Thánh Giuse - Gương Mẫu Về Lao Động Ngày 01/05, ngày quốc tế lao động, kính nhớ thánh Giuse Thợ hay thánh Giuse lao động. Lễ này do Đức giáo hoàng Piô XII thiết lập năm 1955 và chọn thánh Giuse làm quan thầy và gương mẫu cho giới thợ thuyền hay giới lao động. Thánh Giuse được chọn là gương mẫu cho giới lao động vì chính ngài đã nên thánh trong nghề nghiệp của mình.
Trong cuộc sống, không ít người đã quan niệm con người phải lao động vất vả bởi tội lỗi. Nhưng thực ra trước khi con người sa ngã “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Như vậy, khi tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài (St 1,26), Thiên Chúa đã muốn tháp nhập lao động vào công trình của Ngài, và sau khi thiết định vũ trụ, Ngài đã đặt lao động vào tay con người với quyền chiếm hữu và cai trị: “hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28). Việc lao động của con người chính là sự triển nở của tạo vật và chu toàn ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế Thánh Kinh thật nghiêm khắc với sự ở nhưng: “kẻ lười biếng thèm muốn mà chẳng được gì, người chuyên cần muốn chi cũng được thỏa mãn” (Cn 13,4). Hơn nữa: “vì ham muốn, đứa lười mất mạng, bởi nó không chịu ra tay làm” (Cn 21,25). Thánh Phaolô đã không ngần ngại lên án những người không chịu làm việc: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân” (2 Tx 3,10-12).
Bù lại, Thánh Kinh rất quý trọng việc lao động tốt, tài khéo và tinh thần làm việc của người nông dân, của bác thợ rèn hay của người thợ gốm (Hc 38,26.28.30). Nếu không có nông dân và người thợ “không một thành phố nào có thể mọc lên” (Hc 38,32).
Trong bài Tin Mừng hôm nay thánh Giuse được biết đến bằng một tên gọi quen thuộc “bác thợ” (Mt 13,55). Mặc dù được trao phó một trọng trách cao cả là nuôi dưỡng Đấng Cứu Thế, thánh Giuse không đòi cho mình một cuộc sống sung túc, khá giả nhưng ngài sẵn sàng bước vào một lối sống bình thường như bao gia đình khác. Ngài khiêm tốn với tước hiệu “bác thợ”, có khi còn bị coi thường, khinh rẻ (Lc 4,22). Ngài là một bác thợ mộc cần cù, chăm chỉ, nên ngài nêu cao gương mẫu làm việc cho mọi người nhất là những người làm cha, làm chủ gia đình. Ngài đã làm việc tận tụy, vất vả, đổ mồ hôi để nuôi sống gia đình. Nhờ lao động, ngài đã nuôi dưỡng con mình cũng là Con Thiên Chúa lớn lên để theo đuổi và thực hiện sứ mệnh cứu chuộc. Cho nên công việc của thánh Giuse không dừng lại ở sự sống phần xác, mà còn vươn tới một đích điểm cao cả là cộng tác vào công cuộc cứu chuộc của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Quả vậy nơi Đức Giêsu lao động được đề cao, người cũng học biết lao động từ Thánh Giuse là cha nuôi, Người cũng đã dùng khối óc, đôi tay của mình để làm ra của cải nuôi sống mình và gia đình. Chính Đức Giêsu cũng được gọi là “bác thợ” (Mc 6,3), là “con của ông thợ mộc” (Mt 13,55). Không chỉ dừng lại ở lao động chân tay, ở của cải vật chất, Đức Giêsu còn mặc cho lao động một ý nghĩa mới: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27).
Khi được dựng nên trong vũ trụ này Thiên Chúa đặt để mỗi người vào một vị trí, một công việc khác nhau tùy khả năng mỗi người. Như Thánh Giuse mỗi người cũng được mời gọi chu toàn công việc Chúa đã trao phó với tình yêu, sự khiêm nhường và lòng trung tín để cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Trong tông huấn “Người chăm nom Đấng Cứu Thế” Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Tầm quan trọng của lao động trong đời sống con người đòi hỏi chúng ta phải thấu triệt và tiếp thu ý nghĩa của nó để “giúp mọi người đến gần Thiên Chúa, Đấng Tạo hoá và Đấng Cứu chuộc hơn, để tham dự vào kế hoạch cứu độ con người và thế giới, và để đào sâu hơn… tình bạn với Chúa Kitô trong cuộc sống của họ, bằng cách qua đức tin, chấp nhận tham dự sống động vào sứ mạng gồm ba chức vụ của Người là Tư tế, Tiên tri và Vua” (số 23).
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã tạo dựng chúng con giống hình ảnh Chúa và cho chúng con được cộng tác vào công trình sáng tạo của Chúa. Nhờ lời cầu bầu của Thánh Giuse xin Chúa ban cho chúng con biết yêu quý lao động và tích cực chu toàn bổn phận mà Chúa đã trao phó hầu làm sáng danh Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho mọi người.
Maria Nhàn – Lớp Thần học K5