Chúa nhật, 24/11/2024

Suy Niệm Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm A (Mt 3,1-12)

Cập nhật lúc 21:04 07/12/2019
Thực ra, chính Chúa đã dọn, đã mở một con đường đến với nhân loại chúng ta trước, đã san phẳng mọi hố sâu tội lỗi, đã bạt mọi núi đồi rào cản ngăn cách con người với Thiên Chúa bằng chính cuộc sống Nhập thể làm người và bằng cái chết trên thập giá.
DỌN ĐƯƠNG ĐÓN CHÚA
“Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3,3). Lời kêu gọi này của Gioan Tẩy Giả được lấy lại từ lời kêu gọi của ngôn sứ Isaia kêu gọi dân Israel khi dân đang chịu cảnh nô lệ nơi lưu đày, họ mong được trở lại quê hương, nhưng con đường trở về đối với họ dường như xa thẳm, mịt mù và không còn hy vọng, vì khoảng cách con đường bị ngăn cản bởi sa mạc Arập, và nhất là bị ngăn cản bởi khoảng cách trong lòng của dân Itrael khi họ lìa xa Thiên Chúa, không giữ giao ước, không cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa. Nhưng vào chính lúc tuyệt vọng và nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ quên họ, thì Isaia đã chỉ ra và khai thông cho họ con đường hy vọng: hy vọng vào tình thương của Thiên Chúa, hy vọng vào lời hứa cứu độ, hy vọng vào Đấng Cứu độ sẽ đến giải phóng họ khỏi cảnh nô lệ nơi lưu đày. Và để đón Đấng cứu độ đến, Isaia đã kêu gọi dân mở một con đường để đón Đấng ấy:“trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa…” (Is 40,3-5).
Thực ra, chính Chúa đã dọn, đã mở một con đường đến với nhân loại chúng ta trước, đã san phẳng mọi hố sâu tội lỗi, đã bạt mọi núi đồi rào cản ngăn cách con người với Thiên Chúa bằng chính cuộc sống Nhập thể làm người và bằng cái chết trên thập giá. Nhưng lời mời gọi của Isaia, của Gioan Tẩy Giả vẫn cần thiết cho chúng ta hôm nay, vì Chúa không đường đột đến với con người chúng ta, vì Chúa luôn khiêm nhường và tôn trọng tự do của chúng ta, Chúa chỉ đến với thế giới, đến với đất nước, với gia đình, với cộng đoàn và với từng người chúng ta, khi chính chúng ta tự nguyện mở con đường sa mạc tâm hồn, con đường sa mạc cuộc đời để tiếp đón Chúa đến. Tuy nhiên, con đường sa mạc tâm hồn, sa mạc cuộc đời lại là con đường khó dọn và khó mở nhất trong các con đường. Khó, vì khi dọn và mở con đường này đòi chúng ta phải chấp nhận đập bỏ những thói quen cũ kỹ không hợp với Tin Mừng, chấp nhận đập bỏ những lô cốt vững chắc của tính kiêu căng, tự ái và cái tôi ích kỷ. Khó, vì khi dọn và mở con đường này đòi chúng ta phải uốn nắn lại cách sống không sát với con đường của Chúa. Khó, vì dọn và mở con đường này đòi chúng ta phải sống thẳng và phẳng trong các tương quan và trong mọi bổn phận. Khó, vì dọn và mở con đường này đòi chúng ta phải sống cả hai chiều: mến Chúa và yêu tha nhân.
 Lạy Chúa Giêsu là đường, xin cho chúng con biết trân trọng con đường mà Chúa đã mở cho chúng con qua các Bí tích, qua Thánh lễ, qua các giờ cầu nguyện, qua bổn phận phục vụ tha nhân, đó là những con đường dẫn đưa chúng con tới với Chúa và tới với anh chị em. Xin cho chúng con khi đang sống giữa cuộc sống ồn ào với biết bao công việc phải lo toan, chúng con vẫn biết dọn và mở một con đường cao tốc trong sa mạc tâm hồn mình: con đường thinh lặng và cầu nguyện, con đường bác ái và yêu thương, con đường phục vụ và tha thứ… để Chúa không còn bị kẹt đường khi đến với gia đình, với cộng đoàn và với từng người chúng con. Amen.
Tập Viện

ANH EM HÃY SÁM HỐI
MÙA VỌNG là thời gian thuận tiện giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón mừng sinh nhật Con Một Thiên Chúa. Mùa Vọng đối với dân Itraen được kéo dài suốt thời gian Cựu Ước mong chờ lời hứa Đấng Cứu Thế đến giải thoát dân Ngài. Ông Gioan là vị ngôn sứ cuối cùng loan báo Đấng Cứu Thế đến sau ông, phép rửa của ông chỉ mang tính chuẩn bị cho phép rửa trong Thánh Thần và Lửa.
Sự xuất hiện của ông Gioan đã đánh dấu bước ngoặt của thời kỳ Thiên Chúa ra tay cứu độ dân Ngài. Ông đến trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ông nổi bật trong bộ áo lông lạc đà cùng với lời rao giảng hùng hồn: “Anh  em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,1).
Dân chúng đã kéo đến với ông một cách đông đảo, trong đó có những người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc để nghe lời ông rao giảng và được chịu phép rửa của ông. Trong lời rao giảng, ông nhấn mạnh đến sự sám hối, ăn năn, đồng thời phải sinh hoa quả tốt lành vì Nước Trời đã đến gần. Trong lời rao giảng của ông, ông không ngại nói nặng lời với những người Pha-ri-sêu và người Xa- đốc, ông muốn sửa dạy lối sống của hai nhóm này  khi nói: “nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” (Mt 3,7b). Vì Nước trời đã đến gần, Nước có Thiên Chúa ngự trị, Nước của tình yêu thống trị, thế mà trong lời rao giảng của ông  Gioan có cảm giác Thiên Chúa đến để đánh phạt họ. Không  chỉ vậy, ông còn đưa ra hai lời đe dọa khiến người nghe phải rùng mình khiếp sợ “cái rìu đã đặt sẵn ở gốc cây bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10); “Tay Người sẽ cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt và đốt đi” (Mt 3,12).
Bên cạnh đó ông kêu mời ăn năn, sửa đổi, ông nhấn mạnh đến việc “hãy sinh hoa trái tốt”. Động từ “hãy sinh” là thi hành những gì Chúa muốn ta làm. Vậy thay vì đưa ra một phép rửa cứu rỗi tức khắc, Gioan lại đưa ra lời đòi buộc thống hối thành tâm, bằng việc làm tốt, cụ thể: “để chứng tỏ lòng sám hối, ăn năn”.
Gần cuối bài giảng ông nói về phép rửa trong nước của ông chỉ có tính cách chuẩn bị cho phép rửa trong Thánh Thần và Lửa bởi Người đến sau ông. Đây chính là lúc ông giới thiệu Đấng phải đến “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng sách dép cho người...”( Mt3,11b). Ông rất khiêm tốn khi nói về mình trước Đấng ông muốn giới thiệu. Ông  muốn đám đông hướng đến Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và Lửa.
Cuối cùng, Gioan muốn dẫn giải cho chúng ta biết có chịu phép rửa của ông hay của Chúa Giê-Su cũng không sinh ích lợi gì nếu chúng ta không cộng tác với ơn Chúa để biến đổi con người mình. Vậy nghi thức này phải kèm với sự hoán cải tâm tính và sinh nhiều hoa quả tốt lành thì mới sinh ích lợi. Ông Gioan mời gọi tất cả mỗi người chúng ta biết nhìn nhận mình là người tội lỗi để hoán cải và sinh nhiều hoa quả tốt. Mùa vọng là dịp thuận tiện để chúng ta biết thành tâm hoán cải, quay trở về với Thiên Chúa Tình Yêu.
Lạy Chúa ! xin dạy chúng con biết yêu mến Ngài, biết thành tâm thống hối ăn năn mọi lỗi lầm chúng con trót phạm đến Chúa, đến anh chị em để chúng con chuẩn bị tâm hồn chờ đón Chúa đến.
 CĐ Điện Biên
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log