Bạn không nhất thiết phải là một thần học gia để có thể thiết lập một mối tương quan lâu bền với Thiên Chúa. Như bất kỳ mối tương quan trọng yếu nào, mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa cũng đòi hỏi phải có sự tận tâm, lắng nghe, giao tiếp và phản hồi. Đôi khi, chúng ta cư xử với Thiên Chúa, Chúa tể sự sống, chẳng khác gì một chiếc máy bán hàng tự động. Chúng ta nhét vào đó vài đồng xu của chúng ta; chúng ta đọc một lời cầu; chúng ta đến nhà thờ; chúng ta chờ đợi những câu trả lời và những ơn ban ngay lập tức từ cái máy thiêng liêng này. Hy vọng chúng ta có thể nhận ra rằng: nếu chúng ta cư xử như thế với những người thân yêu và bạn bè của chúng ta, thì chúng ta hủy hoại một cách nhanh chóng những mối tương quan này. Dĩ nhiên, Thiên Chúa sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi chúng ta. Như thánh Têrêsa Avila đã nói: “Đức Kitô không áp đặt điều gì lên tâm trí chúng ta. Người chỉ đến và nhận những gì chúng ta muốn trao cho Người. Dẫu vậy, chỉ đến khi chúng ta chịu tuân phục hoàn toàn, Đức Kitô mới trao ban toàn vẹn chính Mình Người cho chúng ta.” Và đó là nơi mọi sự được bắt đầu cùng với sự tuân phục và từ bỏ.
Đặt Thiên Chúa lên trên hết Hãy giao phó hoặc tái giao phó cuộc đời mình cho Đức Kitô. Từng ngày trôi qua, chúng ta cùng thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây. Con đến để thực thi ý Người”. Hãy cứ làm như thế ngay cả khi bạn chưa hoàn toàn hiểu được ý Chúa muốn nơi bản thân. Thật vậy, hãy cứ liên lỷ dâng mình cho Thiên Chúa. Đó là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất. Thiên Chúa phải là chóp đỉnh của bậc thang giá trị, để rồi từ đó các giá trị khác trong cuộc đời chúng ta mới được đặt vào đúng vị trí. Tựa như lời của Thánh Augustinô: “Lòng chúng con còn mãi khắc khoải cho đến khi được nghỉ ngơi trong Chúa”. Trước đây, tôi không bao giờ muốn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Công giáo. Thậm chí, tôi còn không hay biết truyền thông Công giáo có tồn tại vào thời điểm tôi nghe tiếng gọi của Chúa để rời bỏ truyền thông thế tục. Tôi đã ngăn chặn tất cả những dấu chỉ mà tôi nhận được. Tôi cứ liên tục gõ vào những cánh cửa thế tục đã đóng kín, với mong ước chúng sẽ mở ra và tôi có thể quay trở lại con đường cũ. Tôi từng nghĩ tôi đã có được tất cả khi tôi đảm nhận chức vụ giám đốc tin tức của đài phát thanh. Tôi tự thuyết phục mình rằng tôi hoàn toàn có thể ở lại trong lĩnh vực truyền thông, đó là ngành nghề duy nhất tôi có thể làm tốt và là nơi mà tôi chu toàn Thánh ý Chúa trong cuộc đời mình. Thế nhưng, tôi đã sai lầm. Chẳng có ý Chúa nào ở đây cả, đó hoàn toàn là ý muốn của riêng tôi. Cuối cùng, sau một cuộc giằng co gần ba năm với Thiên Chúa, tôi nhận ra Ngài đã có kế hoạch khác cho cuộc đời tôi. Ngài muốn sử dụng những kỹ năng và ân ban của tôi cho vinh quang của Ngài, chứ không phải cho tôi. Thật vậy, sau hai mươi năm trong lĩnh vực truyền thông và báo chí Công Giáo, tôi chưa một lần ngoảnh đầu lại và luôn cảm thấy ngập tràn hạnh phúc.
Ở với Chúa Giêsu trong giờ Chầu Thánh Thể Giáo Hội luôn dạy chúng ta rằng Bí Tích Thánh Thể là nguồn cội và chóp đỉnh của Đức Tin. Là người Công Giáo, chúng ta không chỉ được ban ơn lãnh nhận Mình, Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Chúa Giêsu trong Thánh Lễ, mà còn được đặc ân ở riêng với Người trong các giờ Chầu Thánh Thể. Mình Thánh Chúa thường được đặt cách cung kính trong Mặt Nhật, điều này cho phép chúng ta dễ dàng dành thời gian tĩnh lặng để chiêm ngắm và đặt mình trước Tôn Nhan của Đấng Sáng Tạo vũ trụ trời đất ngay tại nhà thờ hay nhà nguyện của mình. Nếu giáo xứ của bạn không có những giờ Chầu Thánh Thể, hãy kiểm tra trong giáo phận để có thể tìm ra một nơi thích hợp cho việc thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Không có gì giúp bạn lắng nghe Thiên Chúa tốt cho bằng hào quang từ Thánh Thể.
Đọc Kinh Thánh mỗi ngày Đây là một điều căn bản nhưng tối quan trọng trong việc thiết lập mối tương giao với Thiên Chúa và lắng nghe tiếng Ngài. Trong thư gửi tín hữu Do Thái, tác giả đã chép rằng “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”(Dt 4:12). Chúng ta thường gắn bó chặt chẽ với những người chúng ta yêu mến. Chúng ta nhắn tin, gửi mail, gặp gỡ họ trên mạng xã hội trực tuyến. Nói cách khác, chúng ta tha thiết muốn nghe những điều họ nói. Như vậy, nếu bạn muốn nghe được tiếng Chúa, hãy nhìn ngắm những điều Ngài đã phán truyền trong Thánh Kinh. Những bài đọc hằng ngày trong Thánh Lễ là cách thế tuyệt vời để khởi đầu và kết hiệp mật thiết với Giáo Hội hoàn vũ. Một khi đã bắt đầu hành trình đọc Kinh Thánh, bạn sẽ muốn đi sâu hơn nữa và tham gia vào các lớp học Kinh Thánh. Chắc chắn là thế. Vì bạn chẳng thể nào học biết hết được vinh quang tỏ rạng của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể ngước mắt trông đến bầu trời hay vũ trụ này mà thôi, đó là giới hạn của chúng ta. Trong khi, Thiên Chúa còn hơn thế nữa.
Bỏ đi những tiếng ồn Bạn sẽ không thể thực hiện một cuộc đối thoại quan trọng với con cái, người bạn đời hay tri kỷ của mình tại những nơi ồn ào như quán rượu, nhà hát hay nhà thi đấu. Nhưng, bạn nên tìm đến những nơi yên tĩnh, thanh vắng, để có được sự riêng tư và yên bình. Thiên Chúa xứng đáng có được điều đó biết bao, và chính bạn cũng vậy. Hãy tìm cho mình một nơi yên tĩnh để cầu nguyện, đọc Kinh Thánh hoặc viết nhật ký thiêng liêng. Thậm chí, dù có phải sửa đổi một góc nhà hay sân vườn, bạn cũng nên có một nơi như thế để dành riêng cho việc cầu nguyện và tĩnh tâm. Hãy xa rời các thiết bị công nghệ và tái thiết lập mối tương quan với Thiên Chúa, dẫu chỉ trong ít phút ngắn ngủi.
Nhận biết Chúa Thánh Thần Trong huấn từ cuối cùng để lại cho các tông đồ, Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta rằng dẫu cho Người về trời cùng Chúa Cha, nhưng Người sẽ không bỏ rơi bất kỳ ai. “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em.”(Ga 14:15-18) Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng chúng ta được liên kết với Đức Kitô ngang qua trung gian duy nhất là Chúa Thánh Thần - Ngôi Ba Cực Thánh: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Abba, Cha ơi’”(Gl 4:6). Sự nhận biết đó của đức tin chỉ có thể có được trong Chúa Thánh Thần. Để được hiệp thông với Đức Kitô, trước hết cần phải được Chúa Thánh Thần đánh động. Ngài đến với chúng ta trước và khơi dậy đức tin trong chúng ta. Nhờ phép Rửa Tội của chúng ta, là bí tích đầu tiên của đức tin, mà sự sống, vốn bắt nguồn nơi Chúa Cha và được ban cho chúng ta trong Chúa Con, được truyền thông một cách thân mật và cá vị bởi Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh." (GLHTCG số 683). Đó quả là những lời tuyệt mỹ và đầy uy quyền. Tất cả những gì chúng ta cần làm chỉ là thân thưa rằng: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến.” Dẫu có rất nhiều lời cầu nguyện tuyệt diệu để dâng lên Chúa Thánh Thần, nhưng trong mọi sự, Thiên Chúa chỉ muốn lắng nghe tiếng xin vâng của bạn. Khi chuẩn bị cầu nguyện, hãy cất tiếng: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến”. Hoặc khi bạn chuẩn bị tham dự Thánh Lễ, hãy thành tâm cầu khẩn ơn Chúa Thánh Thần soi lòng mở lòng trí để bạn đón nhận thông điệp của các bài đọc và bài giảng lễ. Cũng vậy, mỗi khi bạn lật giở Kinh Thánh để tìm Thánh Ý Chúa, hãy cầu nguyện “Xin Chúa Thánh Thần ngự đến cùng con”. Và nhớ rằng, Thiên Chúa là Đấng Tín Thành, Ngài luôn giữ lời hứa của mình. Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ và Ngài sẽ luôn luôn phù trợ bạn trong việc lắng nghe và phân định tiếng Chúa một cách rõ ràng.
Tìm hiểu về các vị thánh Giáo hội Công Giáo đã tuyên thánh cho hơn mười ngàn vị thánh. Đó là những người nam, người nữ đến từ mọi tầng lớp và mọi cấp bậc của xã hội. Không ai trong số họ là người hoàn hảo cả. Mỗi thánh nhân đều bắt đầu như một con người bình thường, nhưng họ luôn biết cách làm những điều phi thường trong Đức Tin. Những con người ấy đã để lại những di sản vô giá về đời sống cầu nguyện, về Giáo Hội, đau khổ, đời sống gia đình, việc lướt thắng tội lỗi và nhiều giá trị tốt lành khác. Các thánh nhân là những người bạn tuyệt vời đang đợi chờ trên thiên đàng và luôn mong muốn kéo chúng ta đến gần hơn với Thiên Chúa.
Tiếp tục tự đào luyện bản thân về Đức Tin Công Giáo Giống như những gì tôi đã học trong nhiều năm qua, người ta có thể dành cả cuộc đời để học tập và nghiên cứu về Giáo Hội, thế nhưng những nỗ lực ấy xem ra cũng chỉ giúp họ nhìn được “phần nổi của tảng băng trôi mà thôi”. Học biết về Đức Tin Công Giáo không có nghĩa là phải ngồi trong những lớp học của các trường đại học Công Giáo hoặc chủng viện giáo phận. Nếu bạn tin rằng ơn gọi của mình được đặt ở đó thì điều này cũng có thể thực hiện được. Còn nếu không, bạn sẽ được trợ giúp nhờ mạng lưới phương tiện truyền thông. Một trong những điều tuyệt diệu của các phương tiện truyền thông là nguồn thông tin trực tuyến luôn sẵn sàng và gần như vô tận. Bằng cách truy cập vào các trang thông tin Công giáo, thậm chí không cần quá thường xuyên, bạn sẽ hiểu biết sâu rộng hơn về các giáo huấn của Hội Thánh và cách thức áp dụng chúng vào đời sống của bạn cũng như trong tương quan với Đức Kitô. Ví dụ, bạn có thể truy cập vào trang Vatican News hằng tuần để nghe huấn từ của Đức Giáo Hoàng. Như vậy, bạn sẽ thấy rằng không hề có giới hạn cho việc học tập.
Thật sự mở ra với Thánh Ý của Thiên Chúa Thiên Chúa không bao giờ dẫn bạn đi sai lối. Ngài là Thiên Chúa, Đấng tạo thành, yêu thương và luôn mong mỏi những điều tốt đẹp nhất cho chúng ta, đó cũng chính là Thánh Ý của Ngài. Tôi đã mất một thời gian dài để thấu suốt và đón nhận điều này. Tôi đã nhận ra rằng cũng như những bậc cha mẹ đáng kính khác, Thiên Chúa đôi khi phải nói không với chúng ta, dù cho chúng ta không muốn nghe điều đó, và Ngài cũng sẽ không nói với chúng ta rằng tội lỗi là điều đúng đắn. Nhiều năm về trước, một trong những thính giả trên đài radio của tôi đã gửi một e-mail để tham vấn tôi về hiện trạng của cô ấy. Cô ấy cố gắng biện minh cho những hành động của mình, thế nhưng, đáng tiếc đó là những hành vi phạm tội trọng. Thật ra, cô ấy không thực sự quan tâm đến ý kiến của tôi, cô ấy chỉ muốn nghe lời xác nhận từ một người dẫn chương trình tọa đàm Công Giáo rằng mọi sự nơi cô hoàn toàn ổn. Tôi đã nói với cô ấy một cách nhẹ nhàng nhưng đầy kiên quyết rằng Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận hay khích lệ con người phá bỏ dù chỉ một điều trong các điều răn của Ngài, thế là cô ấy không trả lời tôi. Vì thật sự hy vọng sẽ có thể tạo được một cuộc đối thoại, nên tôi đã cố gắng không quá nặng lời với cô ấy. Dẫu vậy, tất cả chúng ta, những người đã nhận biết về chân lý Đức Tin phải có trách nhiệm giải thích và bảo vệ chân lý ấy, cũng như giúp đỡ người khác khỏi phạm phải những quyết định sai lầm. Về mặt tích cực, Chúa Thánh Thần thật sự đang làm việc trên cô ấy. Đó là lý do tại sao cô ấy đã chủ động liên lạc với tôi ngay từ đầu. Một thứ gì đó (hoặc chính Thiên Chúa) đã buộc cô phải tự vấn về những chọn lựa của mình. Từ sâu trong tâm khảm, cô biết mình đã sai; nếu không cô sẽ chẳng liên lạc với tôi và đưa vấn đề của mình ra ánh sáng. Nếu cô ấy tiếp tục giữ liên lạc, tôi sẽ khích lệ cô ấy trước hết hãy chạy đến với Bí tích Hòa Giải, sau đó tìm cho mình một vị linh hướng để giúp đỡ trong việc lắng nghe tiếng Chúa và xa tránh các dịp tội. Trong thế giới hiện nay, chúng ta thấy có nhiều người muốn hướng dẫn Thiên Chúa về cách thức mọi việc nên xảy ra thế nào, thay vì theo hướng ngược lại. Chúng ta không muốn nhìn thẳng vào tâm hồn mình và nhìn nhận những vấn đề cần giải quyết và cải đổi. Theo kinh nghiệm của tôi, có vẻ dễ dàng hơn cho chúng ta nếu chỉ sống một cuộc đời mà ít khi hoặc chẳng cần phải suy xét bản thân hay tự vấn lương tâm mình. Thế nhưng, đời sống đó sẽ đóng khung chính chúng ta và Thiên Chúa vào trong một chiếc hộp không lối thoát. Tiên tri Giêrêmia đã nói rằng chúng ta sẽ tìm thấy Thiên Chúa khi chúng ta hết lòng kiếm tìm Ngài (x. Gr 29:13). Một lần nữa, phần chính yếu của việc lắng nghe Thiên Chúa chính là khả năng mở tâm hồn chúng ta ra với Thánh ý của Chúa. Càng dốc lòng kiếm tìm Thiên Chúa, chúng ta sẽ càng hiểu biết thêm về Ngài và cả chính con người chúng ta nữa.
Thái độ của lòng biết ơn Dù cho tiến trình đào luyện khả năng lắng nghe Thiên Chúa của bạn đang tới đâu, hãy mừng vui và dâng lời tạ ơn vì bạn vẫn còn đang ở trong một mối tương giao với Thiên Chúa và thường xuyên được lắng nghe tiếng Ngài. Ngày nay, có quá nhiều những bộn bề, lo toan, ồn ào kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa. Hãy tạ ơn vì bạn nhận thấy bản thân mình còn cần Chúa và khát mong được lắng nghe Ngài cất lời. Hãy dâng niềm cảm tạ tri ân Thiên Chúa vì những điều nhỏ nhặt và lớn lao trong cuộc sống. Và cảm nghiệm cách Ngài chào đón bạn và cho bạn thấy tình yêu thương, sự an ủi và hướng dẫn của Ngài.