Bốn mươi ngày – thời gian của mùa Chay – là một trong những khoảng thời gian mang biểu tượng ý nghĩa nhất trong Kinh Thánh.
Đó không chỉ là 40 ngày chịu cám dỗ mà Chúa Giêsu phải đối mặt trong sa mạc, hay là số năm mà dân Ít-ra-en lang thang trong sa mạc và số ngày mà nước lụt nhấn chìm mặt đất trong sách Sáng Thế. Cựu Ước đã được đánh dấu với hàng tá những giai đoạn 40 ngày khác, bao gồm:
- Mô-sê ở trên núi với Đức Chúa trong 40 ngày đêm
- Các do thám đã thăm dò Đất Hứa trong 40 ngày
- Gô-li-át đã thách đấu dân Ít-ra-en mỗi ngày trong vòng 40 ngày
- Thiên thần mang thức ăn đến để nuôi sống E-li-a nơi sa mạc trong 40 ngày
- Ê-dê-ki-en chịu hình phạt cho Ít-ra-en trong 40 ngày
- Đức Chúa trì hoãn việc phá hủy thành Ni-ni-ve nhờ thời gian 40 ngày được ban cho cả thành để sám hối ăn năn
Bản thân số 40 cũng xuất hiện trong việc xác định các năm. Nó tương ứng với chu kỳ “nghỉ ngơi” được ban cho đất của Ít-ra-en trong sách Thủ Lãnh. Nó là thời gian trị vì của Sa-un và Đa-vít, và cũng là số năm Ít-ra-en bị lưu đày theo sách Ê-dê-ki-en. Bốn mươi cũng là số lượng roi đòn được cho phép trong một hình phạt (Đệ nhị luật 25,3) và là chiều dài sảnh chính của Đền Thờ thứ nhất và thứ hai trong Cựu Ước.
Bốn mươi là con số của trừng phạt và sám hối, của thử thách và nghỉ ngơi, và trên tất cả là sự phụ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Bất cứ khi nào Thiên Chúa muốn làm một điều gì đó quan trọng, Ngài thực hiện điều đó trong 40 ngày (hoặc năm). Bởi vì bách khoa toàn thư về Kinh Thánh ghi nhận rằng, “Số bốn mươi được gắn liền với hầu hết mọi sự phát triển mới trong lịch sử hành động của Thiên Chúa Toàn Năng, đặc biệt là việc cứu độ.”
Mỗi điều trên đây chắc chắn đánh dấu một kỷ nguyên mới trong lịch sử cứu độ. Trận đại hồng thủy trong sách Sáng Thế rõ ràng đánh dấu một sự phá hủy trái đất cũ và một khởi đầu mới cho nhân loại. Bốn mươi ngày trong sa mạc, trên núi cao, và nơi Đất Hứa trong tường thuật về cuộc xuất hành, rõ ràng là một khởi đầu mới trong lịch sử của Ít-ra-en. Cũng vậy, thể chế quân chủ của Sa-un và Đa-vít cũng đánh dấu một kỷ nguyên mới cho dân Ít-ra-en ngày xưa.
Biểu tượng Kinh Thánh của con số bốn mươi có một sự tương đồng thú vị trong thế giới tự nhiên. Hóa ra, bốn mươi là số tuần thông thường của một thai kỳ [ở người].
Việc mang thai quả thật là một hình mẫu thích hợp cho những giai đoạn trên trong Kinh Thánh. Nó bắt đầu với sự mãnh liệt của khoảnh khắc thụ thai, sau đó là thời gian được đánh dấu bởi cả nỗi đau và niềm vui trong sự chờ đợi, và rồi sau khoảng thời gian trì hoãn này, là việc hạ sinh một con người mới.
Điều phù hợp hơn cả là kỷ nguyên mới của ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại đã bắt đầu với sự mang thai của Đức Maria.
Việc đó gợi nhớ rằng tường thuật về cuộc xuất hành đặc biệt tương đồng với điểm bắt đầu và kết thúc của một thai kỳ. Nó bắt đầu với việc vượt qua Biển Đỏ một cách phi thường, sau đó là một hành trình dài trong sa mạc, và kết thúc với việc tiến vào Đất Hứa một cách đầy ấn tượng bằng cách vượt qua một con sông kỳ diệu khác, đó là sông Gio-đan.
Vượt qua Biển Đỏ là một biểu tượng quen thuộc của phép rửa. Nhưng việc vượt qua sông Gio-đan cũng vậy. Và hãy nhớ rằng, chính nhờ phép rửa mà chúng ta được ‘tái sinh’. Nhân đây, trận đại hồng thủy kéo dài 40 ngày trong sách Sáng Thế cũng tiên trưng cho phép rửa.
Mối liên kết giữa sự chịu đựng trung thành, sự tái sinh thần linh, và cụ thể là phép rửa, thôi thúc chúng ta quay trở về với Chúa mỗi Mùa Chay, và cuối cùng chúng ta được mời gọi lập lại lời hứa của chúng ta khi chịu phép rửa tội.
Theo cách này, chúng ta tham gia vào trải nghiệm sa mạc của chính Đức Kitô, khởi đầu với phép rửa mà Ngài đã chịu.
Trong các tường thuật của Cựu Ước, 40 năm lang thang tiên báo trước tương lai rằng dân Ít-ra-en sẽ được ở trong Đất Hứa. Mối liên hệ giữa hai điều đó được củng cố bởi nhiệm vụ thăm dò của các do thám nơi Đất Hứa kéo dài 40 ngày.
Cũng vậy, trong Tân Ước, các môn đệ có được 40 ngày tiên hưởng đời sống vinh quang mai sau: 40 ngày là khoảng thời gian Chúa Giêsu hiện ra với các ông sau khi Ngài phục sinh.
Kinh Thánh mời gọi chúng ta tiến vào cuộc xuất hành 40 ngày của chính mình. Và Kinh Thánh trang bị cho chúng ta nhiều hình mẫu cho những hành trình thiêng liêng ấy. Cho dù nó là trận đại hồng thủy của chính chúng ta, hay sinh tồn nơi sa mạc, hay tiêu diệt Go-li-át của bản thân, Mùa Chay là thời gian cho những hành động và cuộc vượt qua thiêng liêng – sau cùng, hãy biết rằng chính Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta, người hành động trong chúng ta, và chịu đau khổ vì chúng ta và với chúng ta.
Anthony Lai