Tin Mừng Chúa Nhật 32 thường niên[1] kể về dụ ngôn mười cô trinh nữ cầm đèn đón chàng rể. Dụ ngôn này như một lời nhắc nhở cộng đoàn tín hữu sơ khai về thái độ tỉnh thức cần có để đón chờ ngày Chúa Giêsu đến lần thứ hai. Chàng rể trong dụ ngôn này là Chúa Giêsu. Thời khắc bất ngờ trong đêm là ngày Ngài đến trong vinh quang phán xét người lành kẻ dữ. Các cô trinh nữ khôn ngoan và khờ dại đại diện cho thái độ tỉnh thức khác nhau của con người đối với ngày Chúa đến. Đây có thể là thái độ tỉnh thức của mỗi người đối với ngày mình lìa cõi thế; và cũng là thái độ đón Chúa đến với mình qua những chi tiết bất ngờ của đời sống hằng ngày.
Hình ảnh ngọn đèn của các cô trinh nữ là một hình ảnh đẹp để diễn tả thái độ sống tỉnh thức. Trước tiên, tỉnh thức là cầm ngọn đèn soi trong đêm tối. Thực ra, không ai cầm đèn lúc ban ngày cả. Sự khác biệt giữa những cô khờ dại và những cô khôn ngoan được thể hiện rõ trong hoàn cảnh đêm tối. Khi đèn của năm cô khờ dại tắt ngúm, đèn của năm cô khôn ngoan vẫn cháy sáng để đón chàng rể đến giữa đêm khuya. Đêm tối đại diện cho những những khó khăn thử thách hay chán nản gặp phải trong hành trình đón Chúa đến với cuộc đời mình. Nhiều người sẽ sẵn sàng đón Chúa lúc bình minh ló rạng, lúc mình cảm thấy khoan khoái bình an vì những điều thuận lợi xảy đến trong đời sống cá nhân, trong tương quan gia đình hay trong sự thăng tiến của công việc. Sẽ là một thách đố lớn lao trong việc sẵn sàng đón Chúa nếu họ đối mặt với đêm đen của những thất bại, bị chỉ trích, phản bội, hay khi lấm lem trong những lầm lỗi luân lý của bản thân và của xã hội. Tuy vậy, kiên trì cầm được ngọn đèn cháy sáng trong đêm tối mới là những người khôn ngoan và tỉnh thức.
Thứ đến, bình dầu được chuẩn bị sẵn đại diện cho thái độ khiêm tốn của con người. Phải chăng các cô khờ dại đã quá chủ quan về ngày giờ chàng rể đến khi không mang theo bình dầu bên mình. Phải chăng các cô quá tự tin về một kế hoạch được vẽ ra trong đầu và đoan chắc rằng chàng rể sẽ tuân theo kế hoạch ấy. Tỉnh thức là sẵn sàng cho mọi tình huống không ngờ xảy đến với mình. Trời cao hơn đất thế nào thì đường lối Thiên Chúa vượt trên đường lối con người như vậy (Is 55,8). Người khôn ngoan đích thực là người ý thức về sự mờ tối của mình trước kế hoạch của Thiên Chúa. Họ luôn mở ra với những tình huống bất ngờ, sẵn sàng thay đối và bỏ đi ý riêng khi nhận ra được kế hoạch lớn hơn của Thiên Chúa dành cho mình. Cuộc sống có rất nhiều điều nằm ngoài tầm hiểu biết của con người, có rất nhiều vấn đề nằm ngoài khả năng giải quyết của con người. Lúc này, người tỉnh thức là người ý thức về sự mỏng dòn giới hạn của phận mình để sẵn sàng khuôn mình vào kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.
Sau cùng, nếu người cầm đèn sáng là người tỉnh thức khôn ngoan, thì khôn ngoan ấy là khôn ngoan hướng về Thiên Chúa. Nhiều người đánh giá sự khôn ngoan qua những thành tựu đạt được trong con đường tri thức, qua sự tăng trưởng kinh tế hay tài khéo đối nhân xử thế thu hút lòng người. Khôn ngoan của các cô trinh nữ trong dụ ngôn là khôn ngoan tìm kiếm và đón Chúa đến với cuộc đời của mình. Kiến thức, tài năng, danh vọng, tiền tài rồi cũng sẽ qua đi. Chỉ có Thiên Chúa và những giá trị Tin Mừng mới là điều còn lại và đáng để tìm kiếm. Thật đáng buồn khi người ta dành trọn con tim, khối óc và thời gian để theo đuổi những giá trị trần thế mà bỏ quên việc tìm kiếm Thiên Chúa. Liệu những giá trị ấy có đưa họ đến niềm vui, bình an và ơn cứu độ đích thực. Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào có ích gì? (Lc 9,25). Ngọn đèn khôn ngoan không chỉ là một ngọn đèn luôn cháy sáng, nhưng còn là ngọn đèn soi ta đến đúng cùng đích của cuộc đời.
Nhiều người ngày nay đang cầu xin ơn bình an cho mình và cho tha nhân giữa những nghịch cảnh của cuộc đời; đồng thời xin cho mình được xa lánh tội lỗi mà sống theo ý Chúa. Lời cầu xin ấy sẽ trọn hảo hơn khi con người biết sống tâm tình tỉnh thức của năm cô khôn ngoan trong dụ ngôn: kiên vững trong đêm tối, khiêm tốn mở ra với những kế hoạch bất ngờ, và ưu tiên dành hết tâm trí hướng về Thiên Chúa.
………..
[1] Mt 25,1-13. Chúa Nhật, ngày 8.11.2020