MẾN CHÚA – YÊU NGƯỜI
Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết, diễn biến cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với các phe phái. Nhìn vào bài Tin mừng, chúng ta cũng thấy ngay một cái nhìn tổng quát của những cuộc tranh luận, đối thoại giữa các phe phái Do thái Giáo và Chúa Giêsu không phải nhằm mục đích để hiểu luật hơn, hay để thống nhất điều gì đó trong luật hoặc các vấn nạn khác, nhưng là một sự toan tính “khôn ngoan theo kiểu con người”. Các nhóm này vốn đã có sự hiềm khích đối với Đức Giêsu, nhưng Đức Giêsu luôn luôn tỏ ra là chủ động và Ngài đã khôn ngoan để lợi dụng mọi hoàn cảnh, mọi tình huống để loan báo Tin Mừng Nước Trời, bày tỏ thánh ý của Thiên Chúa. Và hôm nay nhân câu hỏi về điều luật nào là quan trọng nhất, Chúa Giêsu đã đi thẳng vào trọng tâm, công bố cốt lõi của luật là MẾN CHÚA - YÊU NGƯỜI, và đây cũng là điểm then chốt mà tất cả luật Môsê cũng như các sách ngôn sứ phải tùy thuộc vào.
Hầu hết các phe phái trong Do thái giáo thời Chúa Giêsu họ không mấy thân thiện với nhau, thế nhưng với sự kiện Đức Giêsu xuất hiện cách nổi bật trong dân chúng, thì dường như đó là mối dây liên kết kéo họ lại gần với nhau. Nếu như trước đây họ chống đối nhau (x.Cv 23,6-10), thì giờ đây họ như đã bắt tay nhau, nếu như trước đây ai mạnh người nấy thắng thì giờ đây họ như hợp nhất với nhau, bởi họ đều có một mối quan tâm chung, một vấn nạn quan trọng chung cần phải giải quyết. Ngay câu đầu của đoạn Tin Mừng cho chúng ta thấy sự thất bại của nhóm này là động lực để thúc đẩy nhóm kia tiếp tục đứng lên chiến đấu. Không phải bỗng dưng có cuộc tranh luận này, và cũng không phải họ hỏi Đức Giêsu vì họ không biết, nhưng nguyên nhân thúc đẩy họ bày ra cuộc tranh luận này là vì “họ đã nghe tin, Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xa đốc phải câm miệng”. Và để đáp lại sự thất bại này, người Pharisêu đã họp nhau lại, đã cùng nhau bàn bạc, trao đổi để đưa ra những phương án, những cách thức, những câu hỏi khôn ngoan và tối ưu nhất để nhằm cho Đức Giêsu mắc bẫy.
Người Việt Nam từng có câu “Giỏi thì người ta ghét, dốt thì người ta khinh, thông minh thì người ta ghen tỵ”. Quả là Đức Giêsu của chúng ta cũng không ra khỏi qui luật đó. Ngài không những chỉ giỏi và thông minh, nhưng Ngài còn hơn thế rất nhiều. Tự nơi bản thân Ngài đã có sức hút kỳ diệu, có sức thu phục lòng người, có quyền năng, có uy thế trong lời nói và việc làm. Ngài không những có uy quyền trên con người mà còn có uy quyền trên cả muôn loài muôn vật: bệnh tật cũng phải rút lui, bão tố, sóng biển cũng phải vâng lời, ma quỷ, các thần ô uế cũng phải khuất phục. Sự vượt trội của Đức Giêsu về mọi mặt như thế lẽ ra mọi người đều phải ca tụng, tôn vinh và bái phục mới đúng. Thế nhưng đối với người trần mắt thịt và đặc biệt là đối với những người hàng xóm láng giềng của Đức Giêsu và giới lãnh đạo Do Thái, thì Đức Giêsu chỉ là một anh thanh niên nghèo con ông thợ mộc quê ở Nadaréth mà thôi (x. Mt 13,55-56). Một anh thanh niên nghèo, không được đánh bóng tên tuổi cũng không địa vị mà lại được nổi tiếng, được mọi người ca tụng, tôn vinh… thật là một điều chướng tai gai mắt. Vì thế lòng ghen ghét của những người, những thế lực vốn vẫn có tên tuổi, địa vị chức quyền từ trước đến nay càng thêm mạnh mẽ hơn. Không phải vì yêu thương nhau, nhưng vô tình họ đã liên kết với nhau, cùng dõi theo Đức Giêsu trên mọi đường đi nước bước, và cùng nhau dàn trận ở mọi phía để bao bọc lấy Ngài.
Với sự khôn ngoan, thông minh thượng trí của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã biến đổi mọi sự hoàn toàn trở nên khác, Ngài đã hoán đổi từ thế bị động sang thế chủ động, từ thế bị tấn công sang thế tấn công. Nhân cơ hội này Ngài đã công bố lề luật của Thiên Chúa và sứ điệp của Người: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn…” (Mt 22,37-39). Điều luật của Thiên Chúa mà Đức Giêsu công bố hôm nay không phải là điều gì mới lạ, nhưng là chính những điều đã được ghi chép trong sách thánh cách rất rõ ràng với những hướng dẫn rất cụ thể, tỷ mỷ. Đã là người Do Thái thì không ai là không thể không biết điều luật quan trọng này, đó là “yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự” ( Đnl 6,4-9), và “yêu người thân cận như chính mình” (Lv 19,18). Điều luật này đối với họ không phải chỉ biết mà thôi nhưng còn là châm ngôn sống và họ buộc phải ghi lòng tạc dạ, phải nhắc nhở cho nhau mọi nơi mọi chốn: “ phải nhắc nhở cho con cái lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy…” ( Đnl 6,7).
Câu trả lời của Đức Giêsu cũng đã làm cho nhóm Pharisiêu phải nhận chung một kết quả như nhóm Xađốc là họ không thể mở miệng nói thêm được câu nào. Câu trả lời Của Đức Giêsu không chỉ đơn giản là một câu trả lời cho vấn đề họ thắc mắc mà thôi. Nhưng chỉ với một câu trả lời ngắn gọn cũng đã nói lên được vị thế của Ngài. Chính Ngài là vị Chúa Tể Lề Luật. Chính Ngài là Đấng công bố luật và hoàn tất luật: “Tôi đến không phải để phá bỏ luật Môsê hoạc lời các ngôn sứ, nhưng là để kiện toàn” (Mt5,17). Đức Giêsu đã nêu lên căn cốt của toàn bộ lề luật mà trong đó tất cả luật Môsê cũng như sách các ngôn sứ phải tùy thuộc vào.
Đức Giêsu không đưa ra điều luật nào mới lạ, nhưng Ngài đã làm mới lại các điều luật, các giới răn, các lời ngôn sứ bằng việc kết nối tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân trong một. Giới luật quan trọng ấy đã được Đức Giêsu công bố và trở nên hoàn tất trong Ngài. Nơi chính bản thân Ngài hai tình yêu ấy, tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân đã được nhập thể - nhập thế, hợp nhất nên một trong Ngài. Suốt cuộc đời trần gian, Ngài đã sống trọn vẹn hai giới răn này: “Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi” (Ga 12,45). Và “ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy. Và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9,37). Đức Giêsu đã dạy cho những kẻ chất vấn Ngài cũng như những ai muốn nên nghĩa thiết với Thiên Chúa về giới luật quan trọng nhất và cũng là điều Thiên Chúa mong ước mọi người thực hiện để được cứu độ.
Tình yêu thì vô hình không ai có thể nhìn thấy và đo lường bằng các công thức khoa học được, nhưng nó lại được thể hiện cách hữu hình, cụ thể qua cuộc sống, qua những cử chỉ, lời nói, hành động… tình yêu không phải chỉ yêu chỉ thương ở trong lòng hay nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật bằng việc làm (1Ga 3,18). Vì thế, chúng ta được mời gọi sống cốt lõi của luật là lòng mến: “Mến Chúa – yêu người”, cho nên ngay từ bây giờ chúng ta hãy để cho Lời Chúa được đi vào thế giới này qua trung gian là chính mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta chưa phải là vị đại thánh, nếu chúng ta chưa phải là một người vĩ đại, và nếu chúng ta chưa thể làm được điều gì vĩ đại để chứng tỏ là mình yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, thì chúng ta vẫn có thể làm được những điều tầm thường nhưng với một tình yêu phi thường dành cho Thiên Chúa. nếu không làm được gì nhiều thì ít ra chúng ta hãy mong ước những điều tốt đẹp cho nhau, cầu nguyện cho nhau, cùng nhau chia sẻ những chuyện buồn vui sướng khổ, cùng sẻ chia miếng cơm manh áo cho nhau, cùng giúp nhau vượt qua khó khăn thử thách, ra tay giúp đỡ những người “nghèo” hơn chúng ta về tinh thần cũng như vật chất, tôn trọng mọi người, không nói hành nói xấu, không cản trở công việc của người khác… tình yêu có sáng kiến riêng của nó, đã là tình yêu chân thành thì có nhiều cách để thể hiện, nhiều việc để làm. Và làm được những điều nho nhỏ như thế thôi nhưng làm với lòng mến Chúa thì đã thực nhiện được luật yêu thương rồi.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định và công bố toàn thể sách luật Môsê và sách các ngôn sứ đều tóm lại và tùy thuộc vào hai giới răn “MẾN CHÚA – YÊU NGƯỜI”. Tuy là hai giới răn nhưng lại là một, bởi cả hai đều quan trọng như nhau và không thể tách rời nhau, bởi “Nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,20-21).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con thêm lòng yêu mến Chúa, yêu mến anh chị em và biết luôn ghi lòng tạc dạ, sống và thực hành chân lý mà Chúa dạy chúng con đó là “Mến Chúa – Yêu người”, để chúng con được ở trong tình yêu của Thiên Chúa, và mọi người nhận biết Thiên Chúa là cha yêu thương hết thảy mọi người. Amen!