SỐNG CHẬM ĐỂ CẢM NHẬN NHIỀU HƠN
WMTGHH - Người ta thường nói: “Sống chậm lại để không hời hợt, chậm lại để nuôi chín cảm xúc, để lắng nghe nhịp chảy của cuộc sống, nhịp chảy của chính con tim mình, để nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều gì là thoáng qua. Bước chậm lại bạn sẽ không bị vấp ngã, vì biết đâu trên con đường mà bạn đang đi phía trước đầy nguy hiểm, chậm lại có thể bạn vẫn bị ngã nhưng vết thương sẽ nhẹ nhàng hơn và nỗi đau sẽ không sâu như thế!”. Quả thật, sống chậm để ta có thể cảm nhận những gì tốt đẹp mà đôi khi trong cuộc sống ta không thể thấy vì quá vội vàng. Chính vì thế, Mùa Chay là thời gian thuận tiện nhất để chúng ta sống chậm lại, cùng lên núi với Chúa Giêsu để tìm lại những giá trị đích thực của đời người.
Một Mùa Chay nữa lại về với mỗi người Kitô hữu chúng ta. Nhưng có lẽ Mùa Chay năm nay sẽ khác hơn, không khác về ý nghĩa, nhưng khác ở tâm tư và thái độ sống của mỗi người. Giáo hội cùng bước vào Mùa Chay, một mùa rất đặc biệt khi thế giới đang bị chao đảo, rụng rời niềm tin trước sự bùng phá của đại dịch Covid, thêm vào đó là những trận chiến tranh tàn khốc của một số nước trên thế giới, như cuộc chiến giữa Nga và Ukraine hiện nay. Ai trong chúng ta cũng lo lắng băn khoăn không biết khi nào tai họa sẽ đến với mình và gia đình mình. Vì thế, lời mời gọi sống chậm lại thật sự cần thiết cho chúng ta trong thời gian này, đặc biệt với Mùa Chay năm nay. Cũng vậy, bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi ba môn đệ thân tín nhất cùng lên núi để có khoảng thời gian sống chậm lại. Đây cũng chính là mời gọi mỗi người chúng ta hãy cùng lên núi với Ngài. Tuy nhiên, lên núi không phải để ngao du sơn thủy, hay như chúng ta đi dã ngoại cần đồ này đồ kia, và phải tổ chức một chương trình hoành tráng, ngồi thưởng thức những bản nhạc và nhâm nhi ly cà phê, nhưng Chúa muốn các môn đệ cũng như chúng ta “sống chậm lại” trên nhịp sống ồn ào và những vội vã của cuộc sống hàng ngày để cùng lên núi nối lại tình thân với Ngài, trở về với những góc tối của tâm hồn, và cùng trải qua một quá trình lột xác đầy đau đớn, đầy gai chông. Quả thật, chỉ khi sống chậm lại, chúng ta mới có thời khắc để cầu nguyện, để lắng nghe, để đón nhận Thánh ý Chúa Cha. Sống chậm lại để lắng nghe nhiều hơn, bởi nếu chịu khó lắng nghe chúng ta sẽ khám phá và nhận ra ý hướng của Chúa muốn nói với ta, để chiêm ngắm những kỳ công Chúa đã sáng tạo và nhận thấy hóa ra cuộc sống vẫn còn vô vàn thứ đáng yêu trong vỏ bọc rất đỗi giản dị, bình thường. Hơn thế nữa, khi sống chậm lại, chúng ta sẽ thấy mình còn may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều người.
Có người nói rằng: “nếu được ước một điều gì đó, tôi sẽ ước cho một ngày dài hơn 24 giờ để có thể làm được nhiều việc hơn”. Có lẽ người ước điều này đã quên rằng chính bản thân họ đã chưa thực sự tận dụng hết một ngày sống cho trọn vẹn. Không phải làm những việc phi thường mà chúng ta được tôn trọng, song là làm những việc tầm thường một cách phi thường, nghĩa là chúng ta làm với trọn tình yêu nhằm xây dựng tình người. Mùa Chay - Mùa mời gọi chúng ta mở lòng để đón nhận cuộc sống qua việc “Sống chậm, nói ít và cảm nhận nhiều hơn”. Có lẽ chúng ta thường tôn trọng những người ý thức lời nói của mình khi họ biết nói chậm rãi và chất lượng, nhưng ngược lại chúng ta đều cảm thấy khó chịu trước những lời nói thiếu bác ái, những lời gièm pha và khiêu khích, nhưng đó là cơ hội để chúng ta sống chậm lại với thái độ yêu thương, đón nhận và xây dựng tình bác ái để sinh ích cho mình và tha nhân. Chúng ta cùng sẵn sàng với Chúa trên núi Tarbo, nhờ đó chúng ta nhận ra tình yêu thương của Ngài, được Ngài biến đổi trở nên con người mới. Đặc biệt, người Kitô hữu chúng ta cần sống chậm lại, cùng lên núi với Chúa mỗi ngày, mỗi giây phút của cuộc sống, bằng những giờ tham dự Thánh lễ, kinh nguyện, những giờ cầu nguyện riêng tư, những buổi tĩnh tâm. Đó là những giây phút lên núi để gặp gỡ Chúa, để lắng nghe, để chiêm niệm, để biến đổi bản thân mình. Bởi vì chính nhờ ánh sáng trên núi Tabor, sẽ giúp cho chúng ta can đảm đón nhận từng đau đớn, từng thử thách trong cuộc sống với một tinh thần lạc quan và phó thác. Mùa Chay mời gọi các tín hữu ý thức đến chiều kích thiêng liêng một cách sâu sắc và cụ thể bằng cả nội tâm và việc làm. Đây là thời gian để người tín hữu tĩnh tâm, cùng sống chậm lại, gạt bớt đi những bon chen cơm áo gạo tiền, vì chỉ nhờ những giờ sống hạnh phúc bên Chúa mới là sức mạnh nâng đỡ ta trong những thách đố của đời sống. Núi Thánh sẽ trở thành quê hương yêu dấu để tâm hồn ta luôn hướng về, dù còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại khó khăn. Thiên Đàng thoáng thấy qua trong những giờ kết hiệp với Chúa sẽ là nguồn động viên giúp ta chu toàn mọi nghĩa vụ của con người. Như thế, khi đã xuống núi rồi, ta vẫn còn mong ước sẽ trở lên núi mỗi khi có cơ hội.
Lạy Chúa, mỗi Mùa Chay về con lại được cùng Chúa lên núi để sống chậm lại với những khoảnh khắc đặc biệt hơn. Với những phút giây sống vội giữa công việc, học tập, có đôi khi chúng con quên rằng mình đang đi quá nhanh mà không có thời gian để cảm nghiệm được vẻ đẹp của cuộc sống. Để rồi với những lo lắng, bon chen khiến chúng con có những thái độ sống chưa bác ái, có những lời nói thiếu tinh thần xây dựng, đã dành giờ cho những lời đàm tiếu nhận xét, lên án nhau, thậm chí còn có thái độ thiếu tôn trọng, thiếu yêu thương với những người sống xung quanh mình. Mùa Chay là thời gian tốt nhất để con có thể sống chậm, là thời điểm thích hợp để nhường chỗ cho Lời Chúa, là thời gian để con quyết tâm từ bỏ những lời vô bổ, tán gẫu, buôn chuyện để nhìn nhận lại con người của mình, qua việc nói ít đi và cảm nhận nhiều hơn. Nhờ đó, con có thể cùng lên núi, và cùng vào sa mạc chay tịnh để hoàn thiện bản thân, sống thân tình với Chúa và mọi người xung quanh hơn. Xin cho con biết tận dụng mọi thời khắc hằng ngày để sống chậm lại và cảm nhận nhiều hơn. Amen.
Maria Kiều Huyền
Cộng Đoàn MTG Camêlô
— ∞ + ∞ —
CON ĐƯỜNG ĐẾN VINH QUANG
Thành công trong cuộc sống luôn là mơ ước và mục tiêu của mỗi con người, nhưng để đạt được điều đó, con người bắt buộc phải trải qua những hy sinh vất vả, đi qua muôn ngàn sóng gió và cả những đau thương mất mát thì mới có thể đi tới vinh quang. Chẳng hạn như nhà khoa học vĩ đại Thomas Edison phải trải qua 10.000 lần thất bại mới phát minh ra bóng đèn điện, hay như chàng trai Nick Vujicic (người Úc) một con người tàn tật, không tay không chân, biết chấp nhận sự thiếu thốn, vượt qua những khó khăn thử thách mới có thể vươn tới thành công và trở thành biểu tượng của nghị lực sống trên toàn thế giới… Như vậy, con đường dẫn tới thành công trong cuộc sống trần gian này đã rất vất vả và khó khăn, vậy con đường theo Chúa đến vinh quang chắc chắn sẽ chất chứa biết bao những hy sinh, đau thương mất mát và thậm chí còn đánh đổi bằng cả mạng sống của mình.
Chúa Giêsu biết rằng con đường cứu độ nhân loại là một con đường thập giá, vì thế Ngài đã củng cố niềm tin và tăng thêm sức mạnh cho các môn đệ qua biến cố “biến hình” của Ngài trên núi Tabor. Ngài đã “biến hình” trong sự thánh thiện, biến hình để tỏ lộ vinh quang và căn tính thần linh của mình. Đồng thời, đó còn là câu trả lời cho các môn đệ biết trước về cuộc phục sinh siêu tôn của Chúa.
Sau khi chứng kiến nhiều phép lạ của Chúa Giêsu, các môn đệ tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, là Đấng sẽ giải thoát Israel khỏi ách nô lệ. Nhưng tám ngày trước khi Chúa biến hình, Chúa đã báo trước cho các môn đệ biết là “Ngài phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”(Lc 9,22), các môn đệ cảm thấy hoang mang lo lắng. Mặc dù các ông đã được loan báo “ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy” nhưng dường như các ông chỉ chú ý đến những gian truân, bắt bớ, bị giết chết và các ông vẫn chưa hiểu được gì. Các ông đã theo Thầy lên núi nhưng các ông đâu có cùng Thầy cầu nguyện, các ông ngủ mê mệt. Có lẽ cuộc đàm đạo diễn ra cũng không ngắn nên khi các môn đệ thức giấc thì cuộc đàm đạo vẫn đang xảy ra: “Khi tỉnh hẳn các ông nhìn thấy vinh quang của Chúa Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người” (Lc 9,32b). Được nhìn thấy vinh quang của Thầy mình, lòng các ông ngây ngất trước cảnh tượng phi thường và ông Phêrô muốn giữ mãi hạnh phúc này. Phêrô thốt lên với Thầy: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê và một cho ông Êlia” (Lc 9,33). Khi đứng trước những việc bất ngờ và tuyệt vời, thông thường người ta vẫn muốn giữ lại sự tuyệt vời ấy. Ông Phêrô cũng không ngoại lệ, ông cũng muốn giữ mãi hạnh phúc này nhưng không thể được, vì đó là cái mong muốn ích kỷ của ông chứ không phải ý của Thầy. Ngay lúc ông Phêrô đang nói thì có tiếng từ đám mây phán: “Đây là con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35). Tiếng phán từ trời xác tín một lần nữa Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và kêu mời các môn đệ vâng nghe lời Người.
Chúa Giêsu nhìn thấy sự hoang mang lo sợ của các môn đệ trong hành trình sứ mạng, nên Ngài đã củng cố đức tin và an ủi các môn đệ khi cho các ông thấy vinh quang Thiên Chúa và niềm vui hạnh phúc Nước Trời là thế nào qua cuộc “hiển dung”. Biến cố này như là “liều thuốc an thần” dành cho các ông và nhắc nhở các ông rằng vinh quang chỉ đến sau khi trải qua thương đau. Để đạt tới vinh quang Phục Sinh, chính Chúa Giêsu đã đi qua con đường thập giá, và các môn đệ cũng sẽ được chung hưởng vinh quang với Thầy khi họ bước theo con đường thập giá mà Thầy Giêsu đã đi.
Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta hiểu rõ vai trò Thập giá trong cuộc đời mình, đón nhận trong tin yêu những đau khổ của cuộc sống và vững tin vào Chúa như lời thánh Phaolô nói: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người”. Qua biến cố Hiển dung giúp chúng ta xác tín rằng con đường đau khổ sẽ dẫn tới vinh quang. Theo Thầy Giêsu, chúng ta cũng sẽ được chiêm ngắm vinh quang của Thầy trong cầu nguyện, Thầy mời gọi chúng ta không chỉ dừng lại trong giây phút sốt mến ấy nhưng “xuống núi” để bước vào cuộc sống với niềm hân hoan, sẵn sàng từ bỏ mình và vác lấy thập giá mình mà bước theo Thầy. Khi hiểu được ý nghĩa con đường thập giá của Thầy Giêsu và hiểu được con đường Thầy Giêsu muốn chúng ta đi, chúng ta không chỉ cảm nghiệm tình Chúa yêu thương mà còn thúc đẩy chúng ta thật lòng ăn năn sám hối, để được biến hình cho nên giống Đấng Chịu Đóng Đinh và cùng Người chung hưởng vinh quang với Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã biến hình để củng cố lòng tin cho các môn đệ. Ngày nay, xin Chúa cũng củng cố lòng tin yếu kém của chúng con, để chúng con luôn vững tin rằng qua đau khổ sẽ đạt đến vinh quang. Xin cho chúng con trong Mùa Chay Thánh này biết luôn đón nhận những khó khăn thử thách với niềm xác tín sẽ được chung hưởng vinh quang phục sinh với Ngài, đồng thời luôn biết hy sinh hãm mình, thực hành công việc bác ái như sứ điệp Mùa Chay của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi: “Làm lành, ta đừng quản ngại từ nan, đến thời đến buổi, ta sẽ gặt, miễn là đã không bỏ buông trôi. Vậy bao lâu còn dịp, ta hãy làm lành đối với mọi người” (Gl 6, 9-10). Amen.
Maria Bùi Thuận
Cộng Đoàn MTG Camêlô