MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Tình yêu là điều kì diệu nhất trong cuộc sống, là nguyên lí và con đường đưa con người đến hạnh phúc. Tình yêu nâng con người lên một tầm cao mới, hướng tới Đấng Siêu Việt vượt mọi thời gian và không gian. Nhưng tình yêu không thể định nghĩa hay diễn tả thành lời cách chính xác. Con người chỉ có thể hiểu và khám phá ra sức mạnh kì diệu của tình yêu khi bước vào một mối tình đích thực và chìm mình trong đó. Khi ấy, khuôn mặt của tình yêu sẽ tự khắc in hình trong trái tim để con người được thỏa lòng chiêm ngắm. Tình yêu đích thực là chính Thiên Chúa - một tình yêu viên mãn lấp đầy mọi khắc khoải thâm sâu của con người. Đến muôn đời, Thiên Chúa vẫn mời gọi từng người đi vào tình yêu ấy để “chìm sâu trong Ngài”. Lời mời gọi của Thiên Chúa được cụ thể trong giới răn “Mến Chúa Yêu Người” và đó là giới răn trung tâm của toàn bộ đời sống Kitô giáo.
Lời Chúa dẫn chúng ta đến điểm cao, điểm cốt lõi của lề luật là “yêu Chúa hết lòng và yêu anh em như chính mình”. Người Do Thái, nhất là các kinh sư và Pharisêu đều biết hai điều răn này nhưng họ không biết điểm độc đáo nối kết hai điều răn ấy thành một đó là: “Mến Chúa là yêu người và yêu người là mến Chúa”. Khi chúng ta không yêu thương con người đồng nghĩa với việc chối bỏ Thiên Chúa; và chối bỏ Thiên Chúa chính là chà đạp con người.
Mở đầu bài Tin Mừng, Chúa Giê-su nói với người kinh sư điều răn đứng đầu “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12,30). Đó là một lệnh truyền, một đòi hỏi rất rõ ràng: Tình yêu dành cho Thiên Chúa phải là tình yêu triệt để và trọn vẹn bằng cả trái tim, sự sống và lí trí. Thiên Chúa muốn ta yêu Ngài bằng tất cả con người của mình. Sống điều răn thứ nhất là ưu tiên cho một mình Thiên Chúa, tuân giữ các điều răn Chúa dạy, sống kết hợp với Chúa trong từng biến cố, giây phút trong cuộc đời. Đặc biệt, mến Chúa phải được thể hiện bằng việc từ bỏ mọi sự để thuộc trọn về Chúa và yêu như chính Chúa đã yêu. Mỗi người Kitô hữu đều được mời gọi bước vào mối tình với Thiên Chúa. Yêu Chúa là đón nhận sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình, chấp nhận làm kẻ lội ngược dòng dù cho dòng chảy ấy có ngọt ngào, hấp dẫn và cuốn hút để đón lấy những bấp bênh gian khổ của đường Thánh giá. Yêu Chúa là để Chúa bóc trần những tâm tư sâu xa nhất, lột tẩy những yếu đuối ẩn bên trong để con người được chữa lành. Yêu Chúa là để Chúa biến đổi tất cả và trở nên một với Người. Những ai sống được tình yêu như thế sẽ dành được phần thưởng lớn lao là hạnh phúc đích thực bên nhan Chúa.
Yêu mến Thiên Chúa đưa dẫn con người đến tình yêu tha nhân “yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,31). Tình yêu tha nhân bắt nguồn từ tình yêu dành cho Thiên Chúa. Người ta không thể yêu Chúa mà không yêu tha nhân vì tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa. Thánh Gioan đã khẳng định: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương anh em mình trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Ngược lại, người ta không thể yêu tha nhân mà lại không yêu mến Thiên Chúa, Đấng đã tác tạo nên con người và ban cho con người những điều thiện hảo. Vì thế, yêu mến Thiên Chúa và yêu tha nhân chỉ là một và không thể tách rời nhau. Điều này, thánh Têrêsa Avila đã diễn giải như sau: “Hoa trái của sự kết hợp với Thiên Chúa luôn luôn là yêu thương tha nhân và tình yêu tha nhân đích thực thì luôn qui hướng về sự kết hợp với Thiên Chúa”. Bởi vậy, tình yêu không cho phép con người dửng dưng trước đau khổ của đồng loại, ở lì trong ranh giới an toàn của chính mình mà bưng tai bịt mắt trước tiếng kêu than của nhân loại. Tình yêu đòi hỏi một con tim biết nhạy bén với từng nhu cầu, với nỗi đau của tha nhân. Mỗi khi ta chia sẻ, giúp đỡ những người bên cạnh là ta làm cho chính Chúa vì “Ta bảo thật các ngươi mỗi lần các ngươi làn như thế cho một trong những anh em bé nhỏ của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Không chỉ dừng lại ở điều đó, yêu tha nhân còn là đón nhận những trái ý, hiểu lầm và yêu cả kẻ thù. Cho dù “tha nhân có là hỏa ngục” (triết gia Jean Paul Satre) thì Thiên Chúa vẫn muốn ta sống yêu thương vì chính Ngài là tình yêu. Chúa Giêsu đã sống một cách trọn vẹn giới luật yêu thương. Cả cuộc đời của Người là định nghĩa đầy đủ, chính xác nhất về một “tình yêu trọn vẹn”. Đỉnh cao của tình yêu là khi Ngài bị treo trên thập giá, trong hơi thở yêu ớt Người đã xin Chúa Cha tha cho những kẻ đóng đinh mình. Trên thập giá, tha thứ đạt tới tột đỉnh của tình yêu. Nơi ấy đã trở nên minh chứng sống động nhất về giáo huấn của Ngài. Vì vậy, những cố gắng yêu thương dành cho tha nhân trở thành bậc thang dẫn ta đi vào huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa và sau cùng giúp ta có được hạnh phúc trọn vẹn.
Trong thế giới hôm nay, trước cơn đại dịch đang gây ra biết bao đau khổ cho nhân loại, chúng ta càng mong chờ ngọn lửa tình yêu. Hàng triệu người mất đi mạng sống, bao gia đình chịu cảnh tang tóc chia li, người còn sống phải vật lộn với bế tắc tư bề. Đau khổ liệu có trở thành thế lực bóp nghẹt trái tim con người, ngăn cản tiếng gọi tình yêu Thiên Chúa? Thực tế cho thấy giữa cơn bão tố cuồn cuộn, lửa hồng tình yêu vẫn rực cháy. Biết bao người đã và đang quên mình lao vào trận tuyến để cứu chữa và phục vụ các bệnh nhân. Nhiều bác sĩ, tình nguyện viên dành hết tâm sức vì đồng loại. Và có biết bao nghĩa cử âm thầm giữa cơn đại dịch là tiếng nói bênh vực sự thật, hành động nhường máy thở cho bệnh nhân khác, góp sức mình cứu trợ vùng dịch,… Tất cả đã trở nên những dấu chỉ của Tình Yêu Thiên Chúa giữa thế gian. Vì thế, chúng ta không được thất vọng, ngã lòng, từ bỏ nhưng hãy ở lại trong tình yêu MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI để cuộc sống ngày thêm tươi sáng hơn.
Lạy Chúa! Chúa đã ban cho mỗi người chúng con có một trái tim biết yêu thương, nhưng trái tim của chúng con dường như đã bị khô cằn khiến cho chúng con khó mở lòng để yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Xin cho chúng con có một quả tim quảng đại như Chúa để chúng con đừng khép lại chính mình, nhưng vượt lên mọi tình cảm tầm thường mà mặc lấy tinh thần bao dung tha thứ, bỏ đi mọi oán hờn nhỏ nhen, mọi ích kỉ để có thể yêu tha nhân như Chúa đã yêu chúng con. Amen
Maria Kiều Nga
Cộng đoàn MTG Sơn Tây
— ∞ + ∞ —
ĐIỀU RĂN ĐỨNG ĐẦU
Điều răn đứng hàng đầu là:“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”. Điều răn thứ hai là:“người phải yêu người thân cận như chính mình”.
Thật vậy, giới luật mến Chúa, yêu người là điều cốt lõi của đời sống người kitô hữu. Đây chính là kim chỉ nam hướng dẫn người Kitô hữu trên đường tiến về quê trời. Nhưng không phải ai cũng ý thức để sống, và sống cách sung mãn. Vì thế, qua câu hỏi của người kinh sư về điều răn đứng đầu, Chúa Giêsu một lần nữa khẳng định lại cho con người biết giới răn quan trọng nhất của người Kitô hữu là: yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu người thân cận như chính mình. Câu trả lời của Chúa Giêsu như một lời mời gọi mỗi người Kitô hữu nhìn lại căn tính Kitô của mình ngay trong cuộc sống thường ngày.
Sinh thời, Chúa Giêsu xuống thế làm người, Người đã sống tình yêu trọn hảo với Thiên Chúa. Đời sống ấy được thể hiện bằng thái độ vâng phục “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn chút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống như phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập tự” (Pl 2,6-8.) Chúa Giêsu đã sống tình yêu dành cho Thiên Chúa Cha bằng thái độ vâng phục. Ngài không sống cho riêng mình, nhưng tùy thuộc hoàn toàn vào Cha. Ngài phát xuất từ Cha, luôn quy hướng về Cha, gắn bó với Cha, yêu mến Cha, sống nhờ Cha và làm theo ý Cha. Ngài hoàn toàn đặt mình trong bàn tay Cha, trao quyền làm chủ đời mình cho Cha. Từ mọi lời nói, việc làm, cách hành xử của Chúa Giêsu đều quy hướng về Cha và chính Ngài đã khẳng định “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Tình yêu với Chúa Cha đã được Chúa Giêsu thể hiện cách trọn vẹn trên thập giá. Dù trong cơn đau đớn tận cùng của thể xác và tình thần đến nỗi Người phải thốt lên “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con.” (Mt 27,46), nhưng Chúa Giêsu vẫn phó thác cuộc đời mình trong tay Cha“ Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”(Lc 23,46). Đây chính là một tình tuyệt đỉnh dành cho Thiên Chúa. Quả thật, tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Thiên Chúa Cha, là nguồn mạch tuôn chảy ra tình yêu dành cho nhân loại. Vì yêu nhân loại Chúa Giêsu đã vượt qua mọi biên giới, mà biên giới lớn nhất đó là khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người, để minh chứng tình yêu. Tình yêu ấy đã thắng vượt sự chết và hơn thế nữa là mang lại sự sống, niềm hạnh phúc vĩnh cửu cho con người. Một tình yêu quảng đại dành cho tất cả mọi người, ngay cả những kẻ phản bội, vô ơn, hay thù ghét Ngài, thì tình yêu ấy vẫn bao trùm lấy cuộc đời của họ. Chúa Giêsu chấp nhận tự nguyện chết đi chính mình để giới răn yêu thương được triển nở trong tâm hồn con người.
Nhìn lại đời sống của người Kitô hữu hôm nay trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa và anh chị em mình, mỗi người phải tự vấn lương tâm: Thiên Chúa đang ở vị trí nào trong cuộc đời tôi? Người có còn là chỗ nhất trong cuộc sống của tôi không? Thật vậy, con người ngày hôm nay không còn quy hướng về Thiên Chúa là Đấng đã sinh ra họ, Đấng đã dùng chính sự sống của mình để cứu chuộc nhân loại. Thay vì yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn, con người lại tìm đủ mọi cách, mọi hình thức để loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình. Con người coi những giá trị trần tục như tiền bạc, danh vọng, địa vị lạc thú là cứu cánh cho cuộc sống, mà quên đi giá trị địch thực là chính Thiên Chúa. Xã hội ngày nay, con người thường đề cao chủ nghĩa cá nhân để làm điều xấu. Từ việc loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình, dẫn tới sự đổ vỡ trong tương quan huynh đệ. Mối tương quan từ người đến người không còn thiết lập trên tình yêu, nhưng trên giá trị vật chất. Không còn “chị ngã em nâng” (ca dao tục ngữ), hay “sống tình bác ái “Tha tới bảy mươi lần bảy”, hoặc “Yêu tha nhân như chính mình” nhưng thay vào đó là một lối sống ăn miếng trả miếng, hận thù chia rẽ đang diễn ra khắp nơi.
Đứng trước một xã hội đang loại bỏ Thiên Chúa và tương quan tình yêu giữa con người với người, Chúa Giêsu mời gọi con người, cách riêng mỗi người Kitô hữu cần phải làm tất cả với những dấu chỉ biểu lộ ra bên ngoài để diễn tả tình yêu của mình với Thiên Chúa và tha nhân. Điều đó có thể được thể hiện nơi những mối tương quan thường ngày giữa người với người; hoặc trong mối tương quan láng giềng, bạn bè, kể cả cha mẹ, con cái, anh chị em trong gia đình hay giữa tình thân vợ chồng. Từ những dấu chỉ đơn sơ, vị tha đến chỗ hy sinh để tha thứ cho nhau và yêu thương nhau nhiều hơn.
Lạy Chúa! Đứng trước một xã hội đang trên đà hưởng thụ, thiếu bóng dáng tình yêu Thiên Chúa dễ làm chúng con quên mất Chúa. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng Chúa chính là cùng đích của cuộc đời mình, để chúng con có thể yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Và từ tình yêu với Chúa, chúng con có thể yêu thương anh em như chính mình. Amen.
Cộng Đoàn MTG Vĩnh Quang