ĐẤNG THẤU SUỐT NHỮNG GÌ KÍN ĐÁO SẼ TRẢ LẠI CHO ANH
- Thiên Chúa Đấng kín đáo.
Thiên Chúa Đấng kín đáo
Trong cuộc sống thường ngày, ai cũng quí mến những người sống tế nhị, biết cách cư xử kín đáo. Bởi lối sống tế nhị và cách cư xử kín đáo làm cho mỗi người chúng ta trở nên ngày càng giống với Đấng Tạo Thành ta là chính Thiên Chúa. Điều đó được chứng minh nơi bài Tin Mừng ngày lễ Tro đó là việc Chúa Giêsu đã dùng tới sáu lần từ “kín đáo”, trong đó có 5 lần đã được dùng để nói về Thiên Chúa Cha (x. Mt 6,3-16).
Lật lại từng trang Kinh Thánh chúng ta bắt gặp cùng một cách thế hiện diện và hoạt động “rất kín đáo” của Thiên Chúa, được tái hiện lại nhiều lần; nơi công trình sáng tạo, trong dòng lịch sử cứu độ, qua bí tích Thánh Thể, nơi Giáo Hội, trên thế giới và cách cụ thể nơi cuộc sống, trái tim của mỗi người chúng ta. Như thế, Thiên Chúa - Cha của Đức Giêsu và cũng là Cha của mỗi chúng ta, tự bản chất là “Đấng kín đáo”, và Ngài tha thiết mời gọi chúng ta cũng trở nên đồng hình đồng dạng với Người, bằng cách trở nên “những con người kín đáo”, kín đáo khi hiện diện và kín đáo khi hành động. Hiện diện mà không cần được nổi bật hơn, hành động mà không cần phô trương cho người ta thấy. Cụ thể, ngay cả khi làm các việc lành như: bố thí, cầu nguyện và ăn chay, chúng ta cũng phải làm cách kín đáo và càng cần thiết phải kín đáo. Có như vậy thì hành động của chúng ta làm mới mang vẻ đẹp thiêng liêng, giá trị và ý nghĩa đích thực cho chính mình và người khác.
Phần thưởng của Thiên Chúa
Được công nhận, tán dương và khen ngợi là điều ai cũng muốn nhận được khi làm một việc gì đó, hay bởi sự hiện diện của mình. Nhờ vậy, con người cũng dễ cho, dễ làm việc và làm cách chu đáo, quảng đại hơn khi được người khác tri ân và khen ngợi. Xã hội hôm nay tôn sùng chủ nghĩa tán thưởng và coi đó như một tiêu chí của hạnh phúc, của sự sống đời đời. Càng tinh vi hơn nữa, ngay chính khi làm các việc lành như: bố thí, cầu nguyện và ăn chay, tận sâu bên trong chúng ta cũng bị thúc đẩy từ một động cơ do lòng vị kỷ để mong muốn nhận được một cái gì đó. Tất cả những vinh hoa chúng ta mong muốn có được từ những việc lành ấy đã được Chúa Giêsu coi là được phần thưởng rồi. Nghĩa là việc ta làm, đã được đền trả và dừng lại chỉ ở thế gian này mà không thể đi cùng ta về cõi đời sau. Chính Chúa Giêsu đã nói: bằng không anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng (Mt 6,1b). Phần thưởng của người đời ban tặng chỉ mang tính tạm bợ, mau qua, nay còn mai mất, còn phần thưởng từ Thiên Chúa thì không phải là vật chất nhưng có tính vĩnh cửu. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự và chỉ những ai trung thành làm việc thiện với lòng tin, lòng cậy và lòng mến, không tìm kiếm bất cứ một vinh hoa và quy lợi cho chính mình, người ấy sẽ nhận được phần thưởng của Thiên Chúa, phần thưởng ấy sẽ bất ngờ với người nhận, bởi chính họ khi xưa đã làm việc mà không để tay trái biết việc tay phải làm.
- Kín đáo trong ba mối tương quan.
Ăn chay, cầu nguyện, bố thí tự bản chất chúng là những việc tốt lành, đáng khen ngợi, thế nhưng nếu chúng ta mượn các việc trên để thể hiện mình, để phô trương cho người khác thấy thì những việc làm đó đã mất đi ý nghĩa đích thực. Điều đó cho thấy động cơ thúc đẩy hành động của con người thật quan trọng. Sự âm thầm kín đáo của hành vi càng nhiều thì cho thấy người thực hiện hành vi ấy đang được thúc đẩy bởi một động cơ tốt không do lòng vị kỷ. Bố thí, cầu nguyện và ăn chay là những việc làm không được phép tập trung vào “cái tôi” mà phải tập trung vào Thiên Chúa và tha nhân, cụ thể như:
Bố thí:
Bố thí là cách để đến với tha nhân trong tình yêu thương qua việc chia sẻ, nhưng ngày nay chúng ta thấy việc bố thí lại là phương tiện chỉ để đánh bóng hình ảnh của mình. Nhiều người khi làm bác ái, bố thí, luôn phải kèm theo những tấm ảnh, những video, để làm gì vậy? Đó có lẽ là để đánh bóng hình ảnh, thương hiệu và kéo nguồn tài trợ. Người tài trợ bác ái cũng cần nhìn thấy những tấm ảnh đó, như vật chứng đủ tin tưởng để tiếp tục tài trợ. Từ ngữ đạo đức giả được Chúa Giêsu dùng để chỉ những người làm việc lành, việc thiện ở bên ngoài, phô trương, chứ không phải vì tình yêu. Hành động nhìn thấy có vẻ là tốt nhưng lại xuất phát từ những động cơ vị kỷ, rất nông cạn và vụ lợi. Làm bố thí theo cách như trên hẳn không mang lại niềm vui cho người được nhận, mà quàng lên họ một nỗi nhục (x. Đường Hy Vọng). Những hành động như thế chỉ có thể nhận được phần thưởng ở đời này. Chúng ta hãy hàng động theo lời Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại” (Lc 6,38a), bằng không “anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6,1b).
Cầu nguyện:
Yếu tính của việc cầu nguyện là để gặp được Thiên Chúa và gắn bó với Ngài chứ không phải để phô trương. Vậy mà, có nhiều người chỉ cầu nguyện được, và cầu nguyện lâu giờ khi ở chỗ đông người, hay biết là có người đang quan sát mình. Thử hỏi những người này muốn người đối thoại với mình, muốn người lắng nghe mình là Thiên Chúa hay là đám đông? Nếu việc cầu nguyện chỉ như là diễn kịch để cốt cho người ta thấy mình, thì làm sao Thiên Chúa có thể lấp đầy con người chúng ta? Cám dỗ muốn người khác nhìn nhận mình là thánh thiện và ghi nhận mình hơn người, đã làm cho nhiều người lấy việc đọc kinh, cầu nguyện lâu giờ trước đám đông như một cách thế để đánh bóng mình, tự cho mình là công chính thánh thiện.
Ăn chay:
Ăn chay để hãm mình và cầu nguyện là một điều cao quý và đòi hỏi nhiều hi sinh. Ăn chay còn là cách để đền bù cho những lỗi lầm vì biết tự chủ và diễn tả sự khao khát Thiên Chúa, bởi ăn chay nhắc nhở chúng ta vẫn có thể sống dù chịu nhiều thua thiệt vật chất ở đời này, vẫn có thể sống và sống khỏe hơn, tốt hơn dù không có nhiều nhu cầu vật chất khác. Ăn chay là cách thế truyền thống mà Giáo hội vẫn cổ võ, Chúa Giêsu cũng không hề lên án việc ăn chay, Ngài chỉ lên án thói đạo đức giả; nhịn ăn để được khen ngợi, nhịn ăn vật chất nhưng trong lòng thì đầy những tham vọng, tính toán. Hay nói cách khác, nhịn ăn bên ngoài để rồi được no thoả trong chính những đam mê, những ham muốn và sở thích của mình, chứ không phải là sự no thoải bởi chính Thiên Chúa.
Cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc đời kín đáo và âm thầm. Cuộc đời âm thầm từ Belem đến Núi Sọ ấy, không nằm ngoài kế hoạch của Chúa Cha, một kế hoạch của Đấng kín đáo. Đấng trọng tình yêu hơn của lễ, Đấng mạnh mẽ lên án thói đạo đức giả và vui thích với tâm hồn nhỏ bé, khiêm nhường. Chính Ngài, trong ngày sau hết sẽ đong đấu đã dằn, đã lắc, và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em, xứng với việc họ làm (x. Lc 6,38).
Mùa Chay, một lần nữa nhắc nhớ mỗi Kitô hữu về cách sống, cách chúng ta làm việc, cụ thể qua ba mối tương quan với: Thiên Chúa, tha nhân và với chính mình. Ước mong nắm tro được xức trên đầu chúng ta ngày Lễ Tro hôm nay, làm cho chúng ta ý thức thân phận nhỏ bé, mong manh của mình hơn. Ước mong mỗi một Mùa Chay đến là một dịp để chúng ta hăng hái bố thí, cầu nguyện và ăn chay theo tinh thần của Chúa Giêsu, nhờ đó mùa chay năm nay, chúng ta sẽ trở nên con người kín đáo hơn, âm thầm hơn, và qua đó chúng ta được nên giống Cha trên trời; là Đấng kín đáo.
Cộng đoàn MTG Sơn Tây
— ∞ + ∞ —
HÃY THỨC TỈNH
Cùng với Giáo Hội, hôm nay tất cả mọi Kitô hữu chúng ta cùng bước vào 40 ngày Mùa Chay thánh. Mùa Chay là thời gian chuẩn bị, đưa con người đến việc tưởng niệm mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết.
Nghi thức đầu Mùa Chay được khai mạc bằng việc xức tro. Trong nghi thức xức tro, vị chủ tế xức tro trên đầu mỗi người và nói: "Hãy sám hối và Tin vào Tin mừng". Lời mời gọi của vị chủ tế gợi cho mỗi người về thân phận yếu hèn, tội lỗi của mình. Chúng ta có trung thành với Chúa suốt cả cuộc đời hay không, hay chúng ta thờ ơ, buông xuôi mặc thời gian Chúa ban để chơi bời, phung phí những giây phút quí báu của cuộc sống con người. Nếu chúng ta đã sẵn sàng, gắn bó với Chúa, trung thành với sứ mạng Thiên Chúa trao phó thì quá khứ, hiện tại và tương lai đều là của Chúa. Để có được điều đó chúng ta phải gắn kết với Chúa trong đời sống cầu nguyện.
Lời Chúa hôm nay, Thánh Mátthêu cũng đã thuật lại việc Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ về việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Đây là ba việc làm rất quan trọng của người Do thái trong Mùa Chay. Chúa chỉ ra cho các ông thấy những mặt trái của họ khi họ thực hiện những việc đó: làm việc lành thì họ phô trương cho cả thiên hạ biết, bố thí thì khua chiêng đánh trống, lúc cầu nguyện thì thích cầu nguyện trong hội đường, ngã tư cho người ta thấy, ăn chay thì làm ra bộ rầu rĩ, thiểu não. Tất cả những điều đó là chỉ hình thức bên ngoài nhằm khoe khoang nhưng cái cốt lõi bên trong thì chẳng có gì. Điều Chúa muốn dạy cho các môn đệ là dù bất cứ điều gì dù là ăn chay, việc bố thí hay lúc cầu nguyện hãy làm trong sự kín đáo, “đừng để tay trái biết việc tay phải làm và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”.
Thiên Chúa là người Cha giàu tình yêu thương, Chúa luôn muốn chúng con trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Chúa không muốn chúng con sống trong nguội lạnh, sống giả hình, thiếu đi hình bóng Chúa trong cuộc sống. Lời Chúa dạy cho các môn đệ cũng chính là bài học cho mỗi người chúng con, bố thí, cầu nguyện, ăn chay cũng là điều cần thiết cho chúng con không chỉ là làm trong Mùa Chay nhưng là trong suốt cả cuộc đời. Hơn thế nữa, điều quan trọng chúng ta thực hiện những việc đó như thế nào để đúng với Thánh Ý Chúa.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy điều mà Chúa muốn chúng ta trong Mùa Chay thánh này không chỉ là làm việc lành, bố thí, ăn chay, nhưng là biến đổi con người mình từ cái tôi ích kỷ, lòng tham lam, sự thù ghét, tính kiêu căng để có thể vượt thắng con người mình, noi gương bắt chước Chúa và nhận lấy tấm lòng từ ái, nhân hậu của Chúa.
Cầu nguyện luôn là mối giây liên kết giữa con người với Chúa, và khi cầu nguyện lòng kết hiệp với Chúa thì Thần Khí Chúa sẽ soi sáng và hướng dẫn chúng ta làm việc lành, bố thí… cho người khác không phải là để phô trương, mà thực sự là làm cho Chúa, luôn thấy Chúa và cùng với Chúa trong mọi việc.
Trong tâm tình của Mùa Chay Thánh, chúng ta cùng với Chúa bước đi trên chặng đường thương khó, để làm được điều đó Chúa mời gọi chúng ta thanh luyện bản thân bằng lời cầu nguyện kín đáo, kết hiệp với Chúa, đi vào cuộc đối thoại để được sống trong sự hiện diện của Người. “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy như Thầy ở trong anh em”.
Lạy Chúa, bản thân con đang bước theo Chúa trên cuộc đời dâng hiến, con cũng khát khao sống mối tương quan mật thiết với Chúa trong tất cả mọi sự của cuộc đời con. Con khát khao mỗi phút giây con gặp Chúa qua thánh lễ, giờ kinh nguyện, chầu Thánh Thể, nguyện ngắm, và trong các công việc hằng ngày hay đến với những người nghèo khổ, tật nguyền, người bất hạnh… tất cả đều đi vào cuộc đối thoại với Chúa để được sống trong sự hiện diện của Người, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Amen.
Cộng đoàn MTG Hiền Quan