Lời Tuyên Tín
Thầy Là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống
“Hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì người ấy ở lại trong Thiên Chúa”. Thánh Gioan đã xác quyết như thế trong thư thứ nhất của Ngài. Thật vậy, Chúa đã đến trong thế gian đã hơn hai ngàn năm qua, Ngài đã đến và ở lại giữa chúng ta như một người phàm. Trải qua thời gian, Chúa đã dần mặc khải cho chúng ta Ngài là ai, và sứ vụ của Ngài, hiểu biết về Ngài, tuyên xưng niềm tin vào Ngài. Nhờ sự xác tín vững vàng nơi Ngài, mà chúng ta được hưởng nơi Ngài nguồn ơn cứu độ. Lời Chúa hôm nay thánh sử Mátthêu đã thuật lại cho chúng ta cuộc phỏng vấn của Đức Giêsu với các môn đệ về sự hiểu biết của người đời và của chính các ông về Ngài. Qua đó, Ngài muốn các ông thực sự xác tín vào Ngài, chia sẻ sứ vụ cứu thế với Ngài, để cùng bước đi với Ngài trên những bước đường gian nan sắp tới.
Hành trình theo Chúa của các môn đệ với ba năm, tuy không là khoảng thời gian quá dài, nhưng có lẽ cũng đủ để họ hiểu về Thầy mình. Thế nhưng, dù sống cận kề với Thầy, cùng ăn cùng uống với Thầy, được thầy dạy dỗ, nhưng sự hiểu biết về Thầy còn rất giới hạn, và dường như còn mơ hồ nữa. Trước câu hỏi “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16,13b), người đời đã không trả lời chính xác về Chúa, vì họ không hiểu biết rõ về Ngài. Vậy còn các môn đệ, khi Ngài cất tiếng hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Với câu hỏi này, Chúa muốn các môn đệ phải trả lời ở mức độ riêng tư hơn, hiểu biết sâu xa hơn về Chúa. Câu trả lời của Phêrô : “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống”, là một câu hoàn toàn chính xác con người thật của Đức Giêsu. Dù như Chúa nói: “Không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy”. Nhưng đây lại là một lời khẳng định, một lời tuyên tín mà Chúa cần nơi các môn sinh yêu dấu. Khi Phêrô khẳng định như thế, Chúa cũng muốn các ông hiểu điều mà Phêrô tuyên xưng. Ngài là Đức Ki-tô, là Messia - Đấng cứu độ, là Con Thiên Chúa, là một vị vua, nhưng nước Ngài ngự trị là Thiên quốc, không thuộc thế gian này. Ngài cai trị vũ hoàn bằng tình thương. Một vị Thiên Chúa cứu độ khiêm hạ mang kiếp phàm nhân. Hơn thế nữa Ngài còn mang “thân nô lệ”. Chúa muốn Phêrô khi tuyên xưng như thế, ông cũng phải hiểu được chương trình cứu độ của Ngài, cùng với Ngài bước vào Giêrusalem. Nơi đó, khổ đau khủng khiếp đang chờ đón Ngài bằng cuộc thương khó.
Lời Chúa cho chúng ta thấy thái độ tuyên xưng của Phêrô thật hùng hồn, nhưng ta cần hiểu hoàn cảnh khi đó, giữa bầu khí thân thương, các môn đệ và Chúa quây quần bên nhau đầm ấm tình thầy trò. Những tưởng lời tuyên xưng ấy đi vào tâm thức của Phê-rô, nhưng ngay sau đó khi Thầy tiên báo về cuộc thương khó, Phêrô lại ngăn cản Thầy, lại bị Thầy quở trách là sa tan, là tư tưởng của loài người. Khi cùng Thầy bước vào “vườn dầu” cũng thế, Phêrô đã không chút do dự, mà thẳng thừng tuyên bố: “Tôi không biết người này là ai?” (Mt 26,72), không chỉ một mà tới ba lần chối Thầy. Cùng là một Phêrô, môn đệ thân tín khẳng khái tuyên xưng Thầy như thế, rồi lại phủ nhận không một chút suy nghĩ, không một chút đắn đo.
Các môn đệ theo Chúa, ở với Ngài ba năm, còn chúng ta khi nhìn lại hành trình cuộc đời mình, chúng ta đã theo Chúa bao lâu rồi? Chúng ta cũng được sống và gắn bó với Chúa, không chỉ được nghe giáo huấn của Chúa, tuyên xưng Chúa, mà còn với đức tin, qua bí tích Thánh Thể, chúng ta được trở nên một với Chúa. Nhưng thử nhìn lại lời tuyên xưng đó nơi chúng ta. Chúng ta có luôn xác tín điều mình đã tuyên xưng? Nếu chúng ta thật sự tin rằng Ngài là con Thiên Chúa, là Thiên Chúa cứu độ, là cứu cánh, là cùng đích của chúng ta, thì trong gian nan khốn khó, ta vẫn một lòng kiên gan vững trí trong cầu nguyện, phó thác cho tình yêu và sự quan phòng của Chúa thì thật đáng quý dường nào. Nhưng chúng ta đã hành động ngược lại, sẵn sàng gạt Chúa ra khỏi cuộc sống, khi rơi vào bế tắc, khi gặp khổ đau, trái ý. Những lúc đó, Chúa không còn là Đấng cứu độ, là con Thiên Chúa hằng sống nữa, mà Ngài trở thành một vị “Thiên Chúa chết”, khi không lập tức giải thoát những tai họa ập xuống trên cuộc đời, hay coi Thiên Chúa là một vị thần xấu đẩy con người vào chốn cơ cực, khổ đau.
Chúng ta cần nhìn lại cung cách sống của mình, dù là kitô hữu, hay tu sĩ tận hiến mình cho Chúa cần phải tự vấn chính mình như lời hát của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Ân “Giờ này đối với tôi, Đức Kitô là ai rồi, giờ này đối với tôi, Ngài còn là Ngài hay thôi?”. Và giờ này nếu Chúa trực tiếp hỏi mỗi người, hỏi tôi, hỏi bạn, thật cụ thể: còn con, con bảo Thầy là ai? Chúa là ai với tôi lúc này?
Vâng! Chúng ta cần có một thái độ nghiêm túc để trả lời cho Chúa, để xác tín lại điều mà chúng ta đã tuyên xưng. Lời tuyên tín của Phêrô khi xưa thật quan trọng, và còn quan trọng hơn, cấp thiết hơn trong bối cảnh thực tại xã hội hôm nay. Bởi giữa một thế giới phát triển không ngừng, một thế giới đầy biến động, với bao hấp lực mê hoặc chúng ta, bao chủ thuyết làm chúng ta lung lạc niềm hy vọng vào Chúa. Bao biến cố đang xảy ra, gây hoang mang, nhất là đại dịch Covid -19 bùng phát đang ngày càng trở nên phức tạp đến mức không thể kiểm soát được, đã cướp đi sinh mạng của biết bao người, gây ra những hậu quả đau thương. Thay vì phải kiên trì, phải tha thiết khẩn cầu lòng thương xót Chúa, tin vào quyền năng và sức mạnh của Chúa, thì lại kéo nhân loại trong đó có không ít những người kitô hữu chúng ta, rời xa Đấng Cứu Thế, đẩy chúng ta vào nỗi thất vọng chán trường.
Chúng ta cần “đánh thức” niềm tin của chúng ta nơi Đức Kitô, niềm tin mà Chúa đã trao ban cho chúng ta ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, và luôn nhắc mình rằng: Đức Kitô luôn là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta. Ngài đang sống trong chúng ta, giữa lòng thế giới này, thật sống động nơi vũ trụ vạn vật. Ngài cũng đang cùng đau với những nỗi đau của chúng ta, Ngài con khát mong cho chúng ta bình an, hạnh phúc hơn cả chúng ta mong nữa, để chúng ta đừng bao giờ “nhìn Ngài như một mẫu gương tốt ở trong quá khứ xa xăm, như một ký ức, như một ai đó đã cứu mình cách đây hơn hai ngàn năm” (ĐGH Phanxico - Cristusvivit). Chúng ta cần nghiêm túc để thấy được rằng; một khi đã tuyên tín vào Đức Kitô là Thiên Chúa Hằng Sống như thế, thì hãy “để cho Người hiện diện trong đời sống của chúng ta mọi khoảnh khắc” (Cristusvivit), để Ngài “ban ánh sáng chan hòa cho nó và xua đi mọi buồn phiền và cô đơn”. Chúng ta cần sống và tin vào Ngài, dù không thấy Ngài cách hữu hình, nhưng Ngài vẫn luôn ở với chúng ta như lời Ngài đã hứa “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20), để cho Ngài “lấp đầy đời sống của chúng ta với sự hiện diện vô hình của Ngài. Nhưng sự hiện diện đó sẽ trở nên ngọt ngào, dịu dàng và đầy sức mạnh nội lực, để chúng ta sống một cách trọn vẹn trong Chúa và được ở lại trong ngài luôn mãi”. (Cristusvivit)
Lạy Chúa Giêsu “Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống”, xin cho lời tuyên tín này luôn vang vọng trong tâm hồn chúng con và trong lòng thế giới này. Xin khắc sâu trong tâm trí chúng con, để chúng con khi đã tuyên xưng vào Chúa, thì chúng con cũng xác tín rằng, chúng con chắc chắn có được Đức Kitô Hằng Sống muôn đời, cho chúng con luôn biết bám chặt lấy Chúa, chúng con sẽ có sự sống vĩnh cửu, “sẽ được bảo vệ khỏi đe dọa của chết chóc và bạo lực, là những thứ có thể ập đến trong cuộc đời chúng con” (ĐGH Phanxicô). Xin cho đức tin được thể hiện cách cụ thể, sống động trong chúng con, để từ đó, mọi người thấy được khuôn mặt của Chúa trong thế giới này. Hơn thế nữa, nhờ sự sống động của đức tin mà chúng con chiến thắng được thế gian như lời thánh Gioan đã nói: “Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian đó là lòng tin của chúng ta”. (1Gioan.4b). Amen.