Chúa nhật, 24/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVIII Thường Niên C (Lc 17, 11-19)

Cập nhật lúc 22:33 11/10/2019
 
Tạ Ơn
Một trong những tiếng quen thuộc gắn liền trên môi miệng con người ở mọi thời đại, đó là “lời cảm ơn”. Lời cảm ơn tuy ngắn gọn nhưng lại hàm chứa biết bao ý nghĩa sâu thẳm trong cuộc sống. Nhưng trong xã hội hôm nay, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, dường như con người ngày càng dè dặt tỏ lòng biết ơn khi đón nhận hồng ân. Từ “cảm ơn” có lẽ đã trở nên nhàm chán và tầm thường đến độ con người không biết  tạ ơn Chúa và cảm ơn nhau, mặc cho con người đã đón nhận quá nhiều ơn phúc. Sự nghịch lý và vô ơn đó được thánh Luca thuật lại cho chúng ta qua thái độ của mười người phong cùi trong bài Tin mừng hôm nay.
  • Quan niệm của người Do thái
Người Do thái ngày xưa quan niệm rằng, bệnh phong là một căn bệnh nan y, khiến mọi người phải sợ hãi, kinh tởm và tìm mọi cách xa lánh. Những người mắc bệnh phong được coi như những xác chết biết đi. Họ là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, không được sống chung với những người thân yêu trong gia đình cũng như làng xóm. Họ bị đuổi ra những cánh đồng, trong rừng núi hay một nơi cô tịch nào đó. Nếu ai tiếp xúc hay đụng chạm tới những người bệnh phong thì coi như bị ô uế và mắc tội nặng. Do đó, người bệnh luôn mang trong mình nỗi đau ám ảnh cùng tận về tinh thần lẫn thể xác. Có lẽ, mười người phong cùi trong bài Tin mừng hôm nay cũng đang phải sống trong tình cảnh đó.
Trong bài đọc thứ nhất chúng ta đã nghe câu chuyện độc đáo về Naaman, quan lãnh binh quân đội của Vua Aram (x. 2 V 5:14-17). Để được chữa lành về căn bệnh phong cùi của mình, ông chấp nhận lời đề nghị của một người tôi tớ nghèo và đã tin tưởng vào tiên tri Elisa, người mà ông ta coi là một kẻ thù. Tuy nhiên, ông Naaman đã sẵn sàng để tự hạ mình. Ông Elisa không đòi hỏi gì từ ông, mà chỉ đơn giản ra lệnh cho ông hãy tắm trong nước của Sông Jordan 7 lần. Yêu cầu này làm cho Naaman nghi ngờ đây có phải thực sự là một Thiên Chúa hay không? Ông muốn quay lưng đi, nhưng rồi ông đồng ý để nhận chìm xuống sông Jordan và lập tức ông được chữa lành. Chúng ta hãy tự hỏi chính mình liệu chúng ta có sẵn sàng để đón nhận quà tặng của Thiên Chúa chưa, hay thích khép lại chính bản thân chúng ta trong những hình thức của sự an toàn vật chất, sự an toàn tri thức, và sự an toàn của những kế hoạch của chúng ta?
  • Động lực dẫn người phong cùi tới gặp Chúa Giêsu
Trong sự vô vọng vì luật lệ và bệnh tật, mười người bệnh phong đã tìm được niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu. Họ đã cố gắng kìm hãm những nỗi đau trên cơ thể và trong tâm hồn để đến gặp Chúa Giêsu. Họ đã vượt qua rào cản của luật lệ cũng như sự đố kỵ của mọi người xung quanh. Họ đặt tất cả niềm tin, sự hy vọng vào Đức Giêsu và chính trong đau khổ, quyền năng của Đức Giêsu được tỏ hiện. Khi gặp Đức Giêsu, họ chỉ dám đứng xa nài xin Đức Giêsu với lòng thương xót: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (Lc 17,13). Đức Giêsu không chữa họ ngay; Người muốn thử lòng tin của mỗi người nên bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế” (Lc 17,14). Mười người vâng phục lên đường và chính trên đường đi tất cả được khỏi bệnh. Đáng lẽ, sau khi nhận được hồng phúc đó, họ phải trở lại tìm Chúa Giêsu để nói lên lời cảm ơn.
Thế nhưng, trong số đó chỉ có một người quay lại chúc tụng và tạ ơn Chúa. Câu hỏi của Chúa Giêsu như là một lời trách móc: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Còn chín người kia đâu?” (Lc 17,17). Chỉ có một phần mười trong số những người được khỏi bệnh biết quay trở lại tạ ơn Chúa; thật là một tỷ lệ quá thấp. Hơn nữa, một người biết quay lại tạ ơn lại là người Samari, một kẻ ngoại giáo. Mặc dù ngoại giáo, nhưng anh đã mạnh dạn công khai tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu và anh đã được chữa lành. Theo cái nhìn của Chúa Giêsu, người ngoại giáo này có đạo hơn chín người Do Thái kia, bởi vì anh ta đã thực thi nhân đức cao quý nhất của con người là lòng biết ơn đối với những ai giúp đỡ. Vậy Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta điều gì ?
  • Bài học cho mỗi kitô hữu hôm nay
Chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển, nhiều người trong chúng ta không được chứng kiến những người mắc bệnh phong hiểm nghèo, nhưng hình bóng bệnh phong trong tâm hồn vẫn luôn ẩn hiện nơi mỗi con người. Đó là những tính hư nết xấu, những lời nói lăng nhục, những xảo trá điêu ngoa và những gian dối, lừa bịp nhau trong cuộc sống. Tất cả những thứ đó giống như những con vi rút của bệnh phong ngày đêm đục khoét, bào mòn tâm hồn và làm cho chúng ta xa lìa tình yêu Thiên Chúa. Hơn nữa, con người ngày nay quá vô cảm trước nỗi đau của những người bất hạnh; tâm hồn và con tim của chúng ta như đã chai lỳ khi nhìn thấy người khác gặp tai ương hoạn nạn.
Hằng ngày chúng ta chỉ biết mải miết chạy theo nhu cầu vật chất, lo lắng cơm áo gạo tiền mà quên mất tình người với nhau. Chúng ta không nói được lời cảm ơn với nhau trong gia đình, trong cộng đoàn và trong giáo hội của chúng ta. Thử hỏi có bao lần chúng ta biết nói lời “Cảm ơn” với những người đã giúp đỡ chúng ta, những người gần gũi với chúng ta, những người đồng hành với chúng ta trong cuộc sống? Trong khi đó chúng ta đón nhận tất cả từ người khác! Điều này cũng xảy ra với Thiên Chúa. Thật dễ để đến với Thiên Chúa và xin một điều gì đó, nhưng để trở lại tạ ơn thì ngần ngại, thậm chí đã quay mặt đi. Đó là lý do vì sao mà Chúa Giêsu quá nhấn mạnh đến sự thất bại của chín người phong cùi vô ơn kia: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? " (Lc 17:17).
Khi nhu cầu cuộc sống đầy đủ, chúng ta lại thường khinh dể người khác, coi người khác không đồng hàng với mình, sẵn sàng xô đổ những mối tương quan thân thiết để chứng tỏ cái tôi của mình. Chúng ta tự hào với bản thân mà quên rằng tất cả những thành công trong cuộc sống đều có sự can thiệp và ban ơn của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng biết ơn Thiên Chúa và tạ ơn nhau trong mọi ngữ cảnh của cuộc sống, đừng vô cảm như chín người kia trong Tin mừng.
Là Kitô hữu, khi chúng ta nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội, chúng ta đã được dìm vào trong dòng máu của Chúa Giêsu, được gia nhập vào Hội Thánh của Người. Chúng ta phải học lấy gương mẫu, cũng như họa lại con đường Đức Giêsu đã đi, để mang ánh sáng đến với muôn dân qua cách sống và làm việc. Việc tiếp nối con đường Giêsu đòi hỏi chúng ta phải soi mình trước mặt Chúa, từ bỏ những thứ tham sân si, thận trọng trong lời ăn tiếng nói và có tinh thần bác ái yêu thương.
Trong cuộc sống thực tại, chúng ta phải biết khiêm nhường và nhường nhịn nhau. Vì khiêm nhường là một trong những nhân đức trọng tâm của đời sống Kitô hữu. Nhờ khiêm nhường mà những người phong cùi bước ra khỏi vòng xoáy của bệnh tật, nhờ khiêm nhường mà họ vượt qua rào cản của lề luật và nhờ khiêm nhường mà Chúa Giêsu đã phục hồi nhân vị cho họ.
Mỗi chúng ta cũng phải cố gắng noi gương bắt chước hành động và cử chỉ của những người phong cùi, biết nhìn nhận mình là người tội lỗi, yếu đuối, bất xứng để dám mạnh dạn chạy đến với Chúa Giêsu nơi bí tích hòa giải, vì chỉ trong Chúa Giêsu, chúng ta mới khỏa lấp được niềm khát vọng của mỗi người chúng ta.
Ước gì lời Chúa ngày hôm nay thức tỉnh tâm hồn mỗi người chúng ta để luôn biết xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa. Vì chỉ dưới bàn tay Thiên Chúa, chúng ta mới được hạnh phúc;chỉ bàn tay Thiên Chúa mới làm cho những điều không thể trở nên có thể; nhờ bàn tay Thiên Chúa, quyền lực sự dữ mới bị đập tan; và nhờ ơn Thiên Chúa, con người mới biết tạ ơn Ngài và cảm ơn nhau. Amen.
 
 
 
Cộng đoàn MTG Yên Thế
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log