Thứ bảy, 23/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Tiệc Ly (Ga 13,1-15)

Cập nhật lúc 08:02 27/03/2024

 
YÊU CHO ĐẾN CÙNG
 
Chuyện kể rằng, trong vụ động đất xảy ra hồi tháng 3/2014 ở Nhật Bản, lấy đi sinh mạng của rất nhiều người. Trong khi lực lượng cứu hộ tìm kiếm người bị nạn, thì họ nhìn thấy thi thể một người phụ nữ qua vết nứt của một ngôi nhà bị đổ nát. Hình dáng của cô khụy gối cúi xuống như đang bao bọc một thứ gì đó dưới một đống đổ nát khổng lồ. Lực lượng chức năng cứu hộ đã đào bới để kéo xác cô ra, và họ đã khám phá ra sức sống kì diệu nơi một đứa trẻ khoảng 3 tháng tuổi được cuốn chăn cẩn thận đang ngủ yên trong vòng tay của người mẹ đã chết. Và người ta thấy một chiếc điện thoại kẹp trong đó với lời nhắn “nếu con có thể sống sót, hãy nhớ rằng mẹ rất yêu con”. Câu chuyện đầy cảm động đó chắc hẳn để lại trong chúng ta không ít những suy tư. Phải chăng tình yêu đã làm cho người ta có những sáng kiến tuyệt vời và chỉ có tình yêu mới làm cho người ta dám hy sinh thân mình để dành sự sống cho người khác như thánh Têrêsa Hài Đồng đã khẳng định: “Tình yêu mà không có hy sinh là tình yêu tiểu thuyết” còn “Hy sinh mà không có tình yêu là hy sinh thừa”.
Sự đổ vỡ của nhân loại đầu tiên đã kéo theo hậu quả nghiêm trọng là sự tội và sự chết. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không để con người rơi vào cảnh tuyệt vọng của tội, nhưng Người đã yêu thương nhân loại hứa ban Đấng Cứu Độ để giải thoát con người. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào con của người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Thật vậy, Đức Giêsu là biểu trưng của tình yêu mà Chúa Cha dành cho nhân loại. Nơi Người chúng ta thấy khuôn mặt đầy nhân từ của Thiên Chúa, một tình yêu nhưng không, một tình yêu tự hủy đến tận cùng nơi Thập giá. Một tình yêu đã dốc cạn những giọt máu cuối cùng để cứu độ và giải thoát con người khỏi tội và sự chết. Dõi theo lịch sử cứu độ và hòa trong bầu khí của những ngày cực thánh này, Giáo Hội mời gọi con cái mình cùng suy chiêm Tình yêu mà Thiên Chúa đã dành tặng nhân loại qua Con Một yêu dấu của Người là Đức Giêsu. Nơi Đức Giêsu, người kitô hữu khám phá ra khuôn mặt của Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu và tìm được điểm tựa cho đời sống đức tin của mình giữa muôn vàn thách đố của cuộc sống.  
 Thánh Gioan thuật lại hành động Đức Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc cuối cùng trước khi bước vào cuộc Thương khó. Một bữa tiệc đượm buồn mà dường như chất chứa không ít sự vô tình của các môn đệ, đặc biệt là người môn đệ bất tín. Các môn đệ đã chẳng hiểu được việc làm của Đức Giêsu, bởi lẽ các ông chưa thực sự đặt mình vào trong tình yêu với Đức Giêsu. Thế nên khi đối diện với thử thách nơi vườn Dầu, các ông đã bỏ mặc Người và chạy trốn vì sợ liên lụy. Tuy nhiên, dẫu biết trước những bội bạc nơi các môn đệ thân tín nhưng Chúa Giêsu vẫn lặng lẽ cúi xuống rửa chân cho họ. Qua việc rửa chân cho các môn đệ Chúa muốn khơi lên trong lòng các ông tinh thần phục vụ của người Mục tử, bởi chưng “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Hơn nữa, việc rửa chân cho các ông không đơn thuần giúp các ông sạch sẽ bên ngoài, nhưng đây là một hành vi thánh thiêng mang giá trị thanh tẩy. Bấy năm theo Đức Giêsu, các môn đệ đã được sống trong ân sủng và được thanh tẩy qua Lời của Người (x.Ga 15,3), nhất là các ông cần được chuẩn bị tâm hồn trước khi cùng chia sẻ bàn tiệc của Chúa, đồng thời là lời tiên chưng cho sứ vụ mà các ông sẽ cộng tác với nhau để nhân danh Đức Giêsu rao giảng và loan truyền Tin Mừng yêu thương cho muôn dân nước.
 Thánh sử Gioan cũng thuật lại, trước khi bước vào giờ của Người, Đức Giêsu đã căn dặn và ban bố cho các môn đệ lệnh truyền quan trọng là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,17). Yêu như Chúa yêu là tự hủy, là hy sinh, là hiến dâng trọn vẹn thân mình cho thế gian. Yêu như Chúa yêu là tôn trọng mầu nhiệm của từng cá nhân và giúp mỗi người trở nên thánh thiện, xứng với ơn gọi làm người và làm con Chúa. Bởi thế, càng đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ nơi Đức Giêsu thì chúng ta lại càng được mời gọi tháp nhập tình yêu của mình vào trong tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Nhờ đó, tình yêu của Thiên Chúa sẽ tác động nơi mỗi tâm hồn, và tình yêu đích thực ấy sẽ dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa - Đấng giàu tình yêu và đầy lòng thương xót.
Trong bầu khí ngày lễ chiều Tiệc Ly, mỗi chúng ta được mời gọi đặt mình trước khung cảnh của bữa ăn cuối cùng và chiêm ngắm từng hành động của Đức Giêsu đã làm cho các môn đệ và cách riêng cho từng người chúng ta. Chúa đã hạ mình rửa chân cho các môn đệ. Vậy bạn và tôi có dám hạ mình xuống để đi bước trước trong việc hòa giải với người khác?  Chúa đã yêu chúng ta bằng một tình yêu tự hiến và nhưng không, vậy đâu là cách thế mà chúng ta thi hành để biểu lộ tình yêu cho tha nhân? Chúng ta đã sống và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa như thế nào ngang qua môi trường sống, nơi những người chúng ta gặp gỡ?
Lạy Chúa Giêsu! bầu khí trầm lặng của những ngày thánh mời gọi chúng con dành những khoảng lặng trở về bên Chúa, để cảm nghiệm tình yêu của Chúa đã và đang chảy trào trên nhân loại và trên từng người chúng con. Xin cho mỗi chúng con biết sống chậm lại và cùng với Chúa bước vào cuộc Thương khó, cùng Chúa bước đi trên con đường đầy sỏi đá và gai góc, để mỗi chúng con thấy rõ hơn tình yêu của Chúa dành cho chúng con, một tình yêu tự hủy đến tận cùng, một tình yêu nhưng không và vô vị lợi. Để rồi, mỗi chúng con cũng biết yêu như Chúa đã yêu và mang tình yêu thương của Chúa đến cho muôn dân nước. Amen
                                                                                       Bông hồng nhỏ

Cộng đoàn Mến Thánh Gía Mộc Châu
Thông tin khác:
Tự Sự (26/02/2024)
Mắc Sai Lầm (24/01/2024)
Mến Thánh Giá (16/01/2024)
Mùa Biến Đổi (10/01/2024)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log