Mùa Chay – Mùa Đi Vào Sự Trầm Lắng Và Hướng Tới Niềm Vui
Cập nhật lúc 08:49 03/03/2022
Mùa Chay được bắt đầu từ ngày thứ Tư Lễ Tro, và kết thúc trước thánh lễ Tiệc Ly chiều ngày thứ Năm Tuần Thánh. Đây chính là thời gian đặc biệt đối với người Kitô hữu, là thời điểm để con người hối cải và ăn chay trong 40 ngày, có ý nghĩa nhắc nhở người tín hữu phải chế ngự và làm chủ các ham muốn của bản thân. Mục đích truyền thống của Mùa Chay là việc chuẩn bị của các tín hữu qua lời cầu nguyện, sám hối, ăn năn tội lỗi, thực hành bác ái và từ bỏ chính mình. Trong Mùa Chay, chúng ta mang một tâm trạng có chút “u buồn”. Các linh mục mặc áo tím khi dâng lễ. Bàn thờ không trang trí hoa. Các bản thánh ca cũng gợi lên giai điệu da diết với nội dung mời gọi “sám hối ăn năn”. Các bản văn bài đọc trong Thánh Lễ cũng mời gọi các tín hữu đi vào lòng mình, trở về với lòng thương xót của Chúa. Trong Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium của Công đồng chung Vatican II tuyên bố rằng trong Mùa Chay, chúng ta chuẩn bị cho Lễ Phục sinh với thái độ “bước đi và chờ đợi”, mời gọi hoán cải thông qua sự tỉnh thức bằng các công việc sám hối, bác ái và chay tịnh, để “tâm hồn người tín hữu một khi được nâng cao và giải thoát, được hưởng niềm vui Chúa Sống Lại.” (Sacrosanctum Concilium 110). Mùa Chay năm nay dường như trở nên ảm đạm bởi tình trạng dịch bệnh Covid-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát và ngày một thêm lan tràn ở mọi nơi trên khắp thế giới và đặc biệt tại đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Dịch bệnh trở thành nỗi khiếp sợ cho tất cả mọi người. Số ca nhiễm càng ngày càng tăng, chẳng ai biết chính xác số người chết vì cơn đại dịch này là bao nhiêu. Mọi lĩnh vực trong cuộc sống hầu như đều bị con virus nhỏ nhoi này làm tổn hại, làm ngưng trệ biết bao nền kinh tế đến độ phá sản, ngay cả lĩnh vực tôn giáo cũng không ngoại lệ: các nhà thờ phải đóng cửa, mọi sinh hoạt tôn giáo đều dừng lại… Không ai có thể vô tư đến nỗi không cảnh giác và không thực hiện những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình và người thân trước nguy cơ bị lây nhiễm. Đại dịch Covid-19 đã trở thành đại họa cho nhân loại trong suốt hơn hai năm vừa qua và nó vẫn chưa dừng lại ở năm mới 2022 này. Trước thềm năm mới, chắc hẳn nhiều người trong chúng ta cũng đã có bao ước mong, cùng với biết bao lời khẩn cầu xin ơn bình an cho Giáo hội - xã hội, cho gia đình và bản thân từ Đấng Tạo Hóa. Đặc biệt, xin cho cơn đại dịch mau được chấm dứt để thế giới có thể trở lại cuộc sống bình thường, cho các em học sinh có thể đến trường… Nhìn vào thảm họa của cơn đại dịch, có thể nói tất cả chúng ta thấy cần Chúa hơn bao giờ hết. Bao lâu nay, Lời Chúa vẫn luôn mời gọi chúng ta “hãy tỉnh thức và cầu nguyện”. Tỉnh thức và cầu nguyện là lời mời gọi chúng ta hãy mở tâm hồn ra để hướng tới một niềm hy vọng, một niềm tin trong sự cậy trông vào tình yêu và sự quan phòng của Chúa. Một trong những cách phòng ngừa bệnh dịch là phải bỏ đi lối sống buông thả, cẩu thả, bừa bộn. Đôi khi chúng ta cũng cần một khoảng thời gian để nhìn lại mình, nhìn lại cuộc sống của mình, để chỉnh sửa, gọt giũa và canh tân lại đời sống của bản thân. Đôi khi, vì lo toan cho cuộc sống mà đôi khi chúng ta đã đi ngược lại với chân lý, với lương tâm. Chính vì thế, Mùa Chay là thời gian Chúa mời gọi chúng ta hãy sám hối và trở về để nhận ra đâu là giá trị và ý nghĩa sự hiện hữu của mình. Ước mong sao khi sống trong tâm tình trầm lắng của Mùa Chay, mỗi người chúng ta có thể trở về với chính mình và mở lòng mình ra để đón nhận nguồn bình an và ơn cứu rỗi của Thiên Chúa là Cha chúng ta. Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con làm người, đưa chúng con vào đời, cho chúng con hưởng nếm muôn vàn hồng ân của kiếp người. Trong Mùa Chay thánh này, xin đưa chúng con trở về với Chúa, với mình và với tha nhân. Xin dạy chúng con nhận ra được giá trị thật của cuộc sống để chúng con sống thật hơn và sống trọn vẹn hơn những giây phút trong cuộc sống. Xin giúp chúng con vượt qua giông tố cuộc đời và luôn vững lòng tin rằng cuộc đời chúng con luôn có Chúa là cùng đích, là bình an, là hy vọng, là hạnh phúc muôn đời trong ánh vinh quang Phục sinh. Amen.