WMTGHH - Bao giờ hai chữ tình yêu mới có một đáp án cụ thể để con người có thể yêu mà không kỳ kèo, do dự? Hay bao giờ tình yêu mới có một khái niệm, một đơn vị đo nhất định để con người có thể đem nó lên bàn cân mà so sánh với những mối lợi khác? Tình yêu là gì mà người người tìm kiếm, khao khát có được để rồi lại ít trân quý giá trị của nó và dễ dàng làm mất đi nét thuần khiết mà tình yêu đem lại như vậy? Tình yêu mang đến cho con người bao cảm xúc ngọt ngào ngây ngất, nhưng cũng có khi là cả một khối cay đắng đến phũ phàng như cách mà Xuân Diệu đã từng diễn tả: “Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà đã được yêu
Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ hay thờ ơ chẳng biết”
(Yêu – Xuân Diệu)
Những phụ bạc và phản trắc ấy không chỉ được diễn tả nơi những trang tiểu thuyết đẫm nước mắt hay nơi những cuộc tình trần thế, nhưng ngay trong cuộc đời của Thầy Giêsu, sự phụ bạc của môn đệ Giuđa vẫn mãi được ghi vào sử sách và người ta vẫn nghe đâu đó câu nói “Cho dù nụ hôn của Romeo và Juliet có lãng mạn đến đâu cũng không nổi tiếng bằng nụ hôn mà Giuđa dành cho Thầy chí ái của mình”.
“Tôi hôn ai thì chính là người ấy, các ông hãy bắt lấy mà điệu đi cho cẩn thận” (Mt 26,28), đó là tất cả những gì mà Giuđa đã làm để đáp lại tình yêu của Thầy. Thật vậy, nụ hôn là ngôn ngữ của tình yêu, nó được con người trao nhau trong tình yêu và chỉ có tình yêu mới làm phát sinh nụ hôn. Ấy vậy mà… giờ đây, Giuđa lại dùng cái hôn để làm hiệu cho quân lính nhận ra và bắt Thầy. Khó ai có thể mường tượng được tại sao Giuđa lại dùng nụ hôn để nộp Thầy, giả như ông miêu tả cho chúng về vóc dáng hay trang phục Thầy thường mặc thì có lẽ vết thương ấy không quá đau. Trước những hành động đầy tế nhị nhưng hết sức tinh vi của Giuđa, Thầy đã nhìn ông với sự xót xa, và thốt lên “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn để nộp con người sao?” (Lc 22,48). Tôi không biết Giuđa và các môn đệ có nghe rõ câu hỏi của Thầy không, nhưng mỗi lần suy niệm về điều đó tôi lại nghĩ đến những nghẹn ngào của Thầy. Có lẽ Thầy đã khóc, khóc rất nhiều, trái tim của Thầy cũng đã vỡ vụn bởi sự phản bội có “chiến lược” của Giuđa, một môn đệ thân tín.
“Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26,24), đó không phải lời chúc dữ Thầy dành cho Giuđa, nhưng Người dùng để thức tỉnh tâm hồn ông. Những năm tháng theo Thầy, bao điều Thầy đã sống, đã rao giảng giờ không đọng lại trong ông điều gì. Tiền bạc và óc chủ nghĩa bạo động đã kìm kẹp và thống trị con người ông, để rồi ông xót xa khi thấy người phụ nữ đã phí phạm dầu thơm đắt giá để xức chân Thầy (Mt 26,8). Cũng chính từ đó ông đã sẵn sàng thỏa thuận với những kẻ gian ác “tôi nộp ông ấy cho quý vị thì quý vị cho tôi bao nhiêu?” ( Mt 26,15).
Giuđa đã bán đi tình yêu để lấy 30 đồng bạc, bán tình Thầy-trò để đổi lấy hư danh và ảo mộng. Tình yêu mà ông đã lãnh nhận cách nhưng không giờ đây ông kết thúc nó bằng một nụ hôn của một kẻ phản bội… Thầy đã bước vào cuộc đời ông bằng tất cả tình yêu và lòng nhân ái, đã chọn gọi ông nên sứ giả của Tin Mừng. Thầy đã đồng hành, nâng đỡ và chia sẻ với ông mọi khó khăn trên con đường sứ vụ, đã cùng chung chia mọi vui buồn, mọi bắt bớ và sỉ nhục. Thế mà, chỉ vì hư danh mà môn đệ yêu dấu đã dồn thầy vào bước đường cùng, để rồi Thầy bị bắt, bị đánh đòn và bị đóng đinh trên Thập Giá. Yêu thương trao đi, giờ nhận lại là một sự cô đơn đến cùng cực, Thầy đã nhìn ông với ánh mắt cảm thông, Thầy muốn ông sám hối và trở lại như Phêrô. Thế nhưng, những sợ hãi đã đẩy ông đến một kết thúc bi thảm, ông đã tuột khỏi bàn tay của Thiên Chúa và bỏ qua ánh mắt đầy cảm thông nơi Thầy Giêsu. Sự đổ vỡ trong tương quan thầy trò tạo ra chướng ngại cho con đường tiến đến sự hoán cải, những ảo vọng đã đẩy ông đến những nỗi tuyệt vọng và kéo ông ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.
Bạn thân mến!
Khi suy nghĩ đến sự phản bội nơi Giuđa, Phêrô hay đám đông dân chúng, cũng là dịp giúp mỗi người chúng ta nhìn lại đời sống mình trong tương quan với Thiên Chúa. Trong những ngày cuối cùng của mùa Chay Thánh, chúng ta được mời gọi đi vào trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu để thấy rõ hơn khuôn mặt của mình trước sự đau đớn của Người. Bạn và tôi, chúng ta hiện rõ trong khuôn mặt nào? Phải chăng như Giuđa, chúng ta muốn bán Chúa, bán những giá trị đạo đức, bán nhân phẩm để đổi lấy những giá trị trần tục, bán lương tâm để kiếm tìm lợi nhuận. Hay đâu đó trong khuôn mặt của Phêrô, chúng ta cũng bị cám dỗ chối bỏ đức tin, che giấu niềm tin tôn giáo để bảo vệ chỗ đứng của mình. Và… có khi, bạn và tôi đang đứng giữa đám đông dân chúng cuồng nộ “gió chiều nào che chiều ấy”, vừa ngày nào chải áo dọn đường đón Chúa vào thành miệng hò reo “chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa”, giờ lại la hét “Đóng đinh nó vào Thập Giá!”. Trước những vấn đề xảy đến mang tính cộng đồng, ta thường có thái độ nào, dám mạnh mẽ chống lại sự gian ác hay chúng ta tát nước theo mưa? Thật vậy, trong những giây phút của ngày thánh này, mỗi người chúng ta được mời gọi dành những khoảng lặng để trở về bên Chúa, cùng Chúa bước đi trong hành trình thương khó và nhất là nhìn lại những bội phản, những lỗi tội mà chúng ta đã và đang chất đầy lên đôi vai Chúa. Chúng ta có biết nhận ra lỗi lầm của mình để rồi sẵn sàng trở lại ngã vào lòng thương xót của Thiên Chúa như Phêrô, hay quay lưng lại với tình yêu như Giuđa và đám đông dân chúng?
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi chúng con dám gạt bỏ tất cả để bước vào hành trình thương khó với Chúa, cùng Chúa đi lên núi Sọ, cùng chịu đau đớn và cùng chết với Chúa trên Thánh giá, để sau cuộc Tử nạn đầy nước mắt đó, mỗi chúng con cũng được Phục sinh vinh quang với Ngài. Amen.
Bông Hồng Nhỏ
Học viện K5