Trong cuộc sống, để đạt được mục đích mình vươn tới con người luôn phải nỗ lực tìm mọi phương thế để có được. Đồng thời, cũng phải học biết từ bỏ những gì không tốt, hay có thể phương hại đến mục đích đó. Quả thật, không ai có thể hái những trái ngọt mà lại không có những tháng ngày vất vả gieo vãi hạt giống và dày công chăm sóc. Cũng vậy, là người kitô hữu chúng ta biết rằng tấm vé vào Nước Trời chẳng bao giờ dễ dàng có được như một tấm vé vào rạp chiếu phim, giống như não trạng của bao người “Có tiền mua tiên cũng được”. Nhưng đây là sự đánh đổi bằng cả cuộc đời với sự nỗ lực kiếm tìm trong Chân-Thiện-Mỹ. Dụ ngôn Kho báu, viên ngọc quý được Chúa Giêsu dùng để nói về nước trời như một câu trả lời có hậu nhất cho những ai đang khao khát đi tìm mục đích tối hậu của đời mình là chính Thiên Chúa và sự diện kiến thánh Nhan Ngài.
Mở đầu trang Tin Mừng, Thánh Sử Mátthêu đã ghi lại hình ảnh của người thương gia khi gặp được kho báu và ngọc quý. Ông đã bán đi tất cả những gì mình có mà mua cho kỳ được. Người thương gia chắc chắn ý thức được giá trị của viên ngọc quý và kho báu, nên ông đã thu gom mọi thứ trong gia đình bán đi để mua cho bằng được. Quả thế, kho báu của trần gian chỉ là vật vô chi vô giác, nay còn mai mất, là những thứ chỉ mang giá trị tạm thời mà con người phải bôn ba khắp nơi để tìm kiếm. Và khi tìm thấy lại sẵn sàng bán đi mọi sự để có được nó. Chúa Giêsu đã rất khôn ngoan khi dùng dụ ngôn ngọc quý và kho báu để nói về giá trị to lớn của Nước Trời. Nước Trời mới thực sự là kho báu, là ngọc quý và là cùng đích mà con người cần kiếm tìm. Nhưng để đạt được Nước Trời, con người cũng phải “bán đi tất cả những gì mình có”. Tuy nhiên, những thứ con người bán đi không dựa trên của cải vật chất, nhưng dược đo lường bằng tình yêu mến Thiên Chúa và tha nhân: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12, 30). Đây là hai điều kiện không thể thiếu để đạt được tấm vé vào Nước Trời.
Vậy đâu là những tài sản người kitô hữu cần bán đi để có được Nước Trời? Đứng trước một xã hội tục hóa về văn hóa, luân lý bị suy đồi, sống chủ nghĩa hưởng thụ với thú vui giới tính qua phim ảnh, internet…, cùng “nếp sống tiền”, con người không mỏi mệt để lao mình vào những cuộc vui chơi thâu đêm, hay không từ mọi thủ đoạn để có được tiền tài, danh vọng, lạc thú. Nước Trời mà dụ ngôn nhắc tới như lời mời gọi con người hãy nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa ngang qua thế giới hữu hình. Nhìn vào thực tế của xã hội ngày nay, con người thay vì tôn thờ Thiên Chúa thì họ lại có thái độ phỉ báng, chà đạp lên ảnh tượng Chúa. Một nền văn hóa phi nhân đạo diễn ra khắp nơi như: không tôn trọng sự sống, đời sống luân lý bê tha, hôn nhân đồng tính… sự ác đang lan tràn khắp nơi. Qua bài Tin Mừng hôm nay, nó như một lời mời gọi con người thực hiện cuộc hoán để cải trở về với Thiên Chúa. Đây chính là tiếng chuông cảnh báo cho con người hãy thức tỉnh về những hành vi của mình bằng đời sống bác ái, yêu thương, phục vụ… Bên canh đó, dụ ngôn cũng cho thấy Nước Trời sẽ như chiếc lưới sàng lọc “cá tốt” và “cá xấu”. Cá tốt thì cho vào giỏ, cá xấu bị quăng ra ngoài và đốt đi. Để nói đến một sự thưởng-phạt, họa-phúc. Thật vậy, ngày mẻ lưới cá cuộc đời của Chúa cất lên, cũng là ngày những đứa con mà Thiên Chúa đã dưỡng nuôi ở thế gian phải về trình diện trước thánh nhan Ngài. Sẽ có biết bao tiếng kêu rên siết khiến Ngài não lòng. Nhưng Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, luôn yêu thương con người, Ngài không muốn con người phải đau khổ nên luôn cho con người có thời gian để biến đổi. Ước gì mỗi người kitô hữu biết nhận ra Kho báu và ngọc quý đích thực chính là Nước Trời, mà con người đang kiếm tìm trên con hành trình dương thế, để rồi can đảm bán đi tất cả những gì mình có để có được Nước Trời.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người kitô hữu chúng con biết ý thức giá trị to lớn của Nước Trời, để rồi chúng con biết sẵn sàng từ bỏ mọi thứ của cải đang trói buộc chính mình, nhờ đó chúng con sẽ chiếm lĩnh được kho báu đích thực là chính Chúa. Amen.