HẠT GIỐNG NƯỚC TRỜI
Có câu chuyện kể rằng: Ở một đất nước nọ, có một ông Vua khi thấy tuổi mình đã cao, ông ta muốn tìm một người trung thực, đáng tin tưởng để truyển ngôi tiếp tục việc dẫn dắt muôn dân. Một hôm, ông bỗng nảy ra một kế, liền sai các quan bí mật luộc kĩ thóc giống, rồi ban lệnh phát cho mỗi người dân một thúng đem về gieo trồng và giao hẹn: Nếu ai thu được nhiều thóc nhất sẽ được truyền cho ngôi báu. Đến thời vụ thu hoạch, mọi người nô nức chở thóc về kinh thành nộp cho Vua. Riêng có một chú bé không có hạt thóc nào, chú đang rất lo sợ và đến trước mặt Vua cúi đầu, quỳ tâu:
- Thưa Đức Vua! Con không làm sao cho thóc giống nảy mầm được ạ!
Mọi người sững sờ, lo lắng trước lời tâu của chú bé trước mặt Vua. Nhưng Vua đỡ chú bé đứng dậy và hỏi xem có ai cũng để chết thóc giống không như chú bé không. Nhưng không có ai trả lời. Lúc ấy, Vua mới ôn tồn nói:
- “Trước khi phát thóc giống, ta đã ngầm cho luộc kĩ chúng rồi. Lẽ nào thóc ấy còn mọc được? Những xe thóc đầy ắp kia đâu phải thu được từ thóc giống của ta?”.
Không khí im lặng, căng thẳng bao trùm khắp sân rồng. Và cuối cùng Vua tuyên bố:
- “Tính trung thực là đức tính quý nhất của con người. Kể từ hôm nay, ta sẽ truyền ngôi cho chú bé trung thực và dũng cảm này”.
Sau này, chú bé ấy đã trở thành một ông vua hiền minh và được dân chúng hết lời ca ngợi.
***
Câu chuyện trên kể về việc nhà vua đã dùng hạt giống để thử lòng người! Hạt giống được ban phát cho tất cả mọi người cách như nhau, nhưng tùy thuộc mỗi người đón nhận hạt giống đó và cho nó nảy mầm như thế nào? Có hạt giống bằng chính sự hiện hữu của nó. Nhưng cũng có loại hạt giống không thể nhìn bằng mắt thường nhưng nó lại là nền tảng và giá trị cho đời sống của một con người. Hạt giống của em bé tuy không nảy lộc đâm chồi, nhưng tâm hồn em lại là một hạt giống đầy sức sống, đem đến mùa bội thu, trổ sinh những hoa trái tốt lành cho chính đời sống của em và cho muôn dân thiên hạ.
Cũng vậy, hạt giống trong bài Tin Mừng hôm nay cách nào đó đã diễn tả sức mạnh tiềm ẩn, hạt giống ấy được ví như hạt giống Nước Trời. Hạt giống Nước Trời được gieo trồng vào tâm hồn mỗi con người: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.”(Mc 4,26-29).
Nước Trời luôn là một mầu nhiệm, con người không thể nhìn thấy. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã xuống thế gian và chính Ngài là hiện thân của Nước Thiên Chúa. Trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn mà rao giảng Lời Chúa. Dụ ngôn là những câu chuyện rút ra từ cuộc sống thực tế đời thường mà người nghe có thể hiểu qua cách trình bày về các mầu nhiệm siêu việt của Nước Thiên Chúa. Ngài mạc khải về Nước Chúa qua những dấu chỉ và hình ảnh, qua hành động và đời sống của Ngài. Chúa Giêsu đã nhiều lần mời gọi mọi người ăn năn sám hối vì Nước Chúa (x. Mt 4,17). Ngài cũng khẳng định: “Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,20-21), nghĩa là Nước Trời đã thực sự đến với nhân loại, ở giữa nhân loại mà loài người chưa nhận ra (x. Mt 12,28).
Có gieo thì mới có gặt, đó là thái độ của người môn đệ mà Chúa muốn nói tới. Hãy cứ gieo, dù cho chính mình gieo mà không được gặt, nhưng những người tiếp nối sứ mạng đó sẽ được gặt, và cứ như thế, cánh đồng Nước Chúa sẽ luôn được rộng mở. Chúa Giêsu luôn kêu mời môn đệ của Người dù gặp nghịch cảnh, khó khăn, tương lai mờ mịt thì cũng đừng nản. Dù cho sức ta hèn mọn, khả năng giới hạn cũng đừng nản chí, đừng buông xuôi. Vì Lời Chúa có sức mạnh nội tại sẽ làm biến đổi lòng người một cách lạ lùng, giúp con người hoán cải, nên thánh và tăng trưởng. Việc biến đổi lòng người không phải là việc của ta mà Chúa Thánh Thần mới là tác nhân. Tuy nhiên, có được gặt hái những thành quả của công cuộc ta làm thì cũng đừng tự cao tự đại bởi vì “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126).
“Đừng tưởng bình minh mãi nắng hồng
Bất ngờ ập tới bão cùng giông
Chớ vội bi quan dù thất bại
Cũng đừng tự mãn dẫu thành công”
Dụ Ngôn Hạt Cải là một khía cạnh trong cách diễn giải về Nước Trời. Hạt cải tuy bé nhỏ, yếu ớt tưởng chừng như vô giá trị, rất dễ bị coi thường, nhưng khi nó nảy mầm thì nó trở nên to lớn gấp nhiều lần so với hạt giống, đến nỗi chim trời có thể làm tổ ở đó (x. Mc 4,32). Nảy mầm là khởi đầu cho một sự sống mới, tuy mong manh nhưng niềm hy vọng lớn lao. Bắt đầu từ sự nhỏ bé âm thầm nhưng lại mạnh mẽ đến phi thường và người phàm không thể hiểu nổi. Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn về một hiện tượng tự nhiên thường thấy trong đời sống hằng ngày, một hạt giống bé nhỏ mà chất chứa một tiềm năng thật lớn lao. Hạt giống đó lại mang trong mình tiềm năng để trở nên loài cây to lớn nhất trong tất cả các loại cây, trở nên nguồn thức ăn và là nơi trú ngụ cho các loài chim trời. Cũng như xưa, Hội Thánh của Chúa Giêsu ở trần gian được bắt đầu chỉ vọn vẹn có 12 Tông Đồ nơi làng quê nhỏ bé xứ Palestin, các ông vốn ít học, làm việc cơ bắp, bất toàn… nhưng nhờ sức mạnh và ơn của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ đã vui mừng và hăng say ra đi rao giảng Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu. Hơn thế nữa, các ông đã cùng với nhiều người khác, các ngài đã sẵn sàng chịu tử đạo để làm chứng cho Tin Mừng Nước Trời. Các ngài đã chấp nhận trở thành hạt giống gieo vào lòng đất, thối đi và mọc lên để trở thành những cây to lớn mang lại hoa trái dồi dào cho Giáo Hội. Các ngài đã hy sinh tất cả, đánh đổi tất cả để làm vinh danh Chúa và phần rỗi của các linh hồn. Các ngài chính là những hạt giống âm thầm, bền bỉ, trung kiên, nhỏ bé nhưng mãnh liệt. Sự hy sinh cao quý của các ngài thật đáng ca ngợi. Đó là kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa mà con người không thể hiểu nổi. Chính nhờ máu tử đạo của các Tông đồ và các thánh đã chịu tử đạo vì Nước Chúa, mà Hội Thánh xưa kia nay đã phát triển trở thành một Hội Thánh lớn mạnh và tăng trưởng không ngừng khắp nơi trên thế giới dưới sự gìn giữ và soi dẫn của Chúa Thánh Thần.
Xuyên qua hai dụ ngôn, Chúa Giêsu đã dạy cho ta bài học về Nước Trời. Nước Trời như một mầu nhiệm, con người không thể nhìn thấy. Quả thật, Nước Trời là một thực tại có tính siêu nhiên không có cái gì rõ ràng để có thể diễn tả được, nhưng Ngài đã dùng dụ ngôn đơn giản dễ hiểu để giải thích cho con người về Nước Trời. Hạt cải - Lời Thiên Chúa được gieo xuống, mọc lên thành cây cải xum xuê, chim trời đến làm tổ. Hội Thánh của Chúa là nơi nương náu và nuôi dưỡng sự sống mới cho con người. Hội Thánh ngày càng lan rộng, ngày đêm vẫn mời gọi và quy tụ con cái Thiên Chúa khắp nơi tản mác về. Còn người môn đệ của Lời Chúa thì sao? Tinh thần rao giảng Lời Chúa phải luôn hăng say, nhiệt thành như sự tăng trưởng lớn mạnh của hạt cải vậy, cho dù sẽ gặp những khó khăn, thử thách nhưng luôn kiên nhẫn và trung thành, vì ơn Chúa sẽ luôn trợ lực và đủ cho ta. Nhờ đó mỗi người Kitô hữu, là con cái sống trong lòng Mẹ Giáo hội được nhầm thuấn những ân sủng của Lời Chúa.
Thiên Chúa luôn mời gọi người chúng ta mỗi ngày hãy để Chúa đến và dưỡng nuôi bằng ân sủng. Thiên Chúa đã đặt vào mỗi người một hạt giống nhiệm mầu, chất chứa những tiềm năng tuyệt vời mà Chúa ban cho ta để sinh hoa trái và ơn lành của Thiên Chúa sẽ đến cho thế giới. Ơn thánh từ các Bí tích mà ta được lãnh nhận nơi Chúa giúp ta có thêm sức mạnh, sự hăng say và là động lực để ta thi hành sứ vụ. Qua Bí tích Thánh Tẩy, ta được trở nên con Thiên Chúa, mang trong mình hạt giống nhỏ chứa đựng sự sống của Lời Chúa. Hãy để hạt giống đó gieo vào thế gian, nhờ bàn tay quan phòng của Thiên Chúa qua việc vun trồng đời sống đức tin, niềm tín thác, bằng lời cầu nguyện mỗi ngày của chúng ta thì chắc chắn Ngài sẽ thực hiện những điều kì diệu trên hạt giống tâm hồn của mỗi người, cũng như như thánh Phaolô đã nói:“Tôi trồng, Apôlô tưới, còn Thiên Chúa cho mọc lên”(1Cr 3 6).
Lạy Chúa, Chúa luôn mời gọi mỗi người chúng con hãy ở lại trong Chúa, sống bằng chính sức sống của Chúa. Vì chỉ có Chúa mới có thể làm cho hạt giống tâm hồn nơi con người hèn mọn của chúng con lớn mạnh thành cây xanh tươi, trổ sinh hoa trái dồi dào trong lòng Giáo hội, như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã xác tín: “Giữa lòng Hội Thánh con sẽ là tình yêu”.