Bài Tin Mừng theo thánh Luca trong ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa mà Giáo Hội cử hành mừng kính hôm nay nằm trong những trình thuật đầu tiên về sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu. Đối với Phụng vụ, biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa sẽ khép lại mùa Giáng Sinh và bắt đầu mùa Thường niên với những lời giáo huấn, các dụ ngôn, và chiêm ngưỡng lại tất cả các phép lạ của Chúa Giêsu. Biến cố chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan rất quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu. Quan trọng không phải là do phép Rửa, mà là những gì xảy ra tiếp theo sau đó: Sau khi chịu phép rửa, thì Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài dưới hình chim bồ câu và có tiếng từ trời phán:
“Con là Con yếu dấu của Cha. Con đẹp lòng Cha”. Từ biến cố này, Chúa Giêsu chính thức nhận “bài sai” của Chúa Cha để bước vào chương trình rao giảng tình thương cứu độ của Thiên Chúa ở trần thế. Bài suy niệm này, xin dừng lại và cùng suy niệm ở hình ảnh
dìm mình xuống nước của Chúa Giêsu để chịu phép rửa thống hối của ông Gioan Tẩy giả để chúng ta thấy được sự khiêm nhường, tự hạ và ôm lấy tất cả những yếu đuối, tội lỗi của con người.
Chính bởi tình thương và để cứu con người khỏi sự chết, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài xuống thế để cứu chuộc nhân loại (x.Ga3,16). Như thế, Thiên Chúa không dùng sợi dây hay cây sào để cho con người nắm mà kéo họ vào bờ sự sống, nhưng Con Thiên Chúa đã “nhảy” xuống dòng sông nhầy nhụa để cứu con người. Khi nhập thể và nhập thế, Con Thiên Chúa đã mang lấy tất cả tội lỗi chúng ta. Ngài là Đấng vô tội mà theo lời Thánh Phaolô:
“Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Ngài" ( 2Cr 5,21). Khi vào trần thế, sống giữa nhân loại, Chúa Giêsu chấp nhận tượng thai trong lòng một Trinh nữ nghèo khó, dưỡng phụ cũng khó nghèo. Vì thế, Ngài không sinh ra trong cung điện nguy nga, lộng lẫy, không sinh ra trong sự chào đón, vỗ tay, hoan hỷ trong những bản nhạc sôi động, bữa tiệc tưng bừng. NhưngNgài đã sinh ra trong hang bò lừa, máng cỏ cùng với các mục đồng, các người di dân và vô gia cư, những mảnh đời bị coi như thấp bé và sống bên lề của xã hội thời bấy giờ để nói lên sự khiêm hạ, cúi mình xuống để sống và ở với con người cách tận cùng và sâu thẳm nhất của kiếp con người của Vua Tình Yêu. Qua đó, chúng ta thấy được sứ mạng của Chúa Giêsu là đến với tầng lớp người khiêm hèn. Người xuống thật thấp để gần gũi, sẻ chia và nâng họ dậy. Sự khiêm hạ, từ bỏ vinh quang để trở nên giống phàm nhân và sống như chúng ta của Chúa Giêsu còn được thánh Phaolô trình bày trong thư của ngài (x.Pl 2,6-8). Hành động Chúa Giêsu bước xuống sông Giođan để chịu phép rửa cho thấy Ngài đã xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội. Chúa Giêsu cũng xếp hàng vào dòng người như một tội nhân, như một người tội lỗi, hòa mình với những người thu thuế, những người đàng điếm, những tên côn đồ, và với bao nhiêu người tội lỗi khác, chăm chú nghe Gioan rao giảng và để chờ bước xuống dòng sông Giođan, nhờ Gioan làm phép rửa cho mình. Và khi dìm mình vào dòng sông Giođan, Chúa Giêsu cũng dìm tất cả tội lỗi nhân loại vào trong đó, để khi Ngài lên bờ, mọi tội lỗi đã được giũ sạch, và “trời mở ra”. Tất cả những điều đó cho chúng ta thấy một Thiên Chúa khiêm nhường, nhưng không và quảng đại; một Thiên Chúa của lòng thương xót, của sự sẻ chia và yêu thương cho đến cùng; một Thiên Chúa đến với tận đáy của xã hội con người và đón nhận hết tất cả tội lỗi, khổ đau, yếu đuối của con người. Còn chúng ta thì sao? Qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được sinh ra trong sự sống mới, được trở nên nghĩa tử của Chúa Cha, là chi thể của Chúa Kitô, là đền thờ Chúa Thánh Thần và được dự phần vào vinh quang của Chúa, chúng ta phải làm thế nào để sống trọn vẹn ơn gọi làm con Chúa một cách xứng đáng theo gương Chúa Giêsu?
Giữa bối cảnh của thế giới xa lìa Thiên Chúa vì tính kiêu căng, tự mãn, muốn thống trị của con người ngày nay; một thế giới đang dùng sự dữ, sự thù hận của “chủ nghĩa cá nhân” là khí giới để thâu tóm, chà đạp, tiêu diệt, tàn sát lẫn nhau. Bên cạnh đó, do khủng hoảng trầm trọng của cơn đại dịch Covid gây ra, cách nào đó, nó đã và đang làm con người nói chung và ngay cả mỗi người chúng ta nói riêng trở nên sống trong sự sợ hãi, co cụm, thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại và tự đặt câu hỏi: Thiên Chúa ở đâu trong cơn đại dịch? Là người Kitô hữu, chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi hãy tin tưởng, tín thác vào tình yêu và sự quan phòng của Ngài. Ngài không bỏ rơi chúng ta, Ngài đang và mãi ở với chúng ta, nhất là những khi chúng ta gặp khó khăn, đau khổ. Ngài mời gọi chúng ta hãy đến và ở lại trong tình yêu, sự che chở của Ngài qua việc chúng ta hãy thoát ra khỏi sự co cụm, ù lì, ích kỷ và kiêu căng của bản thân. Thay vào những thói đó là sự
khiêm nhường đi đến và “nhảy vào” cuộc đời của những người anh chị em xung quanh mình, nhất là những mảnh đời bất hạnh, nghèo khổ, bệnh tật và thấp hèn nhất trong xã hội bằng sự chăm sóc, sẻ chia, đồng cảm, chữa lành, và như thế, chính lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ xoa dịu những nỗi đau ấy và tình yêu của Ngài được toả lan khắp nơi.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con mỗi ngày trở nên giống hình ảnh của Chúa qua sự khiêm nhường, tự hạ, sống trọn tình người và ôm lấy tất cả những đau đớn, tội lỗi của người khác. Như thế, chúng con sẽ được tiếp nối sứ mạng cứu độ của Ngài trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa Cha. Xin cho chúng con biết cùng nhau chung tay, dự phần với các thành phần trong Giáo Hội để cùng hướng đến một Hội Thánh HIỆP HÀNH: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ, qua đó, không một ai bị bỏ lại phía sau trên cuộc hành trình tiến về nhà Cha trên trời. Amen.