AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI? Ai là người thân cận của tôi? Câu hỏi này trong truyền thống văn hóa Á Châu cách đây mấy thập niên về trước thì có vẻ hơi ngớ ngẩn và hơi thừa. Người Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng vốn quan niệm người thân cận trước hết là những người trong gia đình ruột thịt, anh em huyết tộc, vì thế mới có câu tục ngữ Việt Nam: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”; bên cạnh đó, người thân cận còn là những người sống xung quanh, hàng xóm láng giềng, người đồng quan điểm, chí hướng… cũng vì thế mà tục ngữ Việt Nam còn có một câu khác: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Những quan điểm này cho thấy đôi lúc nền văn hóa giàu tính nhân văn của Việt Nam bớt đi phần mượt mà bởi có thêm một chút cục bộ, nhóm phái, bó hẹp sự quan tâm vào gia đình, chòm xóm, dân tộc. Nhưng những quan niệm ấy nay khác rồi, mỗi người có cả hàng nghìn người bạn trên Facebook, hàng trăm người thân trên Zalo… không còn phân biệt ranh giới quốc gia hay dân tộc nào cả. Vì thế, người thân không hẳn là người ở gần, mà ở cùng chưa chắc đã là anh em; Cận mà không thân, thân mà không thật... Xã hội tràn lan những mối tương quan thực - ảo, ảo - thực nhằng nhịt, rối rắm. Như thế, chúng ta phải trở về với Đức Giê-su, và cuộc đối thoại của Ngài với nhà thông luật Do Thái về “người thân cận” được trình bày trong Tin Mừng hôm nay là một cơ duyên tuyệt vời cho con người thời nay.
Tại sao nhà thông luật hỏi Đức Giê-su về “người thân cận”? Câu chuyện khởi đi từ một câu hỏi lớn hơn của ông: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” (Lc 10,25b). Đáp án của câu hỏi này dẫn ông đến một trong hai bổn phận đó là: “yêu người thân cận như chính mình” (Lc 10,27), nên ông hỏi tiếp “nhưng ai là người thân cận của tôi ?” (Lc 10,19). Như thế, vấn đề có thể tóm lại là người thông luật đang đi tìm đối tượng mà ông phải thực hành yêu mến để chu toàn bổn phận và lãnh phần thưởng là sự sống đời đời.
Đức Giê-su không trực tiếp trả lời, Ngài kể một câu chuyện để dạy rằng đừng đứng đó tìm xem ai là người thân cận của tôi, ai là người tôi phải yêu mến, nhưng hãy ra đi để xem tôi có thể trở thành người thân của ai và tôi đã yêu mến được những ai?
Thật vậy, trước người bị nạn, thầy Tư tế và Lê-vi đi qua mà không đoái hoài. Các mẫu mực tôn giáo này thờ ơ vì sợ bị phiền lụy, sợ mang vạ vào thân. Họ tránh qua bên kia đường vì sợ mắc uế, sợ rắc rối, sợ thiệt thòi, tốn công sức, mất thời gian, phải trả giá, sự an toàn và tiện nghi bị đe dọa… Thứ tình yêu nặng mùi tính toán thì luôn đặt ra câu hỏi: “ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA CHO TÔI, NẾU TÔI DỪNG LẠI SĂN SÓC NGƯỜI ANH EM BỊ ĐÁNH NHỪ TỬ?” Trái lại, kẻ quan tâm giúp đỡ người bị nạn lại là một người ngoại. Theo tư duy Do Thái, những người này không thể sống tốt vì là “những kẻ không biết đến lề luật của Thiên Chúa”. Người ngoại này đã không cần đến một thứ lề luật nào khác, nhưng ông đã hành động theo luật của con tim. Luật yêu thương của con tim mới nhạy bén đủ để có thể nghe rõ tiếng rên rỉ tận đáy lòng, nỗi đau trong tâm khảm, để giúp đỡ tận tình và giúp đỡ đến cùng. Tình yêu từ trái tim thì luôn đặt câu hỏi: “ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA CHO NGƯỜI ANH EM BỊ ĐÁNH NHỪ TỬ, NẾU TÔI KHÔNG DỪNG LẠI SĂN SÓC NGƯỜI ẤY?”. Khi yêu, người ta sẽ có sáng kiến để phục vụ, sẽ biết cách biến lạ thành quen và vượt qua ranh giới hận thù, luật lệ.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái ngày xưa hay chính chúng ta hôm nay, sở dĩ chúng ta không thực thi lòng thương xót đối với tha nhân được vì chính chúng ta luôn thấy mình là kẻ bị thiệt thòi và cần được thương xót. Như khởi thủy câu chuyện hôm nay là nhà thông luật đang đi tìm giới hạn những đối tượng mà ông phải yêu mến để chu toàn lề luật, các vị này cảm thấy việc chu toàn lề luật thật là nặng nề và các ông phải dành trọn vẹn tâm tư cho luật lệ. Nếu chúng ta không cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, thì làm sao chúng ta có thể thực thi lòng thương xót đối với tha nhân. Nhưng nếu chúng ta không lắng lòng mình xuống để lắng nghe tiếng Chúa, để cảm nhận lòng thương xót của Chúa trên cuộc đời mình; nếu chúng ta cứ để cho những ồn ào của công việc, tiền bạc, lạc thú, quyền lợi, của những mối tương quan ảo trên zalo, facebook… lôi kéo, xô đẩy chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể nghe được tiếng thì thầm của lòng thương xót Chúa và tiếng rên rỉ của người anh em. Nhiều khi chúng ta đã quá đặt nặng vấn đề luật lệ, nhưng thật ra lề luật thật là giản đơn, tất cả lề luật đều quy chiếu về luật yêu thương: “Mến Chúa và yêu người”. Chính vì thế, Lời chúa trong sách Đệ Nhị Luật hôm nay đã nói: “Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,14).
Yêu thương là căn cốt của lề luật, và luật đó được ghi trong tâm khảm mỗi người khiến chúng ta không cần phải tìm kiếm ở nơi nào xa xôi. Hạt giống yêu thương đã được Thiên Chúa gieo vào lòng mỗi người. Chúng ta có bổn phận chăm tưới cho nó lớn lên và sinh sôi nảy nở. Yêu là mở rộng con tim để cho đi và lãnh nhận, khép kín là cô đơn và lẻ loi. Vì muốn chia sẻ tình yêu, Thiên Chúa đã tạo dựng mọi kỳ công trong vũ trụ. Mọi vật và mọi loài được hiện hữu trong tình yêu của Thiên Chúa, và được hiện hữu để yêu thương. Dấu ấn tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện vô cùng phong phú đa dạng trong sự sống của muôn loài. Con người chúng ta thường tự hào vỗ ngực kiêu hãnh vì con người có lý trí trổi vượt hẳn mọi loài; và con người cũng thật ngông cuồng khi chép môi cho rằng: vạn vật chỉ hành động dựa theo bản năng mà không có tình yêu hay lý trí. Hỡi lý trí ngông cuồng, vậy khi những con chim bồ nông mẹ lấy máu nuôi con là bản năng gì mà không phải là bản năng yêu thương? Khi những con khỉ mẹ yêu thương chăm sóc khỉ con; khi gà mẹ ủ ấp gà con dưới cánh… là bản năng gì mà không phải bản năng yêu thương? Hỡi con người, chúng ta cũng được phú bẩm cùng một bản năng như thế, đó là bản năng yêu thương. Nhưng nhiều khi con người lại dùng lý trí ngông cuồng để gạt đi bản năng yêu thương, để so đo tính toán thiệt hơn. Nếu một thứ lý trí loại trừ tình yêu ra khỏi cuộc sống, thì con người không những chỉ hành động theo bản năng, mà còn là một thứ bản năng đồi bại, nghèo nàn hơn con vật. Cha mẹ lo kinh tế nên giết con ngay trong bụng mẹ; Vị Tư tế, thầy Lê-vi sợ phiền hà nên bỏ mặc người anh em bị nạn. Người ta vẫn nói “tình yêu mạnh hơn sự chết”, vậy mà trong xã hội hôm nay tình yêu lại sẵn sàng chết vì tiền bạc, chết vì sắc đẹp, chết vì một chút trái ý, một chút khó khăn…Ôi tình yêu! Ôi con người có lý trí! Người Samari trong dụ ngôn đã không cần dùng lý trí để suy nghĩ xem luật có dạy phải làm gì không, cũng không cần suy tính xem có gì nguy hiểm hay mình có được lợi gì không. Anh đã hành động vì lòng trắc ẩn, anh thấy, anh động lòng thương và anh lại gần, cúi xuống mà săn sóc.
Sống giữa xã hội công nghiệp và điện tử này, chúng ta phải chân thực và nghiêm túc nhìn nhận thói thờ ơ vô cảm của mình. Thật vậy, cuộc sống xã hội đang dần phủ lấp chúng ta bằng những tương quan ảo. Tại công sở, nơi làm việc, nơi học tập, trong gia đình, … chúng ta giao tiếp bằng thẻ nhân viên, bằng con số, số báo danh, bằng nick name … Bận rộn với công việc chưa đủ, chúng ta còn tranh thủ tối đa cho những người bạn Zalo, facebook đến độ không hề biết những gì đang xảy ra xung quanh mình. Chúng ta chỉ thích mỉm cười với cái máy ở trên tay, nhưng lại dễ dàng bực bội, sỗ sàng với người bên cạnh. Sống bằng những tương quan ảo khiến chúng ta trở nên vụng về trong những tương quan thực. Sợ hãi, e ngại không dám kết bạn vì đánh mất niềm tin nơi nhau. Xã hội có nguy cơ biến con người trở nên như những cỗ máy chạy theo dây chuyền, hệ điều hành đồng loạt…
Chúng ta được mời gọi trở nên như những người Samari, ra đi và trở nên người thân cận với những người xung quanh. Khi chúng ta đến gần ai để phục vụ, thì ta trở thành người thân cận với họ, và họ trở thành người thân cận của ta. Họ cũng chính là những người sống xung quanh, mà ta đang phải chịu đựng họ, thậm chí là cả những người làm ta đau khổ. Như thế, ai cũng có thể là người thân cận của tôi, miễn là tôi dám yêu họ như chính mình. Tình yêu không hề dễ, dù ta tưởng mình đã biết yêu. Chấp nhận lại gần và cúi xuống là chấp nhận liều lĩnh và trả giá: cuộc hành trình bị chậm lại, chương trình phải đổi thay; tiền bạc, thời giờ, công sức… là những thứ phải trao đi, tất cả chỉ vì “chạnh lòng thương”. Tình yêu đó vượt quá sức con người, nên chúng ta cần đến tình yêu của Thiên Chúa được đổ đầy trong trái tim mình. Chúa Giê-su chính là người Samari tiêu biểu nhất mà ta cần noi theo. Nhân loại đang hấp hối trong đau khổ, Ngài đã từ trời cao xuống thế, mang chúng ta trên vai Ngài. Ngài đã cúi xuống mà đổ dầu, đổ rượu của các bí tích lên những vết thương tội lỗi của chúng ta, và đưa chúng ta vào Giáo hội mà săn sóc. Thật vậy, khi kể dụ ngôn, Chúa Giê-su không chỉ dạy ta bài học chạnh long thương, mà Ngài còn tiên báo về sự chữa lành của các Bí tích mà Ngài sẽ thiết lập trong Tân Ước, điều mà các Tư tế và Lê-vi của Cựu Ước không có được.