Thánh Tôma Aquinô đưa ra lời khẳng định rất mấu chốt này: mọi người đều đang tìm kiếm hạnh phúc. Đây có thể là một nhận định chung chung. Tuy nhiên, chúng ta có thể thắc mắc: Tại sao ngày nay, hơn bao giờ hết, lại có rất nhiều người, lúc nào cũng nhăn nhó, hễ mở miệng ra là đàm tiếu, chỉ trích và lên án, tuyệt vọng và buồn bã? Tại sao vậy? Cần phải có câu trả lời cho sự “bất hạnh” mà chúng ta thấy rất rõ nơi rất nhiều người.
Có lẽ câu trả lời cho thắc mắc trên đây thực sự ra đã quá hiển nhiên, nhưng cần phải được diễn tả sao cho đơn giản và dễ hiểu nhất: Những người bất hạnh ấy chỉ đơn giản là họ đang tìm kiếm hạnh phúc không đúng chỗ!
Khoái lạc và hạnh phúc
Nhiều người nghĩ rằng khoái lạc đồng nghĩa với hạnh phúc; Nhưng thật ra thì không phải thế! Thật vậy, ai cũng có thể thấy rằng tiền bạc có thể mua được khoái lạc, nhưng chắc chắn mọi của cải trên trần gian này chẳng thể mua được hạnh phúc đích thực trong tâm hồn.
Trên thực tế, có nhiều người rất giàu có nhưng họ vẫn phải có những bất hạnh. Nếu đúng như vậy, thì chúng ta có thể khám phá ra hạnh phúc đích thực ở đâu? Trong tiền bạc ư? Trong khoái lạc ư? Trong rượu chè và phụ nữ ư? Trong sòng bạc và khói thuốc ư? Trong tình dục và khiêu dâm ư? Trong quyền lực và thống trị người khác ư? Trong những dinh thự, du thuyền, và những kỳ nghỉ xa xỉ ư? Câu trả lời cho tất cả những thứ trên là không phải!
Vậy thì, nếu có thể được tìm thấy, thì liệu hạnh phúc đích thực có thể được tìm thấy ở đâu, khi nào và bằng cách nào?
Hạnh phúc đích thực nơi một mình Thiên Chúa
Cho đến khi 31 tuổi, Augustinô, một trong những vị thánh và Giáo phụ lỗi lạc nhất của Giáo hội Latinh, đang mải mê tìm kiếm hạnh phúc trong lạc thú và cuối cùng đã hoàn toàn vỡ mộng. Ngài đã tìm đến với tình dục, quyền lực và các hệ thống tư tưởng triết học khác nhau, nhưng chẳng có đối tượng nào có thể thỏa mãn được khao khát sâu thẳm, đích thực và chân thật nơi chính tâm hồn của ngài.
Việc làm nô lệ cho thú vui nhục dục đã khiến chàng trai trẻ Augustinô như bị xiềng xích trói buộc, đến nỗi một trong những lời cầu nguyện của ngài là: “Lạy Chúa, xin ban cho con sự khiết tịnh, nhưng đừng ngay bây giờ!” Chàng trai Augustinô đầy sức sống và nhiệt huyết ấy đã nhận thức được, từ trong sâu thẳm trái tim mình, rằng việc theo đuổi thú vui xác thịt không thể thỏa mãn những khao khát sâu kín nhất của mình; và chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng lấp đầy được nỗi khắc khoải ấy!
Cuối cùng, sau nhiều năm vật lộn và thất bại về đời sống luân lý, chàng thanh niên Augustinô đã buông bỏ; ngài đã hoàn toàn qui phục trước sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và được Thánh Ambrôsiô rửa tội cho tại Milan, với sự hiện diện của người mẹ thánh thiện và đau khổ là Thánh Monica. Trong cuốn Tự thú, một tác phẩm văn chương kinh điển rất nổi tiếng của mình, thánh Augustinô đã khẳng định đâu là cốt lõi của chính cuộc đời: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, nên lòng chúng con khắc khoải khôn nguôi cho đến khi nghỉ yên trong Chúa”.
Vậy thì, chúng ta có thể đạt tới Hạnh phúc! Nhưng hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu chỉ có thể được tìm thấy trong Thiên Chúa và chỉ nơi một mình Thiên Chúa mà thôi.
Niềm vui trong Đức Chúa
Thánh Inhaxiô Loyola gợi ý rằng trong mùa Phục Sinh, khi chiêm ngưỡng sự Sống lại của Đức Chúa và cũng là Đấng Cứu độ, Chúa Giêsu Kitô, chúng ta hãy cầu xin Người ban cho chúng ta nhân đức này — niềm vui!
Tuy nhiên, thánh nhân khẳng định rằng, chúng ta không chỉ cầu xin niềm vui, mà là niềm vui mãnh liệt nhất. Một lần nữa, chúng ta phải nhấn mạnh điểm này: niềm vui trong Chúa Giêsu! Niềm vui đích thực của chúng ta chỉ có thể được tìm thấy và sống trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô! Đấng đã thực sự sống lại từ cõi chết sau khi bị đóng đinh trên thập giá để thanh tẩy chúng ta khỏi mọi tội lỗi.
Như chúng ta tuyên xưng trong Thánh lễ ngay sau khi Truyền phép: Chúa Kitô đã chết, Chúa Kitô đã sống lại, Chúa Kitô sẽ đến trong vinh quang!
Sự kiện lịch sử về Chúa Giêsu Phục Sinh, rằng Người đã thực sự sống lại từ cõi chết, sẽ dẫn đến sự bùng nổ của ân sủng, ánh sáng, bình an và niềm vui trên toàn thế giới. Chúa Giêsu đến thế gian như là Đấng Cứu độ, không chỉ cho một dân tộc hay một nhóm tín ngưỡng. Trái lại, Người đã chết và sống lại từ cõi chết cho toàn thể nhân loại và cho từng người chúng ta!
Từ Công giáo có nghĩa là phổ quát — mở rộng cho tất cả những ai biết mở lòng mình để đón nhận Chúa Kitô. Xin cho tất cả chúng ta, những người đã có cuộc gặp gỡ thật sự và biến đổi này với Chúa Giêsu Phục Sinh, được nên giống các môn đệ trên đường Emmau, không ngại ngần để chia sẻ niềm vui này cho toàn thế giới.
Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho chúng ta: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt 28, 19-20)
Đức Maria, căn nguyên niềm vui của chúng ta
Cuối cùng, một trong những cách thế hữu hiệu nhất giúp chúng ta sống niềm vui đích thực là gặp gỡ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ chúng ta, Đấng là căn nguyên niềm vui của chúng ta.
Chúng ta không chỉ cầu nguyện 5 Mầu Nhiệm Vui trong kinh Mân Côi mà còn cầu nguyện trong lời Kinh Magnificat, nhằm diễn tả rằng chúng ta có thể thực sự khám phá niềm vui và sống niềm vui ấy ở mức độ tối đa dù là ở đâu, bằng bất cứ cách nào và với bất cứ ai. Hãy đọc và cầu nguyện với bài thánh ca ngợi khen tràn đầy hân hoan từ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.…” (Lc 1, 46-55) Những lời này của Mẹ chân thực biết bao, Mẹ là căn nguyên niềm vui của chúng ta!
Chỉ trong Thiên Chúa, chỉ trong việc nhận biết Thiên Chúa, chỉ trong việc gặp gỡ Thiên Chúa, chỉ trong việc hiệp thông với Thiên Chúa, chỉ trong tình yêu Thiên Chúa, chỉ trong sự phó thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa như Mẹ Maria, chúng ta mới thực sự cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc đích thực và bền vững ngay bây giờ và mãi mãi!
Để rồi, cùng với Thánh Phaolô, chúng ta hãy nâng tâm hồn lên với Chúa: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4, 4) và: “Ðây là ngày CHÚA đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ!” (Tv 118, 24).