Thứ hai, 25/11/2024

Tiếp Tục Lời Kinh Mân Côi Trong Cuộc Sống Hằng Ngày

Cập nhật lúc 20:24 31/10/2021


Phêrô Phạm Văn Trung,
cuối tháng Mân Côi 2021.

Trong tháng Mười vừa qua, tháng dành riêng tôn kính Mẹ Maria Mân Côi, chúng ta đã lần hạt, và có thể đã lần rất nhiều chuỗi hạt, đó là việc làm tốt lành để tôn kính Mẹ và sinh ích cho phần rỗi chúng ta. Thế nhưng, chúng ta cũng cần phải luôn xem lại cung cách chúng ta thực hiện việc lần chuỗi này, như một cách xét mình nhằm thực thi ngày càng đúng hơn điều mà tại Fatima Mẹ đã yêu cầu con cái của Mẹ cần làm, qua việc Mẹ cho ba trẻ Lucia, Jacinta và Phanxicô thị kiến Mẹ trên đồi Cova da Iria. Ngày 13 tháng 10 năm 1917, Đức Mẹ dạy: “Mẹ đến kêu nài các tín hữu hãy lần hạt Mân Côi. Mẹ mong ước nơi đây có một nguyện đường tôn kính Mẹ. Nếu người ta cải thiện đời sống thì chiến tranh sớm kết thúc”.
Tôi lần hạt, nhưng tôi có suy niệm Lời Chúa theo gương Mẹ không? Tôi lần hạt, nhưng tôi có cầu nguyện thực sự với Thiên Chúa, gặp được Chúa Giêsu, nhờ Mẹ Maria, “Per Mariam ad Jesum” không ? Vì “Mẹ Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng” (Luca 2: 16-21). Nếu tôi chỉ đọc kinh mà tâm trí mình không suy niệm Lời Thiên Chúa, theo lời kinh, không biến đổi cuộc đời, thì liệu có ích gì cho sự sống tâm linh của tôi! Cuộc sống tôi vẫn cứ cũ kỹ như trước kia, vẫn chứng nào tật ấy, vẫn tham lam, ganh ghét, hận thù, đố kỵ, nói xấu, làm ác...và nhiều, rất nhiều thói hư tật xấu khác nữa! Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galát đã nói:
Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa. Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Galát 5: 17-21).
Tôi không theo bè phái Albigeois nhưng tôi có đang sống theo lối suy nghĩ của họ? Tôi không phải là vô thần nhưng trong cuộc sống mỗi ngày, tôi có hành xử theo cách nghĩ của những người không tin vào Thiên Chúa? Tôi có phải là người vô thần trong thực tế không?
Dù miệng tôi có đọc bao nhiêu kinh đi nữa, mà lòng dạ tôi không thay đổi, không hoán cải theo Lời Chúa, theo gương Mẹ Maria, thì cuộc đời tôi không được biến đổi, theo tiếng “Xin Vâng” của Mẹ Maria, như trong ngắm thứ nhất mùa Vui. Tôi vẫn sống theo bản năng, theo những dục vọng, thói đời u mê, lòng dạ chứa đầy ham muốn trần tục tăm tối, “đời sao tôi vậy”, mà không đạt đến ánh sáng và sự kỳ diệu mà Thiên Chúa thực hiện trong sâu thẳm cõi lòng những ai kính sợ Ngài:

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. 
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Ngài đoái thương nhìn tới;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc. 
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Ngài thật chí thánh chí tôn ! 
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Ngài. 
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. 
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. 
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng. 
Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Ngài,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta. 
Vì Ngài nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Ábraham
Và cho con cháu đến muôn đời.” (Lc 1,47-55) 

Chúng ta thường quen dùng từ “đọc kinh lần hạt”. Người Anh, người Pháp không dùng từ “đọc kinh”, vì khi đọc như thế thì người ta chỉ đọc những gì được người khác viết sẵn, và như thế nó không phải là của mình, không phải là tâm tư tình cảm của mình. Ngay cả khi đọc những gì chính mình viết ra, thì giọng đọc cũng chỉ là đọc “diễn văn”, mất đi rất nhiều tính tự nhiên chân thực của mình. Người Anh, dùng chữ “Say the Rosary prayers hoặc Pray the Rosary, Say three Mary Hails” nghĩa là “nói lời cầu nguyện Mân Côi, cầu nguyện kinh Mân Côi, nói ba kinh Kính mừng”. Người Pháp cũng vậy, họ "dire le rosaire, prier le rosaire" nghĩa là “nói hoặc cầu kinh Mân Côi”. Như thế, ngôn ngữ của họ nhấn mạnh đến việc cầu nguyện, đến việc nói chuyện, thân thưa với Thiên Chúa, bằng Lời kinh Mân Côi. Họ nhấn mạnh đến hành vi nội tâm giao tiếp với Thiên Chúa, nhờ Mẹ Maria, tạo nên mối tương giao riêng tư với Thiên Chúa qua sự dẫn dắt của Mẹ Mân Côi, là người đã ghi nhớ Lời Thiên Chúa, ghi nhớ mọi việc Thiên Chúa làm, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Nhờ đó Mẹ đã trở nên người vâng theo ý muốn thiện hảo của Thiên Chúa, trở nên Nữ Tỳ của Thiên Chúa, nên Đấng Đầy Ơn Phúc: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Ngài đoái thương nhìn tới; Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”  (Luca 1: 38).
Đây mới chính là ý định của Mẹ Maria khi hiện ra và ủy thác cho Thánh Đa Minh rao truyền phương thế cầu nguyện bằng phép Lần Hạt Mân Côi này. Trong cuộc tĩnh Tĩnh Tâm với chủ đề về Thánh Đaminh, năm 2013, Linh mục Dòng Đaminh chủ sự đã cho biết:
“Cha Thánh Đaminh đã nhắc lại kinh nghiệm mục vụ trên đây bởi vì chính ngài đã dùng kinh Mân Côi như khí cụ để chống lại lạc giáo Albigeois. Lạc giáo Albigeois là lạc giáo mạnh mẽ thời Trung cổ, thời đại của thánh Đaminh sống, đó là phái Kathar (tiếng Hylạp Kathar có nghĩa là “tinh khiết”). Lạc thuyết này được thương nhân và dân hành hương Đất Thánh mang từ Đông phương về Âu châu. Lạc thuyết đã thu hút nhiều người và quy tụ thành một Giáo phái. Giáo phái này xuất hiện trước hết ở Koeln (nước Đức) năm 1143 rồi lan nhanh sang vùng bắc Ý, nam Pháp, Tây Ban Nha và Anh. Vì tín đồ của Giáo phái này có căn cứ ở thành phố Albi, miền nam Pháp, nên họ cũng được gọi là phái Albi. Nguồn gốc xa xưa nhất của thuyết Kathar là chủ trương của Manes, người Ba Tư, một lạc thuyết cổ mà Thánh Augustinô cũng đã theo một thời.
Khi xuất hiện lần đầu ở Âu châu, người ta rất đỗi ngạc nhiên về lối sống khó nghèo và quá khắc khổ của những người theo bè phái Albigeois. Đi chân không. Mặc áo nhặm. Sống đơn sơ. Ăn chay hãm mình nghiêm ngặt. Chỉ ăn rau cỏ. Họ còn tiết dục, không lập gia đình. Nên họ được tín nhiệm. Đông đảo dân chúng miền nam nước Pháp tuốn đến theo họ.
Các người theo bè phái Albigeois có cuộc sống nghèo nàn, khắc khổ, và họ chỉ trích nếp sống giầu sang của hàng giáo sĩ thời đó. Những ai vốn bực mình hay lên án sự giàu sang của Giáo hội đều có cảm tình với nhóm “tín đồ tốt lành” này.[1] Tuy nhiên, đi sâu vào bản chất và nhất là vấn đề đạo lý, lạc giáo này rất tai hại và phá hủy nền tảng đức tin cũng như luân lý của con người.
Nhóm lạc giáo này theo thuyết Nhị Nguyên, rao giảng hai nguyên lý tạo dựng: Thiện – Ác, cùng quyền năng như nhau. Họ khinh rẻ vật chất vì cho rằng vật chất phát xuất từ nguyên lý sự dữ; Thân xác con người vốn là vật chất, cho nên cũng do ác thần tạo ra. Chúa Giêsu có một thân xác, cho nên không thể là Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa thì thiện hảo, còn thân xác là vật chất do ác thần tạo ra. Lý luận như vậy, phái Albigeois coi Chúa Giêsu chỉ là một thụ tạo, một con người bình thường, có cha mẹ là ông Giuse và bà Maria sống ở làng quê Nazareth, chứ không phải  là Thiên Chúa. Họ không coi Chúa Kitô là Thiên Chúa nhập thể, và như vậy chối bỏ luôn toàn bộ giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, không còn vâng theo Hội Thánh của Chúa Giêsu. Nhóm này khước từ cả hôn nhân, coi thường các bí tích vì họ cho rằng qua các bí tích Thiên Chúa “đụng chạm” đến chúng ta qua vật chất. Cuối cùng, họ khước từ cả sự sống lại của thân xác nữa, vì thân xác vật chất là điều xấu xa, dơ bẩn.
Một tài liệu đương thời viết về phái Kathar rằng: “Bọn lạc giáo phân cách vợ với chồng, cha với con trai, con dâu với mẹ chồng trong gia đình. Ngay cả các linh mục cũng chạy theo lối sống đó. Bỏ nhà thờ thành hoang phế, từ chối rửa tội, coi thường Thánh Thể, chế nhạo việc đền tội, người ta chẳng muốn tin gì nữa vào việc tạo dựng con người và sự sống lại phần xác…”[2]
Trong thông điệp “Consueverunt - Đã thành truyền thống ” (1569), Thánh Giáo Hoàng Piô V đã tóm tắt bối cảnh lịch sử Giáo Hội bấy giờ như sau: “Thế kỷ XII bè rối Albigeois (tỉnh Albi, Pháp) đã nổi lên như vũ bão và lũng đoạn đức tin công giáo cả vùng Nam nước Pháp và vùng Bắc nước Ý. Họ xách động người dân căm thù ghen ghét để rồi mưu sát hàng giáo sĩ và tu sĩ”.[3]
Vì lòng nhiệt thành rao truyền Tin Mừng của Chúa, cha Thánh Đa Minh thấy tình thế quá nguy ngập, đã cầu nguyện và đặt hết lòng tin tưởng vào Đức Mẹ. Đáp lại lòng sùng mộ ấy, Đức Mẹ đã soi sáng cho ngài một phương pháp cầu nguyện vừa hiệu lực, vừa thích hợp dễ dàng với mọi lớp người, mọi hoàn cảnh. Phương pháp đó là kinh Mân Côi.
Nhờ ơn soi sáng ấy, cha Thánh Đa Minh linh cảm thấy rằng: chắc chắn kinh Mân Côi là vũ khí mạnh mẽ từ trời cao đánh tan lạc giáo Albigeois để cứu vãn Giáo Hội và nhân loại. Suốt cuộc đời rao truyền Tin Mừng, cha Thánh Đa Minh đã miệt mài rao giảng về kinh Mân Côi như Đức Mẹ đã dạy. Mẹ muốn tất cả con cái của Mẹ, nhờ cách thế suy niệm Lời Chúa này, trở nên giống Mẹ, được đầy ơn phúc của “Chúa Giêsu Con lòng Bà đầy phúc lạ”.
Như vậy "đọc hoặc nói" chuỗi kinh Mân Côi chỉ là cách thức bên ngoài, cốt lõi bên trong chính là suy niệm Lời và cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, và cầu nguyện với Ngài để đi vào mối tương giao nội tâm và cá vị với Ngài, nhờ sự trợ giúp của Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Kitô, cũng là Mẹ của mỗi Kitô hữu chúng ta.
Vì vậy, dù tháng Mân Côi kết thúc, nhưng việc cầu nguyện với Chúa Kitô, nhờ sự trợ giúp của Mẹ Maria Mân Côi, không bao giờ kết thúc. Vì tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người tin vào Ngài và tin vào Con của Ngài là Chúa Kitô cũng không bao giờ kết thúc, như Mẹ Maria cất tiếng ngợi khen: “Muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc”.
Ngày nay, nhiều người không biết nhiều về lạc giáo Albigeois, nhưng họ cũng có một cách nghĩ phiến diện về con người như Albigeois, chỉ có điều là ngược lại: nếu Albigeois khinh rẻ vật chất và thân xác, vì họ cho rằng chúng do ác thần tạo thành, nên phủ nhận Thiên Chúa hiện hữu trong con người, trong đời người, và chối bỏ luôn một Chúa Kitô – Con Thiên Chúa Làm Người! Hệ quả là Thiên Chúa không tồn tại, mà nếu có tồn tại thì Thiên Chúa không có mặt ở chốn xấu xa, độc ác và ô nhơ này được, nhưng Ngài phải ở một nơi khác, một nơi thiện hảo, không phải trong thế giới vật chất này. Thiên Chúa bấy giờ giống như một vì sao, dù lung linh lấp lánh, nhưng ở tận chốn cao xanh không “dính dấp” gì tới cuộc đời tôi! Trong khi đó, con người ngày nay lại coi vật chất và thân xác là nền tảng mọi thực tại, là “cơ sở hạ tầng” quyết định “thượng tầng kiến trúc”, “tồn tại quyết định ý thức” ngược hẳn lại “cogito, ergo sum - Tôi tư duy, nên tôi tồn tại” của Descartes.[4] Chủ trương duy vật kiểu đó thống trị mọi lãnh vực: tư duy, hành xử cá nhân, hành động xã hội, thế giới quan duy vật đẻ ra nhân sinh quan vô thần, nhân sinh quan vô thần khởi động đấu tranh sinh tồn, đấu tranh sinh tồn sản sinh ra đấu tranh giai cấp…  Con người chỉ như muông thú tranh nhau miếng mồi! Trong lòng dạ mỗi con người, ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ thời đại nào, vẫn luôn tồn tại một khuynh hướng xấu xa, một tham vọng thống trị kẻ khác. Lịch sử các bộ tộc, các sắc dân, các thành bang… đã chứng minh điều đó, ngay trong cuộc sống hàng ngày. Chủ trương như thế giảm trừ con người xuống ngang hàng với loài vật, sống theo bản năng hung dữ, oán thù và giết hại lẫn nhau, không còn luân thường đạo lý nữa. Nghĩa vụ cá nhân, gia đình, và các mối tương giao xã hội bị coi thường, bị phế bỏ, hoặc bị coi như chỉ là qui định của cơ chế xã hội, của bộ máy nhà nước, không có nền tảng nội tại đích thực, và người ta hoàn toàn có thể tuân theo hay bất tuân, tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cá nhân, tùy theo chúng có thể đáp ứng được nhu cầu vật chất trước mắt mà con người trên đời cần được thỏa mãn trong kiếp sống này, trước khi chết hay không. Vì chết là hết, cuộc đời không nghĩa lý gì, hãy hưởng thụ tối đa khi còn có thể: không có chuyện đời sau, chẳng có chuyện thánh thiêng!
Phải chăng đó là chuyện ngày xưa mà cũng là chuyện ngày nay, chuyện muôn thuở của kiếp người? Con người hôm nay, nhất là mỗi người, có còn tin rằng trong sâu thẳm lòng mình, trong tâm can của những người chung quanh, trong thiên nhiên trời đất vũ trụ, vẫn hiện hữu một Thực tại Tối thượng, vốn là Nguyên Khởi tác thành mọi sự, và cũng là Cùng Đích mà mọi sự quy hướng về, để nhờ đó mà thế giới vật chất này và nội giới tâm linh của mỗi con người có được một lý do tồn tại – một lẽ sốngmột ý nghĩa hiện hữu – một cung cách sống: suy tư, diễn ngôn và hành động.
Tôi có muốn vui hưởng tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa - Thực tại Tối thượng đó không, thể hiện qua cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Kitô, theo gương mẫu của Mẹ Maria Mân Côi, là người “hằng ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng” ? Nếu có, và rất nên có, tôi không được để cho lời Kinh Mân Côi kết thúc trong đời tôi, bất cứ một ngày nào, vì đó là lời kinh kết nối sự hiện hữu nhân linh thánh thiêng của tôi với nguồn mạch hiện hữu của muôn loài, là chính Thiên Chúa Hằng Sống, Toàn Năng, Toàn Ái: chan chứa yêu thương, bình an, hoan lạc: “Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế” (Galát 5: 21-22). Tất cả là tùy vào tôi, tùy vào thiện chí và cố gắng của tôi, có muốn yêu mến và thực hành Phép Lần Hạt Mân Côi, theo gương Mẹ Mân côi hay không.
Cuối buổi tiếp kiến chung ngày 13 tháng 10 năm 2021 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Bằng cách kiên trì đọc kinh Mân Côi hằng ngày, anh chị em sẽ có thể gặp được Đức Mẹ Đồng Trinh mỗi ngày, có thể học hỏi từ Mẹ để cộng tác trọn vẹn với chương trình cứu độ mà Thiên Chúa dành cho từng người trong anh chị em. Xin Mẹ Maria là người hướng dẫn chúng ta trên con đường không ngừng hoán cải và sám hối, để chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Kitô, Mặt Trời Công Chính. Nguyện xin ánh sáng của Mẹ giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ và xua tan bóng tối của thế giới này”.
Với sứ điệp Fatima, Mẹ Maria Rất Thánh Mân Côi muốn nói lên một sự thật tuyệt vời: con người hư đi, thế giới đang dần xa Thiên Chúa, chỉ có thể được cứu vãn bằng những phương thế mà Mẹ dạy: “Cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi và Sám hối ăn năn”.

 
Lạy Mẹ Mân Côi, xin giúp chúng con biết siêng năng cầu nguyện, lần hạt Mân Côi và ăn năn thống hối.
(Bài viết được tác giả gửi đến cộng tác với Ban biên tập tại địa chỉ bbt.whd@gmail.com)
 

[1] Người viết trích dẫn: “Sự canh tân quét sạch Giáo Hội, nhưng ảnh hưởng chính trị và sự sung túc ngày càng gia tăng của Giáo Hội Công Giáo, kể cả các đan viện, đưa đến sự xuất hiện của một số tổ chức mà họ tự cho rằng có đời sống căn bản hơn và trung thực hơn với phúc âm so với Giáo Hội. Người Cathar, là con cháu của người Manikê, xuất hiện từ phía nam nước Pháp và được gọi là Albigensian, vì họ thuộc miền Albi. Các tổ chức khác, tỉ như các môn đệ của Peter Waldes (phái Waldensian) và Humiliati ở Ý, khởi sự bằng cách thúc giục cải tổ và sống khó nghèo trong Giáo Hội, nhưng dần dà họ tách khỏi sự trung thành với Giáo Hội Công Giáo và bị kết án. Hầu hết các tổ chức này thấy chướng tai gai mắt vì sự giầu sang và mục nát trong Giáo Hội Công Giáo và họ muốn cải cách tận gốc, ngay tức thì, mà không phải quy phục đức giáo hoàng và các giám mục. Tuy nhiên, cũng có một vài nhóm sống khắc khổ và nghiêm nhặt được đón nhận như các đan viện trước đây - Xitô, Carthusian, v.v... Sự canh tân xảy ra khắp nơi, và các tổ chức Công Giáo này chứng minh rằng Giáo Hội thực sự muốn canh tân và đã thể hiện được điều đó”. (Alan Schreck, giáo sư thần học Đại Học Steubenville thuộc dòng Phanxicô ở Ohio,  LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO, được chuyển dịch từ cuốn “The Compact History of the Catholic Church”, Chương 3: Giáo hội thời Trung cổ (600-1300), Thế Kỷ Mười Hai, số 3. Sự Canh Tân Giáo Hội và Lạc Giáo, trang 61).
[2] Lm. Quốc Văn, OP., Thánh Đaminh rao giảng Tin mừng bằng việc dấn thân vào vấn đề của thời đại, tại https://gxdaminh.net/tinh-tam-thanh-daminh-2013-ngay-01/
[3] Du Sinh, Đức Mẹ dạy Thánh Đaminh về Kinh Mân Côi, tại http://giaoxuvnparis.org/chi-tiet/duc-me-day-thanh-da-minh-ve-kinh-man-c0i-du-sinh.html
[4] “Je pense, donc je suis”, René Descartes, Discours de la méthodePhần IV, Leiden, Hà Lan,1637; được dịch sang tiếng Latinh và xuất bản tại Amsterdam, năm 1656.
 
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log