Chúa nhật, 24/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm C (Lc 16, 19 - 31)

Cập nhật lúc 08:05 28/09/2019
Suy niệm 1
Cuộc Sống Hiện Tại Là Chuẩn Bị Cho Cuộc Sống Vĩnh Cửu
 
Trong cuộc sống ai cũng mong muốn mình được giàu sang phú quý, vì xã hội ngày nay đánh giá nhân cách của một con người dựa trên tiền của vật chất, coi đồng tiền là tất cả, có tiền mua tiên cũng được.Chính quan niệm này của xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến mỗi người chúng ta, làm cho con người sẵn sàng bán đứng lương tâm miễn là có tiền. Và vì tiền đã làm cho con người ích kỷ không biết quan tâm tới người khác, chỉ lo cho cuộc sống hiện tại mà quên đi sự sống mai sau. Đứng trước thế giới như vậy Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta bài học giáo dục về việc sử dụng tiền của đúng lúc, và đúng mức rất cần thiết cho cuộc sống. Vì đại đa số con người qua mọi thời đại không biết đến bài học này. Từ đó đưa đến những hậu quả là biết bao nhiêu người rơi vào cạm bẫy của tiền của, để rồi phải chịu những hậu quả tai hại cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội và Giáo hội cả đời này lẫn đời sau.
Các đoạn Kinh Thánh hôm nay đặc biệt là bài Tin mừng Chúa Giêsu đưa ra câu chuyện gồm hai nhân vật: Anh phú hộ giàu có và anh nhà nghèo Lazarô để nhắc nhở chúng ta hãy học hỏi bài học về việc sử dụng tiền của. Không phải người phú hộ giàu có là bị sa hỏa ngục và Lagiazo nghèo khó thì được lên thiên đàng, nhưng quan trọng là cách sử dụng đồng tiền làm sao cho hợp ý Chúa.
Để có thể đạt được hạnh phúc vĩnh cửu chúng ta hãy suy nghĩ để biết cách sử dụng đồng tiền, coi tiền của là phương tiện sống ở đời này sao cho đạt được hạnh phúc vĩnh cửu chứ không phải biến đồng tiền trở thành mục đích. Vì cuộc sống đời sau phản ngược cuộc sống đời này. Người phú hộ trong dụ ngôn không làm điều gì gian ác, không lỗi đức công bằng, không ức hiếp ai, không phạm gì đến Lazarô cả, vậy tại sao ông ta lại bị sa vào hỏa ngục ? Tội ông ở chỗ nào ? Thực ra, ông không phạm một tội ác nào mà chỉ có tội “hờ hững, dửng dưng, tội vô tâm trước đau khổ của người khác, Ông đóng cửa lòng mình, nắm chặt tay và mù trước nỗi khổ của người khác, mọi lời nói và hành động của ông đều quy về chính mình, và lo tìm kiếm những gì là tạm bợ đời này mà quên đi cùng đích vĩnh cửu mai sau. Ông không phạm tội một cách tích cực mà phạm tội một cách tiêu cực, đó là “tội thiếu sót” như chúng ta đọc trong kinh Cáo mình. Cụ thể: Áo quần chỉ là vật dùng để che thân nhưng ông ấy lại mặc toàn lụa là gấm vóc, lương thực thực phẩm chỉ để giúp cho con người có đủ dinh dưỡng để sinh sống làm việc, thế mà ông ngày ngày yến tiệc linh đình. Còn anh Lagiazô đói khát nghèo khổ, và anh không đủ quần áo mặc, ăn uống không đủ no lại bệnh tật đau đớn trên mình. Anh nằm trước cống nhà phú hộ thèm được ăn những thứ trên bàn ăn của phú hộ rớt xuống cho được no, lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc trên người anh. Đọc đoạn Tin Mừng này chúng ta thấy hai cái tội của ông nhà giàu
Tội thứ nhất không quan tâm gì đến nhu cầu của tha nhân. Anh Lagiazô nằm trước cổng nhà ông khi ra vào lui tới ông đều gặp, nhưng ông đã hững hờ vô tâm, vô cảm trước sự thiếu thốn, đói nghèo là nỗi đau của đồng loại.
Tội thứ hai là ông chỉ lo tìm kiếm cuộc sống đời này mà không nghĩ gì đến cuộc sống đời sau hay lời dạy của Thiên Chúa, nếu ông nghĩ ông sẽ không sống như thế, ông sẽ không làm như thế.
Cuộc sống con người nếu chỉ chấm dứt ở đời này thì quả là một sự bất công. Vì ông nhà giàu cuộc đời toàn màu hồng của hạnh phúc, còn Anh Lagiazo toàn màu đen tối của bất hạnh. Nhưng thật chớ trêu thay cái chết đến với tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo, giai cấp hay địa vị,  nó san bằng tất cả với nấm mồ “3 tấc đất mới thật là nhà”.Thế rồi cả hai đều chết. Tin mừng hôm nay kể cho chúng ta thấy cuộc sống đời sau khác hẳn cuộc sống đời này. Khi còn sống ông phú hộ không một chút quan tâm gì đến sự nghèo đói, đau đớn và ghẻ lở của anh Lagiarô, chưa bao giờ bố thí cho anh một mẩu bánh, thế mà giờ ông lại xin: Lạy tổ phụ Apraham xin thương xót con, và sai anh Lagiarô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi con cho mát, vì ở đây bị lửa thiêu đốt khốn khổ lắm. Chúa Giêsu đã từng dạy:  Anh dùng đấu nào đong cho tha nhân, Thiên Chúa cũng sẽ dùng đấu ấy đong lại cho anh. Bấy giờ tổ phụ Apraham cắt nghĩa rõ ràng về hậu quả của hai lối sống cho ông phú hộ và Lagiarô: Con ơi hãy nhớ lại, suốt đời con con đã nhận phần phúc của con rồi. Còn Lagiarô suốt cuộc đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ Lagiarô được an ủi ở đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên kia cũng không được, mà bên đó có muốn qua bên chúng ta cũng không được. Cái chết đã làm đảo ngược hoàn toàn cuộc sống của hai người. Sự đảo ngược này không hệ tại do giàu hay nghèo mà là do cách thực thi Lời Chúa của mỗi người. Người có nhiều tiền của cũng có thể là người nghèo và được cứu độ nếu họ biết sống theo tinh thần của Chúa, liêm chính trong công ăn việc làm, quảng đại chia sẻ tiền bạc vật chất cũng như tinh thần cho anh em. Đồng thời kẻ không có một đồng xu dính túi cũng vẫn có thể là người giàu vì tâm hồn bất chính, ích kỷ và kiêu căng, cậy dựa vào sức riêng của mình không cần đến Chúa và ơn thánh của Ngài.
Câu chuyện người phú hộ và Lagiazo là một lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta, để chúng ta cùng nhìn lại chính mình, tôi là ai? Là Lagiazo nghèo khó của thời đại hôm nay, hay tôi là anh phú hộ giàu có. Và hai thứ tội của anh nhà giàu cũng là tội của con người qua mọi thời, đề cao danh vọng, địa vị và những lợi lộc trần gian mà quên đi cùng đích đời mình. Và càng chạy theo tiền của thì con người lại càng đánh mất chính mình, mất đi tinh thần hiệp thông chia sẻ, từ đó tạo nên những hố sâu giữa người với người, giữa con người với Thiên Chúa. Trước tình trạng đó chúng ta phải làm gì? Thưa chúng ta phải lo sửa lại tật xấu ích kỷ để biết nghĩ đến người khác, nhất là những người nghèo hèn, bệnh tật hơn chúng ta, và hãy sống niềm tin có đời sau. Cuộc sống trần thế này là hành trình về đời sau. Tiền bạc của cải chỉ là phương tiện giúp ta sống trên hành trình sống để đi đến cuộc sống vĩnh cửu.
Là người Kitô hữu chúng ta cần thể hiện đức ái trong đời sống hằng ngày của mình. Dù giầu hay nghèo mỗi người đều phải biết sống vì người khác, và cho người khác. Dù sang hay hèn vẫn phải toả lan đức ái trong cuộc sống của mình. Đức ái sẽ giúp chúng ta sống tốt với anh em và đảm bảo cho hạnh phúc Nước Trời mai sau. Đức ái sẽ là nhịp cầu để ta đến với tha nhân và tiến vào bến bờ hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Và như thế, ở đời sau, Chúa sẽ thưởng phạt chúng ta tùy theo mức độ thể hiện đức ái trong cuộc đời hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một trái tim mới, một trái tim luôn biết nhạy cảm trước những thử thách và đau khổ của người khác, đặc biệt là những người nghèo.
 
Nữ tu Trần Nhung
 
 
-------------------------------------------     
Suy niệm 2
 
Đóng kín
Lc 16, 19-31
Chưa khi nào con người có nhiều phương tiện để mở ra với nhau như ngày hôm nay, nhưng cũng chưa bao giờ con người lại đóng kín và sống thiếu tình liên đới như hôm nay. Ngày xưa thì làng trên, xóm dưới đều biết nhau, đầu làng, cuối phố đều thông nhau, còn ngày nay thì dù cùng một con hẻm, cùng một ngõ ngách nhưng lại không hề quen biết đến nhau. Một người bạn đã kể rằng bạn ấy không hề biết gia đình cô hàng xóm cùng ngõ và sát bên cạnh nhà bạn ấy cho đến khi cô trở thành cô giáo dạy anh văn lúc học trung học. Quả thực, ngày nay nhà nào chỉ biết nhà ấy, ra khỏi nhà hay vào nhà xong đều đóng cổng, đóng cửa, sống mà như không có anh em bà con hàng xóm xung quanh, sống bên cạnh nhau mà không bao giờ gặp nhau, đối thoại với nhau. Đó cũng là câu chuyện dụ ngôn ông nhà giàu và Ladarô nghèo khó mà Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay.
 
Mở đầu dụ ngôn Chúa Giêsu kể về hai con người, hai hoàn cảnh và hai số phận trái ngược nhau,: một bên là ông nhà giàu có cuộc sống sung sướng với đầy đủ tiện nghi sang trọng: lụa là gấm vóc, tiệc tùng linh đình vui vẻ:Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình (c19). Còn bên kia là anh Ladarô thì không chỉ nghèo, đói mà còn bệnh tật đầy mình, không ai bên cạnh ngoài đám chó liếm ghẻ chốc cho anh: Lại có một người nghèo khó tên là Lazarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc của anh ta” (cc.20-21). Điều dụ ngôn làm chúng ta chú ý là hai con người, hai hoàn cảnh và hai số phận trái ngược nhau ấy lại được đặt ở bên cạnh nhau, trước mặt nhau một cách rất gần gũi theo địa lý và thể lý, nhưng lại cũng rất xa cách nhau, không có đối thoại nào với nhau. Giữa ông nhà giàu và Ladarô không có một điểm chung nào ngoài điểm chung như nhau đó là cái chết, cả hai đều phải qua cái chết. nhưng sau cái chết số phận lại được hoán đổi cho nhau: Anh Lazarô được đưa vào lòng ông Abraham, tức là anh được ban cho một vị trí danh dự gần bên ông Abraham trong bàn tiệc thiên thai (x. 13,28). Còn ông nhà giàu lại phải chịu cực hình dưới âm phủ: “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: `Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ ( 23-26)
Những gì ông nhà giàu đang phải chịu không phải do ông giàu, cũng không phải do ông làm ăn bất chính, trộm cắp, giết người… nhưng là do ông đã không ngó ngàng gì tới Ladarô, do ông đã không làm gì cho Ladarô ngay trước cổng nhà mình dù ông có thấy và có biết, nhưng ông sống như không thấy, không biết.  Lỗi của ông là đóng kín cửa cổng, đóng kín cửa nhà, đóng kín cửa lòng và đóng kín cửa trái tim mình, chỉ biết đến mình, chỉ sống cho mình và sống theo những vui thú của mình, chỉ loay hoay vun vén cho hạnh phúc riêng mình. Lỗi của ông là thờ ơ, vô tâm với nhu cầu của người xung quanh, điển hình là nhu cầu của Ladarô ngay ngoài cổng nhà ông, lỗi của ông là không làm gì để rút ngắn khoảng cách, để phá đổ ngăn cách giữa ông và Ladarô khi còn sống ở trần gian nên khoảng đó đã bị đào sâu hơn và không gì lấp đầy được ở đời sau, dù ông có van xin năn nỉ thì vẫn bị chối từ: Ông Áp-ra-ham đáp: Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên đó cũng không được, vì đã muộn rồi.
Ông nhà giàu và Ladarô với hai số phận hoàn toàn trái ngược nhau đã chẳng thể gặp nhau dù chỉ cách nhau vài bước chân, đã có một vực thẳm ngăn cách họ cả một đời người ở trần gian, rồi cái chết đến không đưa họ lại gần nhau mà còn đóng ấn dứt khoát và vĩnh viễn họ không thể gặp nhau. Vực thẳm ngăn cách hai người ở thế giới bên kia cái chết chính là vực thẳm kéo dài mà ông nhà giàu đã không làm gì cả để lấp đầy trong lúc cả hai người còn sống.
Suy gẫm:
  1. Suy xét xem có vực thẳm nào đang tồn tại giữa tôi và anh chị em không?
  2. Tôi có đang giàu có về quyền hành, về tri thức, sức khỏe, khả năng, thiêng liêng… sự giàu có đó có là ngăn cách tôi với anh chị em không?
  3. Vẫn có một Ladarô nghèo khó đang ở trước cửa cuộc đời tôi, bên cạnh tôi, tôi có nhận ra những nhu cầu của họ không? tôi đã và còn sẽ làm gì cho họ?
  4. Chúa Giê su từng nói; người nghèo lúc nào anh em chẳng có bên cạnh (Mc 14,7), vực thẳm về nghèo khó và giàu có về vật chất lẫn tinh thần vẫn đang chờ tôi lấp đầy bằng mở rộng sẻ chia và yêu thương?
Nữ tu Maria Đỗ Thị Hiến
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log