Nhận dịp lễ Phục Sinh năm 2019, tôi đã gọi điện về và chúc mừng lễ tới ba mẹ. Tôi vẫn nhớ rõ cuộc nói chuyện hôm đó với ba như thể mới chỉ diễn ra trong ngày hôm qua vậy.
- Alô. Con chào ba, chúc mừng lễ Phục Sinh tới ba mẹ ạ. Chúc ba mẹ mỗi ngày luôn cảm nghiệm được niềm vui của Chúa Phục Sinh.
- Cảm ơn con.
- Ba mẹ dịp này ở nhà có khỏe không ạ?
- Ba mẹ vẫn khỏe. Còn con thì sao?
- Con vẫn khỏe ạ. À, không có gì thay đổi, mấy tháng nữa là con vào Nhà Tập đó ba. Ba cầu nguyện cho con gái ngày một yêu Chúa nhiều hơn nhé.
- Cầu nguyện ư? Ba chẳng biết cầu nguyện như thế nào. Ba chỉ biết dâng ý nguyện thôi. – Ba (trả lời với một giọng điệu ấp úng).
-Ý nguyện ạ? Vâng, như vậy là đẹp lắm rồi đó ba. Cảm ơn ba vẫn luôn nhớ và nhắc tên con với Chúa mỗi ngày. - Tôi (cười nhẹ.)
……
Nói thật, khi nói xin ba cầu nguyện và nghe được câu trả lời của ông, tôi đã không kìm được nước mắt. Và tới hôm nay, khi nhớ lại, tôi vẫn giữ nguyên một cảm xúc ấy. Đó như là một món quà Phục sinh đầy ý nghĩa mà ba đã tặng tôi.
Gia đình tôi không có thói quen đọc kinh sớm tối chung như bao gia đình khác, mọi người trong nhà đều lo làm việc và chỉ tới nhà thờ dự lễ ngày Chúa nhật mà thôi. Khi chưa đi tu, tôi không biết ba tôi thuộc được bao nhiêu kinh và đọc như thế nào? Điều tôi thấy được đó là mỗi tối trước khi đi ngủ và sớm thức dậy, ba tôi có làm dấu, đọc ba kinh: Lạy Cha, Kính mừng, Sáng danh và lời nguyện tắt: “Giêsu, Maria xin giữ con và gia đình của con”. Đơn giản chỉ vậy thôi. Nhưng điều đơn giản ấy đã cho thấy bên trong con người của ba tôi vẫn luôn có Chúa.
Những năm đầu của đời tu, điều tôi lo lắng hơn cả là về kinh tế và đời sống đạo của các thành viên trong gia đình. Mỗi ngày tôi cầu nguyện cho gia đình và xin Chúa ban cho họ hai điều: một là được nhận biết tình yêu của Chúa; hai là xin Chúa ban thêm ơn chịu đựng cho ba mẹ, để ba mẹ luôn mạnh mẽ vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống. Rồi tới một ngày, tôi chợt nhận ra một trong những nguồn sức mạnh nuôi dưỡng ơn gọi của tôi bấy lâu đó là gia đình. Nguồn sức mạnh ấy đã xuất phát từ những lo lắng nợ nần của ba mẹ, từ một lối sống chưa ngoan đủ của hai em trai và cả từ sự ngại ngần bày tỏ tình cảm giữa các thành viên trong nhà với nhau. Đặc biệt, đó là nhờ vào những “ý nguyện” đơn sơ của người ba cùng sự quan tâm, động viên không thành lời của người mẹ.
Trải qua sáu năm trong ơn gọi tu trì, tôi xác tín rằng: đời sống đức tin của tôi đã đã được lớn lên nhờ chính những khó khăn của gia đình, cũng như sự may mắn tôi đang được hưởng là nhờ vào phần chia sẻ của ba mẹ, của hai em trai và của biết bao người khác. Bởi, nếu không có họ thì ơn gọi của tôi khó có thể lớn lên như ngày hôm nay. Đó chẳng phải là tình yêu của Chúa luôn chảy trào cách hiện hữu trên cuộc đời của tôi đó sao?
Không chỉ riêng ba tôi, mà tôi tin rằng, vẫn còn rất nhiều ông bố, bà mẹ khác cũng đang cầu nguyện cho con cái mình và những người sống đời tu trì chỉ với ba kinh: Lạy Cha, Kính mừng, Sáng danh cùng những ý nguyện tắt ngắn ngủi mỗi ngày. Lời cầu nguyên của họ không mượt mà về câu chữ, nhưng lại chứa đầy lòng mến và sự tín thác vào Chúa. Vậy, còn những người đi tu thì sao? Chúng ta đã, đang và tiếp tục cầu nguyện cho họ như thế nào? Chúng ta sẽ chia sẻ tình yêu và sự may mắn đã được nhận ra sao? Đừng bỏ lỡ cơ hội Chúa ban, hãy tận dụng mọi phương thế để tình yêu của Chúa được đến với mọi người. Hãy can đảm đứng dậy, bước đi và ra khỏi vùng ngoại biên của chính mình.
Tạ ơn Chúa, cảm ơn ba mẹ đã luôn yêu thương và đồng hành cách âm thầm cùng con trọng mọi lựa chọn và quyết định của cuộc đời.
-Psy Joy -