng cha bước vào sự sống đời đời, một sự sống chẳng còn can dự gì đến cái chết.[2] Nhưng phải chăng chỉ khi nhắm mắt lìa đời con mới có cơ hội hòa vào cõi thinh lặng vô biên của Thiên Chúa như cha? Xem ra không hẳn là thế. Chính khi thinh lặng, cha đã phần nào hòa làm một với Thiên Chúa thinh lặng. Con ngẫm nghĩ, khi bước vào một khu rừng lặng gió, tiếng nói cất lên chỉ khiến con và khu rừng thêm xa. Tiếng nói của con tạo ra một ngăn cách phân biệt con và khu rừng. Chỉ trong thinh lặng, khoảng cách giữa con và khu rừng mới được xóa nhòa. Cả hai được hòa vào nhau. Con trở thành một phần trong sự hòa điệu với khu rừng bao la lặng gió. Cũng thế, hai người bạn tâm giao ngồi bên nhau. Họ chẳng nói một lời. Họ hiểu nhau trong sự thân mật thâm sâu. Sự thinh lặng diễn tả sự cảm thông và đón nhận mà họ dành cho nhau. Cuộc gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa cũng vậy. Trong phương pháp cầu nguyện Lectio Divina, chiêm ngắm gần như là bước cao nhất. Đến bước này, mọi lời lẽ suy tư đều trở nên thừa thãi. Duy chỉ sự hiện diện là đủ. Chúa và người hòa làm một trong sự hiện diện thinh lặng. Ở đây, thinh lặng không chỉ là điều kiện của sự hòa điệu, nó còn là điểm tới của sự hòa điệu ấy. Chắc rằng với cuộc đời thinh lặng của mình, cha đã bước vào sự hòa điệu với vị Thiên Chúa thầm lặng. Và sự hòa điệu ấy đã thành toàn khi cha được đem về cùng Ngài sau cuộc đời dương thế. Sự thinh lặng trọn hảo của cha Giuse mang nhiều ý nghĩa và giá trị thật đẹp. Đó là lời khích lệ để con biết sống thinh lặng hơn mỗi ngày. Nhưng trong thực tế, thật không dễ để sống thinh lặng. Chắc hẳn thinh lặng là một ơn ban đến từ Thiên Chúa. Và nếu là ơn nhưng không thì con người phải tha thiết xin ơn. Thinh lặng vừa là ơn, nhưng cũng là nỗ lực sống của mỗi người. Điều này đòi hỏi nơi từng người lòng yêu mến sự thinh lặng và chuyên chăm luyện tập thinh lặng mỗi ngày. Thực tế cho thấy, mọi hoa trái tốt đẹp chỉ trổ sinh với thật nhiều mồ hôi và nước mắt. Cám ơn cha về bài học thinh lặng. Ví được, đời cha tựa nốt lặng tinh tế và tuyệt đẹp trong bản hòa âm mang tên cứu độ mà Thiên Chúa đã cất công soạn nên. Bản hòa âm ấy đã được Đức Giêsu, Con nuôi của cha trình tấu một cách ngoạn mục và vẻ vang. Về phần mình, nhờ sự thinh lặng, cha đã nghe được tiếng Chúa để tham dự vào kế hoạch cứu độ, đã rút lui để tiếng Đức Giêsu vang lên, và đã tan hòa vào cõi thinh lặng vô biên của Thiên Chúa để nên một với Người. Sự thinh lặng của cha hướng lên Thiên Chúa, và cũng hướng về những kẻ Con cha hằng yêu thương Jos. Nguyễn Minh Vương
Nguồn: dongten.net
***
Xem bài 1 và 2
1. https://dongten.net/2021/09/02/thinh-lang-cua-cha-1-thinh-lang-de-lang-nghe-tieng-chua/
2. https://dongten.net/2021/09/08/thinh-lang-cua-cha-2-thinh-lang-de-tieng-con-vang-len/
[1] Karl Rahner, Réo gọi vị Thiên Chúa thầm lặng, Paul Vũ Văn Thiện dịch (NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2003), 110.
[2] Karl Rahner, 110.