1. “Bình an cho anh em” Sau khi Phục Sinh, mỗi lần hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu đều chào các ông
"Bình an cho các con", mặc dù đây là lời chào thông thường của người Do Thái mỗi khi gặp nhau "Shalom" - Bình an. Tuy nhiên trong hoàn cảnh hiện tại, các môn đệ lại cần đến sự bình an hơn bao giờ hết, bởi các ông đang sống trong bầu khí
bất an, tâm hồn hoang mang,
thất vọng và cả những
mặc cảm tội lỗi. Vì thấy
bất an nên các ông đã đóng chặt cửa
“vì sợ người Do Thái” (Ga 20,19), các ông đang cảm thấy có một mối đe dọa từ chính những người trong dân tộc của mình. Thật vậy, những nắm đấm đã giơ lên đòi đóng đinh Thầy chắc hẳn cũng không loại trừ khả năng giờ sẽ đến lượt các ông. Nỗi sợ hãi ấy tăng lên theo tỷ lệ với nỗi
thất vọng trong lòng. Các ông đã từng chứng kiến những phép lạ phi thường của Thầy, đã hi vọng tràn trề sẽ được làm lớn khi Thầy đứng lên khôi phục vương quốc Israel. Tưởng rằng giấc mơ ấy sắp thành sự thật, vậy mà giờ đây, những tiếng tung hô “Vạn tuế” đã tắt lịm, chỉ còn lại những vệt roi đòn thấm máu và một thân xác tả tơi trên thập giá, một sự thật mà không một ý chí nào muốn chấp nhận. Đau khổ, bơ vơ, thất vọng đan xen với
mặc cảm tội lỗi, xấu hổ. Mới hôm qua, khi Thầy trò còn sum vầy, ai cũng hăng hái quả quyết
: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!” (Ga 11,16), thế mà khi sự việc xảy đến, người can đảm nhất cũng chỉ dám theo Thầy ở khoảng cách “xa xa”. Thầy không còn, tương lai các ông cũng như những cánh bèo trong nước lũ, bơ vơ vô định, mất phương hướng. Giờ này ngồi với nhau trong căn phòng đóng kín, chẳng ai dám nhìn mặt ai, chẳng ai dám đổ lỗi cho ai vì người nào cũng thấy mình hèn nhát.
Trong cô đơn và thất vọng tột cùng thì Chúa Giêsu đã hiện đến ban bình an cho họ. Hơn ai hết, chỉ Thầy mới biết giờ đây các môn đệ đang cần gì, vì thế Người đã nói với họ những ba lần
“Bình an cho anh em”. Sự bình an mà Chúa trao tặng cho các ông không là giải thoát các ông khỏi những mỗi đe dọa mà các ông đang đối diện, nhưng lời chào ấy làm cho các ông
“vui mừng vì được thấy Chúa”, nghĩa là các ông tin rằng Thầy của mình đã sống lại từ cõi chết. Sự bình an mà Thầy trao tặng làm cho tâm hồn các ông thực sự ấm áp, và xóa sạch những mặc cảm tội lỗi trong quá khứ của các ông. Qua đó, các ông thực sự cảm nghiệm được tình yêu vô biên của Thầy và can đảm tín thác vào lòng thương xót của Thầy Chí Thánh. Giờ đây, các ông không còn lo sợ, không hoang mang vì Thầy không hề lìa bỏ các ông nhưng "
Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Và cục diện đã thay đổi, sau ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ mạnh dạn ra đi rao giảng. Người ta bắt, họ cũng không sợ, bị người ta tra tấn họ không những không sợ mà còn vui mừng vì được chịu khổ vì Thầy; bị người ta xử tử, họ vẫn bình an vui sướng vì được giống như Thầy.
Nhìn vào bối cảnh hiện tại, nhân loại đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, chúng ta không khỏi hoang mang lo sợ, rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang bị đại dịch tấn công. Nhiều chính sách được đưa ra nhằm hạn chế tối thiểu sự lây lan của dịch bệnh. Dù ở trong nhà, chúng ta cũng có nhiều nỗi lo sợ và hoang mang: lo sợ có thể bị lây nhiễm bệnh dịch, hoang mang lo lắng cho cuộc sống vì ở nhà thì không có thu nhập. Người Công giáo chúng ta cũng không ngoại lệ, cũng đang phải chịu sự cách ly với xã hội, nhưng sẽ rất khác so với những người không cùng chung niềm tin với chúng ta. Chúng ta không thể cùng nhau hiệp thông trong Thánh lễ cách trực tiếp, đặc biệt là không được tham dự các nghi thức trong Tuần thánh, nhưng chúng ta có thể tham dự thánh lễ online cùng người thân tại gia đình mình. Như thế, khi chúng ta không thể đến với Chúa nơi thánh đường thì chính Thiên Chúa lại tìm đến với chúng ta, đến thăm và ở lại với gia đình chúng ta. Trong không khí u ám của đại dịch Covid-19, người Công giáo chúng ta vẫn không ngừng hy vọng: Đức Kitô - niềm hy vọng của tôi đã phục sinh! Đây không phải là một công thức phù phép làm tan biến mọi khó khăn, nhưng là sự vinh thắng của tình yêu trước cội dễ của sự dữ, một chiến thắng không đè bẹp đau khổ và cái chết, nhưng đem bình an cho chúng ta. Bình an Chúa ban trong hoàn cảnh lúc này, không phải là chúng ta không bị lây nhiễm dịch bệnh, nhưng bình an là chúng ta biết đón nhận và hành động theo ý Chúa. Ý Chúa luôn là tốt lành và thiện hảo. Nghịch cảnh không nguyên là những đau khổ, nhưng nó dạy chúng ta biết nhìn, biết đối diện bằng đức tin và lòng tín thác vào tình yêu Thiên Chúa - Đấng luôn yêu chúng ta đến cùng. Khi nhận ra ý Chúa trong những đau khổ, chúng ta sẽ hành động đúng và sẽ được sống trong bình an. Tuy nhiên, để biết được ý Chúa, điều quan trọng là chúng ta biết cầu nguyện và lắng nghe với lòng tin tưởng, tín thác vào Chúa. Với niềm tín thác, chúng ta tin rằng lời cầu nguyện của chúng ta chắc chắn được Chúa nhận lời, vào lúc Chúa muốn, theo như cách Chúa muốn và nhằm tới ích lợi thực sự của chúng ta. Bởi lẽ, Thiên Chúa là Cha nhân hậu, luôn muốn điều tốt cho con cái của mình.
2. Đấng Phục Sinh Còn Mang Thương Tích Cùng với việc trao ban cho các môn đệ sự bình an, Chúa Giêsu còn
“cho các ông xem tay và cạnh sườn” (c.20). Tại sao thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang các thương tích ấy? Nói cách khác các thương tích ấy có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
Trước hết, những vết thương ấy giúp các môn đệ nhận ra Ngài. Khi thấy những chứng tích đó, thì
“Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa”. Người cũng sẽ
“mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (Lc 24,45) để các ông nhớ lại những lời Chúa Giêsu đã từng tiên báo:
“Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Nhờ những thương tích ấy, các môn đệ tin rằng Đấng đang hiện diện trước mặt các ông hôm nay chính là Đức Giêsu, vị Thầy đáng kính của họ, cũng là Đấng hôm trước đã chịu nạn chịu chết trên thập giá. Như thế, những thương tích còn trên thân thể Đấng Phục Sinh lại trở nên chứng tích của một cuộc vinh thắng khải hoàn - Đấng chiến thắng sự chết và Phục Sinh vinh hiển. Những thương tích ấy cũng là dấu chỉ nhận ra đó là Chiên Thiên Chúa:
“Bấy giờ tôi thấy đứng ở giữa ngai và bốn Con Vật, giữa các vị Kỳ Mục, một Con Chiên, trông như thể đã bị giết” (Kh 5,6). Chính nhờ cuộc chiến thắng đó Chúa Kitô được Chúa Cha tôn vinh (x. Pl 2,9 ); qua đó, Ngài cũng có quyền trên sự chết:
“Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời. Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1,18) Tiếp theo, những vết thương ấy là bằng chứng tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu không chỉ rao giảng về tình yêu, Ngài đã chịu đau khổ để làm chứng cho tình yêu, như Ngài đã từng nói:
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Đó cũng là những thương tích mà Người mục tử chịu đựng để bảo vệ đàn chiên yêu quý của mình:
“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).
Qua cuộc khổ nạn mà các thương tích vẫn còn lưu lại trên thân thể, có lẽ Chúa Giêsu Phục Sinh muốn nói với chúng ta rằng sự đau khổ “
trong ý nghĩa tích cực” là những hy sinh có giá trị cứu độ. Thương tích trên thân thể phục sinh của Chúa Giêsu có lẽ là một nhắc nhở cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa nhưng cũng là một con người như chúng ta, và Người đã chịu đau khổ tới mức để có thể thông cảm với mọi đau khổ của loài người, bởi vì “
Con Thiên Chúa đến không phải để tiêu diệt sự đau khổ, nhưng để đau khổ với chúng ta. Người đến không phải để loại bỏ cây thập giá, nhưng để nằm lên đó” (Paul Claudel).
Niềm tin vào Đấng Phục Sinh nhưng lại mang thương tích trên mình nói gì với ta? Các môn đệ đã giam mình trong căn nhà đóng kín cửa vì sợ người Do Thái. Họ đã thấy những gì xảy ra cho Thầy mình và họ sợ cũng sẽ bị như thế nếu để bị bắt. Thế nhưng chính Đấng mang thương tích trên mình lại nói với họ
“Bình an cho anh em”, và sai họ lên đường. Họ sẽ bị thương tích như Người. Truyền thống kể lại rằng hầu hết các tông đồ đều chịu chết vì đạo. Các ngài đã can đảm đón nhận sự bách hại và cái chết vì các ngài đã gặp Đấng mang thương tích và là Đấng phục sinh.
Đấng Phục Sinh chính là Đấng Chịu Đóng Đinh. Thân thể của Ngài vẫn mang những vết thương không thể xóa nhòa. Những vết thương trở thành nguồn cội của niềm hy vọng. Chúng ta hãy chạy đến với Ngài để Ngài chữa lành những tổn thương mà chúng ta đã phải chịu, và chúng ta cũng sẽ được Ngài ban bình an.
Maria Thu Hà
Lớp Thần học K4 - Học viện MTG Hưng Hóa
Bình Tâm
Sống trên cuộc đời ai ai cũng mong muốn có một cuộc sống ấm êm và bình lặng. Tuy nhiên, dù sống ở hoàn cảnh nào, không nhiều thì ít chắc hẳn ai cũng hơn một lần cảm thấy xao xuyến và bất an, và đặc biệt là trong thời gian này cả thế giới đang xôn xao và bất an vì đại dịch Covid-19. Có lẽ tâm trạng của tất cả chúng ta hiện nay đều đang giống tâm trạng của các môn đệ năm xưa. Đứng trước cái chết của Thầy Giêsu các môn đệ thấy bất an và xao xuyến, vì Thầy Giêsu là điểm tựa duy nhất của các ông đã không còn ở cạnh các ông. Trong lúc các môn đệ cảm thấy hụt hẫng và mất bình an nhất, thì Thầy Giêsu đã thấu hiểu tâm tư các môn đệ, nên Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc hiện diện một cách vô hình, mà Ngài hiện diện một cách hữu hình bên các môn đệ của mình. Thầy Giêsu đã đến và đem lại bình an cho các môn đệ. Như vậy, bình an của Thầy Giêsu đã, đang và vẫn luôn đổ đầy trong cuộc sống của con người. Chỉ cần chúng ta dừng lại, và có phút bình tâm trong thâm sâu tâm hồn để đón nhận nguồn bình an của Thầy Giêsu Chí Thánh.
Ngày nay, con người đang sống theo “tuýp mô đen” thời thượng. Cho nên, ai cũng nghĩ rằng bình an là một cuộc sống êm đềm, không có sóng gió. Bình an là vắng bóng chiến tranh. Nhưng đó có phải thực sự là bình an của thầy Giêsu Chí Thánh không? Lật lại những trang Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Gioan thuật lại cho tất cả mọi người biết thế nào là bình an của Đấng Phục Sinh. Thật vậy, đứng trước cái chết của Thầy Giêsu, các môn đệ cảm thấy cuộc sống của mình như bị cuốn vào "cơn bão". Cơn bão của sự sợ hãi, buồn phiền, cô đơn, chán trường. Các ông đang hoang mang sợ hãi vì cái chết của Thầy. Vắng bóng Thầy các ông cảm thấy sợ hãi: "Các của đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái” (Ga 20,19b). Phải chăng lúc này các môn đệ đang bất an và thiếu sự tín thác vào lòng thương xót của Chúa. Đúng lúc các môn đệ cảm thấy cuộc sống của mình đi vào ngõ cụt Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ. Ngài đã chấn an các môn đệ: "Bình an cho anh em" (Ga 20,21). Lúc này đây những lo lắng và bất an của các môn đệ đang dần được xua tan để nhường bước cho sự bình an của Chúa. Như thế, trong lăng kính đức tin, các môn đệ nhận thấy Thầy Chí Thánh bị đóng đinh vào thập giá và con tim Người bị đâm thủng chắc chắn không chỉ mang ý nghĩa thể lý về cái chết đau đớn của một thân xác treo trên giá thập tự. Nhưng những dấu đinh trên tay chân và vết thương ở cạnh sườn mà họ nhìn thấy nơi Đức Giêsu nói lên sự tự hiến yêu thương của Chiên Vượt Qua, diễn tả tình yêu bao la của Thiên Chúa cứu độ. Khi cho các ông xem tay và cạnh sườn, Đấng Phục Sinh hẳn muốn nói cho các môn đệ thân yêu một điều gì vượt xa lời khẳng định rằng: Người đã sống lại về mặt thể lý. Điều Người muốn khẳng định qua các dấu tích đó là: tình yêu thương xót và cứu độ của Thiên Chúa đã trở thành bất diệt và toàn thắng. Các ông là những nhân chứng được chứng kiến tình yêu đó đã đạt tới đỉnh điểm, thì cũng cần phải xem và chạm vào các dấu đinh ở tay chân, và vết đòng trên ngực Người để có bằng chứng không thể chối cãi rằng lòng xót thương tha thứ đó vẫn còn sống.
Qua đó, chúng ta cảm nhận được rằng cho dù cuộc sống có sóng gió, chúng ta không bị bỏ rơi. Thiên Chúa không làm ngơ khi con người đau khổ. Lòng thương xót của Chúa vẫn trải dài trong cuộc đời của mỗi người. Nhất là trong khi cả thế giới đang bị chao đảo, mất bình an vì đại dịch Covid 19, đây là một thảm họa làm cho biết bao người bị đau thương, tang tóc. Trong những lúc lo lắng và mất bình an như vậy, là người kitô hữu chúng ta được mời gọi vững lòng tin và tín thác vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúng ta cần bình tâm đặt mình vào trong "tâm bão của Giêsu" để có được bình an và đón nhận được lòng thương xót của Ngài.
Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, Đấng giàu lòng thương xót, xin cho chúng con biết mở rộng cánh cửa tâm hồn để chúng con biết đón Chúa vào căn nhà tâm hồn của chúng con. Xin tình yêu và lòng thương xót của Chúa đụng chạm vào lòng con. Chúng con biết rằng lòng thương xót của Chúa là vô hạn, nhưng một cách nào đó chúng con vô tình hay hữu ý vẫn còn lạm dụng lòng thương xót của Chúa. Vì tội lỗi của chúng con đã gây ra những thảm họa đau thương cho nhau. Xin lòng thương xót của Chúa gạn lọc những ích kỷ của chúng con. Xin Chúa biến đổi chúng con để chúng con biết sống họa lại dung mạo và khuôn mặt đầy lòng thương xót của Chúa trong đời sống của chúng con. Amen
CĐ Hoàng xá
Lòng Thương Xót Chúa Dành Cho Tôma
Chúa Giêsu đến trần gian là để thực thi lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa Cha đối với toàn thể nhân loại, đỉnh cao của lòng thương xót ấy chính là cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá của Chúa. Dấu chứng của lòng thương xót ấy chính là các vết thương ở chân tay và cạnh sườn còn để lại nơi thân thể Chúa sau khi phục sinh. Dù không còn ở lại với con người bằng thân xác trước đây, nhưng điều đó không ngăn cản được lòng thương xót vô biên của Chúa đối với con người. Bằng chứng là ngay sau khi phục sinh Chúa đã đến gặp các tông đồ, cho các ông xem dấu vết của Lòng Thương Xót, ban tặng bình an (cc.19.21), ban tặng Thánh Thần và hồng ân tha thứ của Bí tích Hòa giải cho các ông (c.23). Lòng thương xót ấy vẫn không muốn mất đi một con chiên nào, nên đã đến với Tôma yếu tin chỉ vì Tôma và cho Tôma.
Lần đầu tiên Chúa Giêsu đến gặp các tông đồ sau khi phục sinh vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần tại một căn phòng, nhưng Tôma lại vắng mặt. Tôma đã mất cơ hội gặp Chúa phục sinh, mất cơ hội được Chúa cho xem các dấu vết lòng thương xót. Tuy nhiên, khi ông trở về, các anh em đều chia sẻ lại niềm vui được gặp Chúa phục sinh cho Tôma: “chúng tôi đã được thấy Chúa”. Nghe anh em đều kể về việc Chúa đã sống lại, nhưng Tôma có vẻ như không tin và ông muốn mình cũng phải được nhận ra Chúa theo cách các anh em đã được, đó chính là tận mắt thấy và tay được đụng chạm vào các vết thương của Lòng thương xót: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”
Rồi tám ngày sau,“cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, các anh em tông đồ lại tụ họp trong căn phòng và lần này có cả Tôma”, Chúa Giêsu đã nhẫn nại đợi Tôma tới tám ngày để đến gặp ông, và cũng cho Tôma thời gian tám ngày để ông trở về với đức tin vào Chúa đã phục sinh. Thời gian tám ngày đủ để Tôma trăn trở về đức tin của mình và hiểu Lòng thương xót của Chúa, tám ngày ấy Chúa vẫn tiếp tục bao bọc Tôma bởi Lòng thương xót. Và dường như lần thứ hai hiện đến này Chúa chỉ dành cho Tôma và chiều theo điều kiện của Tôma, nên Ngài bảo ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”
Lòng thương xót của Chúa là thế, cứ kiên nhẫn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ, dù là chờ đợi một mình Tôma yếu đuối, thiếu sót trong đức tin, như người chủ đi tìm một con chiên lạc cho đến khi tìm được mới thôi. Chúa đã chờ đợi Tôma, đã bận tâm đến ông và đã yêu thương ông bằng lòng thương xót, Chúa mời Tôma đặt tay và nhìn vào các vết thương, đặc biệt vết thương nơi trái tim của Chúa để ông hiểu và nhận ra trái tim Chúa vẫn đang rung nhịp với ông vì ông và cho ông, để ông hiểu được chiều sâu của tình yêu Chúa chính là lòng thương xót đã tha thứ cho sự chạy trốn và yếu tin của ông.
Tôma đã bị lòng thương xót của Chúa chinh phục, khi ông đứng trước Chúa Giêsu phục sinh với các vết thương còn trên thân thể ngay trước mắt mình, ông đã phủ phục tuyên xưng lòng tín thác vào Chúa phục sinh hơn các anh em: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Lời tuyên xưng sở hữu này chỉ có trong tương quan tình yêu, đối với Tôma từ nay Chúa trở thành của ông, bởi ông đã nghiệm ra các vết thương Chúa chịu trên thân thể là vì ông, Chúa chết vì ông và cũng phục sinh cho ông, từ nay Chúa không chỉ là Thiên Chúa, mà Chúa còn là Thiên Chúa của ông, Chúa là sự sống của ông.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, tình yêu và lòng thương xót của Chúa dành cho thánh Tôma tông đồ xưa, cũng chính là tình yêu lòng thương xót Chúa dành cho từng người chúng con hôm nay. Hơn lúc nào hết, ngay trong cơn đại dịch Covid 19 này, lời Chúa mời chúng con đến với Chúa phục sinh, chiêm ngắm, đụng chạm vào các vết thương của Chúa không phải bằng xương bằng thịt như các tông đồ và Tôma ngày xưa, nhưng bằng cầu nguyện không ngừng, bằng lòng sám hối ăn năn liên lỉ và bằng việc bác ái dành cho những con người đang đau khổ bệnh tật trong cơn đại dịch mỗi ngày. Xin Chúa phục sinh cho chúng con nhận ra Chúa đang hiện diện, cảm nghiệm được Chúa đang đồng hành rất gần, ngay bên cạnh, ngay trong chính mình và nơi những con người rất cụ thể, để chúng con cũng xác tín bằng tất cả cuộc đời, bằng cả sự sống của mình rằng: Lạy Chúa của con, Chúa đã cứu độ chúng con bằng lòng thương xót, Chúa đã đau nỗi đau của chúng con, đã bị thương tích vì chúng con, đã chết và phục sinh cho chúng con. Amen.
Tập Viện