Trong cuộc sống, con người luôn bị chi phối bởi luật lệ. Trong mỗi gia đình, cộng đoàn, xóm làng, lớn hơn là trên thế giới và mỗi quốc gia, không thể không có luật lệ. Bởi vì, luật lệ giúp cho gia đình có tôn ti trật tự, xã hội an ninh, của cải và tính mạng con người được bảo đảm, tôn trọng. Trong tôn giáo, thì luật lệ là kim chỉ nam giúp con người được thăng tiến trong đời sống tâm linh, là hàng rào che chắn con người khỏi rơi xuống hố sâu của vực thẳm tội lỗi. Luật trở nên cứng nhắc và mệt mỏi cho những ai gồng mình để sống, nhưng luật lại là chuẩn mực làm cho tâm hồn cảm thấy an bình cho những ai sống dưới và sống trong lề luật.
1. Luật lệ trong đời sống con người.
Cuộc sống con người được bao bọc bởi những hàng rào luật lệ, bởi lẽ có quá nhiều thứ luật lệ với những lãnh vực khác nhau như: dân sự, hình sự, giao thông, hôn nhân và gia đình, đất đai… không những thế còn có biết bao luật lệ riêng của gia đình, xóm làng, chi tộc… Trong tôn giáo cũng vậy, biết bao những luật lệ chung của Giáo hội, đến những luật lệ riêng của Giáo phận, Giáo xứ, các dòng tu, cộng đoàn, gia đình. Thế nhưng, luật lệ có làm cho ta nên một công dân tốt, một một tín hữu thánh thiện, công chính hay không lại tùy thuộc vào cách thức giữ luật của ta. Bởi lẽ Thánh Phaolô nói: “Người ta được nên công chính vì tin chứ không phải vì làm những gì luật dạy” (Rm 3,28). Thật vậy, bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc đến những người pharisêu “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người pharisêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Những kinh sư và pharisêu là ai vậy? Họ là những người am hiểu kinh thánh, nắm chắc luật lệ trong tay, giữ luật một cách trọn hảo, nhưng lại tự hào, kiêu căng, tự cho mình là công chính vì giữ tốt những gì luật dạy như thánh Luca đã chỉ cho ta thấy qua dụ ngôn người pharisêu và người thu thuế (x. Lc 18,9-18). Hơn thế nữa, họ là những người sống vị luật, thực thi luật vì luật dạy, chỉ vì sợ, hay bởi cố gắng để khỏi người đời đàm tiếu và lên án.. Liệu rằng từ thẳm sâu tâm hồn, họ có thấy rõ được bản chất của luật?
2. Cách thức giữ luật của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu - Ngôi Hai Thiên Chúa, vì yêu thương con người và muốn giải thoát con người khỏi xích xiềng của tội lỗi nên đã xuống thế làm người, sống giữa con người và là người như mọi người bình thường. Người cũng sống dưới lề luật, trong lề luật, nhưng một điều đặc biệt là Người không làm nô lệ cho luật, thay vào đó Người nâng luật lên một bậc cao hơn, nói cách khác là Người đã kiện toàn lại lề luật. Bởi lẽ, luật lệ là những quy tắc cứng nhắc, nó như một con dao hai lưỡi, một đằng nó cần cho đời sống tâm linh, giúp con người sống tốt lành thánh thiện hơn. Đằng khác, lại đem đến những điều bất lợi như: trở nên gánh nặng, và nó có thể được ví như một cái ách đè nặng trên cuộc sống của con người, hay khi người ta sống quá vị luật thì luật sẽ thống trị ta.
Chúa Giêsu thấy được tình trạng này của con người, nên Người đã dạy con người cách giữ luật một cách trọn hảo hơn. “Anh em đã nghe luật dạy rằng… còn Thầy, Thầy bảo anh em” (Mt 5,21-48). Vâng, đối với Người luật lệ không phải là cái gì tuyệt đối, nó không phải là những chữ “chết trên giấy” hay được “khắc chặt trên bia đá”, nhưng nó luôn luôn sống động và được biểu hiện nơi lương tâm của con người.
3. Cách thức giữ luật của con người xưa và nay.
Vì yêu thương con người, sau khi đã giải phóng con người khỏi ách nô lệ Ai Cập, qua Môsê Thiên Chúa đã ban cho con người mười điều răn để con người trung thành đi trong đường lối của Chúa, nhờ đó con người có thể sống công chính thánh thiện hơn. Luật lệ Thiên Chúa ban lúc đầu rất cần thiết và đem lại nhiều lợi ích. Thế nhưng, dần dần với cách thức giữ luật quá khắt khe và lối sống vị luật của những kinh sư và pharisêu, họ đã quên mất mục đích tốt đẹp của luật, thay vào đó luật đã thống trị con người và con người trở thành nô lệ của luật. Khi Chúa Giêsu đến và ở giữa họ, cách thức giữ luật của Người quá mới mẻ nên những kinh sư và pharisêu luôn tìm cách để bắt bẻ Người. Nhất là trong những ngày sabat, đối với họ thì tuyệt đối không được làm một việc gì cả, còn Chúa Giêsu thì Người luôn chữa bệnh ngày sabat. Với lối sống quá vị luật của họ, nên khi Chúa Giêsu và các môn đệ đi qua cánh đồng lúa, các môn đệ của Người thấy đói và bắt đầu bứt lúa vò trong tay để ăn, các kinh sư đã trách móc Người vì cho đó là hành động không được phép làm “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sabat” (Mt 12,2). Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần khiển trách họ “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 12,7), “Mù mà lại dắt mù được sao lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố” (Lc 6,39).
“Ngày nay, lương thực thực phẩm leo thang, nhâm phẩm và đạo đức của con người bị rơi xuống đáy”. Câu nói châm biếm của xã hội thời nay không khỏi để cho mỗi người chúng ta phải suy nghĩ. Vậy, bất chấp lề luật, con người ngày nay sống như thế nào? Nhìn vào thực trạng của xã hội ngày hôm nay, người ta không còn thấy được những mục đích tốt đẹp của lề luật, nên người ta bất chấp để giẫm lên luật lệ, hay có những người chỉ thấy gánh nặng của lề luật. Còn đối với những người Kitô hữu thì sao? Ta có thấy được mục đích của lề luật? Lề luật có giúp ta sống ý thức hơn khi ta nhận ra con người tội lỗi của mình? Giữa mục đích của lề luật và chính lề luật ta thường quan trọng cái nào hơn? Liệu rằng lề luật có giúp ta sống công chính, bác ái hơn, hay ta cũng chỉ như những người kinh sư và pharisêu chỉ giữ luật hình thức bên ngoài mà mặc kệ người Samari nửa sống nửa chết đang đợi lòng bác ái, sự giúp đỡ của họ (Lc 10,29-37).
Trong thánh lễ Khấn Dòng, trước khi trao cho các tân khấn sinh cuốn Hiến Chương và Nội Quy của Dòng, Đức Giám Mục nhắn nhủ “Con hãy giữ luật, luật sẽ giữ con”. Là những người sống đời thánh hiến chúng ta đã sống luật như thế nào? Là người con của gia đình, là công dân của xã hội, là con cái trong gia đình Giáo Hội, chúng ta cũng sống trong lề luật, và sống dưới lề luật, liệu rằng khi sống và tuân giữ lề luật ta có cảm thấy tâm hồn được an bình, thấy mình được lớn lên trong tình bác ái không? Hay ngược lại ta đã coi thường luật lệ của Chúa và Giáo Hội? Với ba lời khuyên Phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục, ta đã tuyên khấn trước mặt Chúa và Hội thánh, vậy ta đã giữ và sống thế nào? Chúng ta cần nhìn lại cách thức giữ luật của chính mình để có thể thay đổi, nhờ đó chúng ta sẽ cố gắng sống tốt lành thánh thiện hơn theo gương Chúa Giêsu mỗi ngày.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến, đã sống và dạy chúng con cách thức giữ luật, nhưng chúng con thấy mình cũng chưa có thay đổi được, chúng con thấy mình chưa thực thi được như lời Chúa đã dạy. Nhìn sâu vào tâm hồn, nhiều khi chúng con vẫn còn sống vị luật. Chúng con vẫn còn để cho lề luật làm chủ chúng con, hay cũng có khi chúng con giữ luật vì luật dạy mà chưa đặt vào đó tình yêu để luật trở nên nhẹ nhàng hơn. Thậm chí, có khi chúng con lại sống buông thả, thích chạy theo những trào lưu của xã hội là hưởng thụ, dửng dưng, vô tâm... Chúng con đã chưa làm gương sáng cho những người xung quanh chúng con. Lạy Chúa, xin tha thứ cho những yếu đuối và bất toàn của chúng con, xin giúp chúng con để chúng con biết yêu mến luật Chúa. Đồng thời, khi thực thi luật, chúng con thấy được tầm quan trọng cũng như lợi ích mà luật mang lại vì như thế chúng con mới có thể làm gương sáng, sống chứng nhân cho Chúa giữa lòng xã hội hôm nay. Amen.