Sr. Liliana Franco Echeverri, ODN
Chăm sóc sự sống phải là tầm nhìn truyền cảm hứng, khuyến khích và hướng dẫn sự thánh hiến của chúng ta.
Sự sống là một hồng ân, đầy những khả thể, nhưng cũng tiềm ẩn sự mong manh và dễ bị tổn thương; đó là lý do tại sao cần phải chăm sóc sự sống một cách cẩn thận.
Sự quan tâm phát sinh khi cuộc sống của ai đó quan trọng đối với chúng ta. Đó là lúc chúng ta hiến mình cho người đó, can dự vào số phận, vào sự tìm kiếm, vào những đau khổ và thành công của họ, nói tóm lại, vào cuộc đời của họ. Đây là sự đồng cảm.
Và, đồng cảm hàm chứa một cách thức liên hệ; về cơ bản, đồng cảm hệ tại ở chỗ coi nỗi đau của người khác là của chính mình, nghĩa là, khả năng nội tâm hóa nỗi đau của người khác và sống nỗi đau ấy như thể đó là kinh nghiệm của chính mình. Đồng cảm với ai đó là một tập quán của trái tim. Đồng cảm giả định một cam kết liên đới.
Đồng cảm dẫn chúng ta đến chỗ chấp nhận sự tổn thương của mình và của người khác. Đồng cảm giúp chúng ta mở rộng tầm mắt và nhận thức tình cảnh đau khổ mà người khác đang trải nghiệm. Bày tỏ sự đồng cảm với ai đó không có nghĩa là thay thế hoặc quyết định thay cho họ nhưng là đặt mình vào vị trí của họ mà không đánh cắp căn tính, không xâm phạm lãnh thổ của người ấy. Sự tin tưởng là điều thiết yếu trong bất kỳ hành vi chăm sóc nào. Tin tưởng một ai đó là tin vào người ấy, đặt mình vào tay người ấy, và đặt mình theo ý của người ấy.
Khởi đi từ logic của việc chăm sóc, điều quan trọng nhất sẽ là chăm sóc QUÀ TẶNG và MỐI TƯƠNG QUAN: Có một câu chuyện của Eduardo Galeano, nhà văn người Uruguay, mà tôi rất thích và tôi nghĩ nó diễn tả tuyệt vời những gì chúng ta đang sống khi nói về Tính Hiệp Hành:
Một người đàn ông đến từ thị trấn Negua, trên bờ biển Colombia, đã trèo lên được các tầng trời.
Trên đường về, anh ấy đã thuật lại rằng, ở trên trời, anh đã chiêm nghiệm về cuộc sống của con người và thấy rằng nhân loại chúng ta là một biển của những ngọn lửa nhỏ.
Mỗi người tỏa sáng với ánh sáng của riêng mình giữa những người khác. Không có hai ngọn lửa bằng nhau. Có những ngọn lửa lớn, có những ngọn lửa nhỏ, và có những ngọn lửa đủ màu sắc. Có những người với ngọn lửa êm đềm, là những người thậm chí không gặp thấy gió; và có những người với ngọn lửa điên cuồng, là những người lấp đầy không khí bằng những tia lửa. Có những ngọn lửa ngớ ngẩn, không chiếu sáng hoặc đốt cháy; nhưng cũng có những người khác đốt cháy cuộc sống một cách háo hức đến mức bạn không thể nhìn họ mà không chớp mắt, và bất cứ ai đến gần họ, sẽ bị đốt cháy.
Chìa khóa để đi cùng nhau trong sự hiệp hành là kết nối những ngọn lửa nhỏ, cho đến khi một thứ gì đó mới mẻ bùng cháy, và những gì chân thực nhất cần được chăm sóc và củng cố.
Hiệp hành có nghĩa là rèn luyện chính mình trong phương pháp sư phạm của sự chăm sóc.
Giáo sư José Cristo Rey Garcia Paredes, CMF khi đọc lại tông huấn Vita Consecrata đã diễn tả như sau:
Đời sống thánh hiến không nhằm mục đích tách mình ra khỏi các hình thức khác của đời sống Kitô hữu nhưng Đời sống thánh hiến được mời gọi để tương tác với những hình thức sống khác và tạo thành một phần của cái “chúng ta” của nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo hội. Vì vậy, theo cách này, sự thiện hảo của một thành viên góp phần vào sự giàu có và hạnh phúc của toàn bộ cơ thể.
Mọi người trong Giáo hội đều chia sẻ một phẩm giá chung, đều được mời gọi sống thánh thiện và hợp tác vào việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô; nhưng Thánh Thần ban cho mỗi người những ân sủng khác nhau. Do đó, Giáo hội là một sự hiệp thông hữu cơ của các ơn gọi, đặc sủng, và thừa tác vụ khác nhau.
Rõ ràng là ngày nay, Đời sống thánh hiến cho thấy nó mỏng manh hơn, nhỏ bé hơn, dễ bị tổn thương và giới hạn hơn, với ít chiến hào và an toàn hơn nên nó có nhiều khả năng hơn để đặt tâm hồn mình vào những gì căn bản. Vì vậy, với sự mạnh dạn khiêm tốn, nó có thể tái tạo trong Thánh Thần, và có khả năng làm cho mọi sự trở nên mới mẻ. Là người được thánh hiến bởi ơn gọi và xác tín, Đức Thánh Cha Phanxicô biết rõ rằng trong đêm dài của thời điểm phong phú của chúng ta hiện nay, chỉ có sự tập trung vào Chúa Giêsu Kitô mới khôi phục lại cho Đời sống tu dòng căn tính thần bí, ngôn sứ và truyền giáo của nó.
Chúng ta mất đi sức sống khi chúng ta chìm đắm vào thể chế một cách êm ái và quên đi bản chất, chúng ta đồng nhất mình trong những khuôn mẫu và hình thức đã cắt đứt chúng ta. Sự sung mãn chỉ đến với Giáo hội, khi Giáo hội sẵn sàng gặp gỡ, đón nhận sự khác biệt và cho phép phát triển các hồng ân và đặc sủng một cách đa dạng và bổ túc cho nhau. Chúng ta chỉ đạt được sức sống khi biết vượt lên trên sự tôn thờ chủ nghĩa cá nhân và mở lòng mình với nghệ thuật của cái chung, để có thể lắng nghe lời cải hoá, lời tiếp thêm sinh lực, và cam kết mở ra những lộ trình mới.
Một sắc thái đặc thù của đời sống nhân loại, và cũng là của đời sống thánh hiến, đó là nếp sống cộng đoàn. Trong đặc sủng đã được ban tặng cho mỗi chúng ta, có khuynh hướng xây dựng với người khác, trong tính bổ sung và đồng trách nhiệm. Điều này đòi hỏi một thái độ cởi mở đối với sự đa dạng, khả năng hiệp nhất các nhịp điệu, kết hợp các ngôn ngữ, văn hóa, sự nhạy cảm, và tầm nhìn. Đặc sủng ấy giả thiết một cái nhìn chiêm niệm mới giúp chúng ta có thể khám phá ra chân, thiện, mỹ sống động nơi mỗi một con người.
Trong một thế giới phân cực và chủ nghĩa cá nhân, sự hiệp thông là chứng tá lớn nhất mà chúng ta có thể cung cấp cho người khác. Đối với chúng ta, cộng đoàn hoàn hảo về tình huynh đệ phải là một chân trời ý nghĩa; và điều này đòi hỏi một sự dịu dàng không giới hạn. Chỉ có việc thực hành sự dịu dàng hàng ngày mới làm cho chúng ta trở nên nhân bản hơn, và phản ánh rõ nét hơn khuôn mặt của Thiên Chúa ở giữa chúng ta.
Chẳng có điều gì khóa chặt và bảo hộ chúng ta trong chính mình mà lại có tinh thần phúc âm. Những đặc tính mô tả Kitô hữu là con đường, sự cởi mở, quà tặng cho người khác, và cho Đấng hoàn toàn khác.
Chúng ta được kêu gọi tới sự hiệp nhất: Xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con, và con ở trong Cha. Xin cho họ cũng ở trong chúng ta, để thế gian có thể tin rằng Cha đã sai con.
Sự hiệp nhất là một thuộc tính định dạng bản sắc, bảo tồn bản chất, đảm bảo sự hài hòa, và giúp vượt qua thử thách của thời gian. Ở đâu có sự hiệp nhất, ở đó có sự hài hòa, sự hiệp thông trong các giá trị và tiêu chí. Sự hiệp nhất không loại trừ nhưng hài hòa sự khác biệt, được phát xuất từ sự gặp gỡ, giao tiếp và gắn kết. Nó đòi hỏi mối tương quan và diện đối diện của tình nghĩa.
Hiệp nhất được xây dựng, và trong đó, có chỗ cho tính dễ bị tổn thương, sự mong manh và giới hạn; hiệp nhất giả thiết việc thường xuyên tập luyện sự hòa giải và tha thứ, đòi hỏi sự buông bỏ vũ khí và học hỏi. Không thể có hiệp nhất ở nơi có sự kiêu ngạo, những vòng xoáy cứng ngắc của quyền lực, và càng không thể có ở nơi không có sự linh hoạt và cởi mở với Thánh Thần.
Trong cuộc hành hương cùng với những người khác trong Giáo Hội, chúng ta cũng được mời gọi để thăng tiến trong tư cách Liên hiệp các dòng tu, trong một cuộc đối thoại mang tính đặc sủng làm cho sự phong phú trong trực giác của mỗi vị sáng lập có thể thêm vào những khả năng nhạy cảm khác, với ý thức rằng mỗi đặc sủng là một món quà cho Giáo hội, và một món quà của Giáo hội cho tất cả mọi người.
Chứng từ về tình bằng hữu giữa các anh chị em tu sĩ của các dòng tu khác nhau, những nỗ lực chung để thực hiện các dự án chung, và việc tìm kiếm không mệt mỏi câu trả lời cho những thách thức của thời điểm lịch sử, đã là bằng chứng cho thấy Thiên Chúa ở giữa chúng ta để làm cho chúng ta nên một. Tầm nhìn là bước đi một cách tự do như những anh chị em, trong việc chào đón sự khác biệt, phát huy những gì tốt nhất của mỗi người, xây dựng một dự án chung, và hát lên giai điệu của tình huynh đệ và tỉ muội.
Thần học về Đời sống thánh hiến phải đương đầu với thách thức về việc xem xét cách kỹ lưỡng cội nguồn, nguồn gốc của các đặc sủng sáng lập, nhằm làm sáng tỏ tiềm năng độc đáo và sức sống đang tồn tại, cũng như làm cho các đặc sủng ấy trở nên phù hợp và cần thiết ở mỗi thời điểm lịch sử. Vốn được ban cho chúng ta một cách tự do và dồi dào, đặc sủng đòi hỏi chúng ta bước đi một cách vững chắc và xác thực; sống trong sự thật giải thoát; nói những lời khuyến khích và động viên; hiện diện với những người tìm kiếm công lý và hòa bình; giao tiếp với những người tin và chia sẻ với những người cảm thấy khó tin. Đặc sủng mang lại cho chúng ta căn tính, đạt đến mức viên mãn khi gặp các đặc sủng khác, và cùng nhau, các đặc sủng thể hiện những gì đặc trưng và căn nguyên nhất của Nước Trời: bàn tiệc chung, nơi có chỗ cho tất cả mọi người, làm cho chúng ta trở thành Giáo hội, Dân Thiên Chúa.
Đây là cách Đức Thánh Cha Phanxicô diễn đạt, mời gọi chúng ta mở rộng tầm nhìn để đi xa hơn:
Không ai đóng góp cho tương lai trong sự cô lập, chỉ bằng sức riêng của mình, nhưng bằng cách nhìn mình như thành phần của sự hiệp thông đích thực, luôn cởi mở để gặp gỡ, đối thoại, chú ý lắng nghe và hỗ trợ lẫn nhau. Một sự hiệp thông như vậy sẽ bảo vệ chúng ta khỏi căn bệnh tự lấy mình làm điểm quy chiếu.
Những người nam nữ thánh hiến cũng được mời gọi để tìm kiếm một sức mạnh tổng hợp chân thành giữa mọi ơn gọi trong Giáo hội, bắt đầu từ các linh mục và giáo dân, cũng như thúc đẩy linh đạo hiệp thông, trước hết trong đời sống nội bộ của họ và sau đó là trong cộng đoàn Giáo Hội, và thậm chí vượt ra ngoài ranh giới của nó.
Đức Thánh Cha cũng mời gọi các Giám mục nhìn nhận nơi các đặc sủng khác nhau, vốn là những ân huệ làm phong phú Giáo hội, và đặt mình trước những người nam nữ thánh hiến với sự trân trọng và lòng biết ơn về những món quà mà bản thân và đặc sủng người tu sĩ đóng góp cho toàn thể Giáo hội cũng như cho các tiến trình phúc âm hóa:
Chúng tôi, các giám mục phải hiểu rằng những người thánh hiến không phải là vật liệu hữu dụng, nhưng đúng hơn họ là những đặc sủng làm phong phú Giáo hội. Các giáo phận cần những đặc sủng này. Việc đưa các cộng đoàn tu dòng vào giáo phận là quan trọng, và việc giám mục nhìn nhận và tôn trọng các đặc sủng của dòng tu cũng quan trọng y như vậy. Nói chung, xung đột nảy sinh khi thiếu đối thoại (82 ° Đại hội USG 2013)
Chắc chắn rằng, như là Dân Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi bước đi trên những lộ trình mới, đặt chúng ta như là những tín hữu vào vị trí của sự lắng nghe, vốn là vị trí duy nhất mà từ đó chúng ta có thể cân nhắc, nhận thức và nắm bắt những thách đố về mặt xã hội, văn hóa và sinh thái mà thời điểm lịch sử này đặt ra cho Giáo hội. Điều này đòi Giáo hội phải phát triển một thái độ đối thoại, đầu tư vào các mối tương quan mới, và bước đi trên lộ trình với người khác, dựa trên kinh nghiệm mà chỉ có đối thoại mới làm cho chúng ta trưởng thành. Do căn tính của chúng ta là những chủ thể của Giáo hội và với ý thức rằng, nhờ phép rửa tội và chức tư tế chung, chúng ta có cùng phẩm giá, cùng cảm mình được mời gọi đóng góp vào hình thái của một Giáo hội hiệp hành hơn.
Trong thời điểm hiện tại của Giáo hội và của Đời sống thánh hiến, việc đồng hành với người khác sẽ dẫn chúng ta tới việc cùng nhau xây dựng. Chúng ta có thể làm điều này từ 3 khía cạnh của sự hiệp thông:
Sự Thuộc về: Là nhận thức rằng chúng ta được liên kết với điều gì đó hoặc ai đó vượt xa chúng ta. Trải nghiệm thuộc về mang lại cho chúng ta căn tính; đó là tình yêu, là mối dây liên kết chúng ta trong việc xây dựng dự án cuộc sống. Ý thức mình là một thành phần giúp cho chúng ta ý thức trách nhiệm cách sống động, và vì tình yêu, chúng ta trở thành người bảo vệ hồng ân, người trông coi kho báu, người gieo không mệt mỏi tất cả những hạt giống mong đợi sự dồi dào cho những ai hoặc những gì mà chúng ta gắn kết sâu xa. Đó là một vấn đề về cội gốc.
Sự Tham gia: Những điểm chung đặt chúng ta vào vị trí của sự tham gia, của sự xây dựng tập thể. Đó là sự năng động mà trong đó tiếng nói của mọi người vang lên khác nhau và do đó, bổ sung cho nhau. Sự thụ động của khán giả cũng như sự phán xét vụn vặt của những người chỉ biết phê bình không có chỗ trong lôgic này. Tham gia có nghĩa là cho đi chính mình, ý thức trở thành một kiến trúc sư và người xây dựng, là chuẩn bị mình cho những tiến trình đòi hỏi sự cống hiến và kiên trì, đối với sự nhưng không và vô vị lợi của Nước Trời.
Sự Kiên nhẫn: nếu không có hồng ân này, chẳng có gì có thể tồn tại lâu dài được. Mọi thứ thực sự quan trọng đều cần có thời gian. Việc làm cho điều chung xảy ra giả định việc tin vào giá trị của những tiến trình và chúng bao hàm thời gian và sự đồng hành. Kiên nhẫn là trạng thái cho phép cái chung bùng phát và đưa chúng ta thoát ra khỏi những lược đồ, được ngụy trang dưới lớp vỏ hiệu quả, nhưng lại giới hạn trí tuệ, chèn ép vẻ đẹp, loại trừ và không làm phát sinh sự khác biệt lành mạnh và cần thiết.
Thiên Chúa không ngừng sáng tạo và tái tạo; Ngài cũng làm điều đó vào ban đêm và, với niềm xác tín này, Ngài khơi dậy niềm hy vọng của chúng ta. Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng:
Chúng ta đừng sợ hãi khi từ bỏ "những chiếc bình rượu cũ": nghĩa là không đổi mới những thói quen và những cơ cấu mà trong đời sống Giáo hội và cả trong đời sống thánh hiến, chúng ta nhận ra là không còn phù hợp với những gì ngày nay Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta để mở rộng Vương quốc của Ngài trên thế giới: những cấu trúc cung cấp sự bảo vệ giả tạo và ngăn cản sức sống của đức ái, những thói quen khiến chúng ta xa cách với đàn chiên mà chúng ta được sai đến, và ngăn cản chúng ta nghe thấy tiếng kêu khóc của những người đang ngóng chờ Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô.
Niềm hy vọng phải được tái sinh, và cùng với nó, những câu trả lời sẽ được làm mới, những câu trả lời cho phép chúng ta suy nghĩ lại theo nhịp điệu của Thánh Thần và ân sủng. Và, theo Đức Giáo hoàng,
Niềm hy vọng mà chúng ta nói lên không đặt nền tảng trên các con số hoặc trên các thành quả, nhưng dựa trên Đấng mà chúng ta đặt sự tín thác của mình (x. 2Tm 1, 12), vì đối với Ngài "không gì là không thể làm được" (Lc 1, 37). Đó là niềm hy vọng không làm chúng ta thất vọng; đó là niềm hy vọng làm cho Đời sống Thánh hiến có thể tiếp tục viết ra một lịch sử vĩ đại trong tương lai. Đó là tương lai mà chúng ta phải hướng tới, ý thức rằng Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta để Ngài có thể thực hiện những điều vĩ đại cùng với chúng ta. (Chứng tá của Niềm vui C.A. 2014)
Đó là một logic khác, logic của Thánh Thần, luôn dẫn dắt chúng ta vượt quá những gì chúng ta có thể tính toán hoặc giả định. Logic ấy đặt chúng ta vào vị trí của những người nhỏ bé và làm cho chúng ta trân trọng những gì tự do, tôn vinh tình bạn và chăm sóc cộng đoàn. Logic ấy đưa chúng ta xuống những lộ trình chưa biết và đòi hỏi chúng ta dám dấn thân vào những sự kiện không ngờ tới của Vương quốc, nhận chùng từ bàn tay của Thiên Chúa. Đó là logic của những người tín thác.
Tại thời điểm lịch sử này, Phong cách hiệp hành là phương thức mới để hiện diện và làm nên Giáo hội. Đồng hành cùng nhau là điều kiện để lắng nghe thực tế và đáp ứng những thử thách của thời điểm lịch sử này theo tinh thần phúc âm.
Như cha Carlos Martinez Oliveiras đã diễn tả trong cuốn Synodus của ngài,
từ sự chắc chắn rằng Giáo hội phải được trình bày rõ ràng trong nội bộ theo cách tạo điều kiện thuận lợi cho trách nhiệm của tất cả mọi người nhằm hiện diện theo một cách thức mới trong lịch sử, trong thế giới, và trong xã hội, tính hiệp hành chính xác sẽ là một điều cần thiết, hoặc ít nhất, là một cách khả thi để kết hợp sự đa dạng, hài hòa sự khác biệt và cân bằng sự đối lập. Được khẳng định chắc chắn rằng giáo hội học về sự hiệp thông được trình bày cho chúng ta như một yếu tố cấu thành và cần thiết trong Giáo hội.
Ngày nay, Giáo hội và xã hội đòi hỏi chúng ta phải thực thi lời ngôn sứ của cộng đoàn, bước đi với ý thức rằng chúng ta là Dân Thiên Chúa và mạnh dạn đặt mình một cách khiêm nhường, vạch trần những mớ quyền lực đánh mất nhân tính. Đó là việc trở lại nguyên bản của Phúc âm và đứng về phía của tình yêu nâng cao phẩm giá. Dấn thân cho tình huynh đệ hoàn hảo là bằng chứng xác thực nhất mà chúng ta có thể cung cấp cho nhân loại ngày nay.
Vào thời điểm này, sứ mệnh của phụ nữ trong Giáo hội trở nên rõ ràng hơn. Được gọi để trở nên, trong cấu trúc giáo hội, một bí tích hiệp thông, một nhịp cầu hỗ trợ gặp gỡ, một cung lòng trong đó cách thức liên hệ mới được triển khai, và nghệ thuật đồng hành được ưu tiên. Tinh thần hiệp hành mà chúng ta cam kết thực hiện, đòi hỏi sự tham gia của phụ nữ trong các không gian và cấu trúc của Giáo hội, trong việc phân định và ra quyết định.
Trong Đời sống tu dòng, chúng ta phải là người bảo vệ sự sống, và điều đó có nghĩa là chúng ta trở thành những chuyên gia trong nghệ thuật chăm sóc. Những nghệ nhân chăm sóc.
Xin cho từng người chúng ta, có thể thêm vào ngọn lửa của mình để tạo nên ngọn đuốc của sự hiệp thông, thắp sáng và truyền cho người khác những lý do để tin tưởng và hy vọng.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm