Thánh Gioan là tác giả duy nhất kể về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và chị phụ nữ thành Samari: Vào khoảng 12 giờ trưa, chị phụ nữ ra khỏi thành đem theo gầu và vò đến giếng Gia cóp, để kín nước về dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Nhưng hôm nay khi chị đến nơi thì Chúa Giêsu đã ở đó, Ngài như ngồi chờ để được gặp chị, và Ngài bắt đầu cuộc gặp gỡ ấy với lời ngỏ xin nước của chị: “Chị cho tôi xin chút nước” (c.7).
Tin mừng kể tiếp: chị bất ngờ và ngạc nhiên trước lời xin nước của Chúa Giêsu, nên chị hỏi lại Chúa: “ông là người Do Thái mà lại xin nước của tôi một phụ nữ Samari sao”? (c.9). Quả thật, chị không ngạc nhiên sao được, vì hôm nay chị đã gặp một người dám làm cuộc cách mạng xóa bỏ đi hàng rào ngăn cách, xóa bỏ hận thù giữa người Do Thái và người Samari bằng việc xin nước (vì người Do thái và người Samari không được giao thiệp với nhau).
Chị không ngạc nhiên sao được, vì chị đã gặp một người rất khiêm tốn, một người dám xin chị nước, là người dám nhìn nhận sự thiếu thốn hiện tại của mình khi mang phận con người: khát nước, mệt mỏi và đói vì chặng đường dài từ Giu-đê đến Galile (c.6).
Chị không ngạc nhiên sao được, vì chính người xin nước của chị lại là người khuyến khích chị, đề nghị chị xin Nước của người ấy: nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị Nước hằng sống (c.10-11), bởi Nước ấy mới làm cho chị hết khát (c.13-14).
Nhưng chị còn ngạc nhiên hơn nữa, vì hôm nay chị đã gặp được người hiểu chị, biết rất rõ quá khứ của chị có tới 5 đời chồng, biết những mối bận tâm cuộc sống hiện tại khi chị phải lầm lũi giữa buổi trưa để lấy nước, biết cả khao khát hạnh phúc tương lại của chị (c.17-24). Người ấy chính là Đấng Mêsia, cũng gọi là Đức Kitô, Người đang đối thoại với chị (c. 25-26), cũng là Người chị xin Nước (c.15): “xin ông cho tôi thứ Nước ấy” (Nước hằng sống). Để rồi lúc chị nhận ra và gặp được Chúa Giêsu là nguồn nước hằng sống, chị đã quên cả chuyện phải kín nước giếng về, để đi nói cho dân làng về Nước là chính Chúa Giêsu.
Theo dõi cuộc gặp gỡ của chị với Chúa cũng làm con ngạc nhiên: ngạc nhiên vì trước đó chị từ một người bước ra khỏi thành đi kín nước giếng, giờ chị lại trở vào thành hăng say nói về Nước là chính Chúa Giêsu; ngạc nhiên vì chị không chỉ là đại diện cho dân Samari, nhưng còn đại diện cho chính bản thân con: bởi biết bao lần Chúa đã đến chờ con bên bờ giếng cuộc đời để được gặp con, biết bao lần Chúa cũng bắt đầu cuộc gặp gỡ với con bằng một lời xin giống như lời xin với chị phụ nữ Samari: xin con cho Ta uống, xin con cho Ta chút nước của con, nước tình yêu nhạt nhẽo, nước cuộc đời đã bị nhiễm bẩn, và nhiễm độc bởi môi trường con sống. Xin con cho Ta chút nước là những mối bận tâm cuộc sống, những khao khát hạnh phúc và cả những lo lắng phải thực hiện trong đời sống làm người, làm con Chúa. Xin con cho Ta chút nước là chính con, gia đình, cộng đoàn, con người và cuộc đời con hiện tại.
Xin con cho Ta chút nước niềm tin, nước hy vọng, nước cậy trông của con vào tình yêu quan phòng của Ta là Đấng ban sự sống và là chính sự sống trong lúc cả thế giới của con đang bị bao phủ bởi dịch bệnh Covid 19.
Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa vì Chúa đã khiêm tốn xin con cho Chúa chút nước, để khơi lên trong con khát vọng lớn nhất, khát vọng vô biên là khát vọng chính Chúa; Chúa xin con chút nước, để cho con biết khiêm tốn nhận mình yếu đuối, thiếu thốn, cần đến xin Chúa; Chúa xin con chút nước, để trao ban cho con ân sủng, trao ban cho con tình yêu, trao ban cho con sự sống là chính Chúa. Xin cho biết cho Chúa chút nước là chính con với những yếu đuối, giới hạn, bất toàn… để Chúa làm cho nên hoàn hảo bằng nước ân sủng của Chúa. Xin cho con luôn biết kín múc nước ân sủng từ Chúa, đón nhận chính Chúa là nguồn nước, để con cũng trở nên mạch nước cứu độ cho tha nhân. Amen.