Chúa nhật, 24/11/2024

Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Chay Năm C

Cập nhật lúc 10:10 03/04/2019
Cây Vả Không Trái​
Dụ ngôn cây vả cho ta thấy rõ khuôn mặt của Thiên Chúa. Ngài là người Cha yêu thương, Ngài là người chủ vườn kiên nhẫn: đã đem trồng cây vả trong vườn nho, rồi chờ đợi và hy vọng cây vả hết lần này đến lần khác: người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra tìm trái đã ba năm mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi’ (Lc 13,6-9).
Chúng ta thấy cây vả trong dụ ngôn Đức Giêsu kể, nó không ra trái độc, không làm hại nho, cũng không phá cảnh quan, vẫn xanh tươi cành lá xum xuê, chỉ có điều là nó không có trái, đó là tội của nó. Tội của cây vả, đó là làm hại đất, sử dụng màu mỡ và chất dinh dưỡng từ đất mà lại không trả lại gì, tức là không sinh trái ngọt cho chủ.
Cây vả đã làm cho ông chủ vườn thất vọng và hụt hẫng, ba năm ông ra tìm trái mà không thấy, ba năm chờ cho cây vả sinh trái, nhưng cây vả vẫn không cho trái. Cây vả này quá cứng lòng, quá khô cằn, nó chỉ lo ăn uống và sinh cành lá rườm rà dưới ánh nắng ấm áp để nó phất phới và nhởn nhơ thoải mái cho bản thân. Nó đã phụ lòng ông chủ và kéo lê cuộc sống vô ích trước thiên nhiên và con người, nên ông chủ bảo thà rằng chặt bỏ nó đi thì hơn.
Nhìn vào cây vả chúng ta cũng thấy mình giống như cây vả cằn cỗi vậy, chúng ta cũng đang làm cho Chúa Cha (= chủ vườn nho) phải thất vọng, vì đã phí phạm bao nhiêu ân huệ cao quí Ngài ban cho, dù rằng ta không làm điều xấu, cũng chẳng làm hại ai, nhưng ta đang phạm tội giống cây vả là không làm điều tốt lành phúc đức có thể làm và phải làm. Chúng ta chỉ có cái vẻ bên ngoài, mà không có hoa trái thiêng liêng bên trong, biết bao nhiêu nén bạc Chúa trao đã bị ta không đầu tư đúng mức (x.Mt 25,18) biết bao nhiêu người cần chúng ta nâng đỡ mà ta chẳng đỡ nâng (x.Mt 25,42)
Chủ vườn nho chỉ quyết định chặt cây vả sau khi làm mọi cách chăm bón, vun xới mà nó không chịu ra trái và làm cho ông phải thất vọng. Thiên Chúa đối với chúng ta cũng giống như ông chủ vườn với cây vả, Ngài chỉ phạt khi đã làm đủ mọi cách để lay động trái tim con người chúng ta mà thôi, và chính chúng ta nhận lấy kết quả do hành động của mình, chứ không phải Thiên Chúa không yêu thương và không kiên nhẫn. Thế nhưng, may cho chúng ta có Chúa Giêsu là người làm vườn yêu thương và kiên nhẫn không kém Chúa cha, Người hiểu cây nho và cũng hy vọng vào cây nho, dù hy vọng đó mong manh. Ngài đã xin Chúa Cha cho cây vả cuộc đời chúng ta thêm thời gian một năm nữa: “Xin ông cứ để nó lại năm nay nữa, tôi sẽ vun xới, bón phân, may ra sang năm nó có trái”(Lc 13,9). Thời gian phía trước của chúng ta chính là thời gian một năm mà Chúa Giêsu nói, thời gian đó là thời gian gia hạn. Nhưng chúng ta cũng đừng quên lời cảnh báo: “nếu không thì ông chặt nó đi”(Lc 13,9b). Ra trái đó là đòi hỏi trong thời gian ra hạn đối với cây vả đời chúng ta.Thời gian một năm này là thời gian án treo, cũng là thời gian ân huệ cho chúng ta, nếu chúng ta biết tận dụng để sinh những hoa trái tốt lành và ngọt ngào cho đời sống.
Hôm nay Chúa Giêsu không chỉ nhắc nhở cho chúng ta về lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với từng cây vả đời chúng ta, mà Người còn nói cho chúng ta rằng chúng ta có đủ thời gian để đón nhận lòng nhân hậu ấy, và Người vẫn đang chuyển cầu với Thiên Chúa Cha gia hạn cho chúng ta, xin cơ hội thêm cho ta trong mùa Chay này. Ngài lại tiếp tục chăm sóc, bón phân, vun xới cây vả đời chúng ta bằng Lời của Ngài, bằng Mình Máu Ngài, bằng các lời hướng dẫn qua Hội thánh. Ngài đã làm tất cả để cho chúng ta được hoàn thiện mình, để chúng ta có thể sinh những trái ngọt ngào xứng với tình thương và ân huệ của Thiên Chúa.
 
Đỗ Hiến
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log