Thứ 7, 30-10-2021 (Lc 14,1.7-11)
Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.
Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho vị này.' Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: 'Xin mời ông bạn lên trên cho.' Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." "Khi đãi khách, hãy mời những người nghèo khó"
SUY NIỆM
Ai lại muốn là kẻ đứng cuối cùng? Chẳng phải xu hướng tự nhiên của con người là muốn được trọng vọng và ca ngợi sao?
Qua dụ ngôn về cách hành xử của những khách dự tiệc cưới, Chúa Giê-su nhắn nhủ chúng ta hãy khiêm tốn hạ mình và cũng đừng kiêu căng, ngạo mạn “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."
Khiêm tốn không phải là việc ta cảm thấy bản thân mình tệ hơn hoặc suy nghĩ rằng mình luôn thua kém những người xung quanh, nhưng là khi ta thực sự hiểu được năng lực của bản thân mình tới đâu. Sự khiêm nhường thực sự có thể giải thoát ta khỏi mối bận tâm, đặc biệt khi những suy nghĩ hạ thấp bản thân mình đang xâm chiếm đầu óc chúng ta. Hãy nhìn nhận bản thân cách thẳng thắn và trung thực, vì đó là cách mà Thiên Chúa nhìn nhận bạn ở trên Trời (Tv 139,1-4). Người khiêm tốn là một người dám nhìn nhận bản thân mình một cách thực tế và không thêm bớt những suy nghĩ rằng họ phải thế này hay thế khác, cũng không hạ thấp hay nâng cao mình hơn con người thật của họ.
Sự khiêm tốn giải thoát ta khỏi xiềng xích của giả tạo và dám đối mặt với bản chất thực của mình. Một người khiêm nhường không cần mang trên mình chiếc mặt nạ để trở nên hoàn hảo trước người đời, đặc biệt với những ai họ không quen biết. Họ cũng không cần phải xoay sở cả ngày trong những danh vọng và tiền tài hư vô.
Sự khiêm nhường đưa ta đến sự trung thực, tính thực tế và sức mạnh để tạo ra một “ta” tốt hơn “ta” hiện tại. Đồng thời, cũng để ta biết yêu mến và phục vụ tha nhân vô điều kiện vì lợi ích chung hơn là lợi ích của mình. Thánh Phao-lô đã đưa ra cho ta ví dụ về mẫu gương khiêm nhường là Chúa Giê-su, người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân và sống như người trần thế để cứu chuộc chúng ta chỉ vì yêu thương. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự (Pl 2,7-8) Vậy chúng ta hãy bắt chước Ngài, vì khiêm tốn như Chúa Giêsu không phải là sợ sệt, hèn nhát, nhưng là can đảm, mạnh mẽ, quảng đại và chỉ có như vậy chúng ta mới dám tự hạ mình phục vụ anh em. Khiêm nhường như Chúa Giêsu cũng không phải là nô lệ, tôi đòi, mà đó là một cử chỉ yêu thương, một hành động cao quý. Phục vụ như Chúa Giêsu là yêu thương hết mình như Ngài đã làm. Chúa Giê-su sẽ ban tặng ân huệ dồi dào cho những ai khiêm nhường tìm kiếm Ngài trong mỗi con người họ tiếp xúc và phục vụ.
Lạy Chúa Giê-su, Ngài đã trở thành người phục vụ khiêm nhường để cứu chúng con khỏi sự dữ của ma quỷ, ích kỉ và cám dỗ trên trần gian. Xin ban ân sủng dồi dào để chúng con được trở nên giống Ngài, biết khiêm nhường, yêu thương và giúp đỡ tận tình những nơi cần chúng con giúp đỡ. Amen.
-----//----//----
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao