Thứ 4, 10-11-2021 (Lc 17,11-19)
“Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!" Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."
SUY NIỆM
“Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn.” (Lc 17, 15-16)
Người phong hủi này là một trong mười người đã được Đức Giê-su chữa lành khi Ngài đi ngang qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Không phải là người Do thái, anh ta là một người dân ngoại, và là người duy nhất trở lại để tạ ơn Đức Giê-su vì đã chữa lành cho anh. Chúng ta hãy lưu ý hai điều mà người Sa-ma-ri này đã làm khi được chữa lành.
Một là anh đã “trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”. Đây là một sự diễn tả quan trọng về những gì đã xảy ra. Anh ta không chỉ quay lại để tạ ơn Đức Giê-su, mà hơn thế nữa, anh đã diễn tả lòng biết ơn của mình một cách rất tha thiết. Chúng ta hãy hình dung về người phong hủi đang khi cậu ta kêu lớn tiếng và ca tụng Thiên Chúa với một thái độ biết ơn sâu sắc và chân thành.
Hai là anh ta “sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn.” Một lần nữa, về phía người Sa-ma-ri này thì đây không đơn thuần chỉ là hành động nhỏ. Hành động sấp mình dưới chân Đức Giê-su là một dấu hiệu khác về lòng biết ơn mãnh liệt của anh. Nó không chỉ là điều mà anh cảm thấy phấn khích, mà anh ấy còn hạ mình một cách sâu sắc nhờ vào sự chữa lành này. Điều này cho thấy người phong hủi khiêm tốn nhận ra sự bất xứng của mình trước mặt Thiên Chúa ngang qua hành động chữa lành. Đó là một cử chỉ đẹp và thừa nhận rằng biết ơn thôi thì chưa đủ. Lòng biết ơn sâu sắc và khiêm tốn phải luôn là cách đáp trả của chúng ta trước sự tốt lành của Thiên Chúa.
Nếu chúng ta không nhận ra và cảm kích với lòng thương xót và sự giúp đỡ được bày tỏ cho chúng ta, chúng ta sẽ trở nên vô ơn và tệ bạc với người khác. Sự vô ơn là hay quên lãng hoặc là một sự đáp trả hời hợt đối với những sự tốt lành chúng ta được đón nhận. Sự vô ơn rất dễ dẫn chúng ta đến việc thiếu lòng khoan dung và tha thứ đối với tha nhân, cũng như các thói xấu khác như oán trách, cằn nhằn, bất mãn, kiêu căng, ngạo mạn. Liệu chúng ta có thường vô ơn đối với bậc cha mẹ, các linh mục, thầy cô và người thân cận của chúng ta không? Chúng ta có biết để bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa bởi tình thương và sự nâng đỡ chan chứa mà Ngài dành cho chúng ta không? Liệu chúng ta có khoan dung, tử tế và nhân từ với người thân cận của mình lúc họ gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ không?
Hôm nay đây, bạn hãy ngẫm nghĩ về con đường để đến gần với sự tốt lành của Thiên Chúa. Trong số mười người phong hủi được chữa lành, chỉ có một người bày tỏ thái độ đúng đắn. Những người khác có lẽ cũng đã biết ơn, thế nhưng chưa đủ. Còn bạn thì sao? Lòng biết ơn của bạn đối với Chúa sâu sắc đến mức nào? Bạn có nhận thức đầy đủ về tất cả những gì Chúa vẫn đang làm cho bạn mỗi ngày không? Nếu không, hãy cố gắng bắt chước người phong hủi này và bạn sẽ khám phá ra cùng một niềm vui mà anh ta đã khám phá được.
Lạy Chúa, xin cho con hằng ngày biết hướng lòng về Chúa với một lòng biết ơn sâu sắc. Mỗi ngày sống, xin cho con nhận ra tất cả những ơn lành Ngài ban và xin cho con biết đáp trả với hết thảy lòng biết ơn của mình. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa.
-----//------//-----