THÁNH THỂ - SÁNG KIẾN CỦA TÌNH YÊU
“Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”
Trong cuộc sống, khi yêu thương ai, người đó luôn tìm mọi cách để làm vui lòng người mình thương, như cha mẹ yêu con không quản ngại hy sinh để cho con cái mình có được những điều tốt đẹp nhất. Ngược lại, con cái hiếu thảo với cha mẹ, cũng cố gắng để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục. Tình yêu giữa đôi bạn cũng vậy, khi yêu thực sự họ cũng tìm mọi phương thế để làm cho người mình thương được vui, được hạnh phúc. Nhưng chắc chắn trên thế gian này không thể có một cách thế, một sáng kiến yêu thương nào lạ lùng, kỳ diệu như sáng kiến của Thiên Chúa, khi Ngài thể hiện tình yêu Ngài với con người. Tình yêu ấy được cụ thể hoá qua Đức Giêsu Con Một yêu dấu của Ngài.
Đức Giêsu đã đến với nhân loại, yêu say con người đến tột cùng, và yêu cho đến chết trần trụi trên thập giá, để rồi Ngài lại tiếp tục biểu lộ tình yêu tự hiến ấy qua sáng kiến biến Mình Ngài trong tấm bánh nhỏ bé để được ở với con người và cho con người được sống.
Lời Chúa nói với các môn đệ xưa trong bữa tiệc ly: “Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy” thật thân thương biết bao, lời ấy cũng cho ta thấy, Chúa không chỉ nhập thể một lần rồi Ngài vĩnh viễn về bên Cha, mà mầu nhiệm Nhập Thể luôn luôn được lặp lại cho tới vô tận.
Một suy tư về Thánh Thể của Chanoine Léopold trong cuốn Suy Niệm Đời Chúa thật mới mẻ cũng cho ta thấy thêm về sự diệu kỳ sáng kiến của tình yêu này: “Một ý tưởng xác thực trên bàn thờ sau khi Linh mục truyền phép, một mầu nhiệm nhập thể đã diễn ra. Khi ta rước lễ, mầu nhiệm nhập thể mới này đến kết hợp với ta, cư ngụ trong ta. Do đó dưới một khía cạnh, có thể tự ví mình như Mẹ maria. Chúa Giêsu đã sống trong lòng Mẹ, Ngài hoàn toàn thuộc về Mẹ. Bây giờ Ngài sống trong ta, hoàn toàn thuộc về ta, cũng một xác thể và một máu thánh Mẹ đã chuyển thông cho ta”. Quả thế, sáng kiến yêu thương của Chúa thật diệu kỳ khi Chúa đã nâng con người lên, với thân phận cát bụi mọn hèn, nhưng lại được thông dự vào sự sống thần linh của Chúa, được biến đổi, được thần hoá. Khi giơ đôi tay đón nhận Chúa, rước Chúa vào tâm hồn, dòng máu linh thánh của Chúa hoà vào dòng máu phàm nhân của ta, để rồi ta được nên một với Chúa, biến ta và Chúa trở nên một hữu thể có chung một sự sống, ta được nên một với Chúa. Tâm hồn nhỏ bé của ta diễm phúc được cưu mang Đấng là Vua trên các Vua, Chúa trên các Chúa. Điều này chẳng phải vượt quá trí hiểu của con người sao?
Trong cuộc sống của con người, biết bao những tâm hồn sốt mến đã phải thốt lên như lời của tác giả Thế Thông trong bài hát Tâm Tình Hiến Dâng 2 rằng: “Đôi bàn tay phàm nhân phút giây chạm đến thần thánh sẽ ngân vang khúc tin yêu ngàn đời”. Quả thật, sáng kiến kỳ diệu ấy là Chúa dành cho chúng ta. Hơn nữa, sáng kiến yêu thương kỳ diệu ấy thật đã đem đến cho ta sự sống, không phải chỉ là sự sống mai sau, mà là sự sống, sự hồi sinh ngay ở đời này, trong giờ phút nhất định. Khoảnh khắc ta đón nhận Chúa, là lúc ta thực sự được hồi sinh, khi mà trước đó ta đã bị tội lỗi, sự dữ, sự sợ hãi, sự thất vọng giết chết đi tâm hồn mình.
Ta cũng không thể không nói đến điều kỳ diệu qua sáng kiến yêu thương của Chúa. Đó là sự hiệp thông giữa muôn người trong một bản thể Ngài, cho dù có sự khác biệt mầu da, ngôn ngữ, chủng tộc, nhưng khi chia sẻ cùng một Thánh Thể Chúa, thì đều trở nên một trong Chúa. Và còn biết bao ân sủng mà Chúa dành tặng cho ta qua Bí Tích nhiệm mầu này.
Sáng kiến tình yêu của Chúa bao la là thế, sâu nhiệm, cao quý là thế, nhưng tiếc thay, còn quá nhiều người chưa được đón nhận, hoặc chưa đón nhận. Cũng nhiều người đón nhận nhưng dần dần lại biến thành một thói quen khi rước Chúa, mà không đặt vào một tâm tình sốt mến, thậm chí nhiều người đã dần rời xa, viện mọi lý do để không đón nhận Chúa. Bởi họ thấy có nhiều thứ ‘bánh’ nơi thế gian này ngon hơn, hấp dẫn hơn mà lại không phải khổ công chuẩn bị tâm hồn xứng đáng…
Một thực trạng đáng buồn, khi sáng kiến yêu thương của Chúa nơi Thánh Thể là dấu chỉ của sự hiệp thông, nối kết, thì ngay trong các cộng đoàn cử hành Thánh Thể, dù cùng chung chia một tấm bánh, nhưng lại sống ngược với ý nghĩa của sự hiệp thông. Hơn thế, một thực trạng cũng đáng buồn không kém, là việc lạm dụng lòng nhân từ của Chúa, để rồi rước Chúa trong khi mang trong mình đầy tội lỗi xấu xa, không có một sự quyết tâm hoán cải. Lời thánh Phaolô đã mạnh mẽ cảnh báo: “bất cứ ai ăn Bánh hay uống chén của Chúa cách bất xứng thì cũng phạm đến Mình và Máu Thánh Chúa” (1Cr 11,27). Thánh nhân còn nghiêm khắc nhắc nhở: nếu ăn Mình Chúa nơi bàn thờ, mà không để ý đến Thân Mình của Chúa Kitô ngay chung quanh là đang đùa cợt với cái chết của Đức Kitô.
Chúa muốn ta “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” là muốn ta lặp lại sự tự hiến vì yêu thương của Chúa bằng cả cuộc sống dấn thân và trao ban. Hai điều này phải đi đôi với nhau, tỉ lệ thuận với nhau. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II trong Thánh lễ bế mạc đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 45 đã kêu gọi: “chúng ta không thể rước Mình Thánh Chúa Kitô mà đồng thời lại sống xa lạ với những người đang đói, đang khát, kẻ bị bóc lột, tù đày hay đau yếu”.
Vì Chúa yêu và thể hiện cách yêu trong sáng kiến của mình nên Chúa cũng muốn con cái Người cũng phải thể hiện những sáng kiến yêu thương đó cho anh em đồng loại. Thế nhưng chúng ta chưa thực sự thi hành được điều Chúa muốn. Có những khi ta cũng dấn thân, cũng cho đi, nhưng không ít lần tấm bánh ta bẻ ra thật ‘khó nuốt’ bởi sự thiếu sự chân thành, thiếu quảng đại, ích kỷ, tự mãn… Cũng nhiều lần miệng lưỡi ta đón nhận của ăn thần linh khi mỗi buổi mai ta thức dậy, bàn tiệc sẵn đó, ta đến lãnh lấy, nhưng tâm hồn ta vẫn ham tìm kiếm những của ăn vô độ, mau hư nát nơi thế gian. Những tưởng Chúa sẵn lòng đến kết hiệp với ta, cho chúng ta cảm nếm bao ân huệ ngọt ngào từ Thánh Thể Chúa, thì đến lượt mình, ta cũng phải biểu lộ sự kết hiệp đó bằng một nếp sống của những con người đã được biến đổi, là những tâm hồn tràn đầy yêu thương, tràn đầy niềm vui của một tâm hồn có Chúa. Thái độ, cử chỉ điệu bộ của ta, phải phảng phất “bóng dáng thần linh”. Nhưng có lẽ chúng ta chưa thực sự có được những điều đó.
Với lối sống như vậy chứng tỏ chúng ta chưa thực sự có lòng khát khao, chưa có lòng yêu mến Thánh Thể Chúa, hay nói cách khác ta chưa cảm được sự diệu kỳ, sự lạ lùng nơi Thánh Thể Chúa, ta chưa thực sự chạm tới Chúa, mặc dù Chúa đến và cư ngụ trong ta. Những từ ngữ “Bánh Hằng Sống”, “Mình Máu Chúa”, “lương thực Thần Linh”… trở nên nhàm, chỉ là những từ ngữ chết, hay là những từ ngữ được đọc lên để gợi lại một ký ức xa xăm, mà không phải là những lời sống động, đang tuôn chảy trong nhận thức của ta, như chính Chúa đang hiện diện, “đang sống” trong và sống giữa chúng ta.
Một vấn đề rất thời sự hôm nay mà ta thấy rõ, đó là cảm thức về sáng kiến tình yêu của Chúa qua Bí tích cao quý trong bối cảnh hiện tại thật khó cho biết bao người, không chỉ có các kitô hữu, mà ngay cả anh chị em sống đời thánh hiến. Bởi trước tình hình dịch bệnh đang tái bùng phát quá mạnh, không còn kiểm soát, mọi hoạt động buộc phải ngưng, và tất nhiên là các cử hành Phụng Vụ cũng ngưng vô thời hạn, khiến cho nhiều người dần xa với Thánh Thể Chúa, quá quen với thánh lễ trực tuyến, lại tham dự một cách thiếu ý thức, làm cho mọi người không còn cảm thấy cần thiết phải đến với Chúa nơi nguyện đường, không còn cảm thấy việc cần thiết với của ăn thiêng liêng nữa.
Lễ Mình Máu Thánh Chúa hôm nay, mời gọi mỗi người cần phải trở về với lòng mình để tự vấn, để thấy đâu là của ăn đích thực, đâu là của ăn dẫn ta đến sự sống đời đời, để rồi có thái độ suy phục sao cho cho xứng với sáng kiến của tình yêu Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn tình yêu vô bờ bến. Chúng con xin hết lòng cảm tạ Chúa vì với sáng kiến diệu vời của Chúa, Chúa đã cho chúng con được tham sự vào sự sống của Chúa và đã cho chúng con được nếm hưởng sự sống thần linh của Chúa ngay nơi trần thế này. Nhưng nhìn lại bản thân của chúng con, đã bao lần chúng con thật bất xứng với Chúa, chúng con chưa có một thái độ tôn thờ thẳm sâu với Bí Tích Nhiệm Mầu của Chúa. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa sáng kiến yêu thương đó để chúng con cũng biết biểu lộ những cách thế yêu thương của chúng con với Chúa và với tha nhân. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con và toàn thể nhân loại hôm nay, dù phải đối mặt với biết bao khó khăn, khó khăn lớn nhất là dịch bệnh đang hoành hành, khiến nhân loại chúng con đói khát đủ mọi phương diện. Nhưng xin cho chúng con luôn biết đói khát Chúa để nhờ đó chúng con biết mau mắn trở về bên bàn tiệc Thánh Thể Chúa, vì chỉ nơi đó chúng con mới được Chúa nuôi dưỡng, được Chúa bổ sức, để kín múc nơi Chúa nguồn sức sống vô biên, hầu chúng con có thể đủ sức mà chiến đấu với thế gian đầy thử thách này. Amen.
Cộng Đoàn MTG Sơn Tây
— ∞ + ∞ —
TẤM BÁNH TÌNH YÊU
Cách đây hơn hai ngàn năm, vào một buổi chiều, trong một “căn phòng rộng rãi” (Mc 14,15), có một vị Thầy Giêsu đã dùng bữa ăn Vượt Qua với môn đệ của mình. Trong bữa ăn, Thầy Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình của Thầy” (Mc 14,22)
Hai ngàn năm đã trôi qua với biết bao thăng trầm của lịch sử, hằng giây hằng phút Giáo hội trên hoàn vũ vẫn không ngừng dâng thánh lễ tạ ơn, tưởng niệm lại việc bẻ bánh và lời nhắn nhủ của Thầy Giêsu: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ tới Thầy”
Chính trong bữa ăn ăn chia tay, cùng với cử chỉ bẻ bánh và trao ban, Đức Giêsu đã trao ban chính Thịt và Máu Mình cho nhân loại, một cử chỉ mang đầy ý nghĩa và tình yêu của Người dành cho chúng ta. Tình yêu đó đã được diễn tả bằng nhiều cách mà tột đỉnh chính là cái chết của Người trên thập giá.
- Tấm bánh khi xưa Đức Giêsu bẻ ra và trao ban, là cơm bánh cho những người đói khát khi họ đi theo Ngài chỉ vì được no thỏa.
- Tấm bánh khi xưa đó chính là sự chữa lành cho những người đi theo Ngài mong để được khỏi bệnh.
- Tấm bánh Đức Giêsu bẻ ra, trao ban đó chính là sự chữa lành những người bệnh tật, để họ được lành mạnh.
- Tấm bánh Đức Giêsu bẻ ra, trao ban đó chính là sự yêu thương và tha thứ cho những người tội lỗi để họ trở về cùng Chúa.
- Tấm bánh Đức Giêsu bẻ ra, trao ban đó chính là một tình thân cho người thu thuế và những cô gái điếm bị xã hội Do Thái ngày xưa khinh dể, chê bai, để họ tìm ra giá trị mới và làm lại cuộc đời.
- Tấm bánh Đức Giêsu bẻ ra, trao ban với bà góa thành Nain, với hai chị em Matta và Maria, là chính sự sống của người con, người em mà họ yêu thương
Đức Giêsu đã dùng chính cái chết của mình trên đồi Gôngôtha để cứu chuộc nhân loại. Đồng thời, Ngài cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở nên tấm bánh bẻ ra để trao ban cho thế giới còn đang đói hôm nay.
Sự trao ban đó hệ tại ở mỗi người chúng ta, mỗi chúng ta hãy chu toàn bổn phận của mình. Tấm bánh được bẻ ra và trao ban khi:
- Là cha mẹ hãy dùng chính cuộc sống của mình để yêu thương và giáo dục con cái lớn lên trong đức tin và tình mến.
- Là thầy cô hãy dùng tri thức gương sáng mà dạy dỗ các em nên người.
- Là những bậc vợ chồng hãy lấy tình yêu thương lòng trung thủy mà đối xử với nhau, cùng nhau vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.
- Là con cái hãy sống ngoan hiền, vâng lời lễ phép, phụng dưỡng cha mẹ, yêu thương bạn bè…
- Là những người sống đời Thánh hiến cũng phải trở nên tấm bánh được bẻ ra bằng chính đời sống cầu nguyện, hy sinh, và phục vụ tha nhân của mình…
Lạy Chúa, nhờ tấm bánh Thịt Máu Đức Kitô đã được bẻ ra và trao ban trên thập giá, xin Chúa Giêsu Thánh Thể luôn ngự trị trong mỗi tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con luôn biết mở lòng đón nhận Lời của Chúa là Bánh Hằng Sống, là của ăn đích thực của mỗi chúng con. Để mỗi khi chúng con cùng nhau cử hành việc bẻ bánh trên bàn thờ, chúng con nhớ lại Lời Chúa trong bữa tiệc ly xưa để đem ra thực hành. Từ đó, chúng con cũng ý thức được rằng mỗi giây phút trong cuộc đời chúng con cũng phải trở nên tấm bánh tình yêu được bẻ ra và trao ban qua việc chúng con biết sẵn sàng sống yêu thương và phục vụ anh em. Amen.
Điểm Mục Vụ Mường La