TM Ga 13, 31-35
Tình yêu là món quà thiêng liêng cao quý mà Thượng Đế đã đặt để nơi tâm hồn mỗi người. Có người hỏi tình yêu là gì mà sao ai cũng phải yêu, thiếu vắng tình yêu thì cuộc sống tự nó không còn ý nghĩa, cũng như chẳng có giá trị gì. Câu hỏi đó dường như chẳng bao giờ có đáp án. Vâng vì nếu giải mã được câu hỏi tình yêu là gì, thì Ngôi Hai Thiên Chúa đâu phải hạ mình xuống, sinh ra trong đêm đông lạnh giá nơi máng cỏ hôi tanh, nghèo hèn, Ngài đâu phải làm bạn với phường tội lỗi và đồng bàn với người thu thuế, và cuối cùng là cái chết tất tưởi trên Thánh Giá, trong cơn đau đớn tột cùng thay vì nhận được tình yêu của các môn đệ, sự cảm thông của những người thân yêu thì Ngài lại nhận được cái nhìn khinh bỉ, chê bai, nhạo báng. Đáp lại sự phản bội đó là một tình yêu vô điều kiện, tình yêu không tính toán, yêu cho đến cùng. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa vì chính Ngài là tình yêu và là mẫu mực tình yêu để cho chúng ta noi theo. “Thiên Chúa là tình yêu”. Ngài ước mong tình yêu ấy như ngọn lửa luôn bừng cháy nơi tâm hồn mỗi người. Chúng ta sẽ mãi mãi là người xa lạ với Thiên Chúa, nếu chúng ta xa lạ với tình yêu. Vì ai không yêu thì không biết Thiên Chúa. “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16). Ước gì đời sống của chúng ta được tưới gội bởi tình yêu Thiên Chúa để mọi việc chúng ta làm đều bắt nguồn từ tình yêu và quy hướng về tình yêu. “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Tình yêu chính là dấu chỉ là sợi dây vô hình đưa chúng ta trở về mối tương quan với Thiên Chúa, là con đường ngắn nhất để chúng ta đụng chạm đến Thiên Chúa một cách sống động, là vũ khí sắc bén giúp chúng ta chiến thắng mọi khó khăn, thử thách. Tình yêu phải chăng chỉ đơn giản là hai người yêu nhau trao nhau những món quà đắt tiền, tặng nhau những giây phút hạnh phúc, hay đi xa hơn nữa là tình yêu gia đình, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, hy sinh tất cả vì con và luôn mong điều tốt nhất cho con cái mình, hoặc tình yêu bạn bè với nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như trong học tập. Vâng tất cả đều xuất phát từ tình yêu, nhưng tình yêu đó còn bị giới hạn còn bị thu hẹp trong những lăng kính nhỏ bé. Yêu như Chúa yêu là tình yêu đó phải được lan tỏa đến mọi ngóc ngách, bằng không thì tình yêu của chúng ta thật nhạt nhẽo và đôi khi còn cảm thấy vô vị. Vì tình yêu đích thực thì luôn hướng mở đến với mọi người và luôn cùng chung một điểm xuất phát là trao ban, nhưng làm sao chúng ta có thể trao ban mà không tính toán đây, đương nhiên là chúng ta không có công thức nào khác ngoài công thức mà Thiên Chúa đã thực hiện cho trần gian. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì người mình yêu”. Chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới được chiêm ngưỡng một tình yêu tròn đầy và tinh tuyền, tình yêu của Ngài không vương mùi vị của sự ích kỷ, của tư lợi nhưng là hoàn toàn nhưng không, yêu tình yêu của Thiên Chúa thì không đóng kín nơi bản thân, cũng không chỉ dừng lại ở một đối tượng hạn hẹp, nhưng vượt mọi ranh giới lan tỏa đến mọi góc biển chân trời, ấp ủ cả thế giới, nâng niu mọi sinh vật.Tại sao Thiên Chúa lại phải hạ mình khiêm tốn để yêu chúng ta như vậy phải chăng Người thấy mình không đủ, còn cần một sự gì khác, một con người khác, không phải như vậy, ngược lại tình yêu của Người hoàn toàn có tính cách nhưng không, Ngài yêu chúng ta không phải để làm cho Người được đầy đủ, nhưng là làm cho chúng ta được đầy đủ. Người yêu chúng ta vì Ngài là sự thiện, và sự thiện thì luôn muốn được tỏa rộng, đặc tính này của tình yêu Thiên Chúa là độc nhất. Còn tình yêu của chúng ta thì sao, đó là một tình yêu chưa hoàn hảo vì còn chen lẫn nhiều ích kỷ, hận thù ghen ghét, vì thế chúng ta cần phải thanh luyện trái tim khối óc, để tình yêu của chúng ta ngày càng thêm tinh tuyền, thêm quảng đại, thêm phong phú. Càng yêu thương chúng ta càng nên giống Chúa, càng quảng đại chúng ta càng gần với trái tim của Thiên Chúa, càng quên mình chúng ta càng tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Đứng trước một mầu nhiệm cao vời khôn dò khôn ví của tình yêu Thiên Chúa, ta sẽ hiểu vì sao tác giả Thánh vịnh phải ngạc nhiên tự hỏi: “Phàm nhân là gì mà Chúa cần nhớ đến con người là gì để Chúa phải bận tâm”(Tv 8,5). Như vậy việc suy niệm tình yêu của Thiên Chúa qua Kinh Thánh trở thành trường học tốt nhất dạy chúng ta yêu thương. Nếu tình yêu của chúng ta là biểu tượng cho tình yêu của Thiên Chúa, thì tình yêu của Thiên Chúa là kiểu mẫu cho tình yêu của con người. Như Thánh Gioan đã nói: “Tình yêu cốt ở điều này, không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta”. Thiên Chúa đã yêu chúng ta từ trước đời đời, Ngài đã yêu chúng ta trước khi chúng ta yêu Ngài. Ngài yêu chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân. Ngài yêu chúng ta không phải vì chúng ta đáng yêu, cũng chẳng phải do công trạng của chúng ta, Ngài yêu chúng ta vì Ngài là tình yêu, và cho dù chúng ta có xấu xí, nghèo hèn, và đầy rẫy những tội lỗi bất xứng nhưng Ngài vẫn yêu, tình yêu của Ngài chưa bao giờ thay đổi còn tình yêu của chúng ta thì luôn đổi thay, và không phải chúng ta đã yêu Ngài trước mà chính là Ngài đã yêu chúng ta từ muôn thủa. Nhưng dường như tình yêu của Ngài ngày ngày đâu đó vẫn không thiếu những sự phản bội, những xúc phạm không ngừng. Đáp lại sự phản bội là một tình yêu không ngơi nghỉ, yêu đến giọt máu cuối cùng, trên Thánh Giá Ngài đã không ngừng cầu xin Chúa Cha tha cho chúng ta là những người con đang chìm đắm trong vũng lấy của tội lỗi. Tình yêu của Ngài xưa cũng như nay luôn trung thành bền vững không thay đổi, và cũng luôn mang tính thời sự là không thể vắng bóng dù chỉ một giây. Tình yêu đó phải chăng đang nói với mỗi người chúng ta một điều gì đó. Điều đó có thể là một lời mời gọi sống cảm thông với anh em, hãy lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ với anh em những gánh nặng cuộc đời, đó cũng có thể là một thái độ khiêm nhường, hay chỉ đơn giản là một nụ cười yêu thương, một lời động viên, một câu khích lệ, một cử chỉ yêu thương. Tất cả những điều đó tuy đơn sơ nhưng hàm chứa trong đó là một tình yêu vĩ đại dành cho Chúa và cho tha nhân, đó cũng là dấu chỉ của nước Thiên Chúa đang ngự giữa chúng ta, Nước Trời không ở đâu xa nhưng chính trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa sẽ nhanh chóng lan tỏa khi mỗi người biết sống cho và sống vì nhau. Noi gương Thầy Chí Thánh, chúng ta hãy tập yêu tình yêu của Chúa tập yêu như Chúa yêu, nghĩa là yêu mà không tính toán hơn thiệt, thật vậy trong tình yêu chỉ khi cho đi là khi lãnh nhận, chỉ lúc quên mình là lúc tìm lại bản thân. Cái chết của Chúa Giêsu không phải là dấu chấm hết, nhưng là bước sang một trang mới, mở ra một kỷ nguyên mới trong tình yêu Thiên Chúa và một đời sống viên mãn hạnh phúc. Cũng khi chúng ta mở lòng để yêu thương , mở lòng để trao ban, để xây dựng hạnh phúc của tha nhân, cũng chính là lúc chúng ta đang trình bày cho nhân loại được biết về một Thiên Chúa tình yêu, tình yêu của Ngài tuôn đổ trên tất cả mọi người và mỗi người một cách dư tràn, như lời của một bài hát: “Hồng ân Chúa như mưa như mưa rơi xuống đời con miên man miên man, nâng đỡ tình con trong tay trong tay vòng tay thương mến”. Vâng chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới làm no tỏa lòng người và chỉ có ở trong tình yêu của Ngài chúng ta mới cảm nếm được hạnh phúc tròn đầy, viên mãn, nhất là khi đang phải sống trong một xã hội đang phát triển đến chóng mặt, không ít người cảm thấy chới với trước dòng đời. Đó không phải vì họ đang phải đối đầu với cái đói cái rét của thể lý, nhưng là họ đang phải đối diện với cái đói cái rét của hơi ấm tình người, đó mới thực là cái đói, rét đáng sợ hơn cả. Trở về với tình yêu của Chúa chúng ta được mời gọi hãy ra đi, ra đi không phải để làm điều gì lớn lao, vĩ đại, ra đi cũng không phải để đánh bóng tên tuổi, hay tiếng tăm của mình, và càng không phải ra đi để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống cho lý tưởng tình yêu của Chúa, ra đi là để yêu thương, ra đi để cảm nhận tình yêu của Chúa đã đang và sẽ tiếp tục đồng hành với chúng ta trên con đường yêu thương, để dám yêu như Chúa yêu, dám buông bỏ những hàng rào kên cố, chắc chắn là sự ích kỷ, tham lam, ganh tỵ, lười biếng, vô trách nhiệm, và muôn vàn những tật xấu khác cách này hay cách khác nó không ngừng kéo ghì tâm hồn chúng ta lại, khiến đôi cánh yêu thương của chúng ta không cất cao được mà cứ xoay vòng trong những nhỏ bé vụn vặt, đó cũng là điều ngăn cản lòng mến của chúng ta dành cho Chúa và cho anh chị em của chúng ta. Con người ngày hôm nay đang dìm mình trong vùng lầy tôi lỗi, vòng xoáy của đam mê trần tục, sống hưởng thụ quy ngã, để phần nào thỏa lấp nỗi khát khao tình yêu, để lấp đầy những khoảng trống cô đơn. Cuộc sống diễn ra dường như quá vội vàng, thời gian chúng ta trao cho nhau còn không có thì làm sao có thể hiểu biết và yêu mến, giúp đỡ và dành tình yêu cho nhau, đó phải chăng là lúc chúng ta cần dừng lại để kiểm duyệt bản thân, để chiêm ngắm tất cả những kỳ công Chúa đã dành cho chúng ta, để chúng ta cũng biết dành cho nhau, hầu cho ngọn lửa tình yêu bừng cháy và lan tỏa đến với mọi người. Vâng khi khuyên bảo các môn đệ “hãy yêu thương nhau”, Đức Giêsu không dừng lại ở khái niệm trìu tượng, mà Ngài nói tiếp: “yêu như Thầy đã yêu”, đó chính là khác biệt làm nên điều răn mới. Nếu thời Cựu Ước người ta yêu nhau theo lẽ công bằng, tức là được phép trả thù khi có người làm hại mình “mắt đền mắt răng đền răng”, hay đi xa hơn một chút thì cũng chỉ là yêu mọi người như yêu chính mình mà thôi, yêu như vậy đã là cả một cố gắng không ngơi nghỉ rồi, bây giờ Chúa mời gọi chúng ta không dừng tình yêu ở đó nhưng phải yêu như Chúa yêu, chỉ khi nào chúng ta thật sự yêu như Chúa yêu chúng ta mới có thể cầm nắm được hạnh phúc vì cảm nghiệm được tình yêu của Chúa êm dịu dường nào. Thật vậy thánh Gioan đã nói: “Ai bảo là mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình đó là kẻ nói dối và sự thật không ở nơi người ấy”. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay, một lần nữa cho chúng ta chìm sâu vào đại dương của lòng thương xót Chúa và dạy chúng ta bài học mới về tình yêu đồng thời cũng chỉ cho chúng ta thấy điểm khởi nguồn và phát xuất tình yêu đó là lòng thương xót của Thiên Chúa tình yêu. Với xã hội tục hóa hôm nay, nơi mà tình yêu và công lý như món hàng để trao đổi qua lại, tình yêu đó, công lý đó không xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa, mà đang bị lu mờ trong cái mác bên ngoài. Để tình yêu Thiên Chúa được tỏa sáng chính mỗi người môn đệ của Chúa hãy luôn sống yêu thương, sống hết mình bằng tình yêu cụ thể qua những việc làm và cách cư sử với mọi người nhất là những người yếu đuối bị xã hội gạt sang bên lề cuộc sống , mỗi người chúng ta cần trở về với tình yêu tinh tuyền và học bài học tình yêu nhưng không của Đức Kitô, tình yêu chính là liều thuốc duy nhất chữa lành các vết thương lòng một cách nhanh nhất và hữu hiệu nhất, chúng ta hãy mở trái tim đã đóng băng khô lạnh bao ngày tháng qua để Chúa đi vào trong cuộc đời chúng ta, chính Ngài sẽ như ông chủ luôn chăm bón, tưới gội cuộc đời của chúng ta bằng chính tình yêu và ân sủng của Ngài. Để sau khi lãnh nhận chính chúng ta cũng biết đem tình yêu đó đến với những anh chị em đang sống trong tuyệt vọng, cô đơn, tình yêu đó sẽ luôn tỏa hương thơm và mùi vị xuất phát từ chính lòng thương xót của Thiên Chúa tình yêu. Là người môn đệ đang bước theo Ngài trong cuộc hành trình tiến về quê trời, xin cho chúng con luôn gieo vãi, tình yêu và lòng thương xót của Chúa bằng những hành động cụ thể chứ không phải chỉ dừng lại trên môi miệng, tình yêu là những hành động cụ thể, như chúa Giêsu vì yêu mà Ngài bỏ trời cao xuống làm thân phận con người và nên giống con người, trừ tội lỗi Ngài yêu đến thí mạng sống vì người mình yêu, đã ai trong chúng ta dám yêu như vậy, tình yêu là thiêng liêng, nhưng nếu không ý thức chúng ta dễ dàng đánh đồng chúng bằng nhiều giá trị khác nhau, ngày nay nhiều người yêu nhau vì tiền vì bạc, đến khi hết tiền hết bạc liệu tình yêu đó có còn chăng, và cũng có ít những tình yêu bạn bè thắm thiết, nhưng cũng chỉ là bạn bè khi có tiền có quyền trong tay, khi gặp hạn mới rõ lòng nhau, lúc đó ta mới biết ai là bạn thật, tình yêu mà dựa trên nhiều tiêu chuẩn thì đó không còn gọi là tình yêu nhưng trở thành một dịch vụ yêu có tem bảo hành cho đến khi hết bảo hành, nhất là với xã hội có nhiều thứ ăn liền như ngày hôm nay, những bạn trẻ yêu nhau cũng dựa trên nhiều tiêu chuẩn như câu tục ngữ xưa đã nói: “nồi nào vung đấy” hầu hết các bạn đều chọn cho mình những người bạn đời xứng hợp về học thức, tiền tài địa vị và cả vóc dáng bên ngoài, điều đó cũng không mấy xa lạ trong một xã hội thực dụng hôm nay. Vâng nếu Thiên Chúa chỉ xét ở một khía cạnh con người như vậy thì chúng ta hoàn bất xứng trước tình yêu bao la của Chúa. Chúng ta sẽ cảm thấy thẹn thùng, xấu hổ trước tình yêu tinh tuyền của Ngài. Nhưng Ngài đã không xây dựng những thành trì ngăn cách, trái lại Ngài đã hạ mình sinh xuống trần gian để ở với con người và làm bạn với chúng ta “Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn …” Chính tình yêu của Ngài đã lấp những hố sâu của vực thẳm, là chiếc la bàn giúp chúng ta luôn định vị tình yêu Thiên Chúa, là những sợi dây vô hình giúp chúng ta tiến lại gần Thiên Chúa cùng thổ lộ tâm tình trong tương quan như một người cha với người con, cùng với tình yêu đó chúng ta dễ dàng đến với anh chị trong mọi tình huống của cuộc sống, dù vui buồn hay khó khăn thì chúng ta vẫn trao nhau những nụ cười tình yêu, những ánh mắt chân thành những cử chỉ yêu thương dành cho nhau, để mỗi người sống bên chúng ta và gặp gỡ chúng ta đều cảm nhận được hơi ấm của tình yêu Thiên Chúa đang tưới gội trên cuộc đời của họ. Mỗi người chúng ta hãy sống tình yêu chân thành với chính mình và với tha nhân, trong tình yêu không tính toán, vì nếu có thì chúng ta làm sao có thể đáng hưởng tình yêu của Thiên Chúa, hãy tập yêu như Chúa yêu, cho đi như chính Chúa đã cho, cho những gì là đáng quý, vì chính Thiên Chúa đã trao cho nhân loại người con duy nhất của Ngài, tình yêu đáp đền tình yêu, thật vậy chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm được tình yêu của Chúa khi chúng ta yêu thương hết mình, dâng hiến trọn vẹn cho tha nhân, đó là hành vi là nghĩa cử cao đẹp của tình yêu. Sống giữa một xã hội phát triển, của cải, vật chất được đảm bảo, nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều người còn phải chết bởi đói bởi khát, bởi bệnh tật, bởi cô đơn, bởi chiến tranh, khủng bố. đó chẳng phải là vì chúng ta đang sống trong một xã hội vắng bóng tình yêu sao, và chắc chắn một điều rằng chúng ta cũng có phần trách nhiệm trong đó, đôi khi chúng ta tự bào chữa rằng chúng ta vô tội trong những cuộc bạo động , chiến tranh, trong cái chết của những người mà chúng ta không quen biết, nhưng không tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm với anh chị em của mình, như cuộc đời của mẹ thánh Têrêxa Cangusta, cả cuộc đời của mẹ là một sự hy sinh âm thầm phục vụ những người nghèo khó, bệnh tật, bởi mẹ nhìn tất cả những người đó là hiện thân của Chúa, nơi những người đó mẹ gặp được chính Chúa và chính mẹ đã cho họ cảm nhận được tịnh yêu của Chúa ngang qua sự phục vụ của mẹ, mẹ ân cần với hết mọi người , mẹ trao gửi cho họ tất cả tình yêu và sự tôn trọng, mẹ phục vụ vì yêu thương, vì tình yêu dành cho Đức Kitô không ngừng thôi thúc mẹ hãy đi và hãy làm như vậy. Hơn bao giờ hết xã hội hôm nay đang rất cần những cánh tay nối dài của Chúa, để Người tiếp tục trao ban tình yêu của Ngài cho nhân loại, chúng ta hãy là những đôi chân của Chúa để đi đến với những ai đang cần chúng ta, chúng ta hãy trở nên những bờ vai vững chắc cho anh em, hãy ra đi và đến với anh chị em của mình ngay hôm nay, hầu cho nhân loại nhận ra tình yêu bao la của Chúa và tất cả đều cảm nếm được tình yêu của Chúa giữa một xã hội đang vắng bóng tình yêu.
Khi thể hiện tình yêu của Chúa Cha, Chúa Giêsu Kitô không suy nghĩ hay ước muốn suông, cũng không chỉ làm việc này việc kia, để chứng minh tình yêu của Cha. Trái lại Người đã hiến trọn cả con người, và dùng cả cuộc đời để bày tỏ tình yêu của Cha. Từ lúc nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, sinh ra tại Bêlem, lớn lên âm thầm tại Nadaret, chịu phép rửa tại sông Giođan, ra đi loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa, làm phép lạ tiếp xúc với đủ mọi hạng người, tuyển chọn các môn đệ… Tất cả đều có một mục đích duy nhất là bày tỏ tình yêu của Chúa Cha dưới muôn vàn cách thức khác nhau. Chúa Giêsu hiến thân chịu chết trên Thập Giá là đỉnh cao của tình yêu, là tình yêu tận cùng, là bằng chứng hùng hồn và cụ thể cho đến muôn đời về tình yêu của Thiên Chúa. Là người môn đệ của Chúa Kitô chúng ta đã nên một với Chúa Giêsu Kitô trong cái chết và cuộc sống lại của Người khi chịu phép thánh tẩy. Chúng ta được mời gọi liên tục nên một với Chúa Kitô trong mọi giây phút để cùng chết với Người và cùng sống với Người. Lạy Chúa xin cho chúng con luôn noi gương Chúa, luôn là người đi bước trước trong tình yêu, đến với tha nhân bằng cả trái tim và tình yêu chân thành hầu cho nhân loại nhận biết Thiên Chúa là tình yêu, và mọi người là anh chị em với nhau. Để cùng nhau xây dựng hạnh phúc Nước trời ngay ở trần gian. Amen