Thứ sáu, 17/05/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Thánh Giuse Thợ 1/5

Cập nhật lúc 10:04 29/04/2024


ÔNG KHÔNG PHẢI LÀ CON BÁC THỢ SAO?
(Mt 13, 54-58)
 
Con người vẫn thường đặt câu hỏi về giá trị của mọi thứ xung quanh: từ đồ vật, công việc đến người xung quanh và ngay cả chính cuộc đời mình. Trong nhiều trường hợp, giá trị của một thứ, một con người nằm ẩn sau những gì mà ta thấy được. Giá trị của một đối tượng không thể được xét đoán cách vội vàng nếu không đi vào đối tượng đó ở những hoàn cảnh khác nhau, những góc nhìn khác nhau. Bài Tin Mừng hôm nay là một bài học quý giá cho mỗi người: đừng chỉ đứng ngoài mà vội kết luận cách phiến diện về giá trị một ai đó qua “background” của họ: thân thế, địa vị, nghề nghiệp,… chỉ vì “tôi” đã biết quá rõ về họ, mà hãy nhận ra giá trị cao cả dưới những khía cạnh khác nhau.
Đó là những gì đã xảy ra với Đức Giêsu trong chuyến về thăm quê hương Nadarét. Dân làng Nadarét đã rất sửng sốt khi nghe Người giảng trong Hội Đường của họ. Tuy nhiên, những phẩm chất phi thường, tốt đẹp nơi người đồng hương Giêsu của họ đã không được nhìn nhận như một niềm tự hào của quê hương. Ngược lại, “gần chùa gọi Bụt bằng anh”, họ lại gắn ngay cho Đức Giêsu một số nhãn hiệu như “thợ mộc”, “nhà quê”: “Ông không phải là con bác thợ sao? … là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mt 13,55-56). Họ đã lật lại xuất thân của Đức Giêsu trong một cái nhìn hạn hẹp, có vẻ như xem thường Người: “Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” Họ không nghĩ một người họ vốn quen biết có xuất thân tầm thường như vậy lại có thể làm được những điều vĩ đại như thế và họ phủ nhận giá trị cao đẹp nơi Người. Quả thực, Đức Giêsu được sinh ra trong một hoàn cảnh là con bác thợ mộc. Theo truyền thống “cha truyền con nối”, Người không từ chối nghề nghiệp của cha mình, Người đã từng sống bằng nghề thợ mộc. Tuy nhiên, họ không nhận ra rằng: đến thời đến buổi, Người cũng đã chọn lựa “xuất chúng” để thi hành một sứ mạng cao cả hơn mà Chúa Cha trao phó. “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4,18-19). Đức Giêsu Kitô là mặc khải trọn vẹn. Người đã hoàn tất công trình cứu độ nhân loại. Đức Giêsu là một con người toàn hảo để con người bước theo: Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
Qua cái nhìn thành kiến về Đức Giêsu, một cách nào đó, dân làng Nadarét cũng đã gián tiếp xem thường cha nuôi Giuse. Theo truyền thống giáo dục của người Do Thái đương thời, một trong những nghĩa vụ cơ bản của người cha Do Thái là hướng dẫn con cái họ học hành. Nghĩa vụ dạy dỗ con cái được nêu trong sách Đệ Nhị Luật: “Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng. Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, phải viết lên khung cửa nhà anh (em), và lên cửa thành của anh (em).” (Đnl 6,6-9) và sách Châm ngôn: “Này con, đừng quên lãng giáo huấn của thầy, huấn lệnh của thầy, lòng con lo giữ trọn.” (Cn 3,1).
Mặc dầu, Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa nhưng Người đã Nhập thể, sống cùng, sống với và sống như con người, ngoại trừ tội lỗi. Người đã được sinh ra và được nuôi dưỡng trong một gia đình ở làng quê Nadarét, có cha mẹ là thánh Giuse và Đức Trinh Nữ Maria. Sau biến cố Thánh Gia trẩy hội lên đền Giêrusalem năm Đức Giêsu 12 tuổi thì “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài.” (Lc 2,51). Đức Giêsu đã có một cuộc sống ẩn dật tại Nadarét khoảng 30 năm. Đức Giêsu cũng có những tri thức thủ đắc, thiên phú và hưởng kiến. Chắc chắn, Người cũng phải học nhiều trong cuộc sống và chủ yếu là từ thánh Giuse. Dưới tác động của Thần Khí, Người đã kết hợp những tri thức mà Người học được vào sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời qua những lời giảng dạy, kể dụ ngôn, những câu chuyện với những hình ảnh hết sức gần gũi. Tuy Thánh Kinh không nhắc tới một lời nói nào của thánh Giuse nhưng suy từ những bài giảng, cuộc sống, công việc của Đức Giêsu thì có lẽ ta có thể hình dung được phần nào về vai trò quan trọng của thánh Giuse trong cách giáo dục con trẻ Giêsu. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, Thánh Giuse là một người “không được chú ý”, người đón nhận mầu nhiệm và đặt mình phục vụ nó, không bao giờ đặt mình vào trung tâm, nhưng là người giải quyết những điều không thể. Trong Tông thư Patris corde, Đức Thánh Cha mô tả nhiều phẩm chất của thánh Giuse như một người chồng và người cha, vị hôn phu “đã chấp nhận Đức Maria vô điều kiện” và là người mà qua đó “Chúa Giêsu nhìn thấy tình yêu dịu dàng của Đức Chúa Trời””.
Đức Giêsu và thánh Giuse chính là hai mẫu gương trong lao động. Các ngài đã nhân cách hóa phẩm giá của người lao động. Những cái nhìn thành kiến: xem nhẹ công việc này, đề cao nghề nghiệp kia cần phải được đánh giá lại trong một mạng lưới tương quan liên đới của con người. Có thể nhận ra mạng lưới tương quan này được thể hiện rất rõ trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Bạn sẽ chìm ngập trong đống rác nếu không có công nhân vệ sinh môi trường, người thu mua phế liệu. Bạn lấy cái gì ăn, uống nếu không có người nông dân, công nhân trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, chế biến. Bạn muốn sở hữu một căn nhà đẹp, những nội thất đẹp để “khoe” chẳng hạn thì cần phải có người thiết kế và ai là người chế tác chúng? Bạn cần bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho mình, vậy bác sĩ cần phải trang bị những cái gì?
Ngày lễ kính thánh Giuse thợ hôm nay nhắc nhở chúng ta về giá trị cao quý của lao động, là phương tiện để con người tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, là cách để con người thể hiện lòng biết ơn đối với những ân huệ Chúa ban và để vinh danh Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi noi gương thánh Giuse, trong mỗi công việc, dù nhỏ hay lớn, khi được làm với tình yêu và trách nhiệm, được thánh hóa sẽ nên như lời cầu nguyện và sự hiến dâng cho Thiên Chúa. Nguyện xin thánh Giuse chuyển cầu cho mỗi người để có thể tìm thấy niềm vui trong công việc thường ngày, qua đó, chúng ta được biến đổi để nhận ra giá trị cao đẹp nơi chính mình và người khác. Amen.
                                                                                  
  Học viện K6 
 
 
Thông tin khác:
Hương Bưởi (06/03/2024)
Tự Sự (26/02/2024)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log