Chúa nhật, 24/11/2024

Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Mình Máu Chúa Kitô - Năm A (Ga 6,51-58)

Cập nhật lúc 21:26 12/06/2020
 
TẤM BÁNH TRAO BAN
Trong vũ trụ kỳ diệu này, hai chữ tình yêu dường như luôn là chủ đề phong phú, bởi vì vẻ đẹp của tình yêu không ngôn ngữ nào có thể diễn tả trọn vẹn và nói lên hết ý nghĩa của nó và càng không thể dùng lời nói để biến tình yêu thành vẻ đẹp đầy thi vị này. Chính vì thế, khi yêu con người luôn có những sáng kiến vừa tế nhị, vừa mạnh mẽ, vừa huyền bí, lại vừa dễ dàng tỏ lộ qua hành động hầu diễn tả tình yêu cho người mình thương mến. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thường trao nhau những kỷ vật để làm bằng chứng về tình yêu  của mình. Với người đón nhận thì tặng vật đó không chỉ đơn thuần là một kỷ niệm, nhưng nó còn là sự hiện hữu của chính người tặng quà. Cũng vậy, khi Chúa Giêsu đến trần gian hầu cứu độ con người, và khi biết mình sắp trở về với Đấng đã sai mình, Ngài đã yêu thương họ đến cùng: “Trước lễ vượt qua Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1) nên đã để lại cho Giáo Hội một bảo chứng nhằm diễn tả tình yêu tuyệt đối của Ngài cho nhân loại, đó chính là Bí tích Thánh Thể. Tình yêu của Chúa được thể hiện cách trọn vẹn nơi Bí tích Thánh Thể và không cách thế nào có thể lột tả hết được tình yêu của Ngài hơn cái chết, phục sinh và ở lại trong Bí tích Thánh Thể. Quả thế, yêu là hy sinh, là chấp nhận tất cả vì tình yêu, như tấm bánh kia sẽ không là bánh và càng không ý nghĩa gì khi không chấp nhận nghiền nát, nhào nặn và tan biến để trở thành tấm bánh cho tha nhân, chịu hấp thụ đủ mọi gia vị, chịu biến mình ra không để trở nên một tấm bánh đích thực. Cũng vậy, chúng ta sẽ không là tấm bánh cho đời nếu chúng ta không chịu nghiền nát, chịu hạ mình xuống cho người khác được nâng lên, chấp nhận trở nên nhỏ bé khiêm nhu và cả sự mong manh để không dựa vào sức riêng của mình nhưng là bám vào Chúa nhờ siêng năng kết hợp với Ngài và nên một với Ngài qua Bí tích Thánh Thể.
Qua mọi thời, tấm bánh đã trở thành người bạn thân thiết của sự sống và hơn nữa bánh cũng là hiện thân của sự sống, sự sống không chỉ là hạnh phúc của riêng ai, nhưng còn là để cho và vì người khác. Bánh sẵn sàng tan biến và trở thành lời mời gọi dành cho tất cả mọi người. Bánh như một bảo chứng để duy trì sự sống thể lý. Bản chất của bánh là trao ban hiến tặng. Như Đức Giêsu đã “bẻ bánh đời mình” để ban tặng cho nhân loại không chỉ trên thập giá nhưng là trong suốt cuộc đời trần thế. Ngài không hoá thân làm viên ngọc lấp lánh để thu hút mọi người, nhưng Ngài chọn hủy mình và bằng lòng ở trong tấm bánh nhỏ bé đơn sơ và có cả sự mong manh trong đó vì chỉ một giọt nước hay một cơn gió nhẹ cũng làm cho tấm bánh biến tan… Quả thật, Ngài đã không hóa mình nơi kim cương ngọc ngà để thu hút con người vì những thứ đó chỉ có người sang giàu mới dám mơ đến. Một tấm bánh nhỏ bé đơn sơ lại là nơi Chúa tể trời đất ngự trị. Nơi Bí tích Thánh Thể đã cho con người một điều kỳ diệu, Bí tích Thánh Thể cũng là biểu tượng tình yêu mà chính Chúa Giêsu đã thiết lập. Ngài không dùng những hình tượng bên ngoài để thể hiện dấu chỉ tình yêu mà Ngài đã dùng chính Thân Thể Ngài để trở thành tình yêu tự hiến cho con người. Qua tấm bánh nhỏ bé đơn sơ, Chúa ở lại với con người và hiến dâng thân mình nên thần lương nuôi sống cho con người. Thánh Thể Ngài thực sự trở thành một biểu tượng tình yêu tự hiến đến tan biến cho người mình yêu. Quả thực, không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người tự hiến vì người mình yêu. Tình yêu của Chúa Giêsu không dừng lại ở việc chết cho người mình yêu mà còn hiến ban chính Thánh Thể Ngài nên nguồn sức sống cho con người.
 “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” chính là hãy bẻ đời mình ra như tấm bánh đem lại niềm vui, sức sống và hạnh phúc cho tha nhân. Có lẽ ai cũng đã từng nâng niu chiếc bánh, ai cũng từng vui sướng khi mẹ trao cho một tấm bánh. Quả thật, tấm bánh nào cũng có những giá trị riêng. Tấm bánh nào cũng mang lại niềm vui cho người được nhận vì tấm bánh tự bản thân là tự hiến cho con người. Do đó, cuộc đời người tín hữu cũng được mời gọi hãy là tấm bánh mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân. Cuộc đời người tín hữu cũng trở nên tự hiến để yêu thương và phục vụ con người. Không có yêu thương phục vụ thì đời người tín hữu không có giá trị như tấm bánh đã hết hạn hay đã không còn sử dụng làm của ăn cho con người.
Mỗi khi chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, mỗi người chúng ta không thể không ngỡ ngàng trước tình yêu của Người. Tình yêu ấy vô cùng cao cả nhưng lại rất đỗi đơn sơ, đơn sơ như hình ảnh tấm bánh. Chúng ta không thể tự nhận mình yêu mến Thánh Thể mà chúng ta lại không khao khát kết hợp và nên một với Ngài trong Bí tích Thánh Thể. Nên một với Ngài cũng chính là khi chúng ta trở nên hiền lành khiêm nhường, sống gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn, là chấp nhận hao mòn, quên mình, thiệt thòi vì Chúa và vì anh em, là xây dựng tình đoàn kết, tình huynh đệ. Nhưng để có thể sống được những giá trị đó, nó không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là trong thế giới phát triển như ngày nay, xã hội có rất nhiều thứ hấp dẫn và dễ đi vào lòng người, nên tấm bánh đơn sơ kia càng trở nên ít giá trị hơn. Nhưng có lẽ chỉ cần lắng lòng một chút thì chúng ta sẽ nhận ra rằng tấm bánh tuy ít giá trị nhưng lại không thể thiếu cho sự sống của con người, tuy bình thường nhưng bánh vẫn là lương thực cần thiết cho con người. Quan trọng hơn nữa đó là chính Thịt Máu Chúa đến để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời và bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Cũng như con người cần không khí để thở, nước và các khoáng chất khác cho những nhu cầu, thì bánh cũng vậy, tuy bình thường nhưng không thể thiếu trong cuộc sống, không ngẫu nhiên Chúa trở thành tấm bánh nhỏ bé khiêm nhường nhưng là Ngài muốn rút ngắn khoảng cách để cho chúng ta đến gần Ngài hơn, trở thành một tấm bánh gần gũi với con người để đi vào sinh hoạt đời thường của con người. Con người có thể đến với Chúa dễ dàng, không e ngại, sợ sệt. Chỉ là một tấm bánh nhỏ bé nhưng mang đầy ý nghĩa vì tấm bánh diễn tả trọn vẹn tình yêu dâng hiến. Có lẽ bánh sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu chỉ để trưng bày cho người ta chiêm ngắm, nhưng bánh chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng, bánh chấp nhận để người ta sử dụng là chấp nhận bị bẻ ra, và bị trao ban, bị nghiền nát, bị tan biến, bị tiêu hoá. Khi chấp nhận là bánh nghĩa là chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại. Đây không phải là một chấp nhận bất đắc dĩ, nhưng là hoàn toàn tự nguyện vì bản chất của bánh là phục vụ cho sự sống. Khi xưng mình là bánh bởi trời, “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6,51) Chúa Giêsu bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, tan biến, chịu chết cho nhân loại. Ngài tự nguyện bước lên thập giá, chịu đổ máu để chúng ta được sống, chịu tan nát, chịu mang vào mình những thương tích để ta được chữa lành. Như tấm bánh chịu mất mình để trở thành một tấm bánh có đủ mùi vị thơm ngon, để phục vụ cho hạnh phúc của con người, bánh bị tiêu hoá để thực hiện một tình yêu hiệp thông. Chúa Giêsu tha thiết với sự hiệp thông, một tấm bánh sẽ không đầy đủ mùi vị nếu nó không đan quyện, không hòa mình vào mọi nguyên liệu và những hương vị, cũng vậy chúng ta chỉ trở thành tấm bánh của yêu thương hiệp nhất khi chúng ta nên một với Chúa và hiệp nhất với nhau trong tình huynh đệ. Chúa Giêsu không ngừng mời gọi con người đến sống thân mật với Người. Người đã chủ động trở thành tấm bánh để hòa vào từng dòng máu của con người trong một kết hiệp sâu xa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).
Tấm bánh gợi lên những bữa ăn có tình gia đình, tình huynh đệ, qua đó biểu lộ tình yêu khi cùng nhau chia sẻ sự sống, sự sống này không nguyên thể lý nhưng còn là sự sống thiêng liêng. Chung bàn ăn nói đến tình hiệp nhất để không ngừng bẻ tấm bánh đời mình ra cho tha nhân. Tấm bánh đầu tiên được bẻ ra và trao hiến  đó là tấm bánh Giêsu. Chính Ngài tự nguyện bẻ ra để cho tình huynh đệ nhân loại được mặn mà thắm thiết. Đối với những người bị đẩy ra bên lề xã hội vì họ nghèo, họ kém cỏi, họ bị khuyết tật thì Chúa Giêsu ban cho họ tấm bánh của sự cảm thông, yêu thương, tôn trọng. Đối với những người bị xã hội coi là tội lỗi, Chúa ban cho họ tấm bánh của lòng xót thương, tấm bánh của sự tha thứ. Còn với mỗi chúng ta, chúng ta đã và đang trao ban cho những anh chị em quanh mình những tấm bánh gì, nếu không phải là tấm bánh yêu thương vì tất cả chúng ta đều được chia sẻ tấm bánh tình yêu là chính Bí tích Thánh Thể. Đức Giêsu nuôi dưỡng chúng ta bằng rất nhiều cách đặc biệt trong Phép Thánh Thể. Và lời mời gọi của Bí tích Thánh Thể không dừng lại ở hạnh phúc riêng của cá nhân nhưng là mở ra để dâng hiến khi sống yêu thương phục vụ vì hạnh phúc của tha nhân. Tấm bánh nơi Bí tích Thánh Thể đơn sơ khiêm tốn để nói với chúng ta về sự khiêm tốn của Đấng cao cả vô biên, đó như một bài học dành cho mọi người, hãy hạ mình trong khiêm tốn để vinh quang Chúa được tỏa sáng và tha nhân được hạnh phúc. Nhưng dường như điều đó đang bị phai mờ bởi lối sống ích kỷ, sự thờ ơ, vô cảm đang trở thành dịch bệnh của thời đại. Thái độ ấy bóp nghẹt lòng người, đẩy con người vào đau khổ bất hạnh, xã hội vắng bóng tình yêu hơn bao giờ hết. Trước một xã hội vắng bóng tình yêu như vậy, những ai bước theo Đức Kitô được mời gọi hãy là “tấm bánh bẻ ra” cho muôn người. Ơn gọi và sứ mạng phục vụ đó phải trở nên  kim chỉ nam cho mọi công việc, mọi hành vi và suy nghĩ của người môn đệ Chúa Kitô. Chúng ta hãy để Chúa định liệu, nhào lặn và sử dụng tấm bánh cuộc đời chúng ta, vì chỉ có như vậy chúng ta mới có thể làm cho tấm bánh của Chúa được lớn lên và không ngừng lưu thông đến mọi ngõ ngách trong tâm hồn của chúng ta, hầu làm cho chúng ta được trở thành tấm bánh đích thực. Khi đã có Chúa chúng ta sẽ không bẻ ra những miếng bánh hư hỏng hay những miếng bánh đã có mùi lạ, nhưng chúng ta sẵn sàng bẻ ra để trao nhau những miếng bánh của tình yêu, của lòng mến, của sự cảm thông và của sự nhiệt thành. Đồng thời, ý nghĩa nhất là chúng ta hãy để cho chính Chúa định liệu tấm bánh cuộc đời chúng ta, chúng ta bằng lòng chịu nghiền nát và chịu mất mình để thành những tấm bánh vừa đẹp vừa ngon, để trao ban và phù hợp với mọi người mọi lứa tuổi. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đánh mất mình nhưng là chúng ta đang sống vì người khác và cho người khác tấm bánh đời mình như chính Chúa Giêsu đã cho chúng ta tất cả những gì Ngài có để chúng ta được sống và sống dồi dào viên mãn. Bẻ vụn tấm bánh tặng cho đời, mỗi mảnh vụn làm lương thực nuôi dưỡng sự sống yêu thương giữa thế giới đang đói khát tình thương, mỗi kitô hữu được mời gọi không chỉ là tấm bánh dễ thương dễ gần mà còn là tấm bánh đi vào đời nói với đời tình yêu của Chúa ngang qua những hành động thiết thực của chúng ta “Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai tôi và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào thì kể ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57). Để chia sẻ sứ mạng tình yêu với Chúa chúng ta phải luôn kết hợp với Chúa qua việc khao khát đến với Bí tích Thánh Thể, khao khát kết hợp với Ngài để có thể luôn sẵn sàng  chia sẻ sự sống, nuôi dưỡng niềm hy vọng giữa một xã hội đang tuyệt vọng. Chúng ta không chỉ chia sẻ cho anh chị những thứ dư thừa mà cả những nhu cầu cần thiết như khả năng, sức lực, trí tuệ…, vì sự chia sẻ chính là dấu chỉ của tình yêu thương, cảm thông và lòng bác ái. Tấm bánh của chúng ta chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta biết cho đi, biết tìm hạnh phúc cho mọi người và xây dựng hạnh phúc đời mình trên tình yêu dành cho tha nhân. Đó là lúc tấm bánh mang nhiều mùi hương và chất dinh dưỡng cần thiết. Chúng ta đừng biến mình thành tấm bánh có nhiều mùi lạ, đó là những mùi của sự ghen tương đố kị, mùi của ích kỷ. Đồng thời, chúng ta cũng đừng vô tình bẻ tấm bánh đời mình là những thói hư tật xấu để người khác phải hứng chịu, sự chua chát, nóng nảy giận hờn, tấm bánh của sự ghen tuông, nói hành nói xấu đem lại cho người khác vị đắng của kiêu căng, vị mặn của hẹp hòi, vị chua của chanh chấp, vị cay của đố kỵ. Chúng ta đừng bao giờ biện minh cho mình rằng tôi đã cố gắng hết sức mà người ta vẫn vậy nên tôi không thể cố hơn được nữa. Vì nói như vậy là chúng ta đang biện minh “chiếc bánh cuộc đời” của tôi quá nhỏ và đầy giới hạn. Tôi không thể bẻ ra trao cho tất cả mọi người. Có lẽ điều đó là có lý nhưng chưa hoàn chỉnh, vì chúng ta quên rằng với Thiên Chúa thì cả phẩm và lượng đều cần nhưng quan trọng hơn vẫn là phẩm, vì Ngài biết chúng ta quá giới hạn đúng như chúng ta đã biện minh. Ngài không nhìn đến việc làm mà Ngài nhìn động cơ thúc đẩy việc làm đó, yêu nhiều hay yêu ít, làm vì sáng danh Chúa hay vì bản thân mình. Phải chăng là chúng ta đang cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa, sẵn sàng bẻ đời mình cho nhân loại hay chúng ta đang ích kỷ khư khư giữ lại cho mình những ân huệ Chúa ban, ngoảnh mặt làm ngơ trước nhu cầu của tha nhân. Chúa cần nơi chúng ta lòng mến chứ không phải là những huân nghiệp lẫy lừng mà không có tình yêu, như thánh Augustino “Cứ yêu đi rồi bạn muốn làm gì thì làm”. Nhìn vào con người của xã hôm nay, con người không chỉ đói khát lương thực nhưng còn đói khát sự thật, tình thương, hy vọng và sự sống. Cái đói đã làm cho bao người đánh mất chính mình, sẵn sàng bán rẻ lương tâm để có của ăn, áo mặc. Trước thực tại có thể xem như là nhức nhối của một xã hội mà nền đạo đức bị suy đồi và băng hoại bởi lối sống hưởng thụ, con người không ngừng khao khát và tìm cho mình được những thỏa mãn riêng, nhưng kết quả là họ không bao giờ tìm thấy được hạnh phúc viên mãn ngoài Bí Tích Thánh Thể.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thấy mình thật hạnh phúc, và luôn được đón nhận tràn trề hồng ân của Chúa, bởi vì nơi Bí tích Thánh Thể Chúa ban cho chúng con dư dật đến mức chúng con không đủ sức để lãnh nhận các ân huệ của Ngài. Chúa đến với chúng con dưới dạng tấm bánh bình thường, đơn sơ nhỏ bé, một tấm bánh gói trọn tình yêu dâng hiến, tấm bánh chẳng nói gì, chỉ biết lặng lẽ chờ đợi mỗi người chúng con. Tấm bánh hiện diện không phải là để được phục vụ mà là để phục vụ cho con người và vì con người, để nuôi sống con người. Chúng con thật hạnh phúc khi chiêm ngắm sự khiêm nhường thẳm sâu của Chúa nơi Bí tích Thánh Thể trong một tấm bánh nhỏ bé đơn sơ và gần gũi, Chúa đã tự nguyện hủy mình nơi tấm bánh để ở lại với chúng con. Xin ban ơn can đảm để chúng con cũng biết hủy mình, sống một đời sống khiêm nhường đơn sơ, hạ mình, phục vụ trong yêu thương, dấn thân mà không cần đền đáp, cho đi mà không mong được nhận lại, tha thứ mà không cần lý do, và trong mọi việc xin cho chúng con biết  luôn mặc lấy tâm tình của Chúa, mặc lấy sự bao dung quảng đại của Chúa, bỏ mình trong những trái ý, hy sinh trong những nhu cầu không cần thiết, luôn sẵn sàng bẻ tấm bánh cuộc đời chúng con để đến với anh chị em, đến với những ai đang cần đến chúng con. Xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con để chúng con trở thành những nhà tạm luôn được trang hoàng bằng những nhân đức của bác ái, của chân thành, của quên mình và sẵn sàng đón mời Chúa. Xin ban thêm lòng mến để chúng con luôn khao khát và can đảm đến với Chúa, đồng thời chúng con có thể đem Chúa đến với tất cả những ai đang khát khao được kết hợp với Chúa mà họ chưa tìm ra con đường đích thực là gặp Chúa và nên một với Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Amen.
CĐ Camêlô
 
​— ∞  +  ∞ —
 
BÁNH HẰNG SỐNG TỪ TRỜI XUỐNG
Bánh là lương thực vô cùng cần thiết đối với đời sống con người. Bởi thế mỗi người không thể thiếu bánh để nuôi dưỡng và duy trì sự sống của mình trên trần gian này. Hơn thế nữa, lời Đức Giêsu nói với người Do thái trong bài Tin mừng hôm nay rằng Ngài chính là Bánh Hằng Sống từ trời uống và ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Như vậy, Đức Giêsu đã tự nhận mình là Bánh - là lương thực đem lại sự sống thiêng liêng trường tồn cho con người. Bánh ấy chính là thịt Người hoặc là chính bản thân Người với trọn vẹn cuộc sống của Người cho nhân loại. Người đã đưa nhân tính của Người ra mà phục vụ sự sống của thế giới, của tất cả mọi người không loại trừ ai. Điều này nói lên bằng chứng tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa luôn trao ban cho loài người qua Bí tích Thánh Thể.
Khi nói đến việc ăn thịt và uống máu người quả là điều thật khủng khiếp chẳng ai dám nghĩ tới. Nhưng Đức Giêsu lại muốn nuôi cả nhân loại bằng Thịt và Máu Ngài. Và thực sự Ngài đã nuôi ta bằng cái chết trên thập giá. Ở đó Ngài đã hy sinh Máu Thịt mình để đem lại sự sống cho ta. Sự sống của Ngài là sự sống được trao đi qua cái chết tự nguyện, và sự sống được lấy lại qua sự Phục sinh vinh quang. Hơn nữa, Đức Giêsu tự nhận mình là Tấm Bánh (c.51): Tấm Bánh có sự sống và Tấm Bánh đó trao ban sự sống. Bởi vậy, Bánh không sống cho mình, nhưng cho người khác. Khi chấp nhận là “Bánh” có nghĩa là chấp nhận mất mình, mà chỉ khi mất mình như thế Bánh mới thật là bánh, mình mới thật là mình. Đức Giêsu là Tấm Bánh đặc biệt. Khi ta ăn, Ngài sẽ ở lại trong ta và ta được ở lại trong Người: "Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy" (c.56). Đây được coi là một sự ở lại hai chiều, một sự hiệp thông sâu thẳm. Vì thế, khi ta rước lễ là ta đón lấy dòng sự sống, chấp nhận sống nhờ Chúa. Như Đức Giêsu sống nhờ Cha thế nào thì ta cũng được sống nhờ Đức Giêsu như vậy (c.57).
Quả thật, để được thông phần vào sự sống muôn đời, cần phải ăn thịt và uống máu Đức Giêsu. Trong Bí tích Thánh Thể, bánh là thịt và rượu là máu Đức Giêsu. Người sẽ ban tặng chính bản thân Người như đã trao ban mạng sống cho ta trên thập giá. Các tặng phẩm Thánh Thể có nền tảng là chính cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, trong hành vi Người hiến tặng mạng sống để cho thế gian được sống, như bằng chứng tối cao về tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Đức Giêsu, Đấng hiến mạng sống trên thập giá, cũng ban thịt Người như là của ăn và máu Người như là của uống. Thịt và máu này là một bằng chứng tối hậu về tình yêu của Người và là bảo chứng về tình yêu mà Người chứng tỏ khi hy sinh mạng sống. Vì thế, ai lấy đức tin mà đón nhận quà tặng này, thì cũng tuyên xưng Đấng Chịu Đóng Đinh với tình yêu của Người là nguồn mạch ban sự sống, sẽ được thông phần vào sự sống và hiệp thông với Người: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (c.54). Một lần nữa, Đức Giêsu lại khẳng định rõ ràng rằng sự sống đời đời và hiệp thông cá nhân với Người chỉ là một. Với người nào ăn thịt và uống máu Người, người ấy sẽ được sống muôn đời (c.54) và người ấy được ở lại trong Chúa” (c.56). “Ở lại trong nhau” có nghĩa là trao đổi hỗ tương trọn vẹn và kết hợp với nhau chặt chẽ nhất.
Như vậy, Bí tích Thánh Thể là bữa tiệc Thiên Chúa đặt để thết đãi loài người. Bàn thờ dâng lễ cũng chính là bàn tiệc, nơi thịt và máu Đức Kitô được chuyển đến cho các thực khách làm thức ăn thức uống. Mọi người đều được mời gọi đến bàn tiệc này và lương thực là chính Đức Giêsu. Tuy nhiên, lương thực mà Người ban cho ta không phải được dùng để duy trì sự sống trần gian hoặc ngăn cản cái chết thể lý bởi chính Đức Giêsu cũng đã chết khi trao hiến thịt và máu trên thập giá. Vì vậy, ta phải hiểu rằng chính Người là bánh ban sự sống đời sau cho ta. Sự sống này sẽ không mai một đi trong cái chết và sẽ được viên mãn trong ngày sống lại.
Thế nên, khi ta ăn thịt và uống máu Đức Giêsu, ta cần phải ý thức mình được đón nhận quà tặng của chính Người, tuyên xưng niềm tin rằng Người hiện diện trong bánh - rượu đã được truyền phép và chỉ nhờ Người, Đấng được giương cao và chịu đóng đinh, ta mới có sự sống đời đời. Khi đó, ta cũng được mời gọi nhận ra rằng Thịt và Máu Người chính là bằng chứng cao cả nhất về tình yêu của Chúa Cha và của chính Người đối với nhân loại, đồng thời cũng là bảo chứng về sự sống đời đời mà Người muốn ban cho chúng ta.
Bên cạnh đó, khi ăn thịt Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, là cách thức duy nhất giúp ta tránh được tình trạng suy nhược thiêng liêng. Ăn Đức Kitô, chính là sống nhờ Đức Kitô. Nếu chúng ta hiệp thông đều đặn vào sự sống của Người, chúng ta đã được đặt để trong tình trạng ân phúc, và tình trạng này sẽ triển nở thành vinh quang trong cuộc sống vĩnh cửu.
Hơn nữa, đã hiệp thông vào thịt và máu Đức Kitô, ta trở thành “Đức Kitô toàn thể”. Do đó, ta cũng phải trở thành “lương thực” nuôi dưỡng anh chị em ta. Thật thế, bánh chẳng có ý nghĩa nếu chỉ để trưng bày cho người ta chiêm ngắm. Bánh chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng, nghĩa là bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tan biến và bị tiêu hóa. Vì thế, trở thành tấm bánh là phải chấp nhận đau đớn và chịu hủy hoại.
Khi xưng mình là bánh bởi trời, Chúa Giêsu bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chính Chúa chịu chết để cho ta được sống. Chúa chịu huỷ hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa bé nhỏ đi để cho ta được lớn mạnh.
Hôm nay, Đức Giêsu chủ động trở thành Tấm Bánh để hòa vào từng dòng máu, thớ thịt của con người trong một sự kết hiệp sâu xa. Người tự tiêu hủy mình để trở thành thịt máu của con người. Thật không còn sự kết hợp nào sâu xa khăng khít hơn nữa. Bởi vậy, có thể nói Đức Giêsu là tấm bánh tự hiến, Người là Bánh Hằng Sống từ trời được trao ban cho con người qua mọi thời đại.
Sau cùng, tấm bánh cũng gợi lên một bàn tiệc tại đó mọi người được quây quần trong tình yêu, chia sẻ lương thực và tâm tình. Thật không còn gì cao quí hơn khi chính Chúa Kitô tự hiến mình để quy tụ chúng ta. Chính Chúa Kitô bị bẻ ra để cho tình huynh đệ nhân loại được mặn mà thắm thiết.
Vì vậy, sống Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên tấm bánh tình yêu, luôn biết trao ban, tự hiến, chấp nhận hao mòn như Chúa cho những người xung quanh?
Sống Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là xây dựng tình hiệp nhất, tình huynh đệ và trở nên chứng nhân của Chúa trong mọi môi trường cuộc sống?
 
CĐ Sơn Tây
​— ∞  +  ∞ —

 
BÁNH TÌNH YÊU
TÌNH YÊU MỞ NGỎ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Thiên Chúa hằng có từ đời đời, Ngài tác tạo nên vũ trụ vạn vật và con người trong tình yêu nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa. Khi loài thụ tạo quay lưng lại với Thiên Chúa, Ngài không bỏ mặc nhưng ban Lời Hứa Cứu Độ tình yêu của Ngài trong việc chọn dân tộc Itrael là dân riêng của Ngài. Và để bắt đầu thực hiện Lời Hứa Cứu Độ, Thiên Chúa đã chọn gọi tổ phụ Apraham, các tổ phụ Itrael và trong thời sau hết, Thiên Chúa đã ban chính Ngôi Lời của Ngài là Đức Giêsu Kitô - Con Một Thiên Chúa để cứu độ muôn loài thụ tạo trong tình yêu của Ngài. Chính vì để nhắc nhớ chúng ta tưởng nhớ, suy tôn, chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ tình yêu cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa, hôm nay Giáo Hội hoàn vũ long trọng mừng lễ Kính Mình Máu Chúa Giêsu cách trọng thể. Nói về Bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu là nói về Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho mọi loài thụ tạo, đặc biệt là con người:
  1. “Tình yêu Đức Kitô là tình yêu cao đẹp nhất trong lịch sử loài người”
 Đã sinh ra làm người, chúng ta đều được đón nhận và sống trong tình yêu thương của cha mẹ và ắt hẳn ai trong chúng ta đều cảm nhận trên trần gian này chỉ có tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là tình yêu đẹp nhất, tình yêu vô vị lợi duy nhất mà chúng ta thấy được trên thế gian. Vậy mà tình yêu Thiên Chúa còn cao hơn tình yêu của cha mẹ đời này dành cho con cái, và chính tác giả của Thánh vịnh đã khẳng định: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có CHÚA đón nhận con (Tv 27,10). Như Cha Cố Piô Ngô Phúc Hậu đã nhiều lần xác quyết trong bài giảng lễ của mình, cha nói: “Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu cao đẹp nhất của lịch sử loài người”, vì chính Đức Kitô đã nói “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Tình yêu “thí mạng vì bạn hữu” được trải dài từ mầu nhiệm Nhập Thể và được xuyên suốt trong cuộc đời của Chúa Giêsu mà đỉnh cao là cái chết đau thương, oan khiên trên Thánh Giá vì tình yêu. Hơn thế nữa, Ngài còn lấy chính Mình và Máu của Ngài làm lương thực nuôi sống và dẫn con người đến sự sống đời đời: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (c. 51).
  1. Sáng kiến của tình yêu Đức Kitô
Mỗi ngày sống qua đi, hết thảy chúng ta đều thấy rõ sự mong manh, giòn mỏng của con người trước sự sống và cái chết, đặc biệt trong dịch bệnh Covit-19 đang hoành hành trên khắp thế giới. Ở những nước Châu Phi khi đứng trước dịch bệnh đáng lẽ họ phải tuân thủ việc cách ly xã hội nhưng họ lại làm ngược lại, người người lũ lượt lang thang trên khắp nẻo đường để đi tìm lương thực vì đói. Điều đó, cho thấy người ta đang phải đối diện với cái đói còn đáng sợ hơn cả cái chết vì dịch bệnh. Thật vậy, sự sống đời này dù mau qua nhưng người ta vẫn cần có lương thực đời này để sống và để chiến đấu đến hơi thở cuối cùng thế nào thì chặng đường thiêng liêng đầy gian nan và khó khăn lại càng cần thiết để con người có đủ sức đi tới. Và chính tình yêu đã thúc bách Đức Kitô hiến Mình và Máu làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn con người trên đường về Thiên Đàng và hứa hẹn mang lại sự sống đời đời cho những ai tin mà ăn thịt và uống máu Con Người: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (c. 56). Quả thật, tình yêu luôn luôn có những sáng kiến rất riêng và độc đáo mà lý trí không thể hiểu được. Sáng kiến của tình yêu Đức Kitô luôn mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc và sự sống đời đời cho con người và con người chỉ cần đáp trả trong niềm tin yêu vào Chúa mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, trước tình yêu cao đẹp nhất trong lịch sử loài người và sáng kiến siêu việt trong tình yêu của Ngài mà lý trí con người không thể hiểu thấu được, con được mời gọi tiếp tục sứ mạng tình yêu cao đẹp đó trên hành trình nên thánh bằng tất cả sự sáng tạo và mới mẻ trong tình yêu Thiên Chúa và anh em đồng loại.
Như nhiều người vẫn thường nghĩ, con người chết khi ngừng thở, điều này có thật sự hoàn toàn đúng? Trong niềm tin vào Thiên Chúa tình yêu, con xác tín rằng: con người chỉ thực sự chết khi không biết yêu thương và tha thứ. Nếu đằng sau sự yên lặng của trái tim làm cho thân xác con người chết thì tình yêu sẽ làm cho con người sống mãi ngay cả khi trái tim nơi thân xác con người ngừng đập. Tình yêu sẽ làm cho người đó sống mãi trong tình yêu của Thiên Chúa và của hết thảy mọi người. Quả thật, tình yêu luôn có sáng kiến và có sức mạnh vượt trên cả thần chết để có thể tồn tại và sống mãi trong tình yêu thương. Hơn thế nữa, tình yêu không những không làm cho con người chết trong cái chết thể lý nhưng tình yêu có sức mạnh mở ngỏ cho sự sống đời đời trong Đức Giêsu Kitô.
Bước theo Chúa Giêsu tình yêu, con nguyện yêu để tồn tại, con nguyện yêu để sống, con nguyện yêu để làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu đã yêu loài người quá bội! Bước theo Chúa Giê-su, con nguyện yêu để anh chị em đồng loại được sống mãi trong tình yêu hiệp thông đời đời trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
Lạy Mình và Máu Chúa Giêsu, con cảm tạ tình yêu của Ngài đã yêu con và toàn thể nhân loại. Xin cho con và anh chị em đồng loại biết đáp lại tình yêu của Ngài bằng tình yêu thương nhau. Amen!
T. Đinh Thị Hiền
Lớp Thần 
học K4 - Học viện MTG Hưng Hóa
 
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log