EPPHATHA! XIN HÃY MỞ TẤM LÒNG CON
Được sinh ra và được làm người với đôi mắt sáng để ngắm nhìn, với đôi tai thính để lắng nghe, với môi miệng xinh để giao tiếp… luôn là một ân huệ, một sự may mắn của mỗi người. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn luôn tồn tại cả sự may mắn và cả sự bất hạnh, bởi vì bên cạnh những khoảng trời tươi sáng thì vẫn có những vùng trời sám xịt. Câu chuyện của một người vừa câm vừa điếc ở vùng biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh là một minh chứng. Giữa muôn người được may mắn lành lặn thì ở đây vẫn có một anh bất hạnh bởi anh vừa câm vừa điếc. Câu chuyện này đầy cảm động bởi nó được đan xen nhiều cảm xúc: cảm xúc khổ đau bất hạnh bởi anh bệnh tật, rồi cảm xúc hạnh phúc dâng trào khi anh được Đức Giêsu chữa lành. Khi thuật lại các phép lạ chữa lành người câm điếc và cho người mù được sáng mắt, thánh sử Maccô muốn minh chứng, Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai đã được ngôn sứ Isaia loan báo, Ngài đã đến trần gian để giải thoát nhân loại khỏi khổ đau và tội lỗi.
Thật vậy, nếu xưa kia, khi cám dỗ nguyên tổ Ađam và Eva phạm tội bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa, chính Satan đã xây dựng một bức tường tội lỗi chia cách loài người với Thiên Chúa. Thì nay, Đức Giêsu được Chúa Cha sai đến để phá bỏ bức tường ngăn cách đó bằng cuộc Tử nạn và Phục Sinh của Ngài. Thánh sử Luca thuật lại khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên thập giá thì “bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa” (Lc 23,45b). Đấng Thiên Sai sẵn sàng chết trên Thánh giá để xóa án chết cho loài người được sống muôn đời, Thần Khí Đấng Thiên Sai đã chiến thắng satan và thần chết. Qua phép lạ này, Đức Giêsu đã phá bỏ bức tường ngăn cách là sự câm điếc để anh ta có thể nghe và nói được, đó là điều kiện để anh ta có thể sống tương quan được với những người xung quanh.
Sứ mệnh của Đấng Thiên Sai là phá bỏ bức tường ngăn cách dân Do Thái và dân ngoại: chúng ta thấy các đầu mục Do Thái xây dựng bức tường lề luật phức tạp về sự tinh sạch và nhơ uế, bao nhiêu luật lệ nhỏ mọn chi tiết về việc rửa tay, tắm rửa, những qui định về đồ ăn thức uống làm người ăn trở nên nhơ uế… chính những lề luật khắt khe đó làm cho dân Do Thái khó tiếp xúc với dân ngoại. Đó chính là bức tường ngăn cách ơn cứu độ của Thiên Chúa làm cho ơn ấy không thể đến với dân tộc khác. Đức Giêsu dùng lời nói và việc làm để phá bỏ bức tường ngăn cách này, như chúng ta đã thấy trong Tin Mừng.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, hệ thống truyền thông xã hội trở nên phong phú và đa dạng. Nhiều người ngỡ rằng nó là cơ hội để con người gần nhau hơn, họ tương tác đêm ngày trong tầm mức xuyên toàn thế giới. Tuy nhiên, đó lại là một thế giới ảo. Thật vậy, thực tế cho thấy, thế giới ngày nay vẫn còn bức tường vô hình ngăn cách giữa người với người. Bởi có quá nhiều người mắc chứng câm điếc tinh thần nên sống thiếu sự cảm thông và đối thoại, sống cận mà không kề. Bệnh câm điếc này đã biến người ta trở nên hẹp hòi, ích kỷ, khép kín và sơ cứng… nó làm cho người ta chẳng còn quan tâm đến ai, không cho ai cái gì và cũng chẳng nhận được sự gì của ai. Cuối cùng người mang tật câm điếc tinh thần này sẽ chết trong sự nghèo nàn tình thương và cô đơn.
Phép lạ chữa lành bệnh nhân câm điếc hôm nay được thực hiện là tình thương yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Nhưng phép lạ đó cũng do sự cộng tác của những người xung quanh. Tình thương yêu của những người xung quanh, những người đã nhìn đến anh với ánh mắt nhạy cảm để cảm nhận được nỗi đau khổ của anh nên họ đã tận tâm, tận tình đưa anh đến với Đức Giêsu để được Người chữa lành. Vậy mỗi người cần tự suy nghĩ và trả lời: Tôi có nhạy cảm nhìn đến nỗi niềm và nhu cầu của anh chị em tôi không? Quả vậy, phép lạ trong cuộc sống vẫn luôn có đó nhờ chính tình thương và lòng quảng đại của mỗi người chúng ta.
Epphata!” xin Chúa hãy mở tai, mở miệng và mở tâm hồn chúng con, để chúng con có thể đến với Chúa và với tha nhân. Xin biến quả tim chai đá của chúng con trở thành quả tim bằng thịt để biết yêu thương, biết rung động trước tha nhân, nhờ đó chúng con sẽ nghe được tiếng Chúa dạy chúng con phải làm gì, biết sửa đổi những sai sót, từ bỏ tội lỗi và những tật xấu để chúng con sống cho xứng đáng là Con Thiên Chúa, để từ đó khu phố, cộng đoàn chúng con đang sống để trở nên một môi trường chan hòa tình thương yêu.
Lạy Chúa! Xin Chúa hãy mở tấm lòng chúng con để chúng con không còn sống trong sự cô đơn, điếc lác với Chúa và với mọi người giữa môi trường sống của con. Amen.
Bích Thuỳ
Cộng Đoàn MTG Camêlô
— ∞ + ∞ —
ĐẾN VỚI CHÚA ĐỂ ĐƯỢC CHỮA LÀNH
Sống trong cuộc đời, chúng ta thấy rằng con cái luôn cần đến cha mẹ để được yêu thương, chỉ bảo. Học trò cần đến thầy cô để được hướng dẫn, dạy chỗ. Bệnh nhân cần đến bác sĩ, thầy thuốc để được chữa lành. Quả thật, con người luôn có những mỗi tương quan và cần đến nhau trong mỗi hoàn cảnh. Nhưng sâu sắc, mầu nhiệm hơn, người kitô hữu cần đến Chúa để Chúa biến gánh nặng trở nên nhẹ nhàng, nỗi buồn thành niềm vui và thất bại nên thành công... Lời Chúa hôm nay mời gọi con người tựa nương vào Chúa, đến với Chúa để được chữa lành không chỉ bệnh tật nơi thân xác nhưng quan trọng hơn là những căn bệnh tâm hồn.
Mở đầu bài Tin Mừng, thánh Máccô thuật lại việc Chúa Giêsu bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu để được chữa lành. Có lẽ, nghe danh Đức Giêsu đã lâu, giờ có cơ hội Chúa đến, người ta vội vàng đưa người bệnh xin Chúa đặt tay. Chắc hẳn, người bệnh đang cần Chúa, cần một vị lương y có thể chữa lành và giúp anh khỏi bệnh. Kinh Thánh không nhắc tới việc trước kia anh đã chạy chữa ở những đâu nhưng theo tâm lí tự nhiên “có bệnh thì vái tứ phương”. Có thể anh đã chạy chữa nhiều nơi hoặc giả thiết anh không có điều kiện chữa trị thì anh và những người thân luôn luôn khao khát được chữa lành. Đức Giêsu đến chính là nguồn vui và cứu cánh của anh. Người kéo riêng anh ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai, nhổ nước miếng bôi vào lưỡi anh. Đức Giêsu có thể chữa khỏi cho anh bằng một quyết định thoáng qua hay bằng lời nhưng Người làm những cử chỉ chăm sóc chạm tới anh, can thiệp vào đời anh với quyền năng siêu việt. Những cử chỉ Chúa Giêsu làm bày tỏ một tình yêu gần gũi, chân thành. Đó là tình yêu thực tế chứ không phải tình yêu của một vị Thiên Chúa uy quyền, cao sang ở đâu xa vời. Hành động của Chúa dạy chúng ta một bài học lớn lao về sự quan tâm, giúp đỡ người khác không chỉ trên phương diện tình cảm, ý tưởng, dự định, chương trình nhưng cần có việc làm cụ thể liên hệ đến nhu cầu hiện tại của người được cứu giúp. Nhờ đó, họ nhận ra tình yêu thương chân thành, đích thực. Cùng với những cử chỉ, khi chữa lành bệnh nhân, Chúa Giêsu hướng về Chúa Cha với lời cầu thống thiết.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện với toàn thân xác và hơi thở của mình để giúp anh được khỏi. Đó là cách Chúa mời gọi từng người kitô hữu chúng ta phải biết hướng lên Thiên Chúa với tâm tình tha thiết nguyện cầu. Một ý nghĩa sâu xa hơn, Lời Chúa cho chúng ta nhìn lại cuộc sống tương giao giữa ta và Chúa. Nhiều lúc chúng ta cũng giống hệt như anh điếc và ngọng. Điếc nên ta không nghe được tiếng Chúa, không nghe được thì ta không biết Chúa nói gì và ta không làm theo ý Chúa. Không những điếc, ta còn ngọng. Ngọng khi không biết nói chuyện với Chúa, không biết nói với người khác về Chúa. Những căn bệnh tâm linh ấy chỉ được chữa lành khi ta biết đến với Chúa. Người luôn sẵn lòng rửa sạch mọi vết nhơ, tội lỗi, chữa lành mọi vết thương nơi con cái mình.
Xã hội hôm nay đã có bao nhiêu người biết đến với Chúa để xin ơn chữa lành? Một thực tế khi không ít người trên thế giới vừa điếc vừa ngọng. Không phải điếc và ngọng về thể lí, nhưng đau lòng và đáng thương hơn là những căn bệnh tâm linh. Họ không chịu đến với Chúa để nghe Lời Chúa dạy. Họ làm ngơ trước tiếng lương tâm mách bảo làm lành, lánh dữ. Đâu đó vẫn có người không nghe được tiếng kêu khóc của những người bệnh tật, nghèo khổ. Xót xa hơn là trái tim người cha, người mẹ không nghe được tiếng kêu cứu của các thai nhi đang rêu xiết, quằn quại trong bụng. Có khi con người còn vô tâm, bịt tai trước nỗi đau của người khác để sống cho yên phận... Con người còn bị ngọng, bị câm khi không nói những lời chân thật, không nói lên tiếng nói của Thiên Chúa. Họ không dám tuyên xưng đức tin. Họ ngọng khi nói những lời thiếu yêu thương, bác ái, tha thứ. Những căn bệnh này đã ăn sâu vào tâm hồn con người khiến trái tim bị chai đá, vô cảm. Lời ca trong Thánh vịnh đã thừa nhận một thực tế: “Phần con như kẻ điếc chẳng nghe gì, tự người câm không hề mở miệng” (Tv 37,14). Có lẽ, chúng ta đang nấc lên một nỗi đau với Chúa khi nhân loại bịt tai trước lời mời gọi yêu thương của Cha nhân từ. Nhưng chúng ta không thất vọng vì vẫn còn biết bao tâm hồn luôn đến với Chúa, tựa nương vào Chúa và tôn vinh Chúa là hạnh phúc đích thực. Không chỉ có riêng các Thánh, các linh mục, tu sĩ biết lắng nghe Lời Chúa, dấn thân phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân mà còn có biết bao tín hữu nhiệt thành sẵn sàng thi hành ý Chúa, rao giảng Lời Chúa bằng đời sống đạo đức, giàu tình yêu. Đó chính là những con người biết luôn mở tai để đón nhận Lời Chân Lý; mở miệng để tuyên xưng đức tin và dám ra đi làm chứng cho Chúa. Hy vọng những hình ảnh ấy sẽ khơi lên trong tâm hồn chúng ta những suy tư rất riêng cho mỗi người.
Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại chính bản thân mình, soi mình trong ánh sáng Lời Chúa. Có lẽ, chúng ta đang mắc những căn bệnh nguy hiểm mà không hay biết. Chúng ta cần đến với Chúa để xin người chạm tới và chữa lành. Người sẽ mở đôi tai chúng ta, Người sẽ giúp chúng ta nghe thấy những âm thanh dịu ngọt của Tình Yêu, Người sẽ cho ta nghe ý muốn của Chúa để ta thi hành. Đó là bước theo dấu chân Chúa Giêsu Kitô và trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Khi ấy, ta có thể mạnh dạn tuyên xưng đức tin, can đảm nói Lời của Chúa để an ủi những người khác như chính Chúa đã yêu thương họ. Chúa luôn mở rộng vòng tay để chờ đợi nhân loại tội lỗi khiêm nhường đến với Người và xin ơn chữa lành.
Lạy Chúa, cuộc đời chúng con còn bao bệnh hoạn, tật nguyền. Đau đớn về thể xác thì ít nhưng đau yếu về tâm linh thì nhiều. Xin Chúa cho chúng con luôn biết đến với Chúa bằng thái độ khiêm nhường, tin tưởng, phó thác. Xin cho chúng con dám buông cuộc đời mình trong bàn tay quan phòng của Chúa để Chúa động chạm, cắt tỉa, gột rửa và chữa lành. Ước gì tâm hồn từng người chúng con luôn cảm nếm được Tình Yêu dịu ngọt của Chúa mà trung thành, hăng hái, vui bước trên con đường theo Chúa. Amen.
Yêu đến cùng
Tiền Tập Viện
— ∞ + ∞ —
CHÚA GIÊSU CHỮA NGƯỜI VỪA ĐIẾC VỪA NGỌNG
Là con người, ai trong chúng ta cũng mong ước mình có được một cơ thể khỏe mạnh, lành lặn và hoàn hảo, Nhưng trong thực tế không phải ai cũng được may mắn như thế. Anh thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay chính là một trong số những người không may mắn như vậy, nhưng với niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa tình yêu, anh đã biến sự không may mắn của mình trở thành phép lạ.
Anh thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay đã bị bệnh câm điếc khống chế và trói buộc khiến cho việc giao tiếp của anh với người xung quanh bị hạn chế. Mặc dù bị hạn chế trong giao tiếp và trong các mối tương quan vì anh không thể nghe, nhưng mối tương quan của anh với Chúa Giêsu thì không hề bị hạn chế. Điều này được thể hiện qua việc anh mở lòng ra để cho những người xung quanh đưa anh đến với Chúa. Sự mở lòng của anh đã đem lại cho anh ơn chữa lành, và chính Chúa Giêsu đã chữa lành cho anh.
Thánh Maccô thuật lại: “Đức Giêsu lấy tay đặt vào lỗ tai anh và lấy nước miếng bôi vào lưỡi anh”. Quả thật, cách làm của Chúa theo cái nhìn tự nhiên chúng ta cảm thấy không được vệ sinh cho lắm, nhưng ẩn sâu bên trong việc làm của Đức Giêsu đã mang một ý nghĩa khác. Cái đụng chạm của Chúa là cái đụng chạm của yêu thương. Bởi vì Chúa có thể chữa lành cho anh chỉ bằng một lời phán như khi Chúa chữa cho người đầy tớ của viên sĩ quan (x. Mt 8,5-14).
Điếc thể lý đã làm anh thanh niên bị hạn chế trong các mối tương quan, phải sống trong sự cô đơn và co cụm mình lại, nhưng điếc thiêng liêng còn đáng sợ hơn, vì nó làm chúng ta không nghe được tiếng Chúa, tiếng lương tâm, không nghe được nhu cầu của anh chị em xung quanh, không nghe được tiếng thôi thúc làm việc lành, việc đạo đức, việc hy sinh, sự thôi thúc sống thánh thiện, và xa tránh điều dữ.
Ngày nay, trên thế giới và ngay trên mảnh đất quê hương Việt Nam yêu dấu của chúng ta, và đặc biệt là hai thành phố lớn là Thành Phố Hồ Chí Minh và Bình dương đang oằn mình để chống lại cơn đại dịch khủng khiếp. Các nhân viên y tế, các tình nguyện viên đang ở tuyến đầu xả thân quên mình để chăm lo cho bệnh nhân. Bên cạnh sự vất vả đó còn vô số sự vất vả thiếu thốn của những người nghèo và những cái chết cô đơn, không người thân bên cạnh…
Lạy Chúa, cộng đoàn của chúng con cũng đang sống giữa trung tâm của đại dịch nhưng với sự quan phòng yêu thương của Chúa chúng con vẫn được bình an. Chính trong sự bình an này nếu chúng con không ý thức chúng con dễ bị rơi vào tình trạng điếc thiêng liêng trước sự đau khổ của anh chị em và cái điếc thiêng liêng này khiến chúng con không thấy được thông điệp Chúa muốn gửi đến qua đại dịch, trái lại nó chỉ là một nỗi khiếp đảm. Cũng vậy, anh thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay đã ý thức được sự hạn chế của mình và mở lòng ra với Chúa nên anh đã được chữa lành. Xin Chúa cho chúng con nhận ra được những gì đang trói buộc chúng con, xin cho chúng con biết mở lòng ra với tình yêu thương của Chúa để chúng con được chữa lành. Amen.
Maria Nguyễn Cúc
Cộng Đoàn MTG Camêlô