Xin Vâng Trong Kế Hoạch Cứu Độ
Mt 1,18-24 Khi nói đến lời xin vâng là chúng ta nghĩ ngay tới một điều gì đó mời gọi sự đáp trả, ngoài ý muốn của chúng ta. Từ xưa đến giờ chúng ta thường khích lệ nhau noi gương xin vâng của Đức Mẹ. Nhưng Tin Mừng hôm nay lại nói đến mẫu gương xin vâng của Thánh Giuse, một lời xin vâng được đáp trả sau lời báo mộng của sứ thần: “Khi tỉnh giấc, Giuse làm như lời sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.” (Mt 1,24)
Thánh sử Mát-thêu đã nói đến gốc tích Đức Giêsu Kitô qua câu chuyện truyền tin cho ông Giuse. Có sự kiện này là vì theo phong tục Do thái, khi hai người đã đính hôn thì đã trở thành vợ chồng về pháp lý, nhưng họ trải qua thời gian dài rồi mới tổ chức rước dâu và thường là hai người không chung sống với nhau. Giuse và Maria đã đính hôn, nhưng hai người chưa chung sống thì Maria đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Về tâm lý tự nhiên của người chồng chưa cưới thì đây là điều hết sức phẫn nộ. Trước tình huống này Giuse cũng hoang mang, bối rối và tính toán xem cách giải quyết nào tốt đẹp nhất cho mình và cho người mình yêu. Khi đang toan tính như vậy, thì sứ thần Chúa đã hiện đến báo mộng cho ông rằng bào thai đó là do quyền năng Chúa Thánh Thần, và người con đó là Đấng mà các ngôn sứ đã tiên báo, Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi. Lời truyền tin này đã được ông đáp lời xin vâng: “Khi tỉnh giấc, ông đón vợ về nhà mình.”
Lời thưa xin vâng của ông Giuse cho thấy ông là người công chính. Nếu Giuse không biết Maria đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần, thì sự công chính của Giuse là: Giuse đã không tự nhận cho mình cái gì không thuộc về mình, đồng thời ông tôn trọng điều ông không hiểu về Đức Maria, nên chọn hình thức từ bỏ cách âm thầm để không phương hại đến thanh danh và mạng sống của bạn mình trước luật lệ về tội ngoại tình; còn nếu Giuse đã biết bào thai đó là do quyền năng Chúa Thánh thần, thì sự từ chối của Giuse là một sự tôn kính mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa, không dám tự nhận cho mình có được ân huệ cao trọng đó.
Dù sao thì biến cố này Giuse cũng hoàn toàn bị động, khiến ông phải thay đổi ước mơ tương lai của mình. Giuse chấp nhận ý định Thiên Chúa, là chấp nhận phá vỡ ước mơ tương lai của mình. Ông muốn làm chồng cô Maria, người ông yêu thương, nhưng Thiên Chúa lại muốn ông làm bạn thôi. Ông muốn có những người con ruột thịt của mình, nhưng ông chỉ là cha nuôi của Chúa Giêsu. Giờ đây, ông xóa đi những dự định và ước mơ để hoàn toàn phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa lên kế hoạch đời mình. Lời xin vâng của Giuse là lời đáp trả một sứ mệnh cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong việc đón nhận mầu nhiệm nhập thể của Đấng “Emmanuel”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Bởi vì Giêsu làm người cần có một gia đình như mỗi người chúng ta. Thiên Chúa đã tuyển chọn ông Giuse làm cha nuôi Chúa Giêsu là để cho Chúa Giêsu có một tư cách pháp lý. Chúa trao cho ông quyền đặt tên, khai sinh Giêsu, con ông Giuse thuộc dòng tộc Đa-vít, Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi để ứng nghiệm lời Kinh Thánh các ngôn sứ đã loan báo: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thu thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14).
Tuy là Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương loài người, Ngài đã nhập thể, nhập thế để sống chung với loài người, bất chấp mọi nghèo nàn, túng thiếu, hèn hạ, đau khổ, thất bại, loại trừ và bị giết chết. Vì yêu thương, Chúa Giêsu đã chia vui sẻ buồn, chia sẻ thân phận kiếp người với ta. Sống trọn mầu nhiệm nhập thể là sống trọn tâm tình xin vâng dành cho Chúa Cha để hoàn tất kế hoạch cứu độ con người. Thì lời xin vâng của thánh Giuse đã cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại.
Thánh Giuse luôn được Chúa gọi vào lúc đang ngủ. Sứ thần Chúa bảo ông chỗi dậy để làm điều gì đó. Ông bỏ dở giấc ngủ và lên đường giữa đêm khuya: từ Nazareth đi Belem, từ Belem đi Ai cập, rồi trở về. Giuse chịu trách nhiệm về những kho báu Chúa trao là Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Giuse vâng phục với thái độ mau mắn, thánh thiện, dâng hiến trọn vẹn, phó thác hoàn toàn cuộc đời mình vào Thiên Chúa. Thánh Giuse đã để một mình Thiên Chúa lập kế hoạch cho đời mình, đó là động lực, là một mẫu gương cho mỗi chúng ta noi theo.
Hôm nay, mỗi người chúng ta cũng được Chúa mời gọi để cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Thế nhưng, cuộc sống của mỗi người chúng ta hôm nay lại có quá nhiều lời mời gọi, quá nhiều điều tươi đẹp, hấp dẫn, khiến chúng ta bội thực những điều phải biện phân. Trước những mời gọi đó, nhận ra tiếng gọi Chúa là một điều khó, để can đảm từ bỏ tham vọng và ước mơ của mình mà sống theo ý Chúa lại là một thách đố rất lớn. Vì thế, linh mục Thái Nguyên đã phải thốt lên thành lời ca: “Lời mời gọi của Chúa, luôn gây xáo trộn đời con. Bao dự định tương lai, dường như mất hút trong đời. Con mong muốn thế này, Chúa lại mong muốn thế kia. Con không sao hiểu được nhưng tin vào tình thương của Ngài.” Giữa một thế giới ồn ào và xáo trộn như thế, tôi chỉ có thể lắng nghe được tiếng Chúa trong thinh lặng nội tâm, trong sự khao khát tìm kiếm Chúa ngang qua mọi sinh hoạt của cuộc sống, qua những dấu chỉ của thời đại, và nhất là qua lời thì thầm nhưng tha thiết trong sâu thẳm tâm hồn cách rất riêng tư của mỗi chúng ta. Khi nghe và cảm nhận được lời mời gọi của Chúa thì điều quan trong là chúng ta phải để Thiên Chúa hoàn toàn làm chủ và lập kế hoạch của Ngài trong đời tôi. Nếu tôi mau mắn xin vâng như Giuse, tôi sẽ được vinh dự góp phần vào kế hoạch cức độ của Thiên Chúa.
Hướng về lễ Giáng sinh là mời gọi mỗi người chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu. Chiêm ngắm một Thiên Chúa đã chia sẻ thân phận, đồng hành, và cuối cùng là chịu chết trên thập giá. Thập giá là bước cuối cùng của nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu. Từ mẫu gương nhập thể của Chúa Giêsu, Thánh Giuse chấp nhận thay đổi kế hoạch đời mình để thuận theo ý Chúa. Những dự định và tính toán của chúng ta, dù đầy thiện chí, nhiều khi lại không hợp với chương trình và ý định của Thiên Chúa. Người công chính là người biết bỏ ý riêng, biết thi hành ý Chúa, biết sống lời Fiat như Mẹ Maria, biết làm theo lời sứ thần Chúa dạy như Thánh Giuse, biết sống câu ‘Xin đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha’ như Chúa Giêsu.
Lạy Thánh Giuse, ngài đã sống âm thầm, khiêm tốn, chấp nhận phá vỡ kế hoạch và ước mơ của mình để sống trọn vẹn thánh ý Chúa. Ngài dành cả cuộc đời để gìn giữ kho tàng mầu nhiệm của Thiên Chúa nơi cuộc đời Đức Maria và Chúa Giêsu, ngài đã không ngừng chiêm ngắm và để các mầu nhiệm đó bao bọc đời mình. Xin ngài dạy chúng con cũng biết lắng nghe Lời Chúa và biết chấp nhận để ý Chúa được thể hiện trong cuộc đời chúng con, nhờ đó chúng con có thể thi hành ý Chúa cách trọn vẹn như Ngài.
CĐ Sơn Tây
Ơn Gọi Của Thánh Giuse
(Mt 1, 18-24)
Khi đính hôn với Đức Maria, thánh Giuse là một chàng trai trên dưới 20 tuổi, tuổi của những dự tính, ước mơ đẹp trong thời kỳ đính hôn. Tuy nhiên, biến cố lạ lùng xảy ra là Đức Maria đã mang thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần trước khi về chung sống với thánh Giuse. Trước biến cố bước ngoặt này, thánh Giuse hẳn thấy khó xử và suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng thánh nhân quyết định lựa chọn không tố giác Đức Maria, mà rút lui âm thầm kín đáo (câu 19). Nhưng ý định và kế hoạch của Thiên Chúa cho cuộc đời thánh Giuse lại khác hoàn toàn với điều thánh nhân toan tính. Thiên Chúa không muốn thánh Giuse lùi lại phía sau, mà Ngài muốn thánh nhân phải tiếp tục tiến về phía trước qua lời của Sứ thần: "này ông Giuse đừng ngại đón bà Maria vợ ông về”.
Để con mình là Đức Giêsu Kitô xuống thế Nhập Thể làm người, hội nhập vào một gia đình, một gia tộc, một dân tộc với một lịch sử và một nền văn hóa đặc thù, Thiên Chúa không chỉ chọn và cần sự cộng tác của Đức Maria, nhưng Thiên Chúa còn cần cả sự cộng tác của thánh Giuse. Lời mời gọi này của Thiên Chúa qua miệng của Sứ thần cho thánh Giuse đã gói trọn ‘ơn gọi của thánh nhân’, còn thánh Giuse thì thực hiện trọn vẹn ơn gọi của mình là đón Đức Maria về đúng như lời sứ thần nói (câu 24).
Đối với thánh Giuse, ơn gọi đón Đức Maria về là ơn gọi không dễ, vì khi đón Đức Maria về, là đón nhận chính Con Trẻ mà Đức Maria sẽ sinh ra, là chu toàn bổn phận người chồng, người cha trần thế của Con Trẻ. Đón Đức Maria về, là bắt đầu chấp nhận những khó khăn và thử thách của cuộc sống gia đình qua các biến cố: đưa gia đình đi trốn sang Ai Cập, đưa về quê hương và cuối cùng đưa đến lập nghiệp ở Nazareth (Mt 1, 20; 2, 13.19.22). Đón Đức Maria về, là đón nhận Chúa Thánh Thần, là bỏ đi những dự tính riêng tư mà thánh nhân đã toan tính, dự liệu, để đón nhận thánh ý, kế hoạch của Thiên Chúa. Đón Đức Maria về, là chấp nhận buông cuộc đời để cho Thiên Chúa dẫn dắt theo đường lối của Ngài, dù cho cuộc sống có nhiều xáo trộn đòi phải đổi thay và thích nghi.
Khi đón Đức Maria về, thánh Giuse đã làm cho Con Trẻ mà Đức Maria cưu mang đi vào trong dòng tộc Đavít, đi vào lịch sử và nền văn hóa của dân tộc Do thái, đi vào thế giới của nhân loại cách trọn vẹn. Khi đón Đức Maria về, thánh Giuse đã đón nhận Đức Giêsu làm con của mình chính thức theo pháp lý ngang qua việc đặt tên cho Con trẻ là Giêsu, để Chúa Giêsu có một gia đình trọn vẹn.
Ơn gọi: hãy đón Đức Maria về của thánh Giuse cũng là ơn gọi của mỗi người ki tô hữu chúng ta, vì đón nhận Đức Maria là đón nhận chính Chúa Giêsu, là làm cho Chúa Giêsu được đi vào và lớn lên trong lịch sử cuộc đời, lịch sử gia đình, lịch sử cộng đoàn và lịch sử thế giới chúng ta hôm nay.
Chúng con xin cám ơn thánh Giuse đã cộng tác với Thiên Chúa để Chúa Giêsu được đi vào và lớn lên trong lịch sử gia đình cộng đoàn nhân loại chúng con, và đã để lại cho chúng con mẫu gương chọn lựa và sống theo kế hoạch của Thiên Chúa cho cuộc đời một cách tuyệt đối.
Ngày hôm nay một lần nữa nhờ lời bầu cử của thánh Giuse, chúng con xin Chúa cho mọi thành viên trong cộng đoàn nhân loại, hãy biết đón nhận Chúa Giêsu, để cho Chúa Giêsu được đến, được ở, được lớn lên trong gia đình ngang qua việc mỗi thành viên hãy đón nhận nhau, sống cho nhau, nhất là khi đứng trước các biến cố của cuộc sống. Là bề trên hãy nghĩ, hãy sống cho bề dưới và ngược lại, là chồng hãy nghĩ và sống cho vợ, là vợ hãy nghĩ và cũng sống cho chồng, là cha mẹ hãy nghĩ và sống cho con cái, là anh em hãy lo và sống cho nhau, đón nhận nhau, có như thế chúng ta mới thực sự sống ơn gọi của mình theo gương thánh Giuse. Amen.
Tập Viện