Thứ bảy, 23/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VII Phục Sinh - Năm B (Ga 17,11b-19)

Cập nhật lúc 14:51 14/05/2021


SỨ MẠNG NGƯỜI MÔN ĐỆ TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ SỐ
 
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4, 5G – một giai đoạn bùng nổ công nghệ thông tin. Có người lại gọi với cái tên hoa mỹ hơn  “phẳng số hóa trái đất” hay “số hóa địa cầu”. Sự gia tăng các phương tiện hiện đại đã giúp cho con người rất nhiều trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống. Viễn tượng về một thế giới hiện đại hơn được con người phác họa lên, người ta mơ tưởng một ngày nào con người có thể ở trên mặt trăng và các hành tinh khác. Tất cả những điều đó làm cho con người nghĩ mình đã trở nên toàn năng, nghĩ bản thân có thể làm được tất cả mọi việc mà không cần đến Thiên Chúa. Từ đó, con người bắt đầu chạy theo lối sống buông thả, chủ nghĩa cá nhân được coi trọng hơn bao giờ hết. Con người đã và đang mất dần đi cảm thức về tình thương, mất đi cảm thức về tội lỗi. Điều này đã làm cho tội lỗi mỗi ngày một gia tăng, chiến tranh, đau khổ, đói nghèo, dịch bệnh vẫn đang xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Sống trong thời đại như vậy, người môn đệ Chúa Kitô phải sống như thế nào? Phải làm gì để tinh thần Tin Mừng được thấm nhập vào trong xã hội hôm nay?
Trước khi rời thế gian về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cách đặc biệt cho các môn đệ. Người luôn lo lắng cho các môn đệ khi phải sống giữa thế gian và sống trong thế gian. Nhưng không phải vì thế mà Người xin Chúa Cha cất các môn đệ khỏi thế gian, hay bao bọc họ như người ta gìn giữ một món đồ dễ vỡ, nhưng chính là trao cho họ một sứ mạng “như Cha sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17,18). Mặc dù biết trong thế gian có đầy những cạm bẫy, cám dỗ, khó khăn, bắt bớ và phải chết, nhưng Chúa Giêsu vẫn muốn các môn đệ đi lại con đường mà chính Chúa đã đi, đó là ở trong thế gian và chiến thắng thế gian. Vì thế, Người đã cầu nguyện cùng Chúa Cha rằng “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17,15), để từ đó các môn đệ vững vàng hơn bởi tin rằng chính bản thân họ đã được Chúa Cha gìn giữ. Từ đây, người môn đệ Chúa Kitô vững bước trên đường loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Hơn nữa, Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng giữa thế gian, Người muốn họ phải trở nên như một bông hoa sen giữa đầm lầy để tỏa hương thơm cho người và cho đời.
Các môn đệ không thuộc về thế gian “thế gian ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian” (Ga 17,14), nên họ sẽ gặp những sự chống đối bởi chính thế gian. Điều này chúng ta thấy rõ nơi lịch sử Giáo hội, ngay từ thời sơ khai và cho đến ngày nay vẫn còn không ít những cấm cách, bách hại, chèn ép cách này hay cách khác. Người môn đệ Đức Kitô phải chấp nhận đi ngược lại những gì mà thế gian cho là khôn ngoan, chấp nhận lội ngược dòng để sống đúng với lý tưởng cao đẹp của mình. Nhất là trong thời đại ngày nay, các giá trị luân lý bị coi nhẹ, người đời thường nhìn người môn đệ như một điều khó hiểu, có cái gì đó là dại khờ, là ngu dốt. Và mỗi ngày người ta vẫn nghe thấy trên các phương tiện truyền thông, linh mục này, tu sĩ kia bị giết hại, hơn nữa sự chống đối Giáo hội và các vị chủ chăn của Giáo hội vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng quan trọng và nguy hiểm hơn cả là sự chống đối nằm bên trong nội tâm sâu xa của các môn đệ Chúa Kitô. Sự tục hóa nơi lối sống của các môn đệ, với lý do phải hòa mình để bắt kịp với lối sống của con người thời đại, hay vô vàn các lý do khác đã làm cho người môn đệ xa dần và có khi là đánh mất căn tính đời sống thánh hiến của mình. Con số các linh mục, tu sĩ hồi tục ngày càng gia tăng, những tiêu cực trong nội bộ Giáo hội vẫn đang diễn ra. Vì thế, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục cầu nguyện cho các môn đệ cũng như tất cả mọi người kitô hữu rằng“Lạy Cha Chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11b).
Sống trong một thế giới phát triển cách chóng mặt như hiện nay, các phương tiện tối tân của thời công nghệ số, với những giá trị đạo đức luân lý suy đồi, việc bắt kịp với lối sống và thích nghi với môi trường của xã hội là một thách đố lớn đối với người môn đệ Chúa Kitô. Thích nghi ở đây không phải để hòa tan mình trong đó, nhưng thích nghi để trở nên một chứng tá cho con người thời đại về sự hiện diện của Chúa trong thế giới hôm nay. Quả thật, con người thời nay và nhất là nơi các bạn trẻ đang chạy theo những trào lưu mới, đi ngược lại với tinh thần Phúc Âm. Thực tế cho thấy rằng, phần đa trong số họ đang chạy theo một thứ tôn giáo mới: Tôn giáo của “công nghệ số”, trong tôn giáo đó người ta tôn sùng “thánh” Facebook, Zalo, Youtobe, Game... Có lẽ vì điều kiện để gia nhập tôn giáo mới đó thật đơn giản, con người chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh, một tài khoản nào đó là con người như có cả một thế giới trong tầm tay của mình. Từ đó, con người không còn biết khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng, người ta sống ảo nhiều hơn là thật, tình trạng đổ vỡ trong hôn nhân gia đình ngày càng gia tăng, sống thử trước hôn nhân, hôn nhân đồng tính, lạm dụng tính dục... Chính lúc này, người môn đệ Chúa Kitô phải sống tinh thần Phúc âm trổi vượt hơn bao giờ hết. Người môn đệ Chúa Kitô được mời goi sống như một chứng nhân về tình thương của Chúa giữa thời đại hôm nay, đó là dám khước từ những tiện nghi không cần thiết, làm chủ trước những lôi cuốn của xã hội, và trở nên thánh ngay trong thời đại công nghệ số như chân phước Carlo Acutis. Có lẽ chân phước Carlo Acutis là người đầu tiên trên Nước Trời có địa chỉ Gmail, được sử dụng các phương tiện công nghệ của thời đại, và chân phước đã nên thánh ngay trong việc sử dụng các phương tiện hiện đại của xã hội ngày hôm nay.
Trong khi thế gian tìm kiếm sự giàu có, sự hưởng thụ của các tiện nghi thì người môn đệ được mời gọi sống tinh thần nghèo khó. Khi người đời tìm kiếm quyền lực, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân thì người môn đệ mời gọi sống từ bỏ cái tôi cá nhân để sống vâng phục. Thêm nữa, khi người môn đệ Chúa được mời gọi sống khiết tịnh vì Nước trời thì người đời lại đi tìm sự thỏa mãn thân xác nơi những thú vui nhục dục. Đây quả là một điều không hề đơn giản, vì những điều kiện này đòi hỏi nơi người môn đệ một sự hy sinh từ bỏ chính mình, chấp nhận lội ngược dòng để bước trên con đường chẳng mấy ai đi. Nhưng không phải vì thế mà người môn đệ cảm thấy lo lắng hay sợ sệt, vì chính Chúa Giêsu đã chiến thắng thế gian, và hơn nữa Người luôn cầu nguyện cho những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian. Để chính những người môn đệ trở nên muối ướp mặn đời và trở nên ánh sáng cho trần gian, và như lời thánh Phaolô tông đồ đã nói tới trong thư gửi tín hữu Philipphê:  “giữa một thế hệ gian tà sa đọa anh em phải trở nên như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15). Người môn đệ Chúa Kitô ở đây không chỉ là các Giám mục, linh mục hay tu sĩ nhưng là tất cả mọi người kitô hữu. Tất cả mọi người đều được mời gọi sống chứng nhân cho nhân loại trong thời đại hôm nay. Để làm được điều đó, cần phải có một đời sống đi ngược lại với những tục hóa của thời đại, đó là can đảm ra khỏi thế giới ảo nơi những phương tiện hiện đại để bước ra với những người thân xung quanh đang cần được quan tâm. Một cử chỉ yêu thương, một ánh mắt trìu mến, một lời nói dịu dàng với người khác cũng đủ để cho con người cảm nhận được sự hiện diện của Chúa. Mọi kitô hữu và cách riêng với những người sống đời thánh hiến luôn được thôi thúc sống lời mời gọi để trở nên một đầy tớ trung thành trong việc sống chứng nhân Tin Mừng trong thời đại ngày hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài luôn yêu thương những kẻ thuộc về mình khi còn ở thế gian và Ngài đã yêu thương họ đến cùng. Chính vì vậy, Ngài cũng đã lo lắng chăm sóc, gìn giữ các môn đệ trong tình yêu thương. Vì biết trước những khó khăn và thử thách khi sống trong thế gian này, nên Chúa đã đặt trọn tâm tình cầu nguyện cùng Chúa Cha, xin Người nâng đỡ che chở và gìn giữ các môn đệ trong danh Cha. Chúng con đang sống trong một xã hội với đầy những thách đố và giằng co, xin cho chúng con dám can đảm sống cho sự thật và sống đúng tinh thần Tin Mừng. Để chúng con dám sống như những chiến sĩ can trường, đi ngược lại những điều thế gian đang tìm kiếm.Và trên hết, đó là sống chứng tá Phúc âm trong môi trường mình đang sống, làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa trong một xã hội đang dần vắng bóng Thiên Chúa và qua đó mọi người có thể cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa đang bao phủ trên khắp cả vũ trụ này.  Amen.
Maria Hồng Lê
Lớp Thần Học K5- Học viện MTGHH
 
— ∞  +  ∞ —
 
HIỆP NHẤT NÊN MỘT
Là con người, có lẽ khi yêu ai thì người ta thường mong muốn và khao khát được nên một với người mình yêu: nên một với nhau để tất cả tâm tư, thao thức của người này cũng là tâm tư, là thao thức của người kia. Quả thật, có yêu thì mới mong được nên một với người mình yêu. Chúa Giêsu cũng thế, Chúa Cha yêu Chúa Giêsu thế nào thì Ngài cũng yêu thương những người thuộc về Ngài như vậy. Thế nên, Ngài vô cùng khao khát cho những người Ngài yêu thương được nên một với Ngài khi Ngài khẩn nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho Con để họ cũng được nên một như chúng ta” (Ga 17,11)
Không biết trong chúng ta có ai đã từng một lần tự hỏi: “ước mơ của Chúa”  là gì chưa? Chúa Giêsu cũng mang hai bản tính, bản tính Thiên Chúa và bản tính con người. Trên bình diện ấy Ngài cũng tỏ lộ cho loài người biết Ngài có một ước mơ và khao khát mãnh liệt, chân thực nhưng cũng thật thâm sâu, không giống với ước mơ của con người. Nơi con người thì luôn có nhiều ước mơ, có những ước mơ thật giản dị nhỏ bé, nhưng cũng có những ước mơ thật lớn và mang đầy tinh thần của thế tục như sự giàu có, quyền hành…
Sống trên đời có lẽ ai cũng có những ước mơ riêng cuả mình. Mỗi ước mơ đều chất chứa một mục đích, khát vọng thẳm sâu nơi tâm hồn con người. Chúa Giêsu cũng thế, suốt đời Ngài luôn sống và ấp ủ một ước mơ, một nỗi niềm cuối cùng với Cha cho con người, đó là: “để tất cả nên một” như Chúa Cha ở trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu ở trong Chúa Cha, để cho các môn đệ cũng như cho chính chúng ta cũng được sống niềm vui trọn vẹn trong Ngài.
Có thể nói, Tin Mừng Gioan từ chương 13 - 16 là một chuỗi dài những lời tâm sự, những lời giãi bày của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Chúa Giêsu cũng muốn ở lại với các mộn đệ, với thế gian, nhưng vì Ngài không thuộc về thế gian và vì giờ đã đến, nên Ngài phải trở về cùng Chúa Cha. Vì vậy, vào những giờ phút cuối cùng còn ở thế gian với các môn đệ, Ngài đã một lòng một ý hướng về Chúa Cha để thầm thĩ, khẩn khoản nài xin Cha tha thiết cho các môn đệ luôn được hiệp nhất với nhau trong hiện tại cũng như trong tương lai. Hay nói rõ hơn là cho chính mỗi người chúng ta được “hiệp nhất nên một” với Ngài như Chúa Cha ở trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu ở trong Chúa Cha.
Toàn bộ chương 17 của thánh sử Gioan là lời nguyện hiến tế và lời cầu xin tha thiết nhất của Chúa Giêsu với Chúa Cha cho các môn đệ và cũng là cho chính mỗi người chúng ta. Bởi thực tế, những người con của Ngài ở trần gian vẫn còn đang có sự chia rẽ, bất đồng, người nhóm này người nhóm  kia… Quả thật, Chúa Cha đã yêu trần gian đến nỗi muốn tất cả nên một, muốn nhân loại được sống hạnh phúc, hiệp nhất trong Ngài và trong nhau, mà sự hiệp nhất ấy trước tiên phải ở nơi các môn đệ, một cộng đoàn Giáo Hội đầu tiên. Và có lẽ chỉ khi các môn đệ trở nên chứng tá của sự hiệp nhất yêu thương thì sứ mạng truyền rao Tin Mừng cứu độ của Giáo Hội mới đạt kết quả. Bởi chỉ khi các môn đệ hiệp nhất yêu thương nhau thì thế gian mới tin, mới nhận biết rằng Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu và gặp được nơi các môn đệ chính tình yêu của Chúa Cha. Quả vậy, chính Chúa Giêsu đã căn dặn các môn đệ về chứng từ yêu thương trong bữa tiệc cuối cùng rằng: “người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34)
Thế nhưng, để quy tụ tất cả về một mối với Chúa thì không phải là một điều dễ dàng. Vì vậy, Chúa Giêsu luôn cần sự cộng tác đắc lực và ý thức nơi mỗi người chúng ta. Vậy mỗi người hãy biết đón nhận lấy vào tâm khảm mình tâm nguyện cuối cùng của Chúa Giêsu, để cùng với Chúa Giêsu thực hiện một ước mơ của Ngài là “để tất cả nên một” trong Ngài. Nhưng phải làm sao để Giáo Hội có thể đi đến hiệp nhất? Có lẽ để có thể đi đến hiệp nhất thì trước tiên là cần phải hiệp nhất với Thiên Chúa, vì Ngài là chính tình yêu, là chất xúc tác, là nhựa sống liên kết mọi người lại với nhau. Do đó, để hiệp nhất với Thiên Chúa, đòi hỏi nơi mỗi người cần có lòng tin tưởng, phó thác và yêu mến Ngài. Vâng! Có lẽ hiệp nhất là điều mà ai cũng tìm kiếm và mong ước. Thực tế cho chúng ta thấy rằng, chẳng có gia đình nào hạnh phúc khi vợ chồng mỗi người sống theo ý riêng của mình, chẳng có cộng đoàn nào bền vững mà nơi đó toàn chia rẽ, bất đồng, mỗi người một ý… Cũng vậy, chẳng có đất nước nào có thể phát triển và đi lên khi mọi công dân,và các nhà chức trách không đồng lòng, đoàn kết với nhau…
Lời cầu nguyện hiệp nhất của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, như một lời chất vấn đời sống và tâm hồn mỗi người kitô hữu chúng ta, điều này mời gọi chúng ta phải trở về với tận sâu thẳm tâm can để nhìn lại cách sống của chúng ta trước những thao thức và tâm tư của Chúa Giêsu: Từ trước đến nay, tôi đã sống hiệp nhất với Chúa và với tha nhân, với chính mình như thế nào? Có khi nào tôi sống bất nhất giữa lời nói và hành động của tôi? Tôi có sống yêu thương hiệp nhất theo cách của Chúa hay còn chỉ sống yêu thương theo cách của riêng tôi. Nếu chúng ta chỉ sống yêu thương, hiệp nhất trên lời nói thì nó sẽ giống như lời của một bài hát rằng: “con còn sống yêu thương trên chót lưỡi đầu môi, con thường sống phục vụ mà tính toán so đo, miệng nói lời bao dung mà lòng vẫn còn chấp nhất, dạ muốn sống khiêm nhu nhưng môi vẫn rêu rao kể công, con thường sống yêu thương theo sở thích riêng con mà thôi. Khi vừa ý đạt lòng thì con mới cho đi, khi nhàn rỗi thuận lợi thì mới phục vụ hy sinh, khi được đề cao trọng vọng thì con mới xả thân vì Ngài…” (Bài hát: Xin lỗi Chúa )
Bài Tin mừng cũng là lời mời gọi mỗi người chúng ta cũng hãy tự đặt cho mình những câu hỏi chất vấn: “đừng hỏi Giáo hội đã làm gì cho tôi, nhưng hãy tự hỏi tôi đã làm được gì cho Giáo Hội hôm nay”. Để có thể sống hiệp nhất trong tình yêu của Chúa, trước tiên mỗi người hãy siêng năng cầu nguyện kết hợp với Chúa, như thánh Gioan đã khẳng định trong thư của ngài: “Thiên Chúa là tình yêu, ai ở lại trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16) hay như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong một bài phát biểu của ngài: “Sẽ không có truyền giáo nếu không có cầu nguyện”.
Lạy Chúa Giêsu, hiệp nhất là tâm nguyện cuối cùng của Chúa trên trần gian. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết yêu Chúa, tin Chúa, kết hợp với Chúa để chúng con sống một cuộc đời yêu thương như Chúa truyền dạy. Amen.
                                                                                       Cộng Đoàn Mộc Châu
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log