Chúa nhật, 24/11/2024

Suy Niệm Chúa Nhật V Phục Sinh Năm A (Ga 14,1-12)

Cập nhật lúc 14:45 09/05/2020
 
 “Anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”

Trong cuộc đời mỗi người, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng hơn một lần phải chứng kiến cảnh người thân sắp phải đi xa, nhất là khi chúng ta chứng kiến cảnh người thân chuẩn bị không còn được hiện diện với chúng ta nữa. Lúc ấy, có lẽ chúng ta đã thấy và cảm nhận được nỗi niềm lo lắng cũng như sự khắc khoải của họ dành cho những người thân sẽ ở lại. Trước lúc ra đi, họ thường để những lại lời trăng trối và mong muốn người thân của mình cố gắng vượt qua những sóng gió trong cuộc đời và được sống hạnh phúc. Cũng vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay khi Đức Giêsu biết được giờ của Ngài đã đến, giờ sắp phải lìa xa các môn đệ, Ngài cũng lo lắng và đã trấn an các ông: “anh em đừng xao xuyến, các con hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Đây không chỉ là lời di chúc Chúa Giêsu dành cho các môn đệ xưa nhưng còn là lời trăng trối mà Chúa dành cho mỗi người kitô hữu chúng ta sống trong mọi thời đại.
Đức Giêsu biết giờ của Ngài đã đến và Ngài biết các môn đệ của Ngài sẽ đau buồn, lo lắng và xao xuyến khi Ngài không còn hiện diện hữu hình bên cạnh các ông, nên Ngài đã trấn an để họ được vững tin mà vượt qua những thử thách mà các ông sẽ phải đối diện trong tương lai. Và khi trấn an các môn đệ của mình, Đức Giêsu đã đề cập đến thái độ căn bản mà các môn đệ phải có để đương đầu với sự kiện Người sẽchết trên thập giá, và họ sẽ không cong thấy Người hiện diện hữu hình giữa họ: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy!” (Ga 14,1). Quả thật, lời khuyến khích này không những có giá trị cho các môn đệ có mặt ngày hôm ấy mà còn cho tất cả những ai sau đó sẽ tin vào Người. Được Chúa trấn an, các môn đệ biết rằng các ông không được để cho mình bị hoang mang lo lắng, mất sự cương quyết và cần phải bình tĩnh, để nhờ đó, các ông biết ngay giờ đây các ông phải đặt một nền móng vững chắc nhất và tìm sự nâng đỡ không lay chuyển nơi chính Đức Giêsu. Bởi vì, chỉ nhờ đứng vững trong niềm tin, các ông mới có thể đương đầu với hoàn cảnh thực tại này. Chính bây giờ, khi mà các ông không còn thấy Người nữa, đức tin của các ông phải được vận dụng. Vì khi không thấy, các môn đệ sẽ phải ký thác với lòng tin tưởng không giới hạn vào Chúa Cha và Chúa Con, bằng cách xây dựng mọi sự trên các Đấng.
“Anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào thầy”
Với những lời trấn an và mời gọi của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ xưa kia cũng chính là lời trăng trối mà Đức Giêsu dành cho mỗi người kitô hữu chúng ta ngày hôm nay. Ngài đang mời gọi con cái của Ngài hãy sống lạc quan, không sợ hãi và thất vọng nhưng hãy tin tưởng, cậy trông vào tình yêu của Ngài để sống mối tương quan gắn bó mật thiết với Ngài. Đặc biệt, lời trăng trối này càng khẩn thiết hơn bao giờ hết trong một bối cảnh xã hội như hiện nay, khi mà con người đang phải đối diện với một bầu khí đáng sợ của đại dịch Covid-19. Thiên Chúa - Ngài luôn nhìn thấy những nỗi lo lắng, sợ hãi mà con người đang phải gánh chịu. Ngay lúc này, Ngài cũng đang tha thiết kêu gọi con cái của Ngài hãy bền tâm, vững tin vào sự quan phòng của Ngài, vì Ngài luôn ở bên nâng đỡ và gìn giữ chúng ta. Đồng thời, Ngài như đang nói với nhân loại rằng Ngài cũng đang đau nỗi đau của nhân loại, Ngài muốn con người hãy quay trở lại và chạy đến với Ngài. Mặc dù Ngài không hiện diện với nhân loại một cách hữu hình, nhưng Ngài vẫn luôn nhìn thấy và trao ban những ơn lành để cho con người có thể vượt qua được những khó khăn trong cuộc đời. Điều quan trọng là con người có biết chạy đến với Ngài và cộng tác với ơn của Ngài hay không. Nhìn vào nhân loại trong bối cảnh này, khi mà con người đang phải đối diện với những khó khăn của đại dịch Covid-19, của chiến tranh, nạn đói, thiên tai… nhiều người kitô hữu đã biết chạy đến với lòng thương xót của Chúa, họ sống hy sinh cầu nguyện, tin tưởng, phó thác và cậy trông vào sự quan phòng của Thiên Chúa, họ nhìn nhận và cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa vẫn đang bao chùm trên họ. Vì thế, mà họ không cảm thấy sợ hãi, hay đánh mất đức tin của mình, trái lại họ lại càng tin tưởng, cậy trông vào Chúa nhiều hơn. Đặc biệt, chính lúc phải đối diện với cái mong manh của sự sống thì họ lại cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết quyền năng vô biên của tình yêu Thiên Chúa, và họ sống trong niềm tin yêu mạnh mẽ vào Ngài, tin tưởng Thiên Chúa sẽ cứu chữa họ, giúp họ vượt qua biến cố đau khổ và thăng trầm trong cuộc sống mà họ đang phải đối diện với nó. Đồng thời, qua biến cố này mà con người có thể nhận ra dấu chỉ của thời đại và thấy được rõ nét sự hiện diện của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã kêu gọi đoàn chiên của ngài trên khắp thế giới hãy nhìn nhận và cảm nghiệm sâu sắc về sự hiện diện của Đấng Quyền Năng, và đọc ra dấu chỉ mà Thiên Chúa muốn con cái của Ngài phải làm gì và sống như thế nào trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, cũng trong bối cảnh của xã hội này, không ít những người kitô hữu vẫn cố tình sống dửng dưng trước lời mời gọi của Chúa, họ vẫn sống trong sự u mê lầm lạc, không nhìn nhận tình yêu của Thiên Chúa, họ đánh mất ý thức về tội. Và nhất là khi phải đối diện với đại dịch như hiện nay, thì rất nhiều người thay vì tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa thì họ lại kêu trách Chúa, họ chán nản, thất vọng và đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. Họ kêu than và đặt ra những câu hỏi: tại sao con người phải chịu những đau khổ như thế? Có Thiên Chúa hay không, mà nếu có thì Ngài ở đâu, sao Ngài lại không nhìn thấy những đau khổ mà con cái Ngài đang phải gánh chịu?... Quả thật, đối với những người không có niềm tin, hoặc đánh mất đức tin của mình, mỗi khi phải đứng trước những hoàn cảnh khó khăn, đau khổ thì họ khó có thể nhìn nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa. Bởi lẽ, thay vì họ chạy đến với Chúa thì họ lại tìm cách lẩn tránh Ngài, họ không còn tin tưởng phó thác cậy trông vào tình yêu của Thiên Chúa. Thế nhưng, cho dù con người không tin và không muốn đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, hay có thể nói họ đang quay lưng lại với Ngài, nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi họ, trái lại tình yêu của Ngài vẫn luôn bao trùm lấy họ và Ngài đang chờ đợi họ quay về để Ngài yêu thương và nâng đỡ họ.
Lạy Chúa, xin cho con người ngày hôm nay biết nhận ra tình yêu của Thiên Chúa vẫn đang hiện diện ở giữa họ và Ngài đang mang nỗi đau của nhân loại. Xin cho con người ngày hôm nay biết chạy đến nương tựa vào tình yêu quan phòng của Ngài, để họ không còn sợ hãi trước những đau khổ mà họ đang và sẽ phải đối diện với nó ngay trong chính cuộc sống của họ Amen!
Maria Đỗ Thị Dị
Lớp Thần học K4 - Học viện MTG Hưng Hóa
 

"Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.”
Ai trong chúng ta khi yêu mến một người nào thì cũng muốn hiểu biết về họ, nhưng để hiểu cho tới nơi tới chốn thì có lẽ không phải ai cũng có thể làm được. Trong bài Tin mừng hôm nay, Philipphê là một tông đồ trong nhóm mười hai đã xin Chúa Giêsu tỏ cho thấy Thiên Chúa Cha. Tâm trạng của Philipphê cũng là tâm trạng của rất nhiều người trong chúng ta, đó là một niềm tin đòi hỏi sự lạ. Bởi thế, không ít người sẵn sàng hao tốn tiền bạc, thời gian để tìm đến những nơi xảy ra sự lạ, và đối với họ, một lần hành hương có ý nghĩa và giá trị cho cả cuộc đời.
"Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư”? Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu đối với Philipphê xưa cũng chính là lời nhắc nhở Chúa đang dành cho mỗi người chúng ta hôm nay, đó là: đừng để những nét quen thuộc bên ngoài che mất thực tại bên trong. Quả thật, tìm kiếm Thiên Chúa là điều tốt, nhưng thật đáng trách khi đứng trước mặt Ngài mà chúng ta chẳng nhận ra Ngài, chúng ta vẫn vô tâm và hững hờ. Chúng ta nôn nóng đi tìm dấu lạ, nhưng dấu lạ xảy ra trước mắt thì chúng ta lại không nhìn thấy, lại cho rằng những chuyện đó là đương nhiên xảy ra trong cuộc sống. Cũng vậy, trong đời sống hàng ngày, biết bao lời cầu xin được dâng lên Thiên Chúa nhưng đã mấy lần chúng ta phản tỉnh để nhận ra ơn lành Ngài đã ban? Biết bao lần chúng ta đón nhận Mình Máu Chúa nhưng chúng ta lại không để Mình Máu Chúa được trở nên máu thịt của chúng ta. Biết bao lần chúng ta đón nghe Lời Chúa mà chúng ta không thể tiêu hoá. Chính vì thế, cuộc sống của chúng ta đã không để Chúa biến đổi.
Nhìn vào thực tế đời sống đạo của người kitô hữu nói chung, chúng ta đang rơi vào tình cảnh “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Quả vậy, người Công giáo có thể ngày nào cũng đến nhà thờ, tham dự thánh lễ cách đầy đủ, hay với người tu sĩ siêng năng đến nhà nguyện để cầu nguyện... nhưng chỉ đến bằng thân xác, đọc kinh, tham dự thánh lễ chỉ với một thói quen. Để có thể cảm nghiệm được về Chúa Cha, đòi hỏi chúng ta phải có một thái độ khiêm nhường, và nếu chúng ta thực sự yêu mến Chúa thì chắc chắn chúng ta sẽ khao khát để tìm biết về Ngài. Đồng thời, nếu chúng ta luôn đến với Ngài bằng lòng yêu mến và muốn tìm biết Ngài, thì chắc chắn Ngài sẽ tỏ mình cho chúng ta. Ước gì mỗi người trong chúng ta biết giữ mãi thái độ tìm kiếm, một sự tìm kiếm không ở đâu xa, nhưng trong chính cuộc sống quen thuộc hằng ngày. Đập vỡ chiếc vỏ quen thuộc bằng cách ngạc nhiên đặt câu hỏi, chắc chắn chúng ta sẽ nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa.
Nếu một người Kito hữu ngoan đạo, hay một tu sĩ được đặt câu hỏi về Chúa mà chúng ta không trả lời được cách đúng đắn hoặc có sức thuyết phục thì quả là một điều không đáng khen ngợi. Có lẽ như vậy là do chúng ta còn chưa chuyên chăm đào sâu hay học hỏi tới nơi tới chốn để biết cách tường tận về Chúa và giáo lý của Ngài. Lời khiển trách của Chúa Giêsu dành cho Philipphe cũng là lời chất vấn mỗi người xem chúng ta đã yêu mến, đã học hiểu về Chúa như thế nào, theo Chúa mà chúng ta đã thực sự yêu mến chưa? Và có lẽ cũng là lời chất vấn xem chúng ta đã hiểu đã biết về những người đã và đang sống xung quanh chúng ta là hình ảnh của Chúa như thế nào?
Lạy Chúa Giêsu, mỗi người trên trần gian này đều là hình ảnh của Chúa, nếu chúng con biết Chúa và tin rằng Chúa hiện diện nơi mỗi anh chị em thì có lẽ cuộc sống sẽ bớt đi bao nhiêu là bất công. Xin Chúa giúp chúng con nhận ra rằng: chúng con có tôn trọng Chúa hiện diện nơi anh chị em  hay chúng con khinh thường hạ thấp, chúng con có nói tốt về Chúa hay chúng con nói xấu Chúa qua anh chị em, chúng con có nâng đỡ cảm thông với anh chị em vì họ là hình ảnh của Chúa hay chúng con chà đạp và muốn dành lấy cả những gì bé nhỏ họ có cho mình? 
CĐ Camêlô
 
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log