Tác giả: Lm. Patrick Briscoe, OP
Thực sự không có lý do gì để không bắt đầu Mùa Vọng bằng việc xưng tội cho nên!
1. NĂM MỚI, KHỞI ĐẦU MỚI
Mùa Vọng mở ra năm phụng vụ của Giáo hội. Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng khởi động một chu kỳ, khởi đầu một năm mới. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết, “Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng, Giáo hội bắt đầu Năm Phụng vụ mới, một hành trình đức tin mới, một mặt để kỷ niệm biến cố Giáng sinh của Đức Giêsu Kitô, mặt khác, mở ra cho sự hoàn tất viên mãn của Người.”
Mỗi lần xưng tội đều là một khởi đầu tươi mới, và là một khởi điểm mới. Như tiên tri Isaiah đã nói, "Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết."
Khi xưng tội, Đức Kitô xóa sạch tội lỗi của chúng ta, mở ra cánh cửa cho chúng ta bước vào cuộc sống mới với Ngài.
2. DỌN MÌNH
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Để dọn mình đón Chúa ngự đến, trước hết và trên hết cần có thái độ cầu nguyện tin tưởng mãnh liệt. Dành chỗ cho Thiên Chúa trong tâm hồn, đòi hỏi chúng ta một sự cam kết nghiêm túc để được biến đổi nhờ tình yêu Chúa. "
Bí tích thống hối là một lời cầu nguyện thật cao cả, và là một lời cầu nguyện đầy uy quyền giúp xua đuổi tội lỗi. Chỉ khi loại bỏ bóng tối của sự dữ, chúng ta mới có thể dâng trọn tâm hồn mình cho ánh sáng và tình yêu của Đức Kitô.
3. SUY NGẪM VỀ NGÀY SAU HẾT
Đức Thánh Cha Phanxicô viết, “Trong Mùa Vọng, chúng ta không chỉ sống trong sự chờ đợi Lễ Giáng Sinh; mà chúng ta còn được mời gọi để khơi dậy niềm trông đợi về ngày trở lại vinh quang của Chúa Kitô, khi Người tái lâm vào ngày sau hết, và dọn mình sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ cuối cùng với Người bằng những chọn lựa dứt khoát và can đảm. Chúng ta mong chờ lễ Giáng sinh, chúng ta trông đợi ngày trở lại trong vinh quang của Chúa Kitô, và cả cuộc gặp gỡ cá nhân của mỗi người: ngày mà Chúa sẽ gọi chúng ta về với Người. ”
Đối với các Kitô hữu, nghĩ về ngày Chúa Giê-su “ngự đến” có một ý nghĩa kép, một viễn cảnh kép. Chúng ta nhớ về biến cố Đức Kitô đến lần thứ nhất tại Bêlem. Đồng thời, chúng ta cũng nghĩ đến ngày Người “sẽ trở lại trong vinh quang” như trong Kinh Tin Kính mà chúng ta vẫn tuyên xưng.
Xưng tội giúp chúng ta sẵn sàng để gặp gỡ Đức Kitô, Đấng sẽ trở lại với tư cách là thẩm phán của chúng ta. Liệu chúng ta có sẵn sàng đứng trước mặt Chúa Giê-su và kể lại cuộc đời mình không?
4. SÁM HỐI
Đối với nhiều người Công giáo, xưng tội là một thực hành thống hối thuần khiết. Ở nhiều nơi, thật khó để tìm được những cha giải tội. Xưng tội đòi hỏi một sự tự vấn lương tâm , một cái nhìn trung thực vào những góc tối của tâm hồn. Cha giải tội có thể không đưa ra những lời khuyên hữu ích, hoặc tệ hơn, ngài có thể hời hợt hoặc bỏ qua.
Tuy nhiên, chúng ta tin rằng Thiên Chúa vẫn hoạt động qua Bí tích này. Trong Mùa Vọng, tất cả những khía cạnh của việc xưng tội đều có thể được dâng lên Thiên Chúa như một hành động tỏ lòng sám hối. Điều này phù hợp với đặc tính của Mùa Vọng!
5. HÀNH TRÌNH ĐẾN BÊLEM
Làm cách nào để chúng ta cùng Chúa Giêsu và Mẹ Maria một lần nữa tới gần máng cỏ? Cách quan trọng nhất là noi theo sự kết hiệp mật thiết của các ngài với Thiên Chúa Cha.
Khi xưng tội, Thiên Chúa kéo chúng ta lại thật gần Ngài, tuôn đổ trào tràn tình yêu thương xót của Người trên từng người chúng ta. Khi xưng thú tội lỗi, chúng ta được đến gần Chúa, thậm chí có thể nói, như thể chúng ta đang đứng giữa Thánh Gia tại Bêlem!
6. ĐỪNG CHỜ ĐỢI!
Xưng tội vào những phút cuối của Mùa Vọng cũng khó nhọc như việc mua sắm vào cuối dịp Giáng sinh. Lý do tốt nhất để bắt đầu Mùa Vọng bằng việc xưng tội là bạn sẽ không phải tranh dành trong thời khắc hối hả điên cuồng trước Giáng sinh !!! Bạn cũng có thể tránh những hàng dài chờ xưng tội bằng cách dành thời gian để xưng tội ngay hôm nay!