Học viện Đa Minh chuyển ngữ
Đây là một phương thức suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi dựa theo Tông thư Rosarium Virginis Mariae của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trích từ đặc san Bollettino di San Nicola của các Linh mục Đa Minh thuộc tu viện Bari, Italia (numero speciale, Settembre-Ottobre 2003). Việc suy niệm mỗi mầu nhiệm dựa theo lược đồ như sau:
1/ Ý nghĩa mầu nhiệm, dựa theo tông thư Rosarium Virginis Mariae
2/ Đọc Lời Chúa
3/ Suy niệm
4/ Quyết tâm
5/ Lời nguyện
Tiếp đó là việc đọc kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh như thường lệ.
I. NHỮNG MẦU NHIỆM MÙA VUI
Các mầu nhiệm mùa vui, được đánh dấu bằng niềm vui toả sáng từ biến cố Nhập thể. Điều này là rõ rệt ngay từ mầu nhiệm thứ nhất, cuộc Nhập thể, khi lời thiên sứ Gabriel chào đức Trinh nữ Nadarét được nối kết với lời mời đón nhận niềm vui thời Đấng Cứu thế “Vui lên, cô Maria”… Nhưng hai mầu nhiệm sau cùng, trong khi vẫn duy trì bầu khí vui mừng này, thì lại báo trước bi kịch sắp xảy đến… Suy niệm các mầu nhiệm mùa vui là đi vào những nguyên nhân tối hậu và ý nghĩa sâu xa nhất của niềm vui Kitô giáo. Đó là tập trung vào tính cách thực tiễn của mầu nhiệm của cuộc Thương khó cứu độ. Đức Maria dẫn chúng ta tới chỗ khám phá ra bí quyết của niềm vui Kitô giáo, trước hết và trên hết, là một “Tin Mừng”, trung tâm và toàn thể nọi dung Tin Mừng đó chính là con người Đức Giêsu Kitô, Lời đã thành xác phàm, Đấng cứu độ của thế giới. (Rosarium Virginis Mariae 20)
Mầu nhiệm thứ nhất: Báo tin Ngôi Lời Nhập thể
Toàn thể lịch sử cứu độ, theo một nghĩa nào đó đã hướng tới lời chào của thiên sứ Gabriel “Vui lên đi, cô Maria!”. Nếu như kế hoạch của Chúa Cha là qui tụ vạn vật trong Đức Kitô (x. Ep 1,10), thì toàn thể vũ trụ một cách nào đó đã được ân nghĩa của Thiên Chúa động chạm đến, ân nghĩa mà Chúa Cha đoái đến Đức Maria và làm cho Đức Mẹ thành Thân Mẫu của Con của Người. Ngược lại, toàn thể nhân loại được ôm ấp bởi tiếng fiat, nhờ tiếng ấy Đức Mẹ sẵn sàng chấp thuận thánh ý Thiên Chúa (Rosarium Virginis Mariae 20).
1. Đọc Lời Chúa. Trích Tin Mừng theo thánh Luca (1,26-38)
2. Suy niệm.
Đức Maria đón nhận những lời của thiên sứ với tâm tình khiêm tốn và vâng phục. Người trở nên mẫu gương cho chúng ta mỗi khi Chúa mong đợi chúng ta quảng đại đáp tiếng “Xin Vâng” theo thánh ý Ngài.
3. Quyết tâm.
Khiêm tốn và trung thành với những điều đã cam kết: “Phúc cho ai lắng nghe và tuân hành lời Chúa” (Lc 11,28)
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, xin dạy chúng con biết vâng lời đón nhận ý Chúa.
Mầu nhiệm thứ hai: Đức Mẹ Maria đi thăm viếng bà Elisabet
Hớn hở nhảy mừng là từ ngữ chủ yếu của việc gặp gỡ bà Elisabet, trong đó âm thanh của tiếng Đức Mẹ và sự hiện diện của Đức Kitô trong lòng người khiến cho ông Gioan “nhảy lên vì vui sướng” (Rosarium Virginis Mariae 20)
1. Đọc Lời Chúa. Trích Tin Mừng theo thánh Luca (1,39-56)
2. Suy niệm.
Đức Maria vội vàng đến thăm bà Elisabet để mang lại cho bà chị họ những sự giúp đỡ cần thiết, nhưng nhất là mang đến cho bà Chúa Giêsu, Đấng ban ơn thánh hoá và hân hoan.
Người trở nên mẫu gương cho chúng ta mỗi khi chúng ta được kêu mời đến giúp đỡ tha nhân, và nhất là đem Chúa Giêsu đến cho họ.
3. Quyết tâm.
Bác ái: “Tất cả lề luật được tóm lại trong một mệnh lệnh: bạn hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (Gl 5,14)
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, xin đến thăm viếng gia đình chúng con và mang đến cho chúng con hồng ân của Chúa Giêsu, người con yêu quý của Mẹ.
Mầu nhiệm thứ ba: Chúa Giêsu giáng sinh tại Bêlem
Sự vui mừng cũng tràn ngập cảnh ở Bêlem, khi biến cố chào đời của Hài nhi thánh, Đấng cứu chuộc thế giới được loan báo nhờ lời ca của các thiên thần và được công bố cho các mục đồng như là “tin vui trọng đại” (Rosarium Virginis Mariae 20)
1. Đọc Lời Chúa. Trích Tin Mừng theo thánh Luca (2,1-20)
2. Suy niệm.
“Khi tiến bước theo nẻo đường của Đức Kitô, nơi Người nẻo đường của con người được qui tụ lại, được bộc lộ ra và được cứu chuộc, các tín hữu đi tới chỗ diện đối diện với hình ảnh của con người đích thực. Khi chiêm ngưỡng sự ra đời của Đức Kitô, họ học biết tính thánh thiêng của sự sống” (Rosarium Virginis Mariae 25)
Nơi hang đá, Hài đồng Giêsu, Mẹ Maria, thánh Giuse, các mục đồng, dạy chúng ta những tâm tình cần thiết để diễn tả mầu nhiệm Belem trong cuộc sống hằng ngày, đó là: đức khiêm tốn, đức khó nghèo, sự hy sinh.
3. Quyết tâm.
Tinh thần nghèo khó: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về họ” (Mt 5,3)
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, xin hãy để cho Chúa Giêsu giáng sinh trong chúng con, và thực hiện nơi chúng con điều mà Người xưa kia đã làm ở nơi Mẹ.
Mầu nhiệm thứ bốn: Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu trong đền thánh
Việc hiến dâng trong đền thờ không chỉ diễn tả niềm vui của việc thánh hiến Hài Nhi và cuộc xuất thần của cụ Simêon, nhưng còn ghi lại lời ngôn sứ loan báo Đức Kitô là một “dấu chỉ chống đối” cho Israel và một lưỡi gươm sẽ đâm thấu trái tim Thân Mẫu của Người (Rosarium Virginis Mariae 20).
1. Đọc Lời Chúa. Trích Tin Mừng theo thánh Luca (2,22-40)
2. Suy niệm.
“Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa gì hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng ưa thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ tôi mới thưa: Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7).
Chúng ta hãy theo Mẹ lên đền thờ, và qua tay của Mẹ, chúng ta hãy dâng hiến trí tuệ, ý chí, cuộc đời của chúng ta cho Thiên Chúa, ngõ hầu biết, yêu mến và phục vụ Chúa mỗi ngày.
3. Quyết tâm.
Đức vâng phục: “Lương thực của tôi là thi hành ý muốn của Đấng đã sai tôi và hoàn thành công việc của Người” (Ga 4,34).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, xin hãy hiến dâng chúng con cho Chúa Cha trong đền thờ là Hội thánh.
Mầu nhiệm thứ năm: Mẹ Maria gặp lại Chúa Giêsu trong đền thờ sau khi bị thất lạc
Vui mừng pha lẫn với bi đát là nét đặc biệt của mầu nhiệm thứ năm, tìm thấy thiếu niên Giêsu mười hai tuổi trong Đền thờ. Ở đây Người tỏ mình ra trong sự khôn ngoan thiêng thánh của Người khi Người nghe và nêu lên những câu hỏi. Người tỏ mình ra chính yếu là “Kẻ dạy dỗ”. Việc mặc khải mầu nhiệm Người Con hoàn toàn lo công việc của Chúa Cha là một lời loan báo tính cách triệt để của Tin Mừng, trong đó những mối tương quan con người gần gũi nhất cũng được thách đố bởi những đòi hỏi của Nước Chúa. Đức Maria và thánh Giuse, sợ hãi và lo âu, đã “không hiểu” những lời Người nói (Rosarium Virginis Mariae 20).
1. Đọc Lời Chúa. Trích Tin Mừng theo thánh Luca (2,41-52)
2. Suy niệm.
“Chúa Giêsu chỉ tay về phía những môn đệ của mình và nói: Đây là mẹ của tôi, và đây là anh em của tôi, bởi vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha của tôi ở trên trời, thì đối với tôi người ấy là anh chị em, là mẹ của tôi” (Mt 12,49-50)
Khi lầm đường lạc lối, chúng ta hãy lên đường đi tìm Chúa Giêsu, ngõ hầu gặp lại Người và lấy lại niềm an bình.
3. Quyết tâm.
Đức khôn ngoan: “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị cũng chẳng giả hình” (Gc 3,17).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, xin cầu Thánh Linh ban cho chúng con được tâm hồn khôn ngoan.
II. NHỮNG MẦU NHIỆM SỰ SÁNG
Đi từ thời thơ ấu và cuộc đời ẩn dật ở Nadarét tới cuộc đời công khai của Đức Giêsu, sự chiêm ngưỡng đưa chúng ta tới những mầu nhiệm có thể gọi cách đặc biệt là “các mầu nhiệm ánh sáng”. Chắc chắn toàn thể mầu nhiệm Đức Kitô là một mầu nhiệm ánh sáng. Người là “ánh sáng của thế gian” (Ga 8,12). Nhưng chân lý này đã xuất hiện một cách đặc biệt trong những năm của cuộc đời công khai của Người, khi Người công bố Tin Mừng Nước Chúa. Khi đề nghị cho cộng đoàn Kitô hữu năm khoảng khắc quan trọng này tôi thấy có thể liệt kê như sau: 1) Đức Kitô chịu phép rửa tại sông Giođan, 2) Đức Giêsu tỏ mình ra tại tiệc cưới Cana, 3) Đức Giêsu công bố Nước Chúa, với lời kêu gọi sám hối, 4) Đức Giêsu biến hình và, cuối cùng, 5) Đức Giêsu thiết lập Thánh thể làm cách diễn tả Mầu nhiệm Vượt qua theo bí tích. Mỗi một mầu nhiệm này là một mặc khải của Nước Chúa, nay đang hiện diện nơi chính con người Đức Giêsu.
Trong các mầu nhiệm này, ngoại trừ phép lạ ở Cana, Đức Maria chỉ hiện diện ở hậu trường, Các sách Tin Mừng chỉ nhắc đến thật vắn tắt sự hiện diện đôi lần của Đức Mẹ vào lúc này hay lúc khác trong thời gian Đức Giêsu rao giảng (x. Mc 3,31-35 ; Ga 2,12), và cũng không nêu cho thấy Đức Mẹ đã hiện diện trong bữa Tiệc Ly và khi thiết lập Thánh thể. Nhưng chức năng Đức Mẹ đảm nhận ở Cana cách nào đó cũng đồng hành với Đức Kitô suốt thời gian Người thi hành sứ vụ. Mặc khải trực tiếp của Chúa Cha khi Đức Giêsu chịu phép rửa trong sông Giođan và còn vang vọng nơi ông Gioan Tẩy giả lại cũng chính là lời Đức Maria nói tại tiệc cưới Cana, và đã trở thành lời khuyên nhủ đầy mẫu tử Đức Maria gửi tới mọi thời đại: “Hãy làm như Người bảo” (Ga 2,5). Lời khuyên nhủ ấy là một dẫn nhập thích hợp để đi vào những lời nói và những dấu chỉ của Đức Kitô khi Người thi hành sứ vụ công khai và làm thành nền tảng qui hướng về Đức Maria của mọi “mầu nhiệm ánh sáng” (Rosarium Virginis Mariae 21)
Khi lắng nghe Thầy trong các mầu nhiệm thuộc về sứ vụ công khai của Người, các tín hữu tìm thấy ánh sáng dẫn đưa họ vào trong Nước Thiên Chúa (Rosarium Virginis Mariae 25)
Mầu nhiệm thứ nhất: Đức Giêsu lãnh phép rửa tại sông Giođan
Phép rửa tại sông Giođan là mầu nhiệm ánh sáng đầu tiên. Tại đây, khi Đức Kitô đi xuống dòng nước, Đấng vô tội đã trở thành “tội” vì chúng ta (x. 2Cr 5,21), thì các tầng trời mở rộng và tiếng nói của Chúa Cha tuyên bố Đức Kitô là Người Con yêu dấu (x. Mt 3,17 và song song), trong khi đó Thần khí ngự xuống trên Người để tấn phong Người đi vào sứ vụ Người sắp thực hiện (Rosarium Virginis Mariae 21)
1. Đọc Lời Chúa. Trích Tin Mừng theo thánh Matthêu (3,13-17)
2. Suy niệm.
Khi chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu lãnh phép rửa, chúng ta nhớ lại bí tích rửa tội của mình. Nhờ bí tích này, chúng ta được tháp nhập vào cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô. Điều này đòi hỏi chúng ta hãy chết cho tội lỗi, và sống cuộc đời mới trong Người.
3. Quyết tâm.
Tái khám phá ý nghĩa của bí tích rửa tội như là nền tảng của cuộc đời người Kitô hữu, theo như lời thánh Phaolô: “Anh em đã lãnh phép rửa trong Đức Kitô, vì thế anh em hãy mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, tại sông Giođan, đức Giêsu được công bố là Con rất yêu dấu của Chúa Cha. Xin soi sáng tâm trí chúng con ngõ hầu chúng con luôn ghi nhớ phẩm giá của chúng con là những con cái của Chúa.
Mầu nhiệm thứ hai: Chúa Giêsu và Mẹ Maria tại tiệc cưới Cana.
Một mầu nhiệm ánh sáng khác, đó là dấu chỉ thứ nhất trong các dấu chỉ, được thực hiện ở Cana (x. Ga 1,1-12), khi Đức Kitô biến nước thành rượu và mở tâm hồn các môn đệ cho các ông tin, nhờ sự can thiệp của Đức Maria, người tín hữu đệ nhất (Rosarium Virginis Mariae 21)
1. Đọc Lời Chúa. Trích Tin Mừng theo thánh Gioan (2,1-12)
2. Suy niệm.
Đức Giêsu hiện diện tại tiệc cưới Cana để biểu lộ kế hoạch của Thiên Chúa đối với hôn nhân. Cảnh thiếu rượu có thể giải thích như là hình bóng của cảnh thiếu vắng tình yêu thường rình rập các đôi vợ chồng. Đức Maria đã xin Chúa Giêsu can thiệp để các đôi vợ chồng đừng bao giờ thiếu rượu của tình yêu đích thực, bắt nguồn từ Thiên Chúa, nhờ đó họ được giải thoát khỏi những hiểm nguy của sự phản bội, hiểu lầm, ly dị.
3. Quyết tâm.
Đón nhận lời khuyên của Mẹ Maria: “hãy làm như lời Chúa dạy”.
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, nhờ mối quan tâm tế nhị của Mẹ mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ trước giờ đã định. Khi biến nước thành rượu, Người đã mang lại niềm vui cho biết bao nhiêu người. Xin Mẹ hãy tiếp tục lưu tâm đến bao nhiêu nhu cầu của nhân loại, và xin để ý đến các đôi vợ chồng đang gặp khó khăn.
Chúng con cũng xin bày tỏ những nhu cầu của chúng con cho Mẹ: xin dạy chúng con biết cách thức cụ thể để làm theo lời Chúa dạy.
Mầu nhiệm thứ ba: Đức Giêsu công bố Nước Trời và kêu gọi hoán cải
Mầu nhiệm ánh sáng khác nữa là lời giảng Đức Giêsu công bố Nước Thiên Chúa đang đến, Người kêu gọi sám hối (x. Mc 1,15) và Người ban ơn tha thứ tội lỗi cho mọi người đến gần Người với lòng khiêm tốn (x. Mc 2,3-13 ; Lc 7,47-48): khai mạc thừa tác vụ của lòng thương xót mà Người còn tiếp tục thi hành cho đến ngày tận thế, đặc biệt qua Bí tích Hoà giải Người đã trao phó cho Hội thánh của Người (x. Ga 20,22-23) (Rosarium Virginis Mariae 21).
1. Đọc Lời Chúa. Trích Tin Mừng theo thánh Marcô (1,14-15)
2. Suy niệm.
Sự cải hoán ảnh hưởng đến toàn thể nếp sống của con người, từ quan điểm theo “lối thế gian” sang quan điểm theo “Kitô giáo”: tư tưởng cần được phù hợp với Tin Mừng của Đức Kitô ; tình yêu được mở rộng để đón nhận tình yêu của Chúa ; cung cách cư xử giống như lối sống của Đức Giêsu.
3. Quyết tâm.
Hoạt động cho Nước Chúa.
“Khi người Biệt phái hỏi Đức Giêsu: ‘chừng nào Nước Chúa sẽ đến ?’ thì Người đáp: Nước Chúa không xảy đến một cách khác thường khiến cho người ta chú ý nói rằng: Nước Chúa ở đây, Nước Chúa ở kia kìa. Không, Nước Chúa ở giữa anh em” (Lc 17, 20-21).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, hãy cầu xin Chúa ban cho chúng con chuẩn bị cho Nước Chúa đến, nhờ việc thành tâm cải hoán, và biết quý trọng bí tích Hoà giải.
Mầu nhiệm thứ bốn: Chúa Giêsu biến hình trên núi.
Mầu nhiệm ánh sáng tuyệt vời là cuộc Biến hình. Truyền thống cho rằng sự việc này diễn ra trên núi Tabor. Vinh quang của Thiên Chúa chiếu giãi từ dung nhan của Đức Kitô, khi Chúa Cha truyền cho các Tông đồ bấy giờ còn đang sững sờ kinh ngạc là hãy “vâng nghe Người” (x. Lc 9,35 và song song), và như vậy cũng là để chuẩn bị để các ông có thể sống với Người cơn hấp hối trong cuộc Thương khó, hầu cùng với Người đạt tới niềm vui Phục Sinh và tới một đời sống được Chúa Thánh Thần biến đổi (Rosarium Virginis Mariae 21)
1. Đọc Lời Chúa. Trích Tin Mừng theo thánh Luca (9,28-36)
2. Suy niệm.
Cuộc biến hình của Chúa Giêsu nhằm phấn khích các tông đồ, để họ khỏi tháo lui khi đương đầu với cuộc khổ nạn, bởi vì cần phải đi qua Thánh giá mới đạt tới cuộc Phục sinh vinh hiển. Thánh giá chỉ là một chặng đường, và cuộc Phục sinh mới là tận điểm.
Chúng ta đã biết được những thánh giá và đau khổ trong cuộc đời: bệnh tật về thể xác hay về tinh thần, gánh nặng của gia đình, công ăn việc làm khi vất vả khi bấp bênh, những sự hiểu lầm, những thù nghịch…
Nhờ cuộc biến hình loan báo trước cuộc Phục sinh, Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng nếu tuyệt đối tin tưởng vào Chúa thì chúng ta sẽ không bị thất vọng vì những lời Chúa hứa.
3. Quyết tâm.
Hãy để cho ơn thánh Chúa biến đổi chúng ta. “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, xin dạy chúng con biết lắng nghe người Con của Mẹ, biết đặt tin tưởng vào Ngài. Chúng con tin rằng cũng như cuộc biến hình của Chúa đã nâng đỡ các tông đồ trong cơn thử thách, thì ánh sáng đức tin cũng nâng đỡ chúng con mỗi khi gặp phải thử thách đau khổ, nhờ sự cảm thông bén nhạy của Mẹ.
Mầu nhiệm thứ năm: Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh thể
Mầu nhiệm ánh sáng cuối cùng là việc thiết lập Thánh Thể, trong đó Đức Kitô trao ban thịt và máu của Người làm lương thực dưới hình bánh và hình rượu, và Người làm chứng lòng Người yêu thương nhân loại “cho đến cùng” (Ga 13,1), để cứu độ nhân loại, Người dâng hiến chính bản thân làm lễ hiến tế (Rosarium Virginis Mariae 21).
1. Đọc Lời Chúa. Trích thư thứ nhất thánh Phaolô gửi các tín hữu Corintô (11,23-29)
2. Suy niệm.
“Không bí tích nào mang lại nhiều công hiệu cứu độ cho bằng bí tích này: các tội lỗi được tha thứ, các tâm tình đạo đức được gia tăng, tâm hồn được trau dồi bằng muôn ơn huệ thiêng liêng. Trong Hội thánh, Thánh thể được hiến dâng cho người sống và người chết, hầu mang lại ơn ích cho hết mọi người, bởi vì Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích này nhằm ban ơn cứu độ cho hết mọi người” (Bài đọc thứ hai, Giờ Kinh sách, lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa).
3. Quyết tâm.
Hết lòng mến yêu bí tích Thánh thể: “Ta là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này thì sẽ sống muôn đời, và bánh mà Ta sẽ ban là thịt Ta để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, Mẹ của Thánh thể, chúng con tin rằng nơi bánh và rượu đã được cung hiến thực sự hiện diện Mình và Máu mà Ngôi Lời đã nhận lấy để mang lại ơn cứu độ cho chúng con. Nhưng tự sức chúng con không thể nào hiểu thấu mầu nhiệm cực trọng này. Xin Mẹ cầu Chúa Thánh Thần ban cho chúng con ánh sáng để nhận biết tình thương vô hạn của Chúa Giêsu khi trao hiến mình cho chúng con.
III. NHỮNG MẦU NHIỆM MÙA THƯƠNG
Các sách Tin Mừng dành cho các mầu nhiệm thương khó của Đức Kitô một tầm quan trọng rất lớn. Ngay từ đầu, lòng đạo đức Kitô giáo, nhất là việc đạo đức mùa Chay là đi đàng Thánh Giá, đã tập trung chú ý đến những khoảnh khắc riêng của cuộc Thương khó, vì hiểu rằng nơi đây là chóp đỉnh của lòng thương yêu của Thiên Chúa và nguồn mạch của ơn cứu độ chúng ta. Kinh Mân Côi chọn lấy một số khoảnh khắc trong cuộc Thương khó, mời người tín hữu chiêm ngắm các mầu nhiệm ấy trong lòng và sống các mầu nhiệm ấy nữa (Rosarium Virginis Mariae 22).
Mầu nhiệm thứ nhất: Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Cây Dầu.
Chuỗi suy niệm bắt đầu từ vườn Ghêtsêmani, nơi Đức Kitô cảm nghiệm một khoảnh khắc hết sức âu lo xao xuyến đối với thánh ý Chúa Cha, trước sự yếu đuối của xác phàm muốn cám dỗ cưỡng lại. Lúc ấy, Đức Giêsu ở giữa mọi cơn cám dỗ và đương đầu với mọi tội lỗi của nhân loại, để Người phải thưa với Chúa Cha: “Không phải ý con nhưng là ý Cha được thể hiện” (Lc 22,42 và song song). Lời thưa “Vâng” của Đức Kitô đảo ngược lời nói “Không” của tổ tiên chúng ta hồi ở trong vườn Eđen (Rosarium Virginis Mariae 22).
1. Đọc Lời Chúa. Trích Tin Mừng theo thánh Luca (22,39-53).
2. Suy niệm.
Trong những lúc thử thách, duy lời cầu nguyện mới có sức mang lại sự an ủi cho chúng ta.
3. Quyết tâm.
Tỉnh thức và cầu nguyện. “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Tinh thần thì nhanh nhẹn, nhưng xác thịt thì yếu đuối” (Mt 26,41).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, xin dạy chúng con biết can đảm ở gần bên Chúa Giêsu trong giờ xao xuyến, để lặp lại với Người rằng: Lạy Cha, xin cho ý Cha được thể hiện!
Mầu nhiệm thứ hai: Chúa Giêsu chịu đánh đòn.
Với việc chịu đánh đòn, đội mạo gai, vác thánh giá và chết trên Thánh giá, Chúa bị đẩy vào nỗi đau thương khốn khổ nhất: Ecce homo! (Rosarium Virginis Mariae 22).
1. Đọc Lời Chúa. Trích Tin Mừng theo thánh Gioan (18,28-40; 19,1)
2. Suy niệm.
Ai là những người đánh đập Chúa Giêsu? Đó là những người xúc phạm đến bí tích Thánh thể. Đó là những người xúc phạm đến Thân thể mầu nhiệm của Chúa là Hội thánh bằng các gương xấu. Đó là những người xúc phạm đến thân thể của mình là đền thờ của Chúa Thánh Thần bằng tội dâm dục.
3. Quyết tâm.
Giữ lòng trong sạch và thống hối. “Tôi đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng những người tội lỗi” (Mt 9,13).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, xin cho chúng con được chữa lành khỏi tội lỗi nhờ những thương tích của Chúa Giêsu, con của Mẹ và anh của chúng con.
Mầu nhiệm thứ ba: Chúa Giêsu đội vòng triều thiên kết bằng gai.
Nỗi đau thương khốn khổ của Đức Giêsu không chỉ bộc lộ cho thấy lòng yêu thương của Thiên Chúa nhưng còn cho thấy ý nghĩa của chính con người. Ecce homo: ý nghĩa, nguồn gốc và sự thành tựu của con người là được đặt nền tảng ở nơi Đức Kitô, vị Thiên Chúa vì yêu thương đã hạ mình “cho đến nỗi chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8) (Rosarium Virginis Mariae 22).
1. Đọc Lời Chúa. Trích Tin Mừng theo thánh Matthêu (27,27-30)
2. Suy niệm.
Chúa Giêsu bị chế nhạo vì Người là Vua. Còn phần chúng ta, chúng ta hãy nhìn nhận chủ quyền của Người bằng cách vâng phục ý muốn của Chúa, bằng lòng trung thành với Hội thánh, và bằng quyết tâm xây dựng Nước Chúa nhờ những hoạt động tông đồ.
3. Quyết tâm.
Chấp nhận hạ mình xuống. “Ai trong các con muốn làm lớn thì hãy trở nên kẻ phục vụ; ai muốn đứng đầu thì hãy trở nên đầy tớ của mọi người. Thực vậy, Con Người không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ và trao ban mạng sống của mình để cứu muôn người” (Mc 10,43-45).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, xin dạy chúng con được hiền lành khiêm nhường, giống như đức Vua của chúng con.
Mầu nhiệm thứ bốn: Chúa Giêsu vác thánh giá lên núi Calvê.
Khi đi theo Đức Giêsu trên đường tiến lên đồi Calvê, con người học biết ý nghĩa của khổ đau mang lại ơn cứu độ (Rosarium Virginis Mariae 25).
1. Đọc Lời Chúa. Trích Tin Mừng theo thánh Luca (23,26-32)
2. Suy niệm.
Mỗi người có thập giá riêng của mình. Chúng ta hãy vác thập giá, không phải cách miễn cưỡng như ông Simon Cirênê, nhưng với lòng nhẫn nại và yêu mến giống như Chúa Giêsu.
3. Quyết tâm.
Vác thập giá: “Ai không vác thập giá của mình và bước đi theo Ta thì không thể trở thành môn đệ của Ta” (Lc 14,27).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, xin dạy chúng con biết vác thập giá hằng ngày của mình với lòng nhẫn nại và yêu mến.
Mầu nhiệm thứ năm: Chúa Giêsu chết trên Thánh giá.
Mầu nhiệm này giúp cho người tín hữu diễn lại cái chết của Đức Giêsu, đứng dưới chân Thánh giá cùng với Đức Maria, cùng với Đức Mẹ đi vào tận vực thẳm của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người và cảm nghiệm tất cả quyền năng ban sức tái sinh bởi tình yêu ấy (Rosarium Virginis Mariae 21).
1. Đọc Lời Chúa. Trích Tin Mừng theo thánh Gioan (19,19-37)
2. Suy niệm.
Từ trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta những hồng ân như sau:
- ơn tha thứ: “Hôm nay, bạn sẽ ở trong nước thiên đàng với Tôi” (Lc 23,43)
- người Mẹ: “này đây là mẹ của con” (Ga 19,27)
- toàn thân của mình: “mọi việc đã hoàn tất” (Ga 19,30)
3. Quyết tâm.
Bắt chước Chúa Giêsu, chúng ta hãy biết trao ban mình: “Không ai có tình yêu nào cao cả cho bằng kẻ ban mạng sống của mình cho người bạn hữu” (Ga 15,13).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, xin ở kề bên chúng con trong lúc thử thách, và xin giúp đỡ chúng con trong giờ lâm tử.
IV. NHỮNG MẦU NHIỆM MÙA MỪNG
Việc chiêm ngắm dung nhan của Đức Kitô không thể dừng lại ở hình ảnh của Đấng chịu đóng đinh. Người đã sống lại rồi. Kinh Mân Côi luôn luôn diễn tả sự hiểu biết sinh ra từ lòng tin này và mời gọi người tín hữu vượt qua bên kia bóng tối của cuộc Thương khó để đến chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Kitô trong cuộc Phục sinh và Thăng thiên… Các mầu nhiệm mùa Mừng nuôi dưỡng nơi người tín hữu niềm hy vọng vào đích điểm cánh chung mà hiện nay họ đang tiến đi với tư cách là phần tử của Dân Thiên Chúa đang lữ hành qua dòng lịch sử. Điều ấy còn có thể thôi thúc họ nêu lên chứng từ quả cảm cho “Tin Mừng” mang lại ý nghĩa cho cho toàn thể cuộc đời của họ (Rosarium Virginis Mariae 23).
Mầu nhiệm thứ nhất: Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết.
Khi chiêm ngưỡng Đấng Phục sinh, các Kitô hữu tái khám phá những lý do của lòng tin riêng của mình (x.1Cr 15,14) và sống lại niềm vui không phải chỉ của những người đã được thấy Đức Kitô hiện ra B các tông đồ, cô Maria Magđala và các môn đệ trên đường Emmaus B nhưng còn cả niềm vui của Đức Maria. Chắc chắn Đức Mẹ cũng phải có một kinh nghiệm cao độ về đời sống mới của Người Con của Mẹ được vinh quang (Rosarium Virginis Mariae 23).
1. Đọc Lời Chúa. Trích Tin Mừng theo thánh Marcô (16,1-14)
2. Suy niệm.
Xưa kia, Chúa Phục sinh đã để lại các môn đệ một vài dấu chỉ để nhận biết Người: ngôi mộ trống, tấm khăn liệm được gấp lại và được đặt dưới đất, những lần hiện ra với các phụ nữ và các tông đồ. Ngày nay, tuy dưới hình thức khác, Chúa Phục sinh cũng còn để lại vài dấu chỉ: biết bao nhiêu tín hữu sống đời đức hạnh cách âm thầm, biết bao nhiêu sinh lực của hoạt động bác ái, bí tích Thánh thể. Mỗi người hãy biết nhận ra những dấu chỉ đó, để tin vào Chúa Kitô giống như các môn đệ xưa kia, và giúp cho anh chị em mình thêm vững tin bất chấp những cuộc bách hại.
3. Quyết tâm.
Đức tin: “Phúc cho những ai tin tuy dù không thấy dấu lạ” (Ga 20,29).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, xin dạy chúng con biết tin rằng Chúa Kitô đã sống lại, và chúng con cũng sẽ được sống lại như Người.
Mầu nhiệm thứ hai: Chúa Giêsu lên trời và ngự bên hữu Chúa Cha.
Trong cuộc Thăng thiên, Đức Kitô được cất lên trong vinh quang bên hữu Chúa Cha (Rosarium Virginis Mariae 23).
1. Đọc Lời Chúa. Trích sách Tông đồ công vụ (1,1-11)
2. Suy niệm.
Trong cuộc Thăng thiên của Chúa Giêsu, lòng tin của các môn đệ được củng cố vì biết rằng Người thực sự đã sống lại và hiện diện ở giữa họ: “Này đây, Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20); lòng hy vọng của các môn đệ được bảo đảm vì Người đã hứa sẽ đem họ về với mình: “Thầy đi dọn chỗ cho các con” (Ga 14,2). Đồng thời họ cũng được uỷ thác một trọng trách là làm chứng nhân của Chúa ở giữa trần thế, đảm nhận trách nhiệm của bổn phận mình trong gia đình, ngoài xã hội.
3. Quyết tâm.
Đức cậy (Hy vọng): “Thầy sẽ trở lại và đem các con về với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó” (Ga 14,3).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, xin giúp chúng con đi lên tới chỗ mà Chúa Giêsu đã dọn cho chúng con.
Mầu nhiệm thứ ba: Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Trinh nữ Maria và các tông đồ cầu nguyện tại phòng Tiệc Ly.
Cuộc Hiện xuống bộc lộ cho thấy dung nhan của Hội thánh như thể là một gia đình được qui tụ lại cùng với Đức Mẹ, gia đình ấy được sống nhờ Thánh Thần được tuôn đổ tràn đầy và sẵn sàng ra đi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng (Rosarium Virginis Mariae 23).
1. Đọc Lời Chúa. Trích Sách Tông đồ công vụ (2,1-13)
2. Suy niệm.
“Nếu thiếu Thánh Thần, thì Thiên Chúa trở thành xa vời, Đức Kitô thuộc về quá khứ xa xưa, Phúc âm là chữ chết, Giáo Hội là một tổ chức phàm trần, quyền bính là cường lực, truyền giáo là tuyên truyền, phụng tự là phong tục dân gian, luân lý là nghĩa vụ của nô lệ.
Nhưng trong Thánh Thần, loài thọ tạo được nhấc lên cùng Thiên Chúa, Đức Kitô phục sinh đang hiện diện, Phúc âm chứa đầy sinh lực, Giáo hội thể hiện tình hiệp thông, quyền bính trở thành phục vụ, phụng vụ làm cho mầu nhiệm Vượt qua được hiện thực, hành động của con người được thiên hoá” (Thượng phụ Athenagoras).
3. Quyết tâm.
Sự hiệp nhất: “Lạy Cha, cũng như Cha ở trong con và con ở trong Cha thế nào, thì xin cho họ tất cả đều nên một” (Ga 17,21).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, Mẹ của Hội thánh, xin cầu cho chúng con ơn hiệp nhất.
Mầu nhiệm thứ bốn: Đức Maria được đem về trời cả hồn và xác
Trong cuộc mông triệu, Đức Maria được hưởng trước, do một đặc ân độc nhất vô song, vận mệnh dành cho mọi người công chính vào ngày kẻ chết phục sinh (Rosarium Virginis Mariae 23).
1. Đọc Lời Chúa. Trích Tin Mừng theo thánh Luca (1,48-49)
2. Suy niệm.
“Cũng như ở trên trời, Thân mẫu của Chúa Giêsu được hiển vinh cả thân xác và linh hồn là hình ảnh và trái đầu mùa của Hội thánh vào thời viên mãn trong tương lai như thế nào, thì ở dưới đất, Người cũng chiếu rạng như một dấu chỉ hy vọng chắc chắc và an ủi cho Dân Thiên Chúa trên đường lữ hành như vậy” (Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo số 972).
“Chúng ta tin rằng Thân Mẫu chí thánh của Chúa, và cũng là Thân Mẫu của Hội thánh tiếp tục trên trời vai trò làm hiền mẫu đối với hết mọi phần tử của Hội thánh” (Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo số 975).
3. Quyết tâm.
Nên thánh: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1Tx 4,3). “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta… Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyên thánh thiện” (Ep 1,3.5).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, xin giúp chúng con luôn hướng về vinh quang đang chờ đợi, và sau cuộc đời này, xin Mẹ đem chúng con về Trời với Mẹ.
Mầu nhiệm thứ năm: Đức Maria lãnh triều thiên của Nữ hoàng.
Được tôn lên trong vinh quang, Đức Maria rạng rỡ như là Nữ Vương các thiên thần và các thánh, như thể là sự tham dự trước và là sự hoàn thành tối hậu của tình trạng cánh chung của Hội thánh (Rosarium Virginis Mariae 23).
1. Đọc Lời Chúa. Trích sách Khải huyền (12,1 ; 19,6-8)
2. Suy niệm.
Đức Maria làm Nữ hoàng. Sau khi đã chọn Đức Maria làm Thân Mẫu của Con mình, Thiên Chúa Cha muốn đặt Người ngự bên cạnh Đức Kitô trên ngai vua. Khác với chúng ta là những kẻ thích tuyên dương công trạng, Đức Maria biết rằng mình đã nhận lãnh tất cả bởi Thiên Chúa, và duy có Chúa mới thực là Đấng Cao cả. Thiên Chúa là Đấng che chở người nghèo khó, hạ bệ kẻ kiêu căng, đổ tràn ân phúc cho kẻ đói khát, và là Đấng đã trao cho mình sứ mạng làm Thân Mẫu của Con Chúa. Đức Maria đã đáp lại bằng lời “Xin vâng”. Từ lúc ấy, Chúa đã đặt ngai ở trong tâm hồn của Mẹ.
3. Quyết tâm.
Phục vụ. Đức Maria thưa với sứ thần: “Này đây là tôi tớ của Chúa, xin để cho lời của Ngài thực hiện nơi tôi” (Lc 1,38). “Hễ ai muốn phục vụ tôi thì hãy đi theo tôi; tôi ở đâu thì kẻ phục vụ tôi cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ tôi thì Cha của tôi sẽ tôn vinh kẻ ấy” (Ga 12,26).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, Nữ vương trời đất, xin dạy chúng con biết phục vụ để mai sau cũng được hiển trị với Mẹ trong vinh quang.